KHÔNG LẼ CHÚNG TA THUA?
Khi đưa ra học thuyết về CNXH và CNCS Karl Marx đã có tổng kết rằng (đại ý), sở dĩ chủ nghĩa Cộng sản thắng chủ nghĩa Tư bản vì chủ nghĩa Cộng sản tạo ra năng suất lao động cao hơn.
Vâng, Marx nói vậy, song ta lại hỏi, những nước đi theo con đường XHCN đã thực sự tạo ra năng suất lao động cao chưa? Những ngành khác thì tôi không biết, nhưng vì có duyên nợ với ngành điện từ hồi còn trẻ nên thỉnh thoảng cũng tìm những thông tin có liên quan để biết, ngành điện của nước ta đã tiến đến đâu.
Vừa qua ngành điện Việt Nam đã tổng kết hoạt động năm 2022, báo lỗ trên 31 ngàn tỷ đồng. Và nguyên nhân lỗ là do giá nhiên liệu nhập khẩu cao, rồi có vị quan chức lại bảo “tại vì không tăng giá điện”. Vâng cũng có lý, song theo tôi, góp phần vào khoản lỗ đó còn do công tác quản lý của ta, tôi không nói tốt hay xấu mà nói rằng ta ít chú ý đến năng suất lao động. Một yếu tố mà lẽ ra chủ nghĩa xã hội phải ăn đứt chủ nghĩa tư bản.
Ngành điện Việt Nam đại khái có thể chia ra làm ba thời kỳ, gắn liền với diễn biến lịch sử của dân tộc:
Thời kỳ thứ nhất: 1954 đến 1975. Đây là thời kỳ đất nước còn đang bị chia cắt. Quản lý ngành điện thời đó chỉ duy nhất có một tổ chức, đó là “Cục Điện lực”, cục này có thời gian thuộc Bộ Thủy lợi & Điện lực, rồi Bộ Điện lực, tiếp đến là Bộ Công nghiệp nặng. Dù thuộc Bộ nào thì cũng chỉ có một tổ chức quản lý, quản lý từ khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, chế tạo một ít thiết bị điện, ngoài ra còn vài tổ chức phụ trợ nhưng không lớn.
Trong thời kỳ này, ở miền Nam thuộc chính quyền Sài gòn, cũng chỉ có một tổ chức quản lý là Công ty Điện lực Việt Nam (viết tắt là CĐV). Tổ chức này quản lý mọi hoạt động trong lãnh vực điện, (trừ một phần địa phương ngoài miền trung vẫn thuộc một công ty của Pháp, công ty này rất nhỏ).
Thời kỳ thứ hai: 1975 đến 1995. Đây là thời kỳ nước nhà đã được thống nhất. Ngành điện của cả nước trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng, tiếp đó là Bộ Năng lượng, ngày nay thuộc Bộ Công thương. Dù thuộc bộ nào thì mỗi miền cũng chỉ có một tổ chức quản lý – Công ty Điện lực 1 (miền bắc), Công ty Điện lực 2 (miền nam) và Công ty Điện lực 3 (miền trung). Đó là nói về khâu sản xuất, truyền tải và phân phối điện.
Về tố chức quản lý, có thể nói giai đoạn 1954 -1975 là gọn nhẹ nhất. Đặc biệt là tổ chức quản lý ở miền Nam dưới chế độ ngụy quyền Sài gòn là rất gọn. Chỉ có một công ty cấp trung ương, ở các tỉnh thành phố chỉ là các trung tâm, nhiệm vụ duy nhất là bán điện và thu tiền, tiền bán điện phải được chuyển về tài khoản trung ương ngay trong ngày hôm sau. Còn ở miền bắc vẫn duy trì tổ chức các Sở quản lý ở các tỉnh, thành phố. Biên chế nhân sự của các sở này cồng kềnh hơn vì nhiều chức năng hơn.
Thời kỳ thứ ba: 1995 đến nay. Có thể nói ngay rằng, đây là thời kỳ bùng nổ về tổ chức. Tổ chức quản lý ngành điện cả nước là “Điện lực Việt Nam”, theo cách gọi Electricity de France (EdF) của Pháp thì ta gọi EVN (Electricity de Viet Nam). Nhưng EVN chưa phải là cơ quan cao nhất, trên nó còn có một tổ chức thuộc biên chế của Bộ Công thương, có cái tên là gì ấy, hình như là “Cục Điều tiết điện lực” thì phải.
Có một chuyện vui, vui thôi, là người đứng đầu ngành khi đó lấy ngay biểu tượng của khối NATO, biến hóa thành biểu tượng của EVN cho đến nay. Suy cho cùng, cũng chả sao. Cho nên tôi nói chỉ là chuyện vui thôi.
Đã có lần tôi viết và đăng trên trang nhà về tình trạng “Tổng trên đè tổng dưới”, đụng đâu cũng thấy “Tổng công ty” và “Tổng giám đốc”, mỗi cái “Tổng” ra đời là có một số ghế đi theo và đặc biệt là trụ sở phải hoành tráng hơn.
Bài này tôi không nói về ghế với trụ sở. Tôi nói duy nhất một con số, đó là năng suất lao động mà như Marx nói là nó nhất định phải cao hơn tổ chức quản lý ngành điện ở các nước đi theo con đường TBCN. Trong bài viết của năm 2021, tôi so sánh năng suất lao động của một CNV ngành điện Việt Nam (EVN) với ngành điện Pháp (EdF). Tất nhiên so với Pháp thì mình thua, vì họ có một quá trình phát triển lâu lắm rồi.
Trong bài này tôi so sánh hai tổ chức có chức năng quản lý tương đồng, tức là chỉ kinh doanh bán điện. Đó là Tổng công ty điện lực miền Nam của Việt Nam (EVNSPC), với Công ty phân phối điện cho các tỉnh của Thái Lan (PEA – Provincial Electric Authority). Nói về kinh doanh bán điện thì Thái Lan chỉ có hai Công ty – PEA và MEA (Metropolitan Electric Authority – cung cấp điện cho thủ đô). Tôi tìm đọc báo cáo hoạt động của EVNSPC năm 2021 thì được biết, một nhân viên của “Tổng công ty” này, một năm bán được 3,96 triệu kWh điện (electricity sold per employee per year); trong khi đó, chỉ tiêu này của PEA đạt được trong năm 2020 là 4,753 triệu kWh (vì không có số liệu của Thái Lan năm 2021 nên ta lấy tạm con số của năm 2020. Tôi nghĩ nếu so với con số 2021 của họ, có khi ta còn thua xa). Vậy ai hơn ai?
Chuyện kinh doanh thì lỗ hay lãi là bình thường. Song có điều tôi không hiểu, tại sao EVN lại chịu mua điện mặt trời và điện gió của nhà đầu tư tư nhân với giá cao hơn cả giá bán, cụ thể là mua vào 1.900 – 2.200 đồng/kWh, trong khi giá mà EVN bán cho khách hàng của mình, bình quân 1.864,44 đ/kWh.
Hay nhỉ? Nhà nước ta quả là có tấm lòng Bồ tát, có nhiều lòng tốt. Hơn nữa, đầu tư nguồn điện mặt trời ở xứ ta hầu hết là không có thiết bị tích điện, nên chỉ có thể đưa điện lên hệ thống điện vào những thời điểm có nắng thôi, mặt trời đi ngủ thì điện cũng hết! Lượng điện mà EVN mua từ nguồn mặt trời và gió chiếm trên 13% tổng lượng điện mua vào. Con số cũng chẳng phải là quá nhỏ, vì thế nếu kinh doanh bị lỗ cũng là phải.
Còn tại sao nhà đầu tư không đầu tư hệ thống tích điện? Vì vốn đầu tư sẽ tăng lên. Dù không phải đầu tư hệ thống đó mà EVN đã chịu mua với giá cao thế rồi cơ mà. Tội gì mà đầu tư thêm cho tốn.
Tôi đọc bài của một số bạn, nói ta đạt được nhiều lãnh vực phát triển hơn Thái Lan. Được vậy thì mừng. Nhưng riêng trong lãnh vực kinh doanh bán điện thì chưa thể mừng. Cứ cái đà này thì CNXH sẽ thua CNTB là cái chắc./.
Hình trong bài: Diện gió
Ngày 24/12/2022
Ph. T. Kh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét