e

Chủ Nhật, tháng 11 17, 2024

Nhiều thuận lợi khi tái khởi động điện hạt nhân

 So với nghiên cứu của VN trong dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận đầu những năm 2000 thì bối cảnh hiện nay đã có nhiều thay đổi theo hướng thuận lợi hơn.

Khởi động trên những kết quả đã có

Nhấn mạnh về tính cần thiết của việc tái khởi động điện hạt nhân (ĐHN), PGS-TS Vương Hữu Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN, phân tích: Muốn phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), bán dẫn, đường sắt tốc độ cao và tiến đến Net Zero, bắt buộc phải có nguồn điện ổn định, công suất lớn để đáp ứng nhu cầu rất cao. Trong bối cảnh đó, ĐHN là lựa chọn tối ưu. Bởi đến năm 2050, điện gió và điện mặt trời chiếm tỷ trọng lớn nhất 63,8%, trong khi thủy điện và điện khí chỉ chiếm lớn nhất 12,7%. 

Theo kinh nghiệm, để bảo đảm ổn định cho điện từ năng lượng tái tạo thì cần dự phòng 20% điện nền. "Trong khi tất cả nguồn điện từ thủy điện và điện khí vào năm 2050 cũng chỉ đủ cho dự phòng 20% công suất từ năng lượng tái tạo. Điện khí ngoài khơi sẽ gặp những khó khăn do giá khí hóa lỏng trên thế giới không ổn định. Vì vậy, việc đặt vấn đề làm ĐHN là hợp lý và hiện tại chúng ta có một số thuận lợi để tái khởi động", ông Tấn nói.

Cụ thể, theo PGS-TS Vương Hữu Tấn, thuận lợi nhất là các tiêu chuẩn an toàn được nâng lên sau tai nạn ĐHN Fukushima ở Nhật Bản và kinh nghiệm triển khai một số dự án ĐHN thế hệ mới trong thực tế. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã xây dựng bộ tiêu chuẩn an toàn mới cho các nhà máy ĐHN, VN phát triển năng lượng tái tạo rất nhanh so với thế giới, các công nghệ lưu trữ điện năng cũng được đầu tư phát triển mạnh, mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 đã được đặt ra và buôn bán chỉ tiêu phát thải CO2 đã được thực thi trên toàn cầu…

"So với các nhà máy điện mới xây, ĐHN có giá phát điện thấp nhất trong các loại hình phát điện carbon thấp. Hơn nữa, 3 chủ thể đóng vai trò quan trọng để quyết định thành công của việc xây dựng và đưa vào vận hành an toàn nhà máy ĐHN đầu tiên của VN đã từng có. Đó là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện chương trình ĐHN quốc gia (NEPIO), ở VN là Ban chỉ đạo nhà nước dự án ĐHN đầu tiên; cơ quan pháp quy hạt nhân, ở nước ta là Bộ KH-CN; và chủ đầu tư, vận hành dự án ở Ninh Thuận là Tập đoàn Điện lực VN (EVN)", PGS-TS Vương Hữu Tấn dẫn chứng.

Nhiều thuận lợi khi tái khởi động điện hạt nhân- Ảnh 1.

Khu vực quy hoạch dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận trước đây

ẢNH: THIỆN NHÂN

Nhiều thuận lợi khi tái khởi động điện hạt nhân- Ảnh 2.

Khu vực quy hoạch dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận trước đây

ẢNH: THIỆN NHÂN

Ông Trần Anh Thái, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận, cũng đồng tình bởi với ĐHN, chúng ta đã làm rất nhiều việc từ hơn 20 năm trước. Giờ nếu có cơ hội quay lại, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, các nhà quản lý đang rất sẵn. Nếu để chậm nữa, các kỹ sư, chuyên gia này có thể không còn làm việc... Viện Năng lượng nguyên tử VN cũng cho biết hơn 20 năm qua, sau khi dự án tạm dừng, Viện vẫn tiếp tục xây dựng đội ngũ nghiên cứu mạnh về công nghệ ĐHN và phân tích, đánh giá an toàn hạt nhân. Trong thực tế, VN đã có nhiều kết quả trong chuẩn bị và triển khai chương trình ĐHN.

Các chuyên gia của Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử VN đánh giá tái khởi động chương trình ĐHN vào lúc này, chúng ta không phải bắt đầu bằng con số 0 mà từ những kết quả VN đã có trước đây. Đó là hạ tầng phát triển chung và hạ tầng an toàn ĐHN, hệ thống pháp lý… Có 8 địa điểm để xây dựng nhà máy ĐHN đã được quy hoạch, trong đó có 2 địa điểm tại Ninh Thuận được đưa vào nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và VN cần kế thừa địa điểm và công nghệ đã được nghiên cứu.

Còn nhiều thách thức

Dù vậy, còn rất nhiều khó khăn, thách thức đang chờ phía trước và cần sự vào cuộc với quyết tâm cao của hệ thống chính trị.

TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng VN, lưu ý khi dự án ĐHN bị dừng lại năm xưa, chắc chắn sẽ làm mất một phần những gì chúng ta đã làm. Thêm vào đó, trong bối cảnh các nước quay lại mạnh mẽ với ĐHN thì việc sớm tái khởi động của VN sẽ tạo những thuận lợi trong hợp tác quốc tế, lựa chọn đối tác, chuẩn bị kỹ lưỡng cơ sở cho sự phát triển… Sự chậm trễ có thể phải trả cái giá rất đắt.

Nhiều thuận lợi khi tái khởi động điện hạt nhân- Ảnh 3.

Phối cảnh dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận

ẢNH: TTXVN

"Cũng như bao ngành khác, đội ngũ cán bộ là chìa khóa thành công cho chương trình ĐHN. Dự án ĐHN thực hiện lâu, nhiều năm, nhưng đào tạo con người để làm còn cần thời gian lâu dài hơn. Thế nên cần sớm có chủ trương để bắt đầu lại. Vì ĐHN là cần thiết cho VN trong tương lai. Đó không chỉ là điện năng, mà là tiềm lực của một đất nước, đòn bẩy cho nền kinh tế VN", TS Trần Chí Thành nhấn mạnh.

IAEA thống kê có 19 vấn đề về cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho phát triển ĐHN. Đó là các cam kết của quốc gia, an toàn, quản lý, đầu tư và thu xếp tài chính, luật pháp, thanh sát hạt nhân, pháp quy, bảo vệ bức xạ, lưới điện, nhân lực, địa điểm, bảo vệ môi trường, kế hoạch ứng phó, an ninh hạt nhân, chất thải phóng xạ, sự tham gia của công nghiệp trong nước… Như vậy, ngoài việc kiện toàn hệ thống pháp lý thì tính an toàn, công nghệ, xử lý chất thải phóng xạ… là những khó khăn được đặt ra khi khởi động chương trình ĐHN. TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN, chỉ rõ có 3 vấn đề khiến người ta băn khoăn liên quan ĐHN. Đó là tính an toàn, xử lý chất thải và giá thành. Với công nghệ lò hạt nhân thế hệ 3 plus và thế hệ 4, mức độ an toàn có thể được khắc phục. Việc xử lý chất thải phóng xạ thì đến nay công nghệ có thể hoàn toàn yên tâm và hậu quả so với xử lý các tấm quang năng điện mặt trời cũng không quá lo lắng. Hơn nữa, giá thành ĐHN có thể rẻ hơn so với điện tái tạo sử dụng pin lưu trữ.

PGS-TS Vương Hữu Tấn cũng nhấn mạnh an toàn trong phát triển ĐHN là mối quan tâm chung của toàn thế giới, không phải câu chuyện của VN. Khi nhắc đến ĐHN, nhiều người ngay lập tức liên tưởng đến các tai nạn của 2 nhà máy ĐHN tại Chernobyl (Ukraine) và Fukushima (Nhật Bản). "Vấn đề là có được bài học và tìm ra nguyên nhân sau mỗi tai nạn để không tái diễn trong tương lai, bởi không có bất kỳ lĩnh vực nào có thể an toàn tuyệt đối cả. Để hạn chế các rủi ro thì công tác đào tạo cán bộ, nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn trong các nhà máy ĐHN và có cơ chế quản lý an toàn nghiêm ngặt là hết sức cần thiết", ông Tấn nói.

Trên thế giới, Google (thuộc Tập đoàn Alphabet), Amazon, Microsoft đồng loạt tìm đến ĐHN để cung cấp năng lượng nhằm phát triển AI. Google vừa công bố thỏa thuận mua điện từ các lò phản ứng mô-đun nhỏ và trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới thực hiện bước đi này nhằm đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của AI. Google dự kiến sẽ mua tổng cộng 500 MW điện từ 6 - 7 lò phản ứng; khẳng định ĐHN có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu điện của doanh nghiệp sạch và ổn định hơn.

Trước đó, Amazon đã mua một trung tâm dữ liệu chạy bằng năng lượng hạt nhân từ Talen Energy; Microsoft cũng ký thỏa thuận mua điện để giúp khôi phục một tổ máy của nhà máy ĐHN ở Pennsylvania, nơi từng xảy ra vụ tai nạn hạt nhân lớn nhất trong lịch sử Mỹ vào năm 1979.

Theo ước tính của Ngân hàng Goldman Sachs, nhu cầu điện tại các trung tâm dữ liệu ở Mỹ dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần từ năm 2023 - 2030, với khí đốt tự nhiên, gió và năng lượng mặt trời, ĐHN sẽ lấp đầy phần thiếu hụt điện năng của quốc gia này.

Tạo ra pin mặt trời bền vững và hiệu quả nhất thế giới

 

Các nhà nghiên cứu vừa phát triển một phương pháp mới nhằm tăng tuổi thọ và hiệu quả hoạt động của pin mặt trời perovskite.

Trong suốt thập kỷ qua, pin mặt trời perovskite (đặt tên theo tên của khoáng chất perovskite) đã thu hút sự chú ý nhờ hiệu suất vượt trội so với các giải pháp thay thế phổ biến dựa trên silicon. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn chưa được coi là khả thi về mặt thương mại do tính không ổn định và tuổi thọ hạn chế.

Tuổi thọ pin mặt trời là điều rất được quan tâm.

Tuổi thọ pin mặt trời là điều rất được quan tâm.

Để khắc phục vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã phát triển một phương pháp thay đổi bề mặt hóa học của các tế bào perovskite nhằm loại bỏ khuyết tật và nâng cao cả độ bền lẫn hiệu suất - một quá trình được gọi là thụ động hóa. Sau các thử nghiệm khắc nghiệt kéo dài, pin mặt trời được phát triển cung cấp hiệu suất chuyển đổi năng lượng (PCE) ấn tượng khi đạt 20,1% sau hơn 1.500 giờ sử dụng, những pin này có tiềm năng mở ra cơ hội sử dụng rộng rãi hơn cho giải pháp năng lượng tái tạo.

Yen-Hung Lin, một trong những tác giả nghiên cứu, cho biết: “Thụ động hóa dưới nhiều hình thức rất quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả của các tế bào năng lượng mặt trời perovskite trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, các lộ trình thụ động thường không cải thiện đáng kể tính ổn định hoạt động lâu dài”.

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách để giúp loại pin mặt trời perovskite nâng cao tuổi thọ.

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách để giúp loại pin mặt trời perovskite nâng cao tuổi thọ.

Ngược lại với xu hướng này, nhóm nghiên cứu đã phát hiện rằng việc xử lý bề mặt tế bào perovskite bằng các hóa chất cụ thể gọi là amino-silane đã cải thiện đáng kể hiệu suất và tuổi thọ của chúng. Họ đã tăng năng suất lượng tử phát quang của tế bào - khả năng chuyển đổi ánh sáng hấp thụ thành năng lượng phát ra - lên tới 60 lần. Đáng chú ý, độ ổn định hoạt động vẫn cao sau hơn 1.500 giờ thử nghiệm dưới ánh sáng mặt trời toàn phổ.

Các tế bào có hiệu suất tốt nhất đạt PCE 20,1% trong suốt thời gian thử nghiệm được xem là con số cao nhất từng được báo cáo đối với các tế bào perovskite. Điều này có nghĩa là các tế bào này có khả năng chuyển đổi một tỷ lệ phần trăm lớn ánh sáng mặt trời thành điện năng, thu thập và xử lý các bước sóng từ một phạm vi rộng của quang phổ điện từ. Theo Lin, thiết kế này tối đa hóa việc sử dụng quang phổ mặt trời bằng cách hấp thụ các phần khác nhau của ánh sáng mặt trời trong mỗi lớp, dẫn đến hiệu quả tổng thể cao hơn.

Các nhà nghiên cứu hy vọng đột phá mới có thể giúp ích cho việc sản xuất pin mặt trời trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu hy vọng đột phá mới có thể giúp ích cho việc sản xuất pin mặt trời trong tương lai.

Những kết quả ấn tượng này được đạt được thông qua việc sử dụng hai tế bào có kích thước 0,25 cm2 và 1 cm2. Theo các nhà nghiên cứu, bước đột phá này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất quy mô lớn các tế bào pin mặt trời perovskite ổn định, bền và hiệu quả trong tương lai.

Nguồn: https://arttimes.vn/cong-nghe/tao-ra-pin-mat-troi-ben-vung-va-hieu-qua-nhat-the-gioi-c61a54716.

Thứ Sáu, tháng 11 15, 2024

Làm điện hạt nhân tại Việt Nam: Đã thực sự cấp thiết?

 

Nhấn mạnh tầm quan trọng của điện hạt nhân, ông Hà Đăng Sơn cho rằng, nhìn câu chuyện của châu Âu vừa qua, chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra sự cấp thiết và ổn định của điện hạt nhân. Việt Nam nên làm dự án quy mô lớn.

Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh đã có cuộc trò chuyện với VietNamNet xung quanh câu chuyện tái khởi động chương trình điện hạt nhân ở Việt Nam. 

Điện hạt nhân đáng ra phải làm từ lâu

- Là chuyên gia trong ngành năng lượng, ông đánh giá như thế nào về chủ trương của Chính phủ tái khởi động chương trình dự án điện hạt nhân?

Ông Hà Đăng Sơn: Đây là việc cần thiết, đáng ra chúng ta phải làm từ lâu. Với xu hướng chuyển dịch ngành năng lượng tiến tới Net Zero và trong bối cảnh các nguồn năng lượng cơ bản (điện than, điện khí) đều có những nhược điểm rất lớn về phát thải khí nhà kính, tính không ổn định về giá cả... thì điện hạt nhân phải trở lại với tư cách là nguồn điện nền, đảm bảo ổn định khi chúng ta tăng tỷ trọng điện gió và điện mặt trời lên cao.

Do đó, sử dụng nguồn điện hạt nhân là cực kỳ quan trọng.

ha dang son.jpeg
Chuyên gia năng lượng Ths. Hà Đăng Sơn. Ảnh: Thạch Thảo

Tại Việt Nam, chúng ta cũng thấy rõ trữ lượng thuỷ điện được khai thác gần như đến đỉnh. Các dự án thuỷ điện đang triển khai đều là dự án mở rộng, không phải dự án mới. Tức là tiềm năng thuỷ điện để hỗ trợ nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo đã gần “kịch trần”. 

Còn với điện khí, đặc biệt là khí LNG, thời gian qua có sự biến động rất lớn về giá nguyên liệu do tác động của các cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới, kéo theo chi phí nguyên liệu khí nhập khẩu tăng rất cao, vượt qua khả năng có thể chịu đựng của Việt Nam. Quy hoạch điện VIII đã xem xét việc chuyển đổi một phần điện than sang điện khí LNG nhằm đa dạng nguồn năng lượng. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu này đa phần phải nhập khẩu, phụ thuộc quá nhiều vào những biến động trên thế giới.

Quay lại câu chuyện mục tiêu của việc đưa tỷ trọng lớn năng lượng tái tạo vào cơ cấu nguồn điện, có thể thấy đây không phải đơn giản là giảm phát thải khí nhà kính, mà còn liên quan đến giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đây cũng là bài toán cực kỳ khó trong bối cảnh nhu cầu năng lượng không ngừng tăng lên.

Có thể hiểu, muốn độc lập về mặt năng lượng, chúng ta phải giảm phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài. Thế nhưng, chuyển từ than sang khí; hoặc đẩy cao tỷ trọng về năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, xa hơn nữa là điện gió ngoài khơi... thì hầu như tất cả công nghệ hay nhiên liệu đều phải nhập khẩu. 

Còn điện hạt nhân, chúng ta đã có thời gian chuẩn bị rất lâu, khoảng hơn 30 năm. Chúng ta có cả địa điểm dự kiến xây dựng cho đến công nghệ, công suất ước tính bao nhiêu... Việc phát triển nguồn điện này sẽ giúp chúng ta hạn chế phụ thuộc vào sự biến động của giá nguyên, nhiên liệu trên thế giới hay những biến động của địa chính trị quốc tế.

Nhìn câu chuyện của châu Âu vừa qua, chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra sự cấp thiết và ổn định của điện hạt nhân. Giai đoạn vừa qua châu Âu gặp phải thách thức trong cung ứng năng lượng do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn tới thiếu hụt nguồn cung khí. Vì thế, một mặt các quốc gia châu Âu phải nhập khẩu khí thông qua các "kênh đệm" như Trung Quốc, Ấn Độ, hay quốc gia thứ ba khác; mặt khác họ tái khởi động các dự án điện than và điện hạt nhân.

Cho nên, lúc này Việt Nam cần phải đưa ra những giải pháp, lựa chọn phù hợp hơn với tình hình địa chính trị, cũng như định hướng của đất nước.

- Việc tái khởi động điện hạt nhân trong bối cảnh hiện nay, theo ông chúng ta có thể bắt đầu làm từ đâu?

Trong lĩnh vực điện hạt nhân chúng ta đã chuẩn bị khá bài bản về nguồn lực khoa học công nghệ; đội ngũ chuyên gia, kỹ sư đã được đào tạo về điện hạt nhân từ 20 năm qua.  Bây giờ là thời điểm rất quan trọng, nên gấp rút mời các chuyên gia đã được đào tạo trong lĩnh vực này để họ làm cố vấn, sử dụng kiến thức của họ để góp ý cho Chính phủ quá trình tái khởi động dự án điện hạt nhân. 

Rất may mắn là chúng ta vẫn còn những thế hệ chuyên gia về điện hạt nhân được đào tạo bài bản.

W-Dienhatnhan DJI_0795.jpg
Một góc thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) - nơi từng quy hoạch nhà máy điện hạt nhân 2. Ảnh: Xuân Ngọc

Ngoài ra, địa điểm trước đây đã được chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, sau khi Quốc hội bấm nút tạm dừng dự án, chúng ta loay hoay về việc giữ hay bỏ quy hoạch nhà máy điện hạt nhân. Giờ có dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở đúng vị trí tại Ninh Thuận trước đây xác định không? Nếu vẫn là địa điểm đó thì phải quay lại xử lý những khu vực đất đã được quy hoạch.

Còn vì lý do nào đó không xử lý được vấn đề đất đai ở khu vực này thì phải lựa chọn địa điểm khác. Trong trường hợp này, nguồn lực sẽ tốn kém hơn rất nhiều, bởi phải chuẩn bị lại từ đầu.

Theo tôi, đây là những bước cực kỳ quan trọng mà Chính phủ phải triển khai càng sớm càng tốt sau khi nhận được sự đồng thuận về mặt chủ trương ở cấp cao nhất.

Không thể “đánh bạc” với dự án quy mô nhỏ

- Vậy thách thức khi làm điện hạt nhân ở Việt Nam là gì? Liệu nguồn vốn có phải là thách thức lớn nhất không khi Chính phủ đang tập trung nguồn lực cho các dự án khác nữa, như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, thưa ông?

Đặt lại vấn đề tái khởi động điện hạt nhân sau 10 năm thì không phải đơn giản. Song, các dự án điện hạt nhân về cơ bản bao giờ cũng đi kèm với những gói tài chính cho vay và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, về mặt ngoại giao chúng ta luôn có sự mềm dẻo và linh hoạt nên tôi tin rằng nguồn vốn cho phát triển điện hạt nhân có thể thu xếp được. 

Còn về quan điểm cho tư nhân tham gia dự án điện hạt nhân, tôi nghĩ tư nhân nên làm những dự án khác có tính an ninh quốc gia thấp như đường cao tốc, cầu cảng,... Còn điện hạt nhân vừa phức tạp về công nghệ lại vừa liên quan đến quá nhiều quy định, đến an ninh quốc phòng.

Trường hợp lựa chọn có sự tham gia của tư nhân thì phải đặt vấn đề họ lấy tiền ở đâu để thực hiện. Tôi cho rằng sẽ không có tư nhân nào ở nước ta đủ nguồn lực và mạnh để triển khai dự án điện hạt nhân. 

Một vấn đề nữa mọi người nhắc đến khi thảo luận là điện hạt nhân quy mô nhỏ. Không ít người nghĩ làm ở quy mô nhỏ sẽ dễ thu xếp vốn và dễ thực hiện hơn. 

Tuy nhiên, tôi đã trao đổi với các chuyên gia về năng lượng nguyên tử, và được biết điện hạt nhân quy mô nhỏ hay quy mô lớn về mặt quy trình làm việc với các đối tác quốc tế vẫn giống nhau. Có nghĩa, xây dựng 1 nhà máy quy mô nhỏ thì các bước thực hiện, làm việc với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) không khác gì xây nhà máy điện hạt nhân với công suất gấp 10 lần. 

Đó là chưa kể, dự án điện hạt nhân quy mô nhỏ đến nay theo những thông tin chia sẻ vẫn đang thử nghiệm, chưa phải là công nghệ hoàn chỉnh đã được kiểm chứng. Do đó, chúng ta không dại gì đi mua một công nghệ mới thử nghiệm để mang về “đánh bạc” với an ninh quốc gia, đặc biệt là điện hạt nhân.

Theo tôi, nên lựa chọn xây dựng dự án điện hạt nhân quy mô lớn. Có thể đến lúc nào đó trong tương lai, 10 hay 20 năm tới sẽ có những công nghệ điện hạt nhân quy mô nhỏ hoàn chỉnh, phổ biến thì chúng ta xem xét triển khai.

- Muốn làm điện hạt nhân, hành lang pháp lý cũng phải rõ ràng. Ông đánh giá như thế nào khi dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội cũng đã kịp đưa vào nội dung liên quan đến điện hạt nhân?

Nền tảng về điện hạt nhân đã có Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định liên quan. Tuy nhiên, để các nhà máy điện hạt nhân đưa vào vận hành và cơ chế vận hành như thế nào thì đòi hỏi phải được thể hiện ở Luật Điện lực, vì đây là một ứng dụng cụ thể của năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực phát điện.

Vừa qua, trong quá trình dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương cũng đã xem xét, đề xuất đưa các quy định khung liên quan đến điện hạt nhân vào. Thế nhưng, các nội dung hiện nay của dự thảo trình Quốc hội chưa rõ ràng trong việc triển khai dự án điện hạt nhân như thế nào.

Điều này cũng phải hiểu cho cơ quan soạn thảo vì họ chưa có căn cứ pháp lý, chưa có bất kỳ định hướng cụ thể nào để xây dựng dự thảo kỹ hơn. Nếu có chủ trương cụ thể của Chính phủ, của những cấp cao nhất về tái khởi động điện hạt nhân thì tôi tin dự thảo của Luật Điện lực sẽ phải điều chỉnh lại, bổ sung các điều khoản liên quan đến điện hạt nhân. Như vậy, khi được phê duyệt, Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho dự án điện hạt nhân đầu tiên vận hành tại Việt Nam

TheoVietnamnet.vn

Thứ Tư, tháng 11 13, 2024

Đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân: Những việc cần làm

 Chiều 12/11, trong phiên chất vấn của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho biết để đảm bảo cung ứng điện về dài hạn, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân.

Chúng ta biết rằng vào năm 2016 Việt Nam đã quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân. Theo thông tin tại thời điểm đó, nguyên nhân dừng triển khai dự án này không phải vì lý do công nghệ, an toàn mà lý do chính là tình hình kinh tế cụ thể của Việt Nam. Tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định đầu tư dự án. Mặt khác, Việt Nam cần nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội, cũng như giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra.

Tuy nhiên, hiện nay dự báo nhu cầu năng lượng tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12-13% và những năm sau còn cao hơn. Trong Quy hoạch điện VIII Chính phủ đã đưa tỷ trọng lớn của điện từ năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời). Tuy nhiên, đặc tính cố hữu của điện năng lượng tái tạo là sự không ổn định, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và chu kỳ ngày đêm.

Đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân: Những việc cần làm - 1

Về dài hạn, để đảm an ninh năng lượng thì việc đặt vấn đề tái khởi động dự án điện hạt nhân là hợp lý (Ảnh minh họa: CV)

Vì vậy phải cần có các loại hình điện nền khác, dự phòng cho sự không ổn định của điện năng lượng tái tạo để bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn điện, đáp ứng các yêu cầu của các ngành công nghiệp công nghệ cao như sản xuất chất bán dẫn, cung cấp điện cho các trung tâm dữ liệu lớn, đường sắt tốc độ cao, các ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo… 

Khi tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo tăng lên thì tổng công suất nguồn điện nền cũng cần tăng cao tương ứng. Bên cạnh các nguồn điện truyền thống ít phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính như thủy điện, điện khí… Theo tôi, về dài hạn, để đảm an ninh năng lượng thì việc đặt vấn đề tái khởi động dự án điện hạt nhân là hợp lý.

Để có thể tái khởi động dự án điện hạt nhân, trước hết phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền. Ở đây tôi chỉ nêu vấn đề từ góc độ chuyên môn.

Trước hết, bối cảnh hiện nay đã khác so với năm 2009, khi Chính phủ trình Quốc hội dự án điện hạt nhân. Cụ thể: Điện than phải giảm dần tiến đến loại bỏ do vấn đề môi trường nhằm thực hiện cam kết netzero vào năm 2050 của Chính phủ. Điện khí hóa lỏng không thể bảo đảm nguồn cung ổn định và giá cả phù hợp. Thủy điện lớn của chúng ta đã khai thác hết dư địa. Năng lượng tái tạo được phát triển rất nhanh trên thế giới cũng như ở Việt Nam; các công nghệ lưu trữ điện năng cũng được đầu tư phát triển mạnh. Công nghệ phát điện từ than và khí có hệ thống thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) đã được phát triển để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải CO2…

Ngoài ra, hiện nay suất đầu tư điện hạt nhân đã tăng cao hơn, vì các tiêu chuẩn an toàn được nâng lên sau tai nạn Fukushima (Nhật Bản) và kinh nghiệm triển khai một số dự án điện hạt nhân thế hệ mới ở một số nước.

Tất cả những vấn đề trên đặt ra yêu cầu cập nhật báo cáo đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân để phù hợp với tình hình mới.

Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), có 19 vấn đề về cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho phát triển điện hạt nhân phải được quan tâm xây dựng và hoàn thiện trong quá trình triển khai dự án. Cụ thể là: (1) Các cam kết của quốc gia; (2) An toàn hạt nhân, (3) Công tác quản lý; (4) Đầu tư và thu xếp tài chính; (5) Khuôn khổ luật pháp; (6) Thanh sát hạt nhân; (7) Khuôn khổ pháp quy; (8) Bảo vệ bức xạ; (9) Hệ thống lưới điện; (10) Phát triển nguồn nhân lực; (11) Sự tham gia của các tổ chức khác nhau ở trong nước vào dự án điện hạt nhân; (12) Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở hỗ trợ; (13) Bảo vệ môi trường; (14) Lập kế hoạch ứng phó; (15) An ninh hạt nhân và bảo vệ thực thể; (16) Chu trình nhiên liệu hạt nhân; (17) Chất thải phóng xạ; (18) Sự tham gia của công nghiệp trong nước; và (19) Tổ chức mua sắm trong dự án điện hạt nhân.

Với nước ta, dự án điện hạt nhân là một dự án hoàn toàn mới, đầu tư lớn, phức tạp và có yêu cầu hết sức nghiêm ngặt về bảo đảm an toàn và an ninh. Vì vậy, công tác chuẩn bị cho tái khởi động dự án phải được làm một cách bài bản và tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Chỉ có như vậy mới tạo được lòng tin của người dân cũng như cộng đồng quốc tế về công tác bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân trong triển khai dự án.

Với kinh nghiệm của bản thân gắn bó cả đời với sự nghiệp của ngành hạt nhân, tôi xin đề xuất một số nhiệm vụ cụ thể trước mắt như sau:

Một là, Chính phủ cần thành lập Ban chỉ đạo phát triển điện hạt nhân do một lãnh đạo Chính phủ làm Trưởng ban để chỉ đạo cập nhật báo cáo xin chủ trương đầu tư; tổ chức xây dựng các hạ tầng quốc gia cần thiết.

Tùy theo công tác chuẩn bị, Ban chỉ đạo sẽ báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kế hoạch cụ thể để trình cấp có thẩm quyền xem xét. Giúp việc cho Ban chỉ đạo cần có 7 nhóm chuyên gia về (1) Luật pháp và pháp quy, (2) Chính sách thương mại và kỹ thuật, (3) Công nghệ và chu trình nhiên liệu, (4) Đánh giá các nguồn phát điện và thị trường điện, (5) Đánh giá môi trường và địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, (6) Đánh giá khả năng nội địa hóa công nghệ và kinh tế điện hạt nhân, (7) Thông tin đại chúng và tư vấn cộng đồng.

Các nhóm chuyên gia sẽ giúp Ban chỉ đạo đánh giá báo cáo xin chủ trương đầu tư cập nhật và báo cáo về các cơ sở hạ tầng cần thiết cho dự án.

Hai là, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ với trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng báo cáo đánh giá hiện trạng các cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho phát triển điện hạt nhân theo hướng dẫn của IAEA. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có trách nhiệm đề xuất kế hoạch xây dựng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho dự án điện hạt nhân.

Báo cáo phải làm rõ các cơ sở hạ tầng cần thiết đã đủ điều kiện theo hướng dẫn của IAEA chưa, để có căn cứ cho cấp có thẩm quyền xem xét đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân.

Tác giả: PGS.TS Vương Hữu Tấn tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, công tác ở Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nghiên cứu sinh ở Liên Xô (1985-1989). Từ 1998 đến 2012, ông là Phó viện trưởng, rồi Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam. Ông cũng từng giữ chức Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Thứ Ba, tháng 11 12, 2024

Sống ở nơi từng quy hoạch điện hạt nhân, người dân Ninh Thuận vẫn thấp thỏm

 

Hơn 1 năm sau khi UBND tỉnh Ninh Thuận thông báo hủy thu hồi 820ha đất tại vùng quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân 1 và 2, người dân dần ổn định cuộc sống. Song, họ vẫn chờ quyết sách cuối cùng về điện hạt nhân.

Ổn định cuộc sống sau thời gian dài 'quy hoạch treo'

Con đường dẫn vào thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) - nơi từng quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân 2 rộng 380ha - hạ tầng, hệ thống giao thông, điện nước được sửa sang, nhà cửa được xây kiên cố.

Ông Nguyễn Văn Mẫn (62 tuổi, thôn Thái An) khoe vườn nho với diện tích 3 sào, xanh mướt của gia đình trồng gần 20 năm nay. Ông bảo, mỗi năm, vườn nho cho thu hoạch chừng 150 triệu đồng, giúp cải thiện kinh tế.

W-Dienhatnhan DJI_0795.jpg
Một góc thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, nơi từng quy hoạch nhà máy điện hạt nhân 2. Ảnh: Xuân Ngọc

Hơn chục năm trước, nơi ông Mẫn sống được quy hoạch làm dự án điện hạt nhân. Khi ấy, mọi người đồng thuận chủ trương. Họ kỳ vọng khi dự án hình thành giúp thay đổi diện mạo quê hương, nhân lực ở địa phương có cơ hội việc làm. Ai cũng ngóng. Tuy nhiên, dự án kéo dài nhiều năm không thấy triển khai, rồi sau đó đến năm 2016, Quốc hội cho tạm dừng.

W-Dienhatnhan IMG_8873.jpg
Ông Nguyễn Văn Mẫn kiểm tra vườn nho ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải. Ảnh: Xuân Ngọc

Theo ông Mẫn, sự dùng dằng kéo dài nhiều năm của dự án khiến đời sống của người dân càng bấp bênh từ khi cả thôn bị quy hoạch treo.

Tương tự, cuộc sống của người dân thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam), vùng được quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân 1 rộng 440ha, cũng đang dần ổn định. Nhà cửa xây mới, mọi người đầu tư làm kinh tế.

Đầu giờ chiều, ông Đoàn Huỳnh Hồ Hải, 50 tuổi, cùng nhóm nhân công tất bật vệ sinh ao nuôi ốc hương ở thôn Vĩnh Trường. Do vướng quy hoạch, gia đình ông Hải chỉ nuôi ốc cầm chừng trên diện tích nhỏ, vì không biết lúc nào phải di dời.

Tuy nhiên, hơn năm qua, từ khi tỉnh “cởi trói” cho vùng này, ông mạnh dạn thuê thêm ao đìa, tăng diện tích ao nuôi để đầu tư sản xuất.

W-Dienhatnhan IMG_8656.jpg
Công trình hạ tầng thiết yếu ở xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam đang được xây dựng. Ảnh: Xuân Ngọc

Trả lời PV.VietNamNet, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, khi có chủ trương quy hoạch nhà máy điện hạt nhân 1 và 2 ở Ninh Thuận, địa phương đã phối hợp các bộ ngành Trung ương liên quan để thực hiện.

Từ năm 2016, Quốc hội đã tạm dừng triển khai dự án. Đến năm 2023, sau khi có quyết định hủy thu hồi 820ha đất vùng quy hoạch hai nhà máy điện hạt nhân, tỉnh đã triển khai đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu ở xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Loạt công trình hạ tầng này nhằm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân.

Đối với nơi từng quy hoạch 2 dự án trên, tỉnh làm nhiều việc song song, thực hiện kiểm kê đất đai, hiện trạng khu vực thực hiện dự án, xây dựng đường sá, hạ tầng. Tuy nhiên, khi dự án dừng triển khai, địa phương đã khoanh lại hồ sơ những việc đã làm, đang làm và tiếp tục làm.

“Chỗ nào đã làm thì giữ vững, chưa làm thì khoanh hồ sơ để người dân được thực hiện các quyền lợi của mình”, ông Nam nói.

Vẫn chờ quyết sách cuối cùng về điện hạt nhân

Thực tế, để có thể chọn được hai địa điểm đặt các nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận không phải là dễ dàng, trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài, lựa chọn kỹ lưỡng, đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của quốc tế. 

Chia sẻ với PV.VietNamNet về việc tái khởi động điện hạt nhân ở Việt Nam, TS Lê Hải Hưng, nguyên cán bộ giảng dạy Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, nay là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ (IRAT) cho rằng: Chúng ta có rất nhiều thuận lợi mà trước hết là đã cơ bản hoàn thành quy hoạch mặt bằng cho các dự án điện hạt nhân ở hai huyện Thuận Nam và Ninh Hải thuộc tỉnh Ninh Thuận. Bởi vì để chọn được vùng làm được điện hạt nhân là điều không hề đơn giản.

Theo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), quy trình lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân gồm 3 công đoạn sau:

Công đoạn 1 - Tìm kiếm, thăm dò địa điểm

Công đoạn 2 - Đánh giá địa điểm

Công đoạn 3: Nghiên cứu bổ sung trước và sau khi vận hành.

Công đoạn 1, quá trình tìm kiếm và thăm dò địa điểm lại gồm 3 pha: Pha 1 - Phân tích vùng và lựa chọn các địa điểm tiềm năng (đã triển khai trong giai đoạn 1996-2000); Pha 2 - Sàng lọc các địa điểm tiềm tàng và lựa chọn các địa điểm thí sinh; Pha 3 - So sánh, xếp thứ tự ưu tiên các địa điểm ứng tuyển (đã triển khai trong giai đoạn 2001-2007).

Nhiều tiêu chí khắt khe của IAEA như phạm vi cung cấp điện; hệ thống điện phục vụ thi công; nguồn nước làm mát; nguồn nước ngọt bổ sung; mặt bằng xây dựng; đứt gãy; động đất; núi lửa; bão lốc; vòi rồng; sóng thần; lũ lụt; hướng gió chủ đạo; hệ thống giao thông; khoảng cách tới sân bay; khoảng cách tới khu quân sự, kho tàng hóa chất; di dân đền bù; loại đất xây dựng và sự ủng hộ của địa phương…

W-Dienhatnhan DJI_0738.jpg
Thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam), vùng được quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân 1. Ảnh: Xuân Ngọc

Để thực hiện công tác đánh giá địa điểm, 2 đối tác là liên danh tư vấn E4 - KIEP - EPT, tư vấn JAPC đã triển khai các hoạt động trong nhiều năm. Kết quả thực hiện: Pha 1 nhận diện ra được 20 địa điểm tiềm năng, thuộc 11 tỉnh.

Sau khi so sánh, đánh giá và xếp hạng đã lựa chọn 10 địa điểm thuộc 7 tỉnh. Sau cùng, chọn 8 địa điểm thuộc 6 tỉnh (theo Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2030).

Trong đó thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải của tỉnh Ninh Thuận đã được các đơn vị liên quan và đối tác nước ngoài nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng trong thời gian dài và đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của IAEA.

Việc lựa chọn địa điểm cũng rất tốn kém. Từ năm 2010 đến năm 2015, kinh phí chi để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khả thi và đánh giá địa điểm cho mỗi vị trí đều hơn 30 triệu USD, được Chính phủ Liên bang Nga và Chính phủ Nhật Bản cấp cho Việt Nam dưới dạng viện trợ không hoàn lại.

Trong giai đoạn 2011-2015, công việc liên quan đến địa điểm bắt đầu bước sang công đoạn 2 - Công đoạn đánh giá địa điểm; được Tập đoàn Điện lực Việt Nam ký hợp đồng với các đối tác là liên danh tư vấn E4 - KIEP - EPT (Liên bang Nga) và Công ty điện nguyên tử Nhật Bản (JAPC) để triển khai thực hiện lập hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD) và Dự án đầu tư (FS) cho các Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Kinh phí thực hiện hợp đồng cũng thuộc khoản viện trợ không hoàn lại.

Vì thế, sau khi tạm dừng dự án điện hạt nhân, các bộ ngành cũng đều đồng thuận kiến nghị xem xét giữ lại quy hoạch dự án điện hạt nhân tại vùng đất này.

Còn ông Nguyễn Hàn, Trưởng thôn Thái An, cho hay, vùng đất này mạnh về nông nghiệp, như trồng nho, hành tỏi và nghề biển. 

Hơn 1 năm qua, quyết định hủy bỏ thu hồi đất có hiệu lực, bà con an tâm đầu tư sản xuất, phát triển. Thay mặt người dân ở thôn, ông Hàn mong mỏi đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm quyết định rõ ràng về vấn đề quy hoạch điện hạt nhân tại vùng đất này.

"Nếu tiếp tục giữ quy hoạch, chính quyền cần sớm bố trí tái định cư cho người dân, cung cấp đất canh tác và thực hiện các chính sách an cư lạc nghiệp", trưởng thôn Thái An đề nghị.

W-Dienmattroi DJI_0681.jpg

Tỉnh Ninh Thuận thực hiện loạt công trình hạ tầng nhằm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân tại hai vùng từng quy hoạch điện hạt nhân. Ảnh: Xuân Ngọc


TheoVietnamnet.vn