Sinh trưởng tại Hà Nội, nhưng thấm thoát tôi đã xa Hà Nội trên 20 năm để sinh sống tại Sài Gòn.Trong thời gian qua, khi nào có dịp thuận lợi tôi lại tranh thủ ra thăm Hà Nội và gặp gỡ họ hàng vào mùa Thu.Có thề nói trong bốn mùa của năm, mùa Thu ở Hà nội là đẹp và dễ chịu nhất. Mùa thu khoác lên Hà Nội vẻ đẹp lãng mạn rất riêng. Vẻ đẹp tự nhiên ấy không thể diễn tả bằng lời, chỉ có thể cảm nhận bằng cảm xúc của tâm hồn, của con tim.
Hà Nội vào thu tô vẽ bằng những chiếc lá bàng đỏ, bằng mùi hương hoa Sữa thơm từng cơn gió, bằng mùa cốm xanh đồng hành cùng nhịp bước thong thả trên mỗi con đường, vỉa hè xưa. Loáng thoáng đã thấy thiếu nữ Hà thành khoác lên mình chiếc áo thun mỏng chầm chậm dạo phố.
Hồ Tây bây giờ không còn “bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời” nữa, cũng không vắng vẻ yên tĩnh như thời chúng tôi còn đạp xe dạo quanh hồ. Không khí trong lành đã bị khói xe máy át đi phần nào, nhưng vẫn đẹp trong ánh bình minh, vẫn lãng đãng vấn vít khói sương mặt hồ khi chiều buông.
Có phải cái không đủ đầy, cái không vẹn toàn làm cho người ta yêu hồ Tây hơn chăng? Ngắm hồ Tây đẹp nhất là vào một sớm mùa thu, thong thả đi dạo từ đầu đường Thanh Niên, qua đền Quán Thánh, rồi lên tận chùa Trấn Quốc. Tiếp tục lên đê Yên Phụ, nơi đầu tiên nên đến là đoạn gần Khách sạn Thắng Lợi để tìm những xe hoa còn vẹn nguyên sương gió và giọt mồ hôi mằn mặn vị đất của chị hàng hoa đọng trên những cánh cúc, cánh hồng, cánh lay-ơn.
Lòng vòng qua hồ Gươm ngắm mùa thu. Các loại xe hơi, xe máy hiện đại chạy vùn vụt trên đường, nhưng hồ vẫn dành cho người đi bộ những bất ngờ đáng yêu: một gốc cây xum xuê um tùm, một vườn hoa rực rỡ, một cầu Thê Húc duyên dáng.
Vòng vèo phố cổ Hà Nội. Những con phố xưa ngõ xưa với lô xô nhà cổ bé xíu, mái ngói rêu phong thâm trầm nép mình dưới những tán bàng lòe xòe tỏa bóng mát. Lá bàng vẫn xanh, lấp ló qua những tán lá thấy cả một tầng trời xanh ngắt. Đến cuối thu lá mới ngả sang màu đỏ. Tôi không quên đến chụp ảnh trước ngôi nhà cổ là nơi mà tổ tiên, ông bà, bố mẹ và các anh chị em ruột đã sinh ra và lớn lên ở đây, đó là ngôi nhà 53 phố Lãn Ông Hà Nội (xưa gọi là phố Phúc Kiên) nằm giữa phố cổ, nơi vang bóng một thời của hiệu thuốc ta của gia đình tôi " Phú Đức"
Mùa Thu Hà Nội còn đặc trưng bởi Lễ Trung Thu với phố Hàng Mã nhộn nhịp muôn sắc mầu vào dịp lễ này, thú hút rất đông du khách và người dân thủ đô và các vùng lân cận đến mua sắm.
Mưa thu đến bất chợt: Mưa mùa thu Hà Nội không ồn ào, xối xả như mưa mùa hạ, cũng không phải là kiểu mưa phùn, mưa bụi của mùa xuân. Cơn mưa mùa thu đến bất chợt rồi đi cũng rất nhanh. Trong lành, mát rượi, hòa cũng với cái thời điểm giao mùa xoa đi bao nắng gắt, bụi bặm của mùa hè để lại. Mưa mùa đông rả rich, lạnh đến tê người, còn mùa thu mưa về dịu dàng, thanh mát. Người ta giật mình, kêu mưa mùa đông lạnh quá chứ chưa thấy ai chê mưa mùa thu lạnh. Hình như trong các mùa thì mưa mùa thu được ưu ái và mến thương nhất.
Hồ Gươm sau cơn mưa lại mênh mang, xanh mướt một màu. Tháp Rùa vẫn đó bao đời vẫn vẻ ưu tư, trầm mặc ấy sau cơn mưa lại bừng tỉnh, đầy kiêu hãnh.
Chiều mưa ấy, mưa lâu hơn mọi khi, những chiếc xe đủ loại chạy qua vội vã. Xa xa có chị bán hàng rong đạp xe thong thả trên phố bán hoa cúc vàng tưoi
Sài Gòn vào thu rất lặng lẽ, không có phút chuyển mùa rực rỡ, đầy thi vị như Hà Nội. Mùa thu nơi đây nắng vẫn chói chang ngã giọt lên dòng người tấp nập, ven bên đường cây cũng trút lá rơi nhiều, nhưng không đượm sắc vàng xao xát mà vẫn rì rì xanh một màu khó tả. Mùa thu Sài Gòn đến qua những cơn mưa và giọt nắng rơi nhẹ cuối hè. Dường như thu đến quá lặng lẽ nên ít ai biết, ít ai nhận ra hơi thở của một mùa.
Tạm biết Hà Nội mùa thu,khi rỗi rãi lại bật PC nghe Chùm ca khúc hay về " Hà Nội mùa thu" (video Youtube)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét