Nghịch lý thừa - thiếu của ngành điện
Sự bùng nổ của điện mặt trời hiện đã vượt gấp hàng chục lần so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Quy hoạch điện mặt trời trong Tổng sơ đồ VII chỉ có 850MW (đến năm 2020) nhưng hiện nay đã lên đến hơn 7.000MW. Điều này đã dẫn tới một loạt hệ lụy như ép giảm tải, dự án xếp hàng chờ bổ sung lên lưới điện mà chưa biết bao giờ mới đến lượt vì lưới điện đã quá tải…
Nghịch lý thừa - thiếu của ngành điện
Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 cả nước sẽ có 800 - 850MW điện mặt trời. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 11 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại VN, theo đó giá mua điện mặt trời là 9,35 US cent/kWh, có thời hạn đến 30/6/2019.
Thực ra việc quá tải đã được nói đến rất nhiều từ cuối năm 2018. Theo EVN, chỉ trong vòng chưa đến một năm sau khi Thông tư số 16 ngày 12/9/2017 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời có hiệu lực, EVN đã ký 54 hợp đồng mua bán điện với các chủ đầu tư với tổng công suất gần 3.000MW, vượt mục tiêu của Tổng sơ đồ VII hiệu chỉnh (850MW trước 2020). Tại thời điểm đó, số lượng dự án điện mặt trời được cấp phép đã vượt gấp 9 lần so với Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) và nhiều hệ thống truyền tải đã quá tải, đầy tải nhưng Bộ Công thương vẫn xin bổ sung thêm 17 dự án.
Đặc biệt, nếu cuối tháng 4/2019, toàn hệ thống chỉ có 4 nhà máy điện mặt trời nối lưới với tổng công suất chưa tới 150MW, thì đến ngày 30/6/2019 Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia đã đóng điện 82 nhà máy điện mặt trời với công suất là 4.464MW. Đây là kỷ lục trong suốt lịch sử ngành điện lực Việt Nam về số lượng các nhà máy điện mới đóng điện hòa lưới lần đầu tập trung trong một khoảng thời gian ngắn (chỉ 3 tháng). Như vậy, ở đây có nguyên nhân một phần là do các nhà đầu tư chạy đua đóng điện trước ngày 30/6/2019, đây là hạn cuối cùng để được nhận ưu đãi của Chính phủ.
Có việc chạy đua như vậy cũng là do chính sách thiếu cái nhìn tổng thể. Nếu không đưa ra một thời hạn mang tính chất bức bách như vậy thì các nhà đầu tư sẽ không phải đổ xô vào làm cho bằng được để hưởng mức ưu đãi của Nhà nước.
Nhiều nhà máy năng lượng tái tạo, kể cả điện mặt trời lẫn điện gió buộc phải giảm công suất để đảm bảo việc điều độ và dự kiến việc giảm tải này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Lý do: hạ tầng truyền tải điện không cho phép.
khanh-hoa-moi-thau-du-an-nha-m-7956-3946
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc buộc phải giảm công suất phát điện cả điện gió lẫn điện mặt trời là nghịch lý rất lớn.
Các cơ quan liên quan đã gần như bỏ quên khâu đầu tư vào truyền tải điện, nên đã xảy ra nghịch lý các nhà đầu tư đầu tư vào khâu phát điện thì lại không có khả năng bán điện do nơi mua điện không đủ khả năng tiếp nhận. Một lý do góp phần gây nên sự quá tải là hàng loạt nhà máy điện mặt trời tập trung ở 6 tỉnh miền Trung và miền Nam, gây áp lực rất lớn cho khả năng tải lượng điện phát ra từ điện mặt trời lên lưới. Nhiều công trình lưới điện đấu nối lưới điện khu vực rơi vào tình trạng đầy, quá tải. Điển hình là đường dây 110kV Phan Rí - Ninh Phước. Đường dây này chỉ có công suất 100MW nhưng vừa qua có tới 10 dự án điện mặt trời đấu nối, khiến phải chịu tải lên đến 400MW.
Việc này đang ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo. Đây cũng sẽ là lý do làm cho các nhà đầu tư mới về điện ngần ngại, không có gì đảm bảo cho việc họ sản xuất ra điện nhưng sẽ được mua hết. Trong khi Chính phủ đang ra sức khuyến khích các nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo thì đây thực sự là nghịch lý vô cùng to lớn.
Ngày 26/6/2019, Hiệp hội điện gió Bình Thuận (BTWEA) đã gửi kiến nghị lên Bộ Công Thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam phản ứng vì bị ép cắt giảm công suất phát điện. Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch BTWEA, cho biết trong tháng 6/2019, cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia đã ép các dự án điện gió phải cùng cắt giảm công suất với các dự án điện mặt trời mới hòa lưới. Tỷ lệ yêu cầu cắt giảm công suất từ 38-64% và ngày nào cũng bị cắt. Trước đây khi các doanh nghiệp này ký với EVN hợp đồng mua bán điện, không có điều khoản nào nói đến việc yêu cầu phải cắt giảm công suất.
Theo công văn trên: “Lưới điện bị quá tải và việc này là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chứ không phải lỗi của nhà đầu tư. Việc thiếu đồng bộ này gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho các nhà đầu tư, gây lãng phí và làm méo mó thị trường năng lượng tái tạo”.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay EVN vẫn đang độc quyền truyền tải điện. Và lẽ ra trong thời điểm này nên tập trung xây dựng truyền tải, còn việc xây dựng nhà máy điện nên để các nhà đầu tư nước ngoài hoặc tư nhân trong nước, như vậy vừa tận dụng được nguồn lực xã hội hóa, vừa tập trung cho nhiệm vụ chiến lược là đảm bảo có hệ thống hạ tầng truyền tải điện hiện đại, đồng bộ. Hiện đang có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào khâu phát điện. Trong khi khâu truyền tải điện và bán điện vẫn là độc quyền của EVN, cho nên EVN nên tối đa đầu tư vào khâu truyền tải điện và cải thiện khâu bán điện.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, điện mặt trời hay điện gió là xu hướng của thế giới và Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp làm thì bây giờ ngành điện phải có trách nhiệm mua đủ và mua hết công suất của họ, không thể ép nhà đầu tư sản xuất ít lại được. Nếu để tình trạng ép sản xuất ít đi trong khi nhu cầu tiêu thụ cao, sẽ không chỉ gây thiệt cho nhà đầu tư, người tiêu dùng mà còn gây lãng phí tài nguyên quốc gia cũng như nguồn lực xã hội. Điều quan trọng hơn là mất lòng tin của doanh nghiệp.
Ai đền bù thiệt hại nếu các nhà máy năng lượng ngàn tỷ hoạt động không hết công suất? Ai sẽ đền bù niềm tin bị rơi rụng nơi các nhà đầu tư sau vụ việc này? Ai đang để cho điện mặt trời, điện gió phát triển vượt năng lực truyền tải?
Điện thừa nhưng không thể lên lưới, người tiêu dùng chịu giá đắt đỏ. Bộ Công Thương và EVN đang giải ngược một bài toán...
Mỹ Hạnh (Theo Doanhnhansaigon.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét