Thứ Hai, tháng 8 03, 2015

Thăm những đài tưởng niệm ở Washington D.C

Thủ đô Hoa Kỳ Washington, D.C. có rất nhiều đài kỷ niệm nhằm vinh danh tưởng nhớ những vị tổng thống có công với đất nước, những chiến sĩ hy sinh trong các cuộc chiến như Tháp Washington, Ðài Tưởng Niệm Lincoln, Ðài Tưởng Niệm Jefferson, Ðài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Ðệ Nhị Thế Chiến... Tất cả những đài tưởng niệm, dinh Tổng Thống, tòa nhà Quốc Hội, Tối Cao Pháp Viện cũng như các viện bảo tàng đều nằm trên dãy đất công viên xanh mát Nationa lMall
National Mall
Du khách đến viếng Washington, D.C. chắc không ai không đến National Mall là một công viên ở trung tâm thành phố? . Ðầu tiên dãy đất dài này người ta định xây dựng một đại lộ to lớn như đại lộ Champs Élysées ở Paris. Ðến đầu những năm 1850 Andrew Jackson Downing nhà thiết kế vườn cảnh (landscape) bắt tay trồng cây cho khu đất National Mall. Năm 1901 trong chiến dịch chỉnh trang toàn diện thành phố để chào đón thiên niên kỷ mới, người ta đã thay đổi chiều rộng 400 feet "Grand Avenue" bằng 300 feet bãi cỏ xanh với đường xe và hai bên là hai hàng cây American Elms. 
 National Mall là trái tim của nước Mỹ. National Mall rộng lớn nằm ngay trước Quốc Hội, tòa Bạch Ốc và giữa những đền đài anh hùng dân tộc, những bảo tàng lưu trữ những báu vật lịch sử quốc gia nên National Mall được chọn là nơi tổ chức những buổi lễ long trọng như Lễ Tuyên Thệ Nhậm Chức Tổng Thống, Lễ Quốc Khánh bắn pháo bông ở Washington Monument và những lễ hội truyền thống hàng năm như Hội Hoa Anh Ðào, Hội Thả diều.....
Tháp Washington
Trên công viên National Mall gần tòa Bạch Cung là Ðài Tưởng Niệm Washington (Washington Monument) xây theo kiểu cột tháp xem giờ (obelisk) của người Ai Cập ngày xưa bằng đá hoa cương trắng lấy từ vài nơi ở miền Ðông nước Mỹ. Tháp được bắt đầu xây từ năm 1848 nhưng mãi đến năm 1884 mới hoàn tất sau một khoảng thời gian ngưng trệ vì hết tiền, vì cuộc nội chiến. Người vẽ kiểu kiến trúc tháp là kiến trúc sư Robert Mills đã chết 30 năm trước khi tháp hoàn thành. Tháp cao 555 feet (169m) là kiến trúc cao nhất thế giới thời ấy 
Chụp trước Tháp Washington
George Washington (1732-1799) là tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ từ 1789 đến 1797 và là tư lệnh quân đội trong cuộc chiến tranh với Anh giành độc lập từ 1775 đến 1783 nên ông được xem là cha già của dân tộc. Là một vị tướng của quân đội lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập, không nổi bật vì tài năng lỗi lạc mà vì cách thức giải quyết vấn đề sáng suốt và thận trọng. Ông đoàn kết nhiều tiểu bang có những khác biệt thành một khối thống nhất để lập nên Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Sau khi ông vừa qua đời được 5 ngày, Quốc Hội Hoa Kỳ đã đồng thanh ra nghị quyết tuyên bố về ông, "Ðứng đầu trong chiến tranh, đứng đầu trong hòa bình và đứng đầu trong trái tim của toàn dân."
Việc xây đài tưởng niệm ông Washington đã có kế hoạch từ năm 1832 nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhật ông và người ta đã thành lập quỹ xây đài cũng như mở cuộc thi vẽ kiểu vào năm 1836. Người thắng giải là kiến trúc sư Robert Mills với bản vẽ cây cột cao Ai Cập (Hy Lạp cũng có nhiều cây trụ xem giờ này nên nhiều tài liệu ghi là "cột Hy Lạp") phía dưới là đền thờ nhiều dãy cột bên trên có tượng ông Washington ngồi trên ngựa và trong đền là 30 vị anh hùng trong chiến tranh giành độc lập.
Ðài Tưởng Niệm Lincoln
tuong Abraham Lincoln, Du lịch mỹ, du lich my, du lich hoa ky, dulichmy, dulichhoaky, du lịch hoa kỳ
Đền tưởng niệm Lincoln
Cuối National Mall ở hướng Tây cạnh bờ sông Potomac là Ðài Tưởng Niệm Lincoln (Lincoln Memorial) vị Tổng Thống Thứ 16 (1861-1865) của Hoa Kỳ. Abraham Lincoln (1809-1865) bãi bỏ chế độ nô lệ, giải phóng người da đen và đưa đất nước qua cuộc nội chiến Bắc Nam và cuối cùng ông bị ám sát chết trong lúc còn đang tại chức. Ðài tưởng niệm ông do kiến trúc sư Henry Bacon thiết kế theo kiểu đền thờ Hy Lạp được khánh thành năm 1922, bên trong đền có tượng ông to lớn ngồi trên ghế rất sống thực do điêu khắc gia Daniel Chester French thực hiện. Ðền phía ngoài ốp đá cẩm thạch có tất cả 38 cột tròn tượng trưng cho 36 tiểu bang gia nhập Liên Hiệp (Union) lúc ông Lincoln mất và 2 cột dùng làm cổng đền. Phía trên đền có những hàng hoa văn trang trí khắc tên 36 tiểu bang vừa nói. 
 Tượng Abraham Lincoln trong đền tưởng niệm.


Phía trước đài tưởng niệm là Hồ Phản Chiếu (Reflecting Pool) nơi du khách thường dạo chơi chụp ảnh cũng như tập trung trong các cuộc biểu tình. Chính tại trước đền Lincoln, Mục Sư Martin Luther King Jr. đã đọc bài diễn văn lịch sử "I Have a Dream" ngày 28 tháng 8, 1963 trước khoảng 250,000 người trong cuộc "tuần hành về thủ đô cho công ăn việc làm và tự do" cao điểm của phong trào đòi hỏi dân quyền "American Civil Rights Movement."
Ðài Tưởng Niệm Jefferson
dai tuong niem Jefferson, Du lịch mỹ, du lich my, du lich hoa ky, dulichmy, dulichhoaky, du lịch hoa kỳ
Ðài Tưởng Niệm Jefferson bên hồ Tidal Basin.
Bên bờ phía bên kia hồ Tidal Basin nằm giữa rừng cây anh đào Nhật là Ðài Tưởng Niệm Jefferson (Jefferson Memorial). Thomas Jefferson (1743-1826) là Tổng Thống Thứ 3 của Hoa Kỳ (1801-1809) là tác giả chính của Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập công bố năm 1776, ý tưởng chính trị của ông là lý thuyết Cộng Hòa chống lại chủ nghĩa đế quốc của nước Anh và là thể chế dân chủ của nước Mỹ sau này. Ông được người Mỹ xem như là một trong những người cha khai sáng đất nước. Ðài Tưởng Niệm Jefferson theo kiểu bán cổ điển (neoclassical) là kiến trúc nhiều cột (kiểu đền La Hy) với vòm mái hình bán cầu màu trắng được vẽ kiểu bởi John Russell Pope và được xây bởi nhà thầu ở Philadelphia là Tyler Nichols và hoàn thành năm 1943. Trong đền có tượng ông Jefferson đứng bằng đồng được bổ sung vào năm 1947 do điêu khắc gia Rudulph Evans sáng tác. Khi hoàn thành đền tưởng niệm được xem là danh thắng đẹp hùng vĩ nhất thủ đô vì nằm giữa rừng anh đào và soi bóng trên hồ nước phẳng lặng.
Ðến Washington DC phải viếng các đền tưởng niệm và vào xem các viện bảo tàng. Muốn đến những nơi này là phải ra dãy công viên quốc gia National Mall. Nhiều người ra công viên này thấy sông nước hoa lá hữu tình, thắng cảnh đền đài quy mô hoành tráng mải mê ngắm cảnh mà quên đi các nhà bảo tàng với không biết bao nhiêu quốc bảo quý giá

0 nhận xét: