Thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo
Sắp tới Bộ Công Thương sẽ xây dựng cơ chế mới để tiếp tục khuyến khích các nhà đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo.
Tăng trưởng kinh tế gắn liền với nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Thực tế, nguồn năng lượng hóa thạch nước ta đang suy giảm dần, trong khi nhu cầu sử dụng ngày càng lớn. Việc tiêu thụ nguồn năng lượng này còn gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Điều này đặt ra bài toán bức thiết phát triển năng lượng tái tạo để đảm bản an ninh năng lượng quốc gia song song với bảo vệ môi trường.
Giá thành để sản xuất điện gió khoảng 10 - 12 cent/1 kWh. Với điện mặt trời là khoảng 10 - 12 cent/1 kWh. Tuy nhiên, giá mua điện mặt trời chỉ ở mức trên 9 cents/kW. Điều này cũng tương ứng với điện gió. Vì vậy, mặc dù đã có đến 40 dự án điện gió được đăng ký nhưng thực tế mới chỉ có 4 dự án đi vào hoạt động.
Trở ngại lớn nhất khiến các dự án năng lượng tái tạo chưa hấp dẫn các nhà đầu tư là do giá mua điện hiện thấp hơn rất nhiều so với giá thành sản xuất. Cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời hiện mới chỉ áp dụng đến ngày 30/6/2019. Vì thế sắp tới Bộ Công Thương sẽ xây dựng cơ chế mới để tiếp tục khuyến khích các nhà đầu tư.
Tính toán cho thấy, giá mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than về lâu dài không còn rẻ như trước do giá than tăng cao, đặc biệt với than nhập khẩu. Nếu tính cả chi phí sức khỏe do tác động từ các nhà máy nhiệt điện than gây ra còn cao hơn cả giá mua điện từ các nhà máy điện năng lượng tái tạo. Trong khi đó giá điện năng lượng tái tạo có xu hướng ngày càng giảm.
Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2050, đã đề ra mục tiêu tăng thị phần của năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng thương mại sơ cấp từ 3% năm 2010 lên 5% năm 2020 và 11% năm 2050. Gió, nắng, sinh khối không chỉ là nguồn năng lượng còn đầy tiềm năng, mà là hướng phát triển xanh bền vững cho Việt Nam trong tương lai.
Ban Thời sự
0 nhận xét:
Đăng nhận xét