e

Thứ Hai, tháng 2 27, 2023

Nhà máy điện trọng lực đầu tiên trên thế giới được xây dựng tại Cộng hòa Séc

 VOV.VN - Trong bối cảnh phải tăng cường tìm kiếm phương án lưu trữ các nguồn năng lượng thay thế, các mỏ than ở Ostrava, Cộng hòa Séc sẽ được chuyển đổi thành các cơ sở lưu trữ điện khổng lồ trong vòng vài năm tới.

Đây là dự án nhà máy điện trọng lực đầu tiên trên thế giới, liên doanh giữa Doanh nghiệp Nhà nước Cộng hòa Séc Diamo, Đại học và Công nghệ Ostrava và công ty Gravitricity của Anh.

Giám đốc điều hành công ty Gravitricity, Charlie Blair cho biết đã lựa chọn hợp tác với Cộng hòa Séc cho dự án này do có nhiều mỏ than chưa được khai thác hết ở phía Đông của nước này. Vị trí chính xác của nhà máy điện trọng lực vẫn chưa được quyết định, nhưng tất cả các vị trí dự kiến đều nằm ở vùng Moravian-Silesian.

Với chi phí dự kiến ​​khoảng 30 triệu euro, phần lớn kinh phí cho dự án này sẽ do Gravitricity cung cấp và sẽ nhận thêm một phần kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Đổi mới của Liên minh châu Âu. Phương án lưu trữ năng lượng mới này sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ than đá sang năng lượng tái tạo ở Cộng hòa Séc và khu vực Trung Âu. Đây cũng là một cách tiếp cận mới để lưu trữ năng lượng vừa giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cũng như tái sử dụng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch ở các mỏ than đang phải đóng cửa ở châu Âu. Ông Charlie Blair đã đưa ra một mốc thời gian dự kiến cho việc xây dựng và khả năng nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026.

Về phía Séc, giám đốc Doanh nghiệp nhà nước Séc bày tỏ vui mừng khi dự án này được thực hiện tại Séc tuy nhiên cũng lưu ý còn nhiều khó khăn về vấn đề kỹ thuật của dự án này trong thời gian tới. Theo đánh giá, dự án  này là giải pháp thay thế thân thiện với môi trường nhiều hơn so với pin lithium-ion đang được sử dụng rộng rãi cũng như đam bảo tuổi thọ pin dài hơn, chi phí thấp hơn và có thể tái sử dụng cơ sở hạ tầng hiện tại cũng như giải quyết cơ hội việc làm cho địa phương. Việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo và lưu trữ năng lượng đang là hướng đi được nhiều quốc gia châu Âu quan tâm nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp./.

Giá mua giảm thấp, điện gió sẽ khó thu hút vốn đầu tư



 Bộ Công thương ban hành khung giá phát điện áp dụng cho các dự án điện gió chuyển tiếp với giá điện gió trên bờ 79%; giá từ các dự án điện gió trên biển cũng khoảng 78% so với mức giá ưu đãi theo Quyết định 39/2018 của Thủ tướng Chính phủ và rẻ hơn giá nhiều loại nhiệt điện khác thời điểm hiện tại khiến không ít nhà đầu tư điện gió lo lắng.

Bởi, để đầu tư phát triển được 1 MW công suất phát, nhà đầu tư phải chi phí từ 1,5-2 triệu USD, nên mức giá mua điện tối đa 1.587 đồng/kWh với điện gió trên bờ và 1.815 đồng/kWh với dự án điện gió trên biển đang gây “sóng gió” đến phương án đầu tư cho không ít nhà đầu tư có dự án hoặc một phần dự án nằm trong khung giá điện chuyển tiếp. Đã vậy, khi thị trường chỉ có một người mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên chắc chắc các nhà đầu tư điện gió sẽ phải chấp nhận mức giá bán này.

Ông Quốc Trung, người đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư điện gió phân tích, việc EVN đề xuất Bộ Công Thương khung giá giảm 20%, nhìn trước mắt sẽ có lợi cho giá điện đầu vào. Tuy vậy, sẽ có những rủi ro chung về thị trường và khó khăn cho sự phát triển dài hạn trong lĩnh vực điện gió trên cả nước.

Cụ thể, 62 dự án điện gió, tổng công suất 3,5GW, tổng vốn đầu tư lên đến gần 6 tỷ USD nằm trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ phải bán điện với giá thấp hơn 20% giá dự kiến trong phương án đầu tư ban đầu nên hầu hết các dự án sẽ trở nên không khả thi về kinh tế. Điều này khiến các chủ dự án phải đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn.

Trong khi đó, các tập đoàn nước ngoài có nguồn tiền với chi phí huy động rẻ hơn sẽ đưa ra bài toán tài chính khả thi hơn. Với việc vận hành chuỗi dự án, chi phí vận hành của doanh nghiệp ngoại cũng sẽ giảm xuống. Các tập đoàn lớn đang đứng trước áp lực và cơ hội thay đổi cơ cấu sử dụng năng lượng sang mảng năng lượng xanh nên họ sẽ ưu tiên mua lại các dự án điện sạch vì mục tiêu phát triển dài hạn.

Sau khi Quyết định 39 về cơ chế hỗ trợ các dự án điện gió có hiệu lực, trong các năm 2020-2021 các nhà đầu tư đổ xô vào đầu tư phát triển điện gió. Tình trạng này đã đẩy giá nhân công, thiết bị, máy móc lên cao cùng với những khó khăn do tình hình dịch bệnh, việc không kịp huy động được lượng điện từ các nhà máy đã gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư và gây lãng phí vốn xã hội.

Nếu như trước khi có Quyết định 39, trong gần 10 năm, cả nước chỉ có hơn 0,4GW điện gió được đưa vào vận hành. Thì kể từ khi Quyết định 39 được ban hành đến mốc thời gian kết thúc ưu đãi giá điện gió vào 31/10/2021, trên cả nước đã có 3,3GW điện gió được đưa vào vận hành và 3,5GW đang được đầu tư. Điều này cho thể thấy, việc được hưởng ưu tiên về giá điện sạch đã đưa lĩnh vực điện gió vào chu kỳ phát triển quá nóng, gây nhiều hệ lụy về quy hoạch ngành nói chung và đầu tư toàn xã hội nói riêng.

Trong đó rõ nhất là việc các dự án điện gió chủ yếu tập trung ở những địa phương chưa phát triển về sản xuất công nghiệp, trong khi hạ tầng truyền tải nhiều lúc, nhiều nơi chưa đáp ứng dẫn đến tình trạng nơi cần điện thì thiếu, nơi có dự án thì thừa, điện sạch không được huy động toàn bộ.

“Xét ở góc độ xã hội, một ngành tăng trưởng nóng với cấp số nhân trong vòng 2-3 năm sẽ tạo sự phát triển lệch pha sau đó. Từ tổng vốn đầu tư lên đến cả chục tỷ USD trong năm 2021 đã quay về gần như bằng 0 trong năm 2022 và đang tạo ra sự lãng phí lớn về con người, tài chính… Về dài hạn, nền kinh tế không tích lũy được chất xám, công nghệ để làm chủ trong lĩnh vực xây dựng điện gió”, ông Quốc Trung nhận xét.

Cùng với xu hướng của thế giới, việc sử dụng năng lượng tái tạo đối với Việt Nam là không thể đảo ngược. Là quốc gia có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi. Do đó, trong dự thảo quy hoạch điện VIII đã 9 lần được Bộ Công thương trình Chính phủ trong 2 năm vừa qua, dù có nhiều thay đổi nhưng vai trò chủ đạo của điện gió trong kế hoạch phát triển năng lượng trong tương lai gần và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon 2050 là không thay đổi.

Cụ thể, mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, quy mô phát triển điện gió trên bờ dự kiến đạt 17 GW trong khi điện gió ngoài khơi khoảng 7 GW. Sau năm 2030, công suất phát của điện gió trên bờ dự kiến đạt 16GW và xa bờ lên đến 73GW. Để phát triển được nguồn công suất như vậy, vốn đầu tư vào điện gió trong giai đoạn tới tiếp tục là một con số rất lớn.

Tháng 12/2022 Chính phủ đã đồng ý tham gia Thỏa thuận đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Nhóm các đối tác quốc tế nhằm huy động gói tài chính trị giá 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới. Đổi lại, Việt Nam phải cam kết giảm 30% lượng khí thải hàng năm từ ngành Điện, hạn chế tối đa việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ngày 19/2 vừa qua, EVN đã xúc tiến việc vay nguồn vốn này với đại diện Cơ quan Phát triển Pháp.

Tuy vậy, để vay được nguồn vốn “xanh” từ các tổ chức tài chính quốc tế, chủ đầu tư dự án điện gió sẽ phải đáp ứng một loạt tiêu chuẩn mềm. Ngay cả với nguồn vốn thông thường, cũng chưa dự án điện gió trong nước nào có thể vay được từ các tổ chức tài chính quốc tế. Lý do, EVN không cam kết huy động sản lượng tối thiểu trong hợp đồng mua bán điện như đối với các nhà máy nhiệt điện than.

Do đó, nguồn vốn huy động để phát triển điện gió trong giai đoạn sắp tới vẫn chủ yếu dựa vào các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và vốn của tư nhân. Nhưng để huy động được nguồn vốn lớn như vậy, vẫn cần chính sách đảm bảo lợi nhuận đầu tư hợp lý, ổn định với các nhà đầu tư điện gió.

TheoCAND.com.vn

Thứ Năm, tháng 2 16, 2023

Hydro “hồng” sản xuất từ điện hạt nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong nhiên liệu bền vững

 VietTimes – Hydro đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi sang nhiên liệu bền vững, nhưng hiện đối mặt với những thách thức lớn. Các nhà sản xuất đưa ra phương án sử dụng điện hạt nhân, được gọi là hydro “hồng”

Từ ông chủ Tesla Elon Musk tới Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, trong vài năm qua, rất nhiều người nổi tiếng và các nhà khoa học để cập đến vai trò của hydro trong quá trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng bền vững hơn.

Elon Musk bày tỏ sự hoài nghi về tính hữu ích của hydro, nhưng nhiều người cho rằng, hydro có thể làm giảm lượng khí thải trong nhiều lĩnh vực quan trọng như giao thông vận tải biển, hàng không và công nghiệp nặng.

Các nhà khoa học xác định hydro có tầm quan trọng đặc biệt, một nguồn nhiên liệu sạch đảm bảo một tương lai giảm thiểu carbon, nhưng phần lớn sản lượng được sản xuất vẫn phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Theo một báo cáo theo dõi tháng 9/2022 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, sản xuất hydro không phát thải năm 2021 chiếm chưa đến 1% sản lượng hydro toàn cầu. Nếu hydro thực sự có vai trò trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững, quy trình sản xuất hydro cần phải thay đổi theo phương pháp phi carbon.

GS Rachael Rothman, đồng giám đốc Trung tâm Tương lai Bền vững Grantham tại Đại học Sheffield, Anh trong cuộc phỏng vấn với CNBC cho biết: “Điều đầu tiên cần nhấn mạnh là hydro không thực sự tồn tại tự nhiên, vì vậy hydro cần phải được sản xuất.

Bà nói: “Hydro có rất nhiều tiềm năng giúp nhân loại khử carbon trong tương lai, nhưng chúng ta cần tìm ra những phương thức sản xuất hydro có hàm lượng carbon thấp ngay từ đầu,” bà cho biết thêm, các phương pháp sản xuất khác nhau đã được “biểu thị bằng các màu khác nhau”.

“Khoảng 95% hydro của chúng ta hiện nay đến từ quá trình tái tạo khí mê-tan bằng hơi nước và có lượng khí thải carbon lớn, do đó được gọi là hydro ‘xám’,” Rothman nói với CNBC.

Hydro xám, theo công ty năng lượng National Grid ,” được sản xuất từ khí tự nhiên, hoặc khí mê-tan.” quá trình sản xuất này xả thải nhiều khí nhà kính không được thu giữ, do đó có lượng khí thải carbon lớn mà GS Rothman đề cập đến.

Sự thống trị của phương pháp sản xuất này mâu thuẫn với mục tiêu xả thải khí CO2 bằng không. Chính vì vậy các nhà nghiên cứu đề xuất hàng loạt các nguồn cung cấp, hệ thống và đưa ra các ước định màu sắc của hydro làm phương án thay thế.

Những sản phẩm thu được bao gồm: hydro xanh lá cây, chỉ hydro được sản xuất bằng phương pháp sử dụng năng lượng tái tạo và điện phân, sử dụng điện phân tách nước thành oxy và hydro.

Hydro xanh lam biểu thị sử dụng khí tự nhiên (nhiên liệu hóa thạch) để sản xuất hydro và lưu trữ thu hồi carbon. Hiện đang diễn ra cuộc tranh luận gay gắt xung quanh vai trò của hydro màu xanh lam trong quá trình khử carbon của thế giới.

Sản xuất hydro sạch từ năng lượng hạt nhân (hydro hồng) là một giải pháp tiềm năng cho nguồn năng lượng carbon thấp. Video CNBC

Tiềm năng hydro màu hồng

Bên cạnh hydro màu xanh lam và xanh lá cây, một màu khác thu hút sự chú ý là màu hồng. Tương tự như hydro xanh, quy trình sản xuất là quá trình điện phân nước nhưng có một điểm khác biệt chính, sử dụng năng lượng điện hạt nhân nên được ước định là màu hồng.

GS Rothman nói: “Nếu phân tách... nước, sẽ thu được hydro và oxy. Nhưng phân tách nước cần năng lượng, do đó hydro màu hồng là tách nước bằng phương pháp sử dụng năng lượng điện hạt nhân.”

Khái niệm này có nghĩa là “toàn bộ hệ thống sản xuất có hàm lượng carbon thấp, bởi vì quá trình phân tách không xả thải carbon và nguồn năng lượng sử dụng có hàm lượng carbon rất thấp do sử dụng điện hạt nhân.”

Ngoài điện phân, GS Rothman lưu ý rằng, năng lượng hạt nhân cũng có thể được sử dụng để phân tách nước với giải pháp chu trình nhiệt hóa học. Điều này được hiểu là khai thác nhiệt độ rất cao để tách nước thành oxy và hydro.

Hydro hồng có được sự ủng hộ tiềm năng đáng kể. Trong đó EDF Energy, công ty đã đưa ra ý tưởng sản xuất hydro tại Sizewell C, một nhà máy điện hạt nhân 3,2 gigawatt, được lên kế hoạch xây dựng ở Vương quốc Anh

Trang web của công ty cho biết: “Tại Sizewell C, chúng tôi đang khám phá khả năng có thể sản xuất và sử dụng hydro theo nhiều cách khác nhau. Thứ nhất, hydro có thể giúp giảm lượng khí thải trong quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân.”

“Thứ hai, khi Sizewell C hoạt động, chúng tôi hy vọng sẽ sử dụng một phần nhiệt tạo ra cùng với điện để sản xuất hydro hiệu quả hơn”.

EDF Energy, thành viên Tập đoàn EDF đa quốc gia trong một tuyên bố gửi tới CNBC cho biết: “Hydro, sản xuất từ ​​năng lượng hạt nhân có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng.”

Công ty cũng thừa nhận có những thách thức lớn trong sự phát triển của nhiên liệu hydro carbon thấp.

“Hydrogen hiện là một loại nhiên liệu tương đối đắt tiền và do đó, thách thức chính đối với hydro điện phân carbon thấp, dù được sản xuất từ ​​năng lượng tái tạo hay năng lượng hạt nhân là giảm chi phí quy trình sản xuất.” Vượt qua thách thức này cần “những chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư vào các dự án sản xuất và khai thác sử dụng hydro sớm, khuyến khích người dùng chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang hydro carbon thấp.”

“Việc phát triển thị trường cho hydro carbon thấp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế theo quy mô ngày càng mở và “học bằng cách làm” giúp giảm chi phí sản xuất.”

Mặc dù có sự phấn khích về vai trò điện hạt nhân trong sản xuất hydro và quá trình chuyển đổi năng lượng rộng lớn hơn, IEA cho biết năng lượng hạt nhân có “tiềm năng đáng kể để đóng góp vào quá trình khử carbon của ngành điện” mặc dù điện hạt nhân không được tất cả mọi người ưa chuộng. .

Các nhà phê bình bao gồm tổ chức Greenpeace. Tổ chức môi trường cho biết: “Năng lượng hạt nhân được quảng cáo là giải pháp cho các vấn đề năng lượng của chúng ta, nhưng trên thực tế, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân rất phức tạp và cực kỳ tốn kém đồng thời điện hạt nhân tạo ra một lượng lớn chất thải nguy hại.”

Một tương lai hydro nhiều màu?

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, GS Rothman thuộc Đại học Sheffield đề cập đến một bức tranh toàn cảnh rộng lớn hơn và vai trò của các loại hydro khác màu. GS Rothman nói: “Liệu chúng ta có thể chứng kiến ​ thời điểm khi mức độ hydro màu xanh lam và màu xám giảm xuống bằng không? Điều đó phụ thuộc vào khung thời gian đang được xem xét là bao lâu nhưng trong một thế giới lý tưởng, cuối cùng sẽ giảm xuống rất thấp. Điều lý tưởng nhất là loại bỏ tất cả hydro xám do hydro xám có lượng khí thải carbon lớn trong quá trình sản xuất và chúng ta cần loại bỏ nó.

“Khi chúng ta phát triển sản xuất hydro, thu hồi và lưu trữ carbon, có thể có một không gian cho hydro xanh lam và điều đó vẫn chưa được đánh giá, tùy thuộc vào ... sự phát triển.”

“Màu hồng và màu xanh lá cây sẽ chiếm không gian năng lượng hydro vì chỉ bằng phương pháp này mới thực sự nhận được hydro lượng carbon thấp và chúng ta biết, thế giới cần đạt được điều này.”

Fiona Rayment, nhà khoa học trưởng tại Phòng thí nghiệm Hạt nhân Quốc gia Vương quốc Anh, tương tự như EDF Energy, là thành viên của hiệp hội thương mại Hydrogen UK nhấn mạnh, những lựa chọn khác nhau trong các pháp sản xuất hydro có tầm quan trọng đặc biệt trong những năm tới.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, bà nói: “Không thể đánh giá thấp thách thức trong quá trình sản xuất hydro phát thải bằng không; chúng ta sẽ cần nắm chắc tất cả các nguồn sản xuất hydro carbon thấp để thay thế sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch”.

Đã diễn ra nhiều cuộc thảo luận về việc sử dụng màu sắc để phân biệt các phương pháp sản xuất hydro khác nhau, nhưng cũng có một cuộc thảo luận sôi nổi về việc liệu có nên tồn tại một hệ thống phân loại như vậy hay không.

GS Rothman nói: “Những gì chúng ta muốn là hydro carbon thấp. Có rất nhiều nhầm lẫn về những màu sắc khác nhau, một số người nói rằng... ‘tại sao chúng ta thậm chí còn cần màu sắc, tại sao chúng ta không chỉ có hydro và hydro carbon thấp?’”

“Nhưng kết quả cuối cùng có ý nghĩa quan trọng nhất là lượng carbon thấp và sản xuất hydro màu hồng và màu xanh lá cây đáp ứng được điều đó.”

Theo CNBC

Công ty Mỹ phát triển pin điện mặt trời thẳng đứng hai chiều dành cho nông nghiệp

 VietTimes – Sunstall, một công ty có trụ sở tại California đã ra mắt tấm pin năng lượng mặt trời thẳng đứng Sunzaun, có thể được sử dụng trên những cánh đồng và đất canh tác, không phải tốn diện tích để có điện xanh sạch.


Pin điện mặt trời thẳng đứng hai chiều dành cho nông nghiệp của công ty Sunstall, Mỹ. Ảnh Engineering Interesting

Pin điện mặt trời thẳng đứng hai chiều dành cho nông nghiệp của công ty Sunstall, Mỹ. Ảnh Engineering Interesting

Quá trình lắp đặt pin điện mặt trời tương tự như các hệ thống năng lượng mặt trời thông thường, chỉ khác là hệ thống sử dụng các module năng lượng mặt trời 2 chiều và toàn bộ mảng tương tự như một bức tường ranh giới.

Thế giới đang nỗ lực sản xuất năng lượng sạch nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, sự quan tâm đến năng lượng mặt trời tăng lên mạnh mẽ trong những năm gần đây. Các quốc gia châu Âu, phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt cũng đang tìm những giải pháp mới để khai thác năng lượng mặt trời như lắp đặt những tấm pin mặt trời trên độ cao lớn. Trong sự phát triển của điện mặt trời, dành quỹ đất nông nghiệp rộng lớn để xây dựng những trang trại năng lượng mặt trời dường như đã ảnh hưởng đến nông nghiệp quá mức cần thiết. Nhưng nhu cầu sử dụng điện nông nghiệp tự chủ và sạch cũng rất cần thiết.

Tấm năng lượng mặt trời dọc

Điện nông nghiệp sạch là một lĩnh vực tương đối mới, nhưng đặt ra một số tiêu chuẩn trở thành thách thức như việc sử dụng các giàn giáo nâng cao để lắp đặt những tấm pin mặt trời. Thiết kế này cho phép đất được sử dụng để trồng trọt đồng thời che chắn cây trồng khỏi ánh nắng mặt trời gay gắt, giảm lượng nước cần thiết trong quá trình canh tác cây trồng.

Đây là một ý tưởng hữu ích nhưng làm tăng chi phí lắp đặt do kết cấu giàn giáo và quy trình lắp đặt. Những tấm pin mặt trời thẳng đứng Sunzuan giải quyết những khó khăn này, giúp việc lắp đặt các tấm pin mặt trời trở nên đơn giản hơn vì không cần phải xây dựng những bệ nâng cao. Các tấm pin mặt trời dọc có thể được xếp thành hàng ở bất cứ vị trí nào thuận tiện để đặt và thậm chí có thể được lắp đặt với độ dốc lên tới 15 độ.

Công ty Mỹ phát triển pin điện mặt trời thẳng đứng hai chiều dành cho nông nghiệp ảnh 1

Các tấm pin mặt trời thẳng đứng được lắp đặt tại một nhà máy sản xuất rượu nho ở California. Mỹ.

Ưu thế của Sunzuan là sử dụng các module năng lượng mặt trời hai mặt trong thiết kế, loại bỏ nhu cầu lắp đặt các tấm pin theo cấu hình hướng về phía nam. Thông thường, những tấm pin mặt trời được lắp đặt hướng về phía nam để đảm bảo bề mặt nhận được ánh sáng mặt trời trực tiếp suốt cả ngày. Do các bảng dọc sử dụng những module hai mặt nên có thể được xếp theo hướng đông-tây mà nhận được nguồn năng lượng ánh sáng đầy đủ trong ngày. Đồng thời, việc lắp đặt những tấm pin điện mặt trời theo chiều thẳng đứng hướng đông tây cũng giảm bớt đáng kể sự bay hơi, tiết kiệm nước dành cho nông nghiệp.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, lắp đặt các module hai chiều theo cấu hình hướng đông-tây vẫn tạo ra lượng điện tương đương với một tấm pin mặt trời hướng nam. Quan trọng hơn, thiết kế bảng điều khiển dọc không bị giới hạn trong canh tác nông nghiệp. Pin điện mặt trời có thể được xếp dọc theo chiều dài của đường cao tốc, đường sắt, hàng rào, hay thậm chí là ban công trong khu dân cư …

Các tấm này có thể chịu tải trọng gió lên tới 0,084 psi và hiện đang trong quá trình đạt được chứng nhận UL2703, đảm bảo hiệu suất an toàn của các module và hệ thống.

Hệ thống dọc của Sunzuan với 43 tấm pin điện mặt trời hiện đang được lắp đặt tại một nhà máy rượu ở California và sản xuất 23kW điện năng.

Theo Engineering Interesting

Cận cảnh 'siêu nhà máy điện gương' Trung Quốc tạo 390 triệu kWh điện mỗi năm

 

Nhà máy điện mặt trời sử dụng công nghệ muối nóng chảy được đặt tại Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc phía tây bắc Trung Quốc.


Nhà máy điện 100MW, còn được gọi là "siêu nhà máy điện gương", hoạt động bằng cách sử dụng 12.000 gương tập trung ánh sáng mặt trời vào một bộ thu trên đỉnh tháp năng lượng mặt trời, sau đó làm muối nóng chảy. Nhà máy được thiết kế để tạo ra 390 triệu kWh điện hàng năm, góp phần giảm 350.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm.

Năng lượng nhiệt mặt trời được cho là thế hệ năng lượng mặt trời tiếp theo và là nguồn năng lượng xanh lý tưởng ở Trung Quốc.

Nhà máy đã phát điện thành công và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2018.

Cận cảnh siêu nhà máy điện gương Trung Quốc tạo 390 triệu kWh điện mỗi năm - Ảnh 1.

Hình ảnh siêu nhà máy điện gương Trung Quốc.

Huang Wenbo, phó chủ tịch của công ty Beijing Shouhang, đơn vị xây dựng nhà máy, cho biết nhà máy điện này đã chịu được thử thách vận hành trong điều kiện môi trường khắc nghiệt nhất trong các mùa khác nhau. Việc này đồng nghĩanó có thể được sử dụng rộng rãi ở các khu vực Tây Bắc.

Nhà máy điện này là một trong những dự án thí điểm phát điện nhiệt mặt trời đầu tiên của Trung Quốc. Với khoản đầu tư 3 tỷ nhân dân tệ (433,1 triệu USD), công ty Beijing Shouhang xây dựng và sở hữu toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ của nhà máy.

Theo các báo cáo, nhà máy điện này có thể cung cấp điện liên tục 24 giờ ở công suất tối đa, được xem là nền tảng kỹ thuật vững chắc cho sự phát triển của các công ty hoạt động trong lĩnh vực tương tự ở Trung Quốc. Nó được cho là cũng cho phép Trung Quốc trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới làm chủ công nghệ cốt lõi của các nhà máy nhiệt điện muối nóng chảy megawatt.

Cận cảnh siêu nhà máy điện gương Trung Quốc tạo 390 triệu kWh điện mỗi năm - Ảnh 2.

Hình ảnh siêu nhà máy điện gương Trung Quốc.

Cận cảnh siêu nhà máy điện gương Trung Quốc tạo 390 triệu kWh điện mỗi năm - Ảnh 3.
Cận cảnh siêu nhà máy điện gương Trung Quốc tạo 390 triệu kWh điện mỗi năm - Ảnh 4.
Cận cảnh siêu nhà máy điện gương Trung Quốc tạo 390 triệu kWh điện mỗi năm - Ảnh 5.

(Nguồn: Xinhua, China Daily )

Thứ Bảy, tháng 2 11, 2023

Công ty Đan Mạch cung cấp dịch vụ robot sửa chữa cánh quạt tua-bin điện gió tích hợp AI

 VietTimes – Công ty bảo trì cánh quạt điện gió Rope Robotics bắt đầu thử nghiệm robot bảo trì trên các tua-bin điện gió ngoài khơi, lên kế hoạch đưa thiết bị vào hoạt động thương mại năm 2024.

 Robot sửa chữa cánh quạt tua-bin điện gió Rope Robotics. Ảnh Engineer Interesting

Robot sửa chữa cánh quạt tua-bin điện gió Rope Robotics. Ảnh Engineer Interesting

Theo tuyên bố của Rope Robotics, các chủ sở hữu tua-bin điện gió nhận thấy hiệu quả đầu tư vào dịch vụ sửa chữa bằng robot chỉ trong vòng sáu tháng. Robot được cấp bằng sáng chế BR-8 đã sửa chữa hơn 150 cánh quạt tuabin gió trên bờ bị hư hại do mưa, hiện có kế hoạch tích hợp với ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) trong tương lai.

Doanh nghiệp bảo trì cánh quạt điện gió Đan Mạch được thành lập năm 2016, một trong những công ty tiên phong trong các giải pháp bảo trì và sửa chữa cánh tua bin điện gió bằng robot. Martin Huus Bjerge, Giám đốc điều hành Rope Robotics, cho biết: “Cho đến nay, phản hồi từ khách hàng đã xác nhận tính toán của chúng tôi rằng sau 6 tháng, khoản đầu tư vào dịch vụ sửa chữa bằng robot đã được bù đắp bằng sản lượng điện.”

Thiệt hại do bị xói mòn cánh quạt tua-bin điện gió từ mưa lớn trên biển gây bất lợi cho hiệu suất khí động học của cánh quạt và thậm chí có thể dẫn đến hỏng cánh quạt. Rope Robotics cung cấp dịch vụ sửa chữa nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và hiệu quả để khôi phục sản lượng điện của tua-bin.

"Sửa chữa hiệu quả cánh quạt góp phần kéo dài tuổi thọ của một trong những bộ phận đắt tiền nhất trên tuabin gió, chiếm khoảng 25 đến 30% chi phí xây dựng." Ông Martin Huus Bjerge nói.


Hoạt động sửa chữa cánh quạt tua-bin điện gió của robot Rope Robotics. Video Rope Robotics.

Quy trình sửa chữa 3 phân đoạn

Theo giới thiệu của Rope Robotics, robot sửa chữa nặng 150 kg được gắn vào dây thừng, được cẩu lên cách mặt đất khoảng 100 mét, đưa vào lưỡi cánh quạt bị hư hỏng, được cố định ở vị trí thẳng đứng.

"Hệ thống chân không cho phép robot tự bám chắc chắn vào bề mặt cánh quạt, các động cơ điện cho phép robot di chuyển trên lưỡi cắt. Sử dụng máy ảnh có độ phân giải cao và máy quét larres tích hợp, robot sẽ kiểm tra bề mặt cánh quạt, gửi hình ảnh cho người điều khiển từ xa, kỹ thuật viên sẽ chẩn đoán hư hỏng và bắt đầu quá trình quá trình sửa chữa trong thời gian thực."

Việc sửa chữa tiếp theo bao gồm ba phân đoạn đoạn. Phân đoạn đầu tiên bắt đầu với thiết bị chà nhám khu vực bị hư hỏng. Phân đoạn thứ 2, robot sử dụng làm sạch bề mặt bằng bàn chải và cồn, loại bỏ bụi bẩn và dầu mỡ. Phân đoạn thứ 3, robot định lượng áp dụng vật liệu bảo vệ tiên tiến nhất (LEP), rải vật liệu và tạo lại hình dạng lưỡi khí động học tối ưu, làm mịn vật liệu theo những tiêu chuẩn được xác định trước."

AI cung cấp kế hoạch sửa chữa hoàn toàn tự động

Sử dụng kết quả và kinh nghiệm, dữ liệu từ hơn 150 sứ mệnh sửa chữa, được thực hiện trên toàn thế giới. công ty đang lên phương án phát triển khả năng ứng dụng của Trí tuệ nhân tạo (AI), cung cấp dịch vụ sửa chữa hoàn toàn tự động trong tương lai.

Theo ông Martin Huus Bjerge: "Robot đã được chứng minh trên thực địa với tốc độ gió lên tới 14 mét/giây, độ ẩm tương đối lên tới 80% và nhiệt độ từ 0 đến 40 độ C."

Công ty hiện đang tiến hành sửa chữa thử nghiệm các tua-bin điện gió ngoài khơi xa. Rope Robotics có kế hoạch tung ra thị trường dịch vụ sửa chữa cánh quạt điện gió ngoài khơi xa vào cuối năm 2023.

Theo Engineering Interesting

Thứ Bảy, tháng 2 04, 2023

Phát triển máy phát điện từ không khí

 Các nhà khoa học ở Trung Quốc đã tạo ra một thiết bị có thể biến khí nóng di chuyển ở tốc độ siêu thanh thành điện cường độ cao.

Zhang Xiaoyuan, tác giả chính của nghiên cứu cho biết năng lượng cường độ cao được tạo ra từ công nghệ này có thể dùng để sạc pháo laser, vũ khí vi sóng, súng điện từ và các vũ khí quân sự khác. Còn với mục đích dân sự, công nghệ này có thể sử dụng để sản xuất năng lượng nhiệt hạch hạt nhân, gửi đi một loạt tín hiệu SOS mạnh trong trường hợp khẩn cấp.

Hệ thống phát điện mới hoạt động bằng cách biến khí thành plasma chuyển động nhanh thông qua kích hoạt các vụ nổ, sau đó năng lượng của plasma được chuyển đổi thành điện năng.

Vũ khí công nghệ cao như pháo laser muốn tiêu diệt mục tiêu cần một lượng lớn năng lượng. Ảnh: AFP.
Vũ khí công nghệ cao như pháo laser muốn tiêu diệt mục tiêu cần một lượng lớn năng lượng. Ảnh: AFP.

Trong một thí nghiệm, thông qua vụ nổ hydro-oxy hệ thống đã tạo ra sóng xung kích năng lượng cao. Xung kích này nén khí argon và tăng tốc nó lên gấp 14 lần tốc độ âm thanh, biến khí trơ thành plasma dẫn điện cao chứa đầy các ion nóng, tích điện. Dòng plasma chảy qua một bộ phận được gọi là máy phát điện từ thủy động lực học (MHD), có nhiệm vụ thu năng lượng từ các ion chuyển động nhanh và chuyển đổi thành điện năng.

Theo các nhà nghiên cứu, máy phát điện MHD chỉ cần chưa tới 1 lít khí siêu thanh có thể tạo ra các xung điện nhanh lên tới 212 kilowatt. Điều này cho thấy hệ thống có tiềm năng giải phóng một vụ nổ năng lượng trong thời gian cực ngắn, giúp khắc phục hạn chế lớn nhất trong việc phát triển và triển khai vũ khí năng lượng xung, giải phóng những vụ năng lượng khổng lồ để tiêu diệt mục tiêu.

Máy phát điện MHD có thể sản xuất điện công suất cao trong một hệ thống đơn giản và tương đối nhỏ gọn, không có bộ phận quay, không cần các thành phần lưu trữ năng lượng trung gian, không cần công tắc công suất cao mà vẫn có thể truyền trực tiếp năng lượng đến tải tiêu thụ.

Các nhà nghiên cứu cho biết, hệ thống máy phát điện của họ chỉ cần từ 5m3 plasma siêu thanh để tạo ra một gigawatt điện.

Hiện tại, máy phát điện MHD đã được lắp ráp và thử nghiệm tại một cơ sở nghiên cứu phát triển vũ khí siêu thanh ở Bắc Kinh.

TheoQuantrimang

Thứ Năm, tháng 2 02, 2023

EVN phản hồi về đàm phán giá điện các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp

 

Ngày 20-9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo nội dung góp ý gửi Bộ Công Thương về cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đang triển khai dở dang (các dự án chuyển tiếp) và các dự án sẽ triển khai trong tương lai.

Với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và các dự án sẽ triển khai trong tương lai, Bộ Công Thương đề xuất giao EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành. EVN thấy rằng, đề xuất trên không khả thi trong điều kiện tại Việt Nam. Vì các dự án chuyển tiếp đã đầu tư ở nhiều giai đoạn khác nhau và đã thực hiện với khung giá điện không hồi tố lại được.

Bên cạnh đó, việc xác định sản lượng điện bình quân năm của các nhà máy điện gió, điện mặt trời để tính giá điện sẽ phức tạp hơn các dự án năng lượng truyền thống và chưa rõ cơ quan nào xác nhận, chịu trách nhiệm về số liệu này. Ngoài ra, việc đàm phán theo tổng mức đầu tư do chủ đầu tư khai báo và sản lượng điện bình quân sẽ phát sinh những vấn đề khó giải trình và nằm ngoài kiểm soát của EVN. Ở kinh nghiệm quốc tế, các nước đều chuyển sang cơ chế đấu thầu sau khi kết thúc giai đoạn giá ưu đãi cố định (FIT).

EVN phản hồi về đàm phán giá điện các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp
 Nhà máy Điện gió Trung Nam, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: NAM ĐÔ

EVN kiến nghị, trước mắt cho phép các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tham gia thị trường điện, được thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay và không vượt quá khung giá phát điện của loại hình nguồn điện tương ứng do Bộ Công Thương phê duyệt. EVN đề nghị Bộ Công Thương không giao EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện các dự án này.

Về dài hạn, đối với các dự án điện gió, điện mặt trời trong tương lai, EVN đề nghị áp dụng cơ chế đấu thầu, theo hai bước: Lựa chọn chủ đầu tư theo đúng Luật Đầu tư mới với quyết định chủ trương đầu tư có thời hạn nhất định. Sau một thời gian quy định, nếu chủ đầu tư không triển khai dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền thu lại dự án để giao chủ đầu tư khác. Bước tiếp theo là các chủ đầu tư được lựa chọn tham gia thị trường điện hoặc tham gia đấu thầu để ký hợp đồng mua bán điện (PPA) và phát triển dự án; đơn vị tổ chức đấu thầu là Bộ Công Thương.

Đối với đề xuất của Bộ Công Thương về việc rà soát, xem xét lại hợp đồng giữa EVN và chủ đầu tư đối với các dự án đã vận hành thương mại, EVN cũng cho rằng, do các PPA được ký hiện nay là các PPA mẫu do Bộ Công Thương ban hành, căn cứ theo Luật Thương mại, Luật Điện lực và Luật Dân sự nên EVN đề nghị việc hủy bỏ hoặc điều chỉnh nội dung của PPA phải căn cứ vào những điều khoản của PPA đã ký và các luật trên.

Đến nay, sau nhiều tháng chờ đợi, chính sách phát triển tiếp theo cho điện gió và điện mặt trời vẫn đang được các cơ quan quản lý xem xét, nghiên cứu. Báo Quân đội nhân dân cũng vừa đăng tải vệt 4 bài "Ổn định chính sách cho năng lượng tái tạo" nêu những vướng mắc và đề xuất giải pháp phát triển năng lượng tái tạo.

VŨ DUNG (TheoQdnd)



Ký kết hợp đồng tín dụng dự án điện gió trên đất liền tại tỉnh Ninh Thuận

 

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa ký hợp đồng tín dụng trị giá 25 triệu USD để tài trợ vốn cho “Dự án phát triển điện gió trên đất liền tại tỉnh Ninh Thuận” với tổng công suất phát điện 88MW.

Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm phát thải khoảng 215.000 tấn CO2 mỗi năm. Bên vay là công ty dự án sở hữu bởi BIM Energy Holding (Việt Nam), thuộc Tập đoàn BIM Group, một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất tại Việt Nam và ACEN Vietnam Investment Pte Ltd., (Philippines), công ty con của ACEN, công ty niêm yết chuyên về năng lượng thuộc Tập đoàn Ayala, một trong những tập đoàn lớn nhất tại Philippines.

Dự án do JICA, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức tài chính khác, gồm: Ngân hàng Sumitomo Mitsui, Hong Kong Mortgage Corporation Limited, Ngân hàng ING và Ngân hàng Cathay United, đồng tài trợ vốn.

Tại Việt Nam, các dự án phát triển năng lượng tái tạo do doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp nước ngoài khu vực tư nhân đầu tư theo phương thức Cho vay dự án còn rất hạn chế. Dự án này sẽ do công ty Việt Nam và công ty Philippines thực hiện, với nguồn vốn được huy động từ các tổ chức tài chính nước ngoài dành cho khu vực tư nhân.

Ký kết hợp đồng tín dụng dự án điện gió trên đất liền tại tỉnh Ninh Thuận
“Sản xuất điện gió trên cánh đồng muối – Dự án điện gió BIM”. Ảnh: Quỳnh Anh

Nối tiếp "Dự án điện gió trên đất liền tỉnh Quảng Trị" được ký kết vào tháng 5-2021, Dự án này tiếp tục là mô hình mẫu cho việc hình thành các dự án tương tự trong tương lai, thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo do khu vực tư nhân phát triển.

Thông qua việc xây dựng và vận hành Nhà máy điện gió cùng các hạ tầng liên quan, Dự án sẽ góp phần tăng nguồn cung ứng điện từ năng lượng tái tạo, đóng góp cho các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) như Mục tiêu 7 (Năng lượng sạch với giá thành hợp lý); Mục tiêu 13 (Hành động về khí hậu) và Mục tiêu 17 (Quan hệ đối tác vì các mục tiêu). Đồng thời, Dự án góp phần thúc đẩy các dự án trong khu vực ASEAN đầu tư xanh và thực hiện “Sáng kiến về Cho vay và Đầu tư hải ngoại khu vực ASEAN” (do Thủ tướng Abe (lúc bấy giờ) công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản vào tháng 11-2019).

Chính phủ Việt Nam dự báo nhu cầu điện sẽ tăng 9,1% hàng năm trong giai đoạn 2020-2030. Tăng trưởng kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 sẽ kéo theo nhu cầu điện năng tiếp tục tăng cao.  Bên cạnh đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo dựa trên các chính sách cụ thể.

Để đạt mục tiêu tăng nguồn cung cấp điện năng và ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ 15-20% tổng cung năng lượng sơ cấp, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 125-130 GW, trong đó chủ trương tận dụng nguồn năng lượng gió dồi dào ở vùng núi và duyên hải để phát triển điện gió đạt công suất 6.000 MW (khoảng 5% công suất đầu vào hệ thống năm 2030-theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Cho đến nay, JICA đã triển khai các dự án nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam như: Tài trợ theo hình thức Đầu tư tài chính nước ngoài cho “Dự án điện gió trên đất liền tỉnh Quảng Trị”, “Dự án điện mặt trời tỉnh Phú Yên” do ADB tài trợ có sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Cơ sở Hạ tầng Khu vực Tư nhân Châu Á với sự góp vốn của JICA; Dự án vốn vay ODA “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo”.

PHƯƠNG MINH (TheoQdnd)

Tháo rào cản phát triển điện gió ngoài khơi

 

Năng lượng gió nói chung, năng lượng gió ngoài khơi nói riêng được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm giảm những ảnh hưởng tiêu cực do hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Việc đẩy mạnh phát triển điện gió là một giải pháp cần thiết để bảo đảm an ninh năng lượng, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam về cắt giảm, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á

Ưu điểm chính của năng lượng gió ngoài khơi là khả năng tạo ra điện cao hơn vì tốc độ gió trên đại dương thường ổn định hơn và mạnh hơn so với trên đất liền. Một điểm cộng khác là có thể lắp đặt các trang trại gió ngoài khơi trên vùng biển rộng lớn mà ít hoặc không ảnh hưởng đến các khu dân cư.

Là nước nhiệt đới với bờ biển dài hơn 3.200km, tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió, đặc biệt điện gió ngoài khơi rất lớn. Theo kết quả khảo sát của chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng điện gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á, ước đạt 513.360MW, lớn gấp 200 lần công suất của Nhà máy Thủy điện Sơn La. Đáng chú ý, trên thế giới, công nghệ năng lượng tái tạo đang phát triển vượt bậc, chi phí công nghệ đang giảm nhanh, các giải pháp công nghệ về truyền tải, lưu trữ điện đang có những tiến bộ mới. Đây là cơ hội tốt để Chính phủ Việt Nam tiếp tục xây dựng chính sách, kế hoạch hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh. “Chú trọng phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững, đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu được xác định là mục tiêu then chốt và xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam. Phát triển điện gió, điện gió ngoài khơi và từng bước hình thành ngành công nghiệp nội địa về lắp đặt, thi công, chế tạo thiết bị nhằm tăng tính tự chủ, giảm giá thành là định hướng lớn của Chính phủ Việt Nam trong những năm sắp tới”-ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Tháo rào cản phát triển điện gió ngoài khơi
Một góc Nhà máy điện gió Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TRẦN MINH 

Cần khung thể chế rõ ràng cho phát triển điện gió

Việc phát triển điện gió ngoài khơi có ý nghĩa lớn vì có thể kết hợp các mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội, an ninh năng lượng, công nghiệp hóa với phát thải carbon thấp hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Song đối với điện gió ngoài khơi, cơ hội rất nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn. Theo ông Bùi Vĩnh Thắng, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, Việt Nam cần cả nguồn lực kỹ thuật và nguồn lực tài chính. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các dự án điện gió ngoài khơi, vốn mất rất nhiều thời gian và cần những khoản đầu tư lớn để thiết kế, xây dựng và thương mại hóa. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi cho các dự án điện gió ở Việt Nam, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều cần một khung thể chế rõ ràng, ổn định; đồng thời đề xuất cần thiết thành lập một Ủy ban điều phối liên bộ, do Bộ Công Thương chủ trì để đẩy nhanh việc giải quyết các vướng mắc trong phát triển điện gió. “Các chính sách và quy định cần được hoạch định khẩn trương, rõ ràng để bảo đảm đạt được mục tiêu 7.000MW  điện gió ngoài khơi vào năm 2030 như mục tiêu của dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Bùi Vĩnh Thắng cho hay.

Chia sẻ về thách thức trong phát triển điện gió ngoài khơi hiện nay, ông Phạm Nguyên Hùng cho rằng, nguồn điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đến năm 2030 vẫn là nguồn điện có chi phí đầu tư xây dựng cao. Bên cạnh đó, phát triển điện gió ngoài khơi đòi hỏi cao về hạ tầng đồng bộ, tăng cường khả năng vận hành của hệ thống và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với tính phức hợp của dự án điện gió ngoài khơi (gồm cả công trình trên bờ và trên biển), cần thiết phải hoàn thiện các văn bản luật và dưới luật, hoàn chỉnh các quy định về khảo sát dự án, giao khu vực biển, đánh giá tác động môi trường... Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết, Việt Nam chưa có kinh nghiệm phát triển loại hình nguồn điện gió ngoài khơi do tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ, quy trình và thủ tục đầu tư, quy mô đầu tư lớn. Do đó, cần phải có một lộ trình rõ ràng với những bước đi rất cụ thể của từng bộ, ngành hay các bên liên quan để hiện thực hóa các cam kết cũng như các chiến lược và định hướng, mục tiêu cụ thể về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Trong đó, để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ khu vực tư nhân cho lĩnh vực điện gió và điện gió ngoài khơi, ông Hà Đăng Sơn kiến nghị, cần hoàn thiện khung pháp lý và thể chế để bảo đảm các nguồn vốn đầu tư khi thu hút về sẽ có đầy đủ cơ sở, căn cứ để các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát cũng như phê duyệt để triển khai kịp tiến độ đặt ra, đặc biệt cho giai đoạn từ nay đến năm 2030.

VŨ DUNG (TheoQuandoi)