Thứ Sáu, tháng 10 05, 2012

Ý kiến về điện gió Việt Nam




Cần 'nhạc trưởng' chỉ huy điện gió Việt Nam

Nên có một "nhạc trưởng" tâm huyết, có bản lĩnh và có tầm nhìn xa để phát triển ngành năng lượng tái tạo đầy tiềm năng của Việt Nam, trong đó một lĩnh vực rất quan trọng là điện gió


Phát triển nhanh, xây dựng NLTT, trước mắt là năng lượng gió, năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học… là giải pháp thiết thực, hiệu quả, có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu điện năng của nước ta và bảo vệ môi trường tích cực. Tôi xin đề xuất:
1.Trước mắt nên nghiên cứu và phê chuẩn giá mua và bán điện từ nguồn Năng lượng tái tạo (NLTT), cụ thể là từ điện gió, nâng lên cao hơn 7,8 centUS/kwh như hiện nay.
2.Bổ sung, thay đổi tỉ trọng (%) của điện năng sản xuất từ nguồn NLTT trong chương trình phát triển điện lượng quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, gọi tắt là Qui hoạch điện VII, con số 5,6% như thế là quá khiêm nhượng nếu không muốn nói là quá thấp!
Chính phủ nên có kế hoạch cụ thể, chương trình, chính sách ưu tiên phát triển cho ngành NLTT để thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch. Tăng tỷ trọng (%) NLTT như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sinh khối, địa nhiệt,..v…v.. trong chương trình phát triển điện lượng quốc gia giai đoạn 2015 - 2025
3.Chính phủ nên tích cực hơn trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời các Hiệp hội chuyên ngành, ví dụ như Hiệp Hội Nhiên Liệu Sinh Học Việt Nam, Hiệp Hội Năng Lượng Tái Tạo Việt Nam, Hiệp Hội Năng Lượng Tái Tạo các tỉnh …..!
Vì theo kinh nghiệm của chúng tôi (ở nước ngoài), chính những tổ chức của cộng đồng, của quần chúng nhưng có bề dày kinh nghiệm trong chuyên môn này sẽ làm tốt công việc tư vấn, đề xuất và góp ý, thậm chí là cố vấn cho các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện khung pháp lý cho ngành NLTT và xa hơn nữa tiến tới việc xây dựng hoàn chỉnh Bộ Luật NLTT Việt Nam.
Nên có một nhạc trưởng có tâm huyết, có bản lĩnh và có tầm nhìn xa cho bản "giao hưởng năng lượng".
Thiết nghĩ, cũng nên có một cơ quan trung tâm chịu trách nhiệm về NLTT (có trách nhiệm và có thẩm quyền vạch ra chiến lược, tạo khung pháp lý, luật lệ, là cơ quan tư vấn trung ương).
Hay nói cách khác, nên có một cơ quan cao nhất ngang tầm bộ (như là Bộ Năng lượng), một "nhạc trưởng" có uy tín, có thẩm quyền trong ngành năng lượng, có đủ bản lỉnh và nhất là có tầm nhìn xa để quyết đoán, chỉ đạo một chính sách lớn cho năng lượng trong đó có năng lượng tái tạo.
Những con người, tổ chức này có khả năng để thay đổi cấu trúc, tổ chức của ngành năng lượng, có khả năng khoanh vùng trách nhiệm, giới hạn và cắt bớt những quyền hạn có tính chất độc tôn, độc quyền như hiện nay. Và nhất là phanh hãm lại những hành động lợi dụng quyền hạn, lợi thế sẵn có để “đá lộn sân” mà đi quá, đi vượt ra khỏi lãnh vực, ngành nghề chuyên môn và trách nhiệm chính, trọng tâm hoạt động của mình.

Tiềm năng và đánh giá nguồn năng lượng gió tại VN

Năng lượng gió tại Việt Nam nhiều hơn các quốc gia khác tại khu vực và Đông Nam Á, nếu chúng ta đem so sánh với Thái Lan, Lào, Campuchia.
Theo số liệu, tiềm năng gió của Việt Nam (trên độ cao 65 mét) rất tốt, lớn hơn 210 lần công suất nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất điện dự báo của EVN cho toàn quốc vào năm 2020.
Đây mới chỉ là tiềm năng trên lý thuyết, tiềm năng khai thác được và tiềm năng kinh tế kỹ thuật sẽ có khác biệt.
Nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng, đây sẽ là một nguồn năng lượng đáng kể, nếu không muốn nói đó là một nguồn năng lượng lớn trên đất liền (Onshore Wind Energy), chưa kể nguồn năng lượng gió ở biển (Nearshore & Offshore Wind Energy), bổ sung cho nguồn điện quốc gia để thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch (nhiệt điện) ngày càng cạn kiệt.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã cho biết Việt Nam có khả năng khai thác được, nếu qui đổi ra thành công suất điện, đến 513.360 MW điện gió.
Theo một tài liệu khảo sát của chính phủ, khối lượng những vùng đất của Việt Nam khoảng 17.400 hecta được đánh giá là thích hợp cho các dự án, công trình xây dựng phát triển năng lượng gió.
Các địa phương, các tỉnh duyên hải miền Trung như Bình Định, Quy Nhơn, Ninh Thuận và Bình Thuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho các nhà đầu tư, khai thác điện gió với một tiềm năng khoản hơn 8.000 MW.
Một trong những nhà máy điện gió đầu tiên của Việt Nam, nằm ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận, sẽ có tổng công suất lắp đặt là 120 MW, gồm 80 cột gió, 5 cột gió với công suất 1,50 MW mỗi cột được xây dựng hoàn chỉnh và đã kết nối vào lưới điện quốc gia vào tháng 8/2010.
Toàn bộ thiết bị của 15 hệ thống cánh quạt gió kế tiếp đã được vận chuyển từ vùng Sauerland của CHLB Đức về đến công trường (ngoại trừ thân tháp được sản xuất tại Việt Nam) chuẩn bị vào công đoạn thi công xây dựng chân tháp, lắp ráp đưa tua-bin điện gió lên đỉnh cột, chạy nối các hệ thống dây điện ngầm và kết nối điện vào mạng lưới điện quốc gia vào cuối năm 2011.
Cho đến nay tại Bình Thuận có 10 nhà đầu tư trong và ngoài nước (với 12 đề án) đã và đang xin giấy phép khảo sát thực địa và đầu tư cho các công trình điện gió.
Tỉnh Ninh Thuận với 9 nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài (với 13 đề án) đã lập trạm quan trắc đo gió, lập bản đồ và thu thập các số liệu về gió của vùng quanh năm có nắng chói chang và gió lồng lộng nhiều nhất nước.
Công trình Phương Mai tại Bình Định - Qui Nhơn đã xác định được vị trí của những chân cột gió, 12 động cơ điện gió với loại có công suất 2.0 MW xây dựng và lắp ráp trong năm 2012.
Ngoài ra công ty Aerogie Plus Solution AG của Thụy Sĩ sẽ đầu tư vào thị trường năng lượng Việt Nam một công trình nhà máy điện gió kết hợp với động cơ diesel trên Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, công suất thiết kế 7,50 MW với tổng trị giá 28 triệu USD, theo kế hoạch dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2011-2012 ( tuy nhiên đề án này đang gặp khó khăn).
Nhà máy điện gió kết hợp với động cơ diesel trên đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, công suất thiết kế 6,0 MW với loại cột gió với công suất 2.0 MW của VESTAS/Đan Mạch; công trình Bạc Liêu đã xác định được vị trí của những chân cột gió, 10 động cơ điện gió với loại có công suất 1.6 MW của GE/USA do chủ đầu tư là Tập đoàn Công Lý xây dựng và dự định lắp ráp hoàn chỉnh vào giữa tháng 9/2012.
Như vậy hơn 37 dự án điện gió đang được khai triển tại Việt Nam, với khả năng cung cấp một sản lượng điện dự kiến là 3.800 MW, hầu hết tất cả điện tạo ra đều được nối vào lưới điện quốc gia, mà như chúng ta đều biết cho đến thời điểm hiện nay mọi việc mua, bán, cung cấp, truyền tải và phân phối điện đều do Tổng Công Ty Điện Lực Việt Nam (EVN) tổ chức, điều hành và quyết định.
Trước đây EVN chỉ mua lại điện với giá 4,7 cent USD cho 1kWh (đơn vị: kilo watt giờ) rồi tăng lên 5 cent và đến 5,5 cent, có thể sắp tới EVN sẽ đồng ý mua với giá cao hơn; nhưng giá mua tạo hấp dẫn và lôi cuốn nhiều nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước vào thị trường năng lượng Việt Nam là 12 cent hoặc tối thiểu phải là 10,5 cent. Trong đó có thể có sự trợ giá của Chính phủ thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Nhà nước khoảng 2 - 3 cent/kWh
Chính phủ Canada đã có chính sách trợ giá cho những đề án điện gió bằng cách hỗ trợ nâng giá mua điện lên đến 17 cent cho một KWh. Và tại Úc, chính phủ soạn thảo chính sách để tạo điều kiện, hỗ trợ nâng giá mua điện lên 12 cent cho một KWh.

Bảng giá so sánh giá mua điện gió một số nước
Một khoản trợ cấp, hơn 1,1 triệu Euro, tương đương với 1,47 triệu USD của chính phủ Đức thông qua Tổ chức Hợp Tác Kỹ Thuật Đức (GTZ, tên gọi trước đây) đã công bố vào tháng 08/2009 để giúp đỡ Việt Nam thực hiện một khuôn khổ pháp lý cho việc kết nối, nạp điện từ điện gió vào mạng lưới điện quốc gia.
Công bố này cũng kêu gọi phía Việt Nam nhanh chóng phát triển một chính sách liên quan đến tư vấn cho các dự án điện gió. Điều này phân định rõ ràng việc chi, chuyển lợi nhuận về xứ sở gốc của các nhà đầu tư, thúc đẩy vai trò của họ trong công tác tư vấn cho một nước đang phát triển, càng ngày càng chuyển dạng năng lượng gió trở thành một nguồn năng lượng có tầm quan trọng.
Việt Nam cần cải thiện các chính sách của mình và cung cấp một nền tảng pháp lý vững chắc để thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài vào lảnh vực năng lượng tái tạo”, đó là lưu ý của ông Günter Reithmacher, trưởng đại diện GIZ, Tổ Chức Hợp Tác Quốc Tế CHLB Đức tại Việt Nam.
Do vậy, chính sách năng lượng của nước ta nên đi theo trào lưu tiến bộ của nhiều nước trên thế giới hiện nay, nên triệt để tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả năng lượng, khai thác tất cả các nguồn năng lượng tái tạo.
Thất thoát năng lượng ở Việt Nam hiện nay rất nhiều, hơn 30%. Theo các chuyên gia trong ngành: một lời giải tối ưu cho bài toán là việc sử dụng tiết kiệm tối đa năng lượng, chứ không phải bằng mọi giá đi vào con đường xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.
Cơ cấu
Cơ cấu công suất nguồn điện đến năm 2020
TS.Trần Văn Bình
(Theo vnexpress )

Inside wind Turbine  

0 nhận xét: