Khoảng 13,58 tỉ USD là số vốn đầu tư cho lưới điện truyền tải mà Việt Nam đang kêu gọi để chấm dứt tình trạng tắc nghẽn.
Huy động vốn giải quyết 'điểm nghẽn' lưới điện
Có thể thấy, lưới điện truyền tải cơ bản đảm bảo việc vận hành hệ thống thông suốt và an toàn. Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng phụ tải tăng cao, thời gian đầu tư để đưa các công trình lưới điện vào vận hành ngày càng bị kéo dài nên hệ thống điện truyền tải vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Để giải quyết “điểm nghẽn” lưới điện truyền tải trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam cần thêm khối lượng xây dựng mới 49.050 MVA, cải tạo 34.200 MV trạm biến áp 500 kV; Xây dựng mới 11.988 km đường dây 500 kV; Xây dựng mới 67.513 MVA, cải tạo 32.747 MVA trạm biến áp 220 kV; Xây dựng mới 15.643 km đường dây 220 kV.
Trong đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực khoảng 99,32 tỉ USD, cho lưới điện truyền tải khoảng 13,58 tỉ USD (mỗi năm khoảng 1,36 tỉ USD). Nếu phát triển theo phương án phụ tải cao, nhu cầu vốn đầu tư hàng năm cần khoảng 1,42 tỉ USD dành cho đầu tư lưới điện truyền tải.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: "Đây là khối lượng đầu tư tương ứng với thực tiễn tại Việt Nam nếu xét đến sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo trong những năm gần đây và dự báo về mức tăng gấp đôi của tổng công suất phát điện tại Việt Nam trong những năm tới".
Tăng trưởng xanh đang được định hình là một mô hình tăng trưởng bền vững và phù hợp với Việt Nam, giúp Việt Nam có thể tái cơ cấu kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng. Trong thực hiện tăng trưởng xanh, cần phải có cơ cấu năng lượng mà ở đó tỉ phần của năng lượng tái tạo dần dần tăng lên trong tổng cung năng lượng sơ cấp.
Các dự án khai thác năng lượng tái tạo để phát điện đang có xu hướng tăng nhanh trên thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam đang còn gặp nhiều khó khăn trong đó quan trọng bậc nhất là các điểm nghẽn về thể chế và tiếp cận nguồn vốn cho các dự án năng lượng tái tạo.
Theo ghi nhận, để đáp ứng yêu cầu rất lớn về nguồn vốn cho ngành điện, Bộ Công Thương đang tiếp tục làm việc với các đối tác phát triển cũng như các bộ, ban, ngành tìm kiếm thêm các gói tín dụng hỗ trợ phát triển các dự án truyền tải năng lượng trọng điểm.
Đầu tư lưới truyền tải 500 - 220 kV mang lại nhiều thách thức lớn
Trong những năm qua, ngành điện đã có nhiều nỗ lực đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải, do đó, phần lớn các TBA 500 kV hiện đang vận hành trong giới hạn kỹ thuật cho phép. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số TBA 500 kV cấp điện cho các trung tâm phụ tải miền Bắc và miền Nam; một số đường dây và TBA 220 kV tại các khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ bị đầy tải hoặc quá tải.
Điều này liên quan tới việc nhiều nguồn năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành trong thời gian ngắn, tốc độ phụ tải tăng trưởng nhanh, bên cạnh đó là tình trạng chậm tiến độ của nhiều công trình lưới truyền tải cũng đã ảnh hưởng tới việc huy động nguồn điện. Tại một số thời điểm, nguồn năng lượng tái tạo đã phải cắt giảm công suất để đảm bảo vận hành hệ thống điện ổn định.
Bên cạnh đó, hệ thống lưới điện nói chung vẫn chưa đảm bảo dự phòng theo tiêu chí N-1, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam nên trong các trường hợp sự cố nguồn, sự cố lưới và phụ tải cao có thể dẫn đến quá tải cục bộ ở một số khu vực. Nếu không được bổ sung các dự án mới, nguy cơ cắt giảm phụ tải vào các giờ cao điểm sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay: “Đầu tư lưới truyền tải 500 - 220 kV giai đoạn 2021 - 2030 là thách thức rất lớn cho ngành điện, bởi vì khối lượng đầu tư trung bình hàng năm cao gấp khoảng 2 lần năng lực hiện nay”.
Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2030, cần 133,3 tỉ USD, trong đó nguồn điện là 96 tỉ USD, lưới điện là 37,3 tỉ USD; Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 72/28; Trung bình mỗi năm khoảng 13,3 tỉ USD. Giai đoạn 2031 - 2045 là 184,1 tỉ USD, trong đó nguồn điện khoảng 136,4 tỉ USD, lưới điện khoảng 47,7 tỉ USD; Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 74/26; Trung bình mỗi năm cần khoảng 12,3 tỉ USD.
Về chi phí sản xuất điện theo vùng, Bộ Công Thương cũng dự đoán từ năm 2025, Bắc Bộ sẽ luôn là khu vực có giá điện cao nhất so với các vùng khác. Nhà đầu tư nguồn điện nên xem xét ưu tiên đầu tư ở khu vực Bắc Bộ. Nếu là hộ tiêu thụ điện, nên xem xét ưu tiên xây dựng ở khu vực miền Trung và Nam.
Hơn nữa, việc bổ sung thêm những kỹ năng mềm là vô cùng thiết thực như: Nâng cao khả năng quản lý lưới điện phức tạp, tăng cường năng lực dự báo; Phát triển thị trường cung cấp các sản phẩm phụ trợ; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông minh trong đo đạc, giám sát, kiểm soát hệ thống theo thời gian thực; Đào tạo đội ngũ kỹ sư và cán bộ kỹ thuật để điều hành các hệ thống hiện đại.
2,96 triệu đô la được tài trợ để thực hiện dự án thí điểm phát triển hệ thống pin lưu trữ năng lượng tại Việt Nam
Ngày 15/10, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố tài trợ 2,96 triệu đô la cho công ty AMI AC Renewables thực hiện dự án thí điểm phát triển hệ thống pin lưu trữ năng lượng tại Việt Nam.
Dự án sẽ sử dụng công nghệ và thiết bị hàng đầu của Hoa Kỳ được xây dựng và kết nối với nhà máy điện mặt trời với công suất 50MW của công ty AMI AC Renewables tại tỉnh Khánh Hòa.
Dự án sẽ sử dụng công nghệ và thiết bị hàng đầu của Hoa Kỳ
Bà Marie C. Damour, Đại biện lâm thời của Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam và ông Nguyễn Nam Thắng, Tổng Giám đốc công ty AMI AC Renewables vừa ký kết thỏa thuận tài trợ bên lề Đối thoại An ninh Năng lượng Hoa Kỳ-Việt Nam.
“Chúng tôi rất vui được hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam nhằm mở rộng phát triển năng lượng tái tạo, và giảm lệ thuộc vào than.
Dự án này sẽ cho thấy công nghệ lưu trữ năng lượng hàng đầu của Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam đạt những mục tiêu trên và thúc đẩy tiến trinh chuyển tiếp lên nền kinh tế năng lượng sạch, có sức chống chịu cao hơn với biến đổi khí hậu”, Bà Damour phát biểu.
Còn ông Patrice Clausse, Giám đốc Điều hanh Công ty AC Energy International kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty AMI AC Renewables cho biết: “Lưu trữ năng lượng là chìa khóa giúp mở rộng cánh cửa khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo và là một thành tố quan trọng trong tiến trình chuyển tiếp năng lượng,” theo.
Chúng tôi rất hào hứng với những cơ hội trước mắt giúp chúng tôi có tận dụng công nghệ này, và cùng với AMI, chúng tôi hướng đến việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam đồng thời hỗ trợ Việt Nam đạt được những mục tiêu phát triển bền vững”.
Ông Nguyễn Nam Thắng, Tổng Giám đốc Công ty AMI AC Renewables bày tỏ: “Chúng tôi rất vui được Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tin tưởng hợp tác thí điểm thực hiện hệ thống pin lưu trữ năng lượng tại Việt Nam.
Nhà máy điện mặt trời của chúng tôi ở tỉnh Khánh Hòa là một địa điểm lý tưởng để minh chứng lưu trữ năng lượng có thể giúp Việt nam khai thác hết tiềm năng về năng lượng tái tạo”.
Dự án này được hình thành tiếp sau nghiên cứu về tính khả thi trong việc sử dụng công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam do Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) tài trợ.
Hoàng Hạnh
Mỹ giúp Việt Nam triển khai năng lượng sạch
(Công nghệ) - Việt Nam muốn tăng sản lượng năng lượng tái tạo từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió lên 1.650 megawatt (MW) vào năm 2020 và 18.000 MW vào năm 2030.
8/11/2017 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO APEC), với sự hợp tác của Phòng Thương mại Hoa Kỳ và Phòng Thương mại Châu Âu, lãnh đạo các doanh nghiệp toàn cầu như ABB, Nike và Citibank đã khẳng định nhu cầu cấp thiết phải mở rộng và đơn giản hóa việc tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo và cam kết hợp tác với Bộ Công Thương Việt Nam và USAID để hoàn thành mục tiêu này.
Cùng với các đối tác trong chuỗi cung ứng của họ, các công ty này tuyển dụng hàng trăm nghìn công nhân và đóng góp hàng tỷ đô la đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Các công ty đầu tư và xây dựng năng lượng sạch có kinh nghiệm như Dragon Capital cũng cam kết hỗ trợ thiết lập cơ chế DPPA đẳng cấp thế giới.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương và các lãnh đạo cấp cao của Bộ Công Thương nhiệt liệt hoan nghênh sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp. Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ tham dự sự kiện tuyên bố về DPPA gồm có Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề chính trị - Thomas Shannon; Quyền Giám đốc Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) - Thomas Hardy; Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tổng công ty Đầu tư Tư nhân Hải ngoại (OPIC) - Ray Washburne; Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Daniel Kritenbrink; Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam - Mary Tarnowka và Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene.
Việt Nam mong muốn tăng sản lượng năng lượng tái tạo từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió lên 1.650 megawatt (MW) vào năm 2020 và 18.000 MW vào năm 2030. USAID và Bộ Công Thương Việt Nam đang hợp tác xây dựng cơ chế hỗ trợ khách hàng mua điện trong khu vực tư nhân và các nhà cung cấp năng lượng tái tạo ký kết các Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA). Cơ chế DPPA sẽ cho phép các doanh nghiệp mua năng lượng tái tạo ở Việt Nam với mức giá cạnh tranh hơn, đồng thời tạo cơ hội kinh doanh mới cho các công nghệ năng lượng sạch đẳng cấp thế giới.
Nhiều tỉnh ở Trung Quốc giá điện đã tăng vọt để giải quyết phần nào khủng hoảng năng lượng.
Cơ quan lập kế hoạch kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cho biết họ sẽ nới lỏng thị trường điện do nhà nước kiểm soát vào tuần trước, cho phép những công ty công nghiệp có nhu cầu dùng điện và những người sử dụng điện vì mục đích thương mại mua điện theo giá thả nổi trên thị trường.
Trung Quốc đã nới lỏng giá bán điện, giảm khoảng cách với giá than đã tăng quá nhanh.
Trung Quốc đã trải qua nhiều tuần thiếu điện trầm trọng ở các tỉnh, buộc chính phủ phải cắt điện luân phiên vào giờ cao điểm và một số nhà máy phải tạm dừng sản xuất. Vấn đề đã đè nặng lên tăng trưởng của nền kinh tế khi sản lượng công nghiệp giảm.
Các nhà máy điện ở Trung Quốc không sẵn sàng để tăng cường sản xuất vì giá than quá cao. Và từ khi Bắc Kinh kiểm soát giá điện, các nhà sản xuất không thể đơn giản là tăng giá điện mà không có sự cho phép của chính phủ.
Theo điều chỉnh mới, với các tỉnh có nhu cầu điện tăng cao, chính phủ đã tăng giá điện lên 20%, rút ngắn khoảng cách về giá giữa than và điện.
Động thái này giúp hàng loạt tỉnh tại Trung Quốc đã công bố điêu chỉnh giá bán điện trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế Trung Quốc.
Giá điện sẽ được phép dao động trong khoảng 20% so với giá cơ sở do chính phủ quy định, tăng so với giới hạn trước đó là tăng 10% và giảm 15% trong giờ cao điểm và thấp điểm, tương ứng.
Kể từ khi có thông báo của chính phủ, Chiết Giang và Quảng Đông là chính quyền địa phương duy nhất thay đổi giá, nhưng các tỉnh khác - đang chịu áp lực từ tình trạng thiếu điện – hiện này cũng đang có kế hoạch tăng giá hoặc trước đó đã bắt đầu làm như vậy.
Từ tuần này, những giờ có nhu cầu cao điểm về điện sẽ tăng từ 2 lên 4 giờ một ngày ở Chiết Giang, với điều chỉnh theo mùa thành 6 giờ vào mùa đông và mùa hè. Mỗi kilowatt điện sẽ tăng thêm 5,6% giá trong giờ cao điểm và giảm 6,38% giá vào giờ thấp điểm. Tuy nhiên, những thay đổi này sẽ chỉ tác động đến những người tiêu dùng công nghiệp quy mô lớn.
Hôm thứ 4, văn phòng năng lượng của Chiết Giang cho biết họ có kế hoạch giảm nhu cầu sử dụng điện. Hơn một nửa khu vực tài phán cấp tỉnh của Trung Quốc vẫn phải đối mặt với sự phân chia điện.
Trong một thông báo vào cuối tháng 9, chính quyền địa phương cho biết nguồn cung điện bị thắt chặt do lượng điện nhập khẩu ít hơn và nguồn cung than và khí đốt tự nhiên cũng đang gặp phải tình trạng căng thẳng.
Các nhà chức trách Chiết Giang cũng đang tham vấn công chúng về các hình phạt đối với các doanh nghiệp sử dụng vượt quá hạn ngạch điện năng của họ.
Tỉnh An Huy lần đầu tiên công bố kế hoạch tăng giá điện vào tháng 8, trước khi đưa ra nhiều đợt tăng giá theo mùa ngay sau thông báo của NDRC, bao gồm việc tăng giá điện thêm 0,072 nhân dân tệ mỗi một giờ kilowatt vào mùa hè và mùa đông bắt đầu từ tháng 12 tới.
Hồ Nam, Thượng Hải, Sơn Đông, Ninh Hạ, Tứ Xuyên và Nội Mông cũng đã cho biết họ sẽ cho phép việc điều chỉnh giá điện. Nhiều tỉnh trong số này được thực hiện kế hoạch hiệu chỉnh giá điện trước khi có chính sách của NDRC ban hành, sự điều chỉnh này sẽ được thực hiện sớm nhất là vào tháng 7 năm sau.
Vào đầu tháng 9, Thượng Hải đã đưa ra một tuyên bố loại bỏ giới hạn giá điện. Cuối tháng đó, Hồ Nam và Sơn Đông cũng đã rỡ bỏ cơ chế định giá điện của họ để cho phép mức giá được dao động trong giới hạn quy định của quốc gia. Đối với Hồ Nam, việc tăng giá điện sẽ chỉ được áp dụng khi giá than đạt trên 1.300 nhân dân tệ (203 USD)/tấn.
Ngoài điện, Ủy ban NDRC cũng cho biết họ sẽ bắt đầu can thiệp vào thị trường than để giới hạn giá than nhiệt và đảm bảo cung cấp đủ cho sản xuất điện.
Các mỏ than được yêu cầu hoạt động hết công suất.
Bắc Kinh đã từng thúc đẩy các mỏ than cắt giảm sản lượng vào đầu năm khi quốc gia này theo đuổi các mục tiêu tham vọng nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon. Nhưng nhu cầu đã tăng lên đối với các dự án cần đến nhiên liệu hóa thạch và đã không có đủ điện để hoạt động.
Nhưng giờ đây, với cuộc khủng hoảng hiện hữu, Trung Quốc bắt đầu yêu cầu các mỏ than tăng cường sản xuất. Với Nội Mông, tỉnh sản xuất than lớn thứ hai của nước này, Trung Quốc yêu cầu hàng chục mỏ than tăng sản lượng trong tháng này.
Hiện tại, NDRC yêu cầu các mỏ than trên toàn quốc sản xuất nhiều than nhất có thể trong quý cuối của năm 2021 và cấm đóng cửa các mỏ than. Ủy ban cho biết lượng than dự trữ đã tăng đều đặn kể từ cuối tháng 9. Tại các tỉnh phía đông bắc, nơi mà tình trạng thiếu điện đã dẫn đến tình trạng cắt điện luân phiên, hiện đã dự trữ đủ than để hỗ trợ sử dụng điện trong vòng 24 ngày, tăng 11 ngày so với đầu tháng 10.
Turbine gió Haliade-X 14 MW được lắp đặt ở trang trại điện gió ngoài khơi nước Anh, cung cấp điện cho hàng triệu hộ gia đình.
Hơn 3 năm sau khi công bố kế hoạch xây dựng turbine gió ngoài khơi khổng lồ mang tên Haliade-X, GE Renewable Energy thông báo nguyên mẫu của thiết kế turbine ngoài khơi mới và mạnh nhất bắt đầu hoạt động với công suất 14 MW ở Rotterdam, Hà Lan.
Haliade-X 14 MW là phiên bản cập nhật của mẫu turbine Haliade-X 13 MW đã được cấp phép hồi tháng 1/2021. Các kỹ sư đang bắt tay vào xin cấp phép cho mẫu Haliade-X 14 MW, biến GE Renewable Energy thành công ty đầu tiên trong ngành vận hành turbine công suất lớn cỡ này.
Là phiên bản cao cấp hơn của những turbine sử dụng cùng loại móng nổi, mỗi cánh quạt của Haliade-X 14 dài 107 m và cao 260 m. Công ty cho biết turbine có khả năng sản xuất 74 GWh điện mỗi năm, giúp giảm 52.000 tấn khí CO2, tương đương khí thải do 11.000 chiếc xe sản sinh trong một năm.
Khả năng sản xuất nhiều điện hơn từ một turbine có nghĩa số lượng turbine cần lắp đặt ở mỗi trang trại điện gió sẽ ít hơn. Ngoài góp phần giảm chi phí, điều này còn giúp đơn giản hóa công tác vận hành và bão dưỡng, nâng cao tính kinh tế và dễ tiếp cận của năng lượng tái tạo đối với khách hàng trên khắp thế giới.
Mẫu turbine ngoài khơi hàng đầu Haliade-X 14 sẽ hoạt động thương mại ở trang trại điện gió ngoài khơi Dogger Bank C cách vùng bờ biển phía đông bắc nước Anh 130 km. Tại đây, 87 turbine gió sẽ được lắp đặt. Theo dự kiến, mỗi giai đoạn của dự án sẽ có công suất phát điện 1,4 GW. Cả ba giai đoạn có thể cung cấp điện cho 6 triệu hộ gia đình.
Hiện nay, GE Renewable Energy đã sẵn sàng xin cấp phép cho phiên bản mẫu turbine 14 MW. Tuy nhiên, Haliade-X 14 có thể không nắm kỷ lục turbine gió ngoài khơi lớn và mạnh nhất thế giới trong thời gian dài. Mẫu turbine Vestas đang trong quá trình phát triển của Đan Mạch có công suất 15 MW, dự kiến xây dựng vào năm sau và đi vào sản xuất năm 2024. Turbine MySE công suất 16 MW của công ty MingYang Smart Energy ở Trung Quốc cũng bắt đầu sản xuất thương mại năm 2024.
Phát triển năng lượng quốc gia trong đó có năng lượng điện có ý nghĩa quyết định cho tăng trưởng và phát triển bền vững đất nước. Theo các chuyên gia, rào cản lớn nhất của sự phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay là rào cản cơ chế chính sách.
Tóm tắt: Báo cáo trình bày tổng quan hiện trạng phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam giai đoạn hiện nay; liệt kê và phân tích các rào cản đang tồn tại trong phát triển năng lượng tái tạo về khía cạnh thể chế chính sách, về khoa học công nghệ, về hạ tầng phát triển. Báo cáo nhấn mạnh đến rào cản lớn nhất của sự phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay là rào cản cơ chế chính sách.
Đồng thời đưa ra các kiến nghị cụ thể về sửa đổi Luật Thuế Bảo vệ môi trường, thực thi công bằng các luật tài nguyên (đất, rừng, nước, khoáng sản, v.v.) đối với tất cả các loại dự án, trong đó có các dự án năng lượng; cũng như tái cơ cấu thể chế quản lý năng lượng quốc gia của EVN.
Năng lượng và năng lượng điện giữ vai trò rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế xã hội của đất nước. Phát triển năng lượng quốc gia trong đó có năng lượng điện có ý nghĩa quyết định cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước. Ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra mục tiêu cho các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỉ lệ trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 –20% vào năm 2030; 25 – 30% vào năm 2045.
Trong thời gian qua, Việt Nam nổi lên trên bình diện quốc tế và khu vực về sự phát triển nhanh chóng điện từ nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió). Tuy nhiên, trước tiềm năng rất lớn về các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) [2], sự phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn nhiều hạn chế với các rào cản về chính sách, khoa học công nghệ, nhân lực, v.v. Báo cáo này trình bày tổng quan các rào cản về phát triển các nguồn năng lượng tái tạo hiện nay của Việt Nam và đề xuất một số giải pháp khắc phục.
Chính sách
Phát triển nguồn NLTT sẽ giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu (giảm phát thải khí nhà kính) và các chất ô nhiễm do đốt nhiên liệu hóa thạch; đồng thời bổ sung nguồn công suất cho hệ thống điện, góp phần gia tăng lợi ích kinh tế cho địa phương, doanh nghiệp và tạo việc làm cho người lao động. Phù hợp với cam kết của Việt Nam trong thỏa thuận Paris 2015, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam (QĐ số 11/2017/QĐ-TTg và QĐ số 13/2020/QĐ-TTg), cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam (QĐ số 37/2011/QĐ-TTg và QĐ số 39/2018/QĐ-TTg), cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam (QĐ số 08/2020/QĐ-TTg) và cơ chế hỗ trợ biểu giá chi phí tránh được cho các nhà máy thủy điện nhỏ.
Sự có mặt các cơ chế hỗ trợ là nguyên nhân tạo ra sự bùng nổ cho thị trường NLTT tại Việt Nam. Tính đến tháng 12/2020, tỉ trọng của các nguồn NLTT trong cơ cấu nguồn điện toàn quốc đã tăng lên khoảng 04 lần so với cùng kỳ năm 2018 [6].
Trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, số 39/2018/QÐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37/2011/QÐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Theo đó, giá điện gió trong đất liền được điều chỉnh tăng lên 1.927 đồng/kWh; điện gió trên biển là 2.223 đồng/kWh... Giá điện này được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, số 13/2020?QĐ-TTg, ngày 6/6/2020 Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam nêu rõ: EVN có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện mặt trời nối lưới trong vòng 20 năm tính từ khi vận hành thương mại. Các hệ thống điện mặt trời mái nhà được phép bán một phần hoặc toàn bộ điện năng sản xuất ra cho Bên mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền thực hiện thanh toán lượng điện năng từ hệ thống điện mặt trời mái nhà phát lên lưới điện quốc gia theo giá mua điện quy định tại Phụ lục của Quyết định (Bảng 1).
Bảng 1. Giá mua điện mặt trời theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg
Quyết định 08/2020/QĐ-TTg ngày 5/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam. Theo đó, đối với các dự án đồng phát nhiệt - điện, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.634 đồng/kWh tương đương 7,03 UScents/kWh. Đối với các dự án không phải là dự án đồng phát nhiệt - điện, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.968 đồng/kWh tương đương 8,47 UScents/kWh, theo tỉ giá tính theo tỉ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 21/2/2020.
Hiện trạng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo
Năng lượng mặt trời: Năng lượng mặt trời thường được sử dụng dưới dạng nhà máy nhiệt điện mặt trời, pin điện mặt trời, nước nóng dùng năng lượng mặt trời, thiết bị sấy bằng năng lượng mặt trời, v.v. Do có sự tiến bộ về công nghệ chế tạo các tấm pin mặt trời dẫn đến việc nâng cao hiệu suất chuyển đổi nhiệt mặt trời thành điện và giảm giá thành các tấm pin trong thời gian qua; cũng như chính sách mua bán điện mặt trời của Chính phủ Việt Nam (Bảng 1) hàng loạt các nhà máy điện mặt trời ra đời trên khắp đất nước, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.
Theo số liệu của EVN, tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đã đạt khoảng 19.400 MWp (tương đương 16.500 MW), chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện Quốc gia. Việt Nam đã vượt Đức về tỉ trọng điện mặt trời trong cơ cấu công suất nguồn (16.500 / 60.000 MW so với 51.500 / 211.000 MW). Đặc biệt, năm 2020 đã chứng kiến sự bứt phá của điện mặt trời áp mái của Việt Nam. Tính đến hết ngày 31/12/2020, hơn 100.000 công trình điện mặt trời áp mái đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.300 MWp.
Như vậy, nếu trong năm 2018, công suất lắp đặt điện mặt trời ở Việt Nam mới chỉ đạt 105 MW thì năm 2019 con số này đã tăng lên 5GW và đến năm 2020, công suất lắp đặt đã tăng lên mức 16,5GW. Sự bùng nổ đầu tư trang trại điện mặt trời và điện mặt trời áp mái đã dẫn đến giải pháp kiểm soát phát triển điện mặt trời của EVN và chính quyền các địa phương. Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ các dự án điện mặt trời, các ứng dụng khác của năng lượng mặt trời (bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời) vẫn ở trong tình trạng chậm phát triển.
Năng lượng gió: Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới [2] và các tổ chức năng lượng khác, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng gió (NLG) với ước tính khoảng 520 GW công suất lắp máy. Năng lượng gió có thể phát triển thành năng lượng điện ở hai khu vực chính là: điện gió trên đất liền và điện gió ngoài khơi. Với quy mô công suất lớn và ổn định, diện tích chiếm đất nhỏ và giá thành điện mang tính cạnh tranh; nhiều dự án điện gió trên đất liền và ngoài khơi Việt Nam đã đi vào sản xuất hoặc/và trong giai đoạn đầu tư.
Theo số liệu của tác giả Vũ Đức Quang [6], tính đến tháng 3/2020, Việt Nam đã có 78 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 4.800MW được bổ sung vào quy hoạch điện 7, trong đó có 11 dự án (tổng công suất 377 MW) đã vận hành phát điện; 31 dự án (tổng công suất 1.620 MW) đã ký hợp đồng mua bán điện dự kiến đi vào vận hành trước tháng 11/2021. Giữa năm 2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt quy hoạch bổ sung 7.000MW điện gió tại các văn bản số 795/TTg-CN ngày 25/06/2020 và văn bản số 911/TTg-CN ngày 15/7/2020.
Như vậy, tổng công suất điện gió tới năm 2025 có mặt trong Quy hoạch điện VII vào tháng 6/2020 đã là 11.800MW, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu được đặt ra ban đầu khoảng 800 MW vào năm 2020 và khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Kết quả tính toán của tác giả Dư Văn Toán [7] cho thấy: vùng biển Việt Nam có tiềm năng năng lượng gió kỹ thuật rất lớn có thể đạt 637 GW và chiếm 13,4 % năng lượng gió lý thuyết. Vì vậy, hàng loạt các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đang triển khai và chuẩn bị các dự án đầu tư các dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi Việt Nam.
Năng lượng sinh khối: Với tiềm năng rất lớn về năng lượng sinh khối, bao gồm hàng chục triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, trấu, các loại cây ngũ cốc, v.v.); hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt, hàng chục triệu tấn chất thải chăn nuôi. Các loại phụ phẩm và chất thải đang là tác nhân gây ô nhiễm môi trường cần phải xử lý; nhưng cũng là nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo có thể thu hồi bằng phương pháp đốt. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2011, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc là khoảng 44.400 tấn/ngày. Đến năm 2019, con số này là 64.658 tấn/ngày (khu vực đô thị là 35.624 tấn/ngày và khu vực nông thôn là 28.394 tấn/ngày).
Các loại hình tận thu năng lượng sinh khối hiện nay đang phát triển ở Việt Nam là: các hệ thống biogas xử lý chất thải chăn nuôi (theo thống kê Việt Nam đã lắp đặt trên 500.000 bình biogas trong phục vụ đun nấu phạm vi cả nước), các nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện, một số dây chuyền chế biến phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, trấu, mùn cưa) thành nhiên liệu đun nấu. Tuy nhiên, các dự án phát triển năng lượng sinh khối không đáp ứng kỳ vọng và tiềm năng: tình trạng đốt rơm rạ thường xuyên diễn ra ở các vùng nông thôn sau mùa vụ gây ô nhiễm môi trường; lượng khí biogas sử dụng quá ít so với khối lượng tạo ra trong các bình biogas; các nhà máy và dự án đốt rác phát điện triển khai chậm do khó bán được điện và không hiệu quả kinh tế với các nhà đầu tư.
Các dạng năng lượng khác: Bên cạnh các nguồn năng lượng đã trình bày ở trên, Việt Nam còn có tiềm năng về các nguồn năng lượng tái tạo khác nhưng chưa được đầu tư nghiên cứu và khai thác, cũng như chưa có chính sách ưu tiên hỗ trợ. Đó là các dạng năng lượng như: năng lượng thủy triều, năng lượng sóng biển, năng lượng địa nhiệt, v.v. Để triển khai thành các dự án cung cấp năng lượng, các dạng năng lượng này cần phải vượt qua rất nhiều rào cản về chính sách, kỹ thuật công nghệ và hậu cần khác.
Rào cản (Barrier) được xem là điều gì (sự vật, hiện tượng hay quy định, v.v.) ngăn cản điều gì khác (sự vật, hiện tượng hay quy định, v.v.) xảy ra hay gây khó khăn hơn cho việc xảy ra. Rào cản trong phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam bao gồm: thể chế chính sách quốc gia về phát triển nói chung và phát triển năng lượng nói riêng; các rào cản về kỹ thuật công nghệ từ nguồn số liệu, tư liệu khoa học, trang thiết bị xây lắp và nguồn nhân lực; rào cản khác như hạ tầng giao thông, hạ tầng cơ sở bảo dưỡng, hạ tầng hệ thống bảo hiểm.
Như vậy, vấn đề xác định rào cản đối với sự phát triển năng lượng là nhiệm vụ phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội khác nhau (luật pháp, thể chế chính sách, khoa học công nghệ, kinh tế đầu tư, v.v.). Do đó, phương pháp luận chủ yếu để thực nhiệm vụ này là phương pháp sơ đồ nhận thức.
Phương pháp sơ đồ nhận thức đã được Bart Kosko phát triển vào năm 1986 [7], được Hironori Kato trình bày rất mạch lạc trong sách Khoa học bền vững năm 2011 [6]. Theo đó, mối quan hệ giữa các nội dung trong một vấn đề phức tạp thường được thể hiện trong một sơ đồ các mũi tên trong quan hệ nhân quả. Phương pháp này đã được Hironori Kato trình bày trong tài liệu [6] để giải quyết nhiều vấn đề phức tạp của khoa học bền vững. Nguyễn Thị Hoàng Liên và nnk [3] đã sử dụng phương pháp bản đồ nhận thức về giá điện để phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Trong bài báo này, chúng tôi sử dụng phương pháp bản đồ nhận thức để phân tích rút ra kết luận về các rào cản trong phát triển năng lượng theo sơ đồ (Hình 1). Kết quả cuối cùng phân tích về rào cản đã được trình bày trong bảng 2.
Rào cản thể chế, chính sách
Thể chế: Thể chế được hiểu là tổng thể các quy định, các nguyên tắc xác lập các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật, tạo lập nên “luật chơi” trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong nội dung trình bày ở đây, nội dung thể chế được đề cập là mô hình tổ chức và các quy định luật pháp, kinh tế của tổ chức quản lý năng lượng của đất nước; ví dụ như: các doanh nghiệp đăng ký đầu tư theo quy hoạch chung của nhà nước, nhưng độc quyền quản lý phân phối của tập đoàn nhà nước EVN, chiếm khoảng 40% sản lượng điện sản xuất và 100% sản lượng điện phân phối. Độc quyền phân phối (mua và bán) điện ảnh hưởng rất lớn tới mua điện của các nhà sản xuất điện nhỏ từ nguồn năng lượng tái tạo. Việc giữ 40% sản lượng sản xuất tại các nhà máy điện lớn (thủy điện và nhiệt điện than, khí) không tạo ra sự bình đẳng trong quyết định mua điện và giá bán điện.
Chính sách về giá: Giá mua bán năng lượng phụ thuộc vào chi phí sản xuất (giá nhiên liệu, khấu hao và bảo dưỡng thiết bị, chi phí công lao động), các loại thuế và phí tài nguyên và môi trường, v.v. Trong đó, thuế tài nguyên (đất đai, nước, khoáng sản), thuế môi trường đang là các chi phí ảnh hưởng lớn tới chính sách hạch toán giá thành năng lượng điện từ các nguồn truyền truyền thống (than, điện, dầu, khí đốt). Trong bài [[3]], chúng tôi đã phân tích sự trợ thuế môi trường cho việc đốt than trong các nhà máy nhiệt điện đốt than so với việc gây ô nhiễm môi trường bụi và khí độc do đốt than làm giảm giá thành sản xuất điện ở mức 3-5 US cents/1KWh điện so giá với bình thường. Tương tự, sự trợ cấp của Nhà nước do không tính các chi phí tài nguyên (đất, rừng, khoáng sản, v.v.) trong sản xuất điện ở các nhà máy thủy điện còn lớn hơn (5-6 US-cents/KWh) giá mua điện của EVN từ các nhà máy thủy điện.
Chính sách đầu tư – tài chính: Trong xu thế thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo thay thế cho năng lượng hóa thạch nhằm giảm nhẹ biến đổi khí hậu, khi suất đầu tư cho năng lượng tái tái thường cao hơn suất đầu tư vào năng lượng truyền thống (nhiệt điện và thủy điện); thì việc hình thành chính sách ưu tiên của Nhà nước để thu hút đầu tư và tài chính cho năng lượng tái tạo là cần thiết. Các chính sách đó, có thể là các chính sách ưu đãi về thuế, phí tài nguyên và môi trường, khấu hao và thuế thương mại, cũng như chính sách tài chính như: ưu đãi cho vay, ân hạn hay bảo lãnh vay các tổ chức quốc tế và nước ngoài. Các rào cản chính sách đầu tư – tài chính đối với năng lượng tái tạo đang có xu hướng giảm nhẹ dưới sức ép của cộng đồng thế giới giảm phát thải khí nhà kính và giảm ô nhiễm môi trường do sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Các chính sách khác: Hàng loạt các chính sách có tác động thúc đẩy quá trình đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam, như: chính sách phát triển hạ tầng giao thông giúp tăng nhanh khả năng vận chuyển các phương tiện thiết bị lớn về điện gió (turbine, trụ điện gió), chính sách phát triển nông thôn mới, chính sách phát triển kinh tế miền núi và đồng bào dân tộc, chính sách kinh tế biển đảo, v.v.
Rào cản khoa học công nghệ
Rào cản cơ sở nguồn tư liệu: Mặc dù ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam có một truyền thống lâu dài từ thời kỳ đô hộ Pháp đến hiện nay, nhưng tư liệu về nguồn năng lượng tái tạo vẫn còn thấp hơn nhiều nhu cầu cần thiết về đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Ví dụ: các trạm khí tượng mới được lắp đặt trên đất liền nên chỉ có số liệu gió ở tầng thấp (thường ở độ cao < 10m so với mặt đất), trong khi các turbine gió được lắp đặt ở độ cao từ 50-80 m; các số liệu về cường độ ánh sáng mặt trời chưa đủ các dải phổ cần thiết để lựa chọn các tấm pin thích hợp; số liệu về nguồn năng lượng sinh khối mới chỉ là ước lượng và chưa có đủ các giá trị về trị số năng lượng, các chỉ số cháy, v.v. Đặc biệt, nguồn năng lượng tái tạo trên biển như: gió, mặt trời, sóng, thủy triều, v.v còn thiếu hụt rất nhiều do không được quan trắc bằng các trạm khí tượng như trên đất liền. Do vậy, các nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam thường phải bỏ ra các chi phí cần thiết ban đầu để đánh giá tiềm năng nguồn năng lượng trước khi đầu tư.
Rào cản thiết bị và xây lắp: Rào cản lớn nhất trong lĩnh vực này là các thiết bị điện gió và điện mặt trời mới bắt đầu được các công ty nước ngoài đầu tư hoặc liên doanh đầu tư sản xuất ở Việt Nam, như các nhà máy sản xuất pin mặt trời, một số nhà máy sản xuất và lắp đặt tuabin điện gió vừa và nhỏ. Trong khi đó, các thiết bị điện gió công suất lớn hiện nay thường nhập từ nước ngoài, chủ yếu là các nước châu Âu. Một loại hình thiết bị phổ biến khác là các acquy tích điện dung tích lớn cần cho các nhà máy (dự án) điện tái tạo chưa được đầu tư sản xuất ở Việt Nam. Khía cạnh khác là các thiết bị điện gió (turbine, cánh quạt, cột trụ) thường có kích thước lớn đòi hỏi các thiết bị xây lắp lớn như các loại cần trục khổng lồ, xe siêu trường, siêu trọng, xà lan và tàu thuyền chuyên chở. Đối với các vùng biển nước sâu, việc lắp đặt trụ điện gió cũng đòi hỏi các thiết bị chuyên dụng chưa có sẵn ở Việt Nam.
Rào cản nhân lực: Nhân lực cũng là rào cản quan trọng về kỹ thuật công nghệ đối với việc phát triển năng lượng tái tạo. Do việc đầu tư phát triển điện tái tạo là lĩnh vực mới, mặc dù có sự bùng nổ về đầu tư trong thời gian qua, nên các trường đại học trong nước chưa kịp phát triển các chương trình đào tạo để cung cấp đầy đủ các nguồn nhân lực cho nhà đầu tư; các trung tâm khoa học trong nước cũng chưa tập trung giải quyết những nhiệm vụ khoa học về đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo để định hướng chính sách và hỗ trợ khoa học công nghệ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, với cơ chế mở trong thị trường đào tạo và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay, rào cản nhân lực sẽ nhanh chóng được tháo gỡ.
Các rào cản khác
Hạ tầng kỹ thuật: Hạ tầng kỹ thuật có vai trò quan trọng trong phát triển năng lượng tái tạo, có thể liệt kê là hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt; hạ tầng lưới điện quốc gia. Hạ tầng giao thông cần thiết cho việc chuyên chở các trang thiết điện trong quá trình xây dựng và bảo dưỡng; nhất là các thiết bị siêu trường siêu trọng của điện gió. Với sự hạn chế của hạ tầng đường giao thông và địa hình dốc hoặc lầy của nhiều vùng nước ta việc triển khai xây dựng các hệ thống năng lượng tái tạo như điện gió sẽ còn khó khăn. Hạ tầng hệ thống lưới điện quốc gia của Việt Nam nhìn chung tốt hơn nhiều nước khu vực ASEAN, tuy nhiên việc quản lý các điểm tiếp nối dự án năng lượng điện tái tạo với hệ thống lưới điện quốc gia vẫn còn bất cập; dẫn đến nhiều công suất của dự án năng lượng điện tái tạo (điện mặt trời) bị lãng phí do không được nối lưới hoặc đường dây và các trạm biến thế trung gian không còn khả năng tiếp nhận. Việc phát triển mạnh mẽ hệ thống điện mặt trời áp mái của hàng vạn hộ gia đình ở miền Nam và Tây Nguyên càng tạo ra sức ép nối lưới với lưới điện quốc gia.
Hạ tầng bảo dưỡng: Hạ tầng bảo dưỡng bao gồm: các trạm bảo hành bảo dưỡng của các nhà sản xuất hoặc cung ứng thiết bị (turbine gió, các tấm panel pin mặt trời, hệ thống chuyển đổi tần số và chiều dòng điện, thiết bị nối lưới, v.v.), các cửa hàng sửa chữa tư nhân có vai trò duy trì ổn định hoạt động của các dự án năng lượng tái tạo. Hạ tầng bảo dưỡng hiện nay mới tập trung ở các thành phố lớn hay các khu công nghiệp; trong khi các dự án và thiết bị năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời thường được lắp đặt ở các vùng thưa dân cư miền núi hoặc nông thôn xa xôi.
Hệ thống bảo hiểm: Các thiết bị và cả hệ thống năng lượng tái tạo (turbine gió, các tấm panel pin mặt trời, v.v.) thường đặt ngoài trời nên đối diện với các tác động bất thường của thiên nhiên (gió, bão, sấm sét, mưa lũ) hoặc sự cố vận hành lưới điện có thể đối diện với hư hỏng cần thay thế hoặc sự cố an toàn môi trường lớn hơn. Việc hình thành hệ thống bảo hiểm đầu tư và vận hành của ngân hàng là một giải pháp cần thiết để hạn chế rào cản nhằm phát triển nhanh và khai thác có hiệu quả tiềm năng năng lượng tái tạo của đất nước.
Kết quả phân tích tổng hợp các rào cản trong phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam hiện nay cho thấy: đang tồn tại rất nhiều rào cản cản trở sự phát triển tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam (Bảng 2); nhưng rào cản lớn nhất liên quan đến thể chế, luật pháp và chính sách quản lý năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Bảng 2. Rào cản của sự phát triển một số loại hình năng lượng tái tạo ở Việt Nam và giải pháp khắc phục
Rào cản thể chế biểu hiện trong sự độc quyền của EVN là tập đoàn Nhà nước trong việc truyền tải và mua bán điện, cũng như nắm giữ các dự án năng lượng lớn được Nhà nước giao quản lý. Do vậy, đã tạo sự cạnh tranh không lành mạnh theo hướng kinh tế thị trường lĩnh vực năng lượng. Giá thành điện do EVN hạch toán không tính đúng và tính đủ tất cả các chi phí tài nguyên môi trường trong quá trình sản xuất, nên các loại hình năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) phải chờ quyết định Nhà nước tăng giá mua điện mới phát triển được. Nhiều nguồn năng lượng tái tạo lớn của đất nước hiện nay vẫn đang lãng phí (khí biogas của trên 500.000 hệ thống biogas hàng ngày phải xả bỏ vào không khí, hàng chục triệu tấn nhiên liệu sinh khối đang phải đốt bỏ trên đồng ruộng) gây nên tình trạng ô nhiễm không khí ở nhiều nơi.
Các luật thuế tài nguyên (đất, rừng, nước, khoáng sản) không được quản lý và thực hiện công bằng đối với các dự án thủy điện. Các hồ chứa nước trong các dự án thủy điện không phải chịu thuế sử dụng đất khi chuyển từ đất thành mặt nước hồ, trong khi thuế sử dụng đất đều phải được các dự án công nghiệp, xây dựng và các dự án phải trả khi chuyển đổi mục đích sử dụng. Tương tự, luật bảo vệ phát triển rừng áp dụng đối với các dự án thủy điện làm mất rừng theo cơ chế là trồng lại diện tích tương đương rừng thay thế; nhưng không thể lấy rừng trồng thay thế cho rừng tự nhiên theo tỉ lệ tương đương 1/1. Các mất mát về tài nguyên khoáng sản, các giá trị cảnh quan, các giá trị sinh thái (đường di cư của cá, bãi cá đẻ) và hàng loạt các mất mát khác khi triển khai xây dựng dự án thủy điện không được nhà đầu tư trả lại cho Nhà nước và xã hội. Cách làm tương tự dự án thủy điện trước đây, hiện nay cũng đang được áp dụng cho các dự án điện mặt trời, hay điện gió.
Luật Thuế Bảo vệ môi trường là nguyên nhân khác tạo sự trợ cấp của nhà nước cho các dự án nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than. Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường đối với than dùng cho các nhà máy nhiệt điện là 30.000 – 50.000 đ/tấn than sử dụng; trong khi thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu khí – lỏng phải tính bằng đơn vị triệu đồng cho một tấn nhiên liệu sử dụng. Điều này là bất hợp lý và sai với yêu cầu của thuế bảo vệ môi trường phải tính trên việc gây ô nhiễm môi trường của nhiên liệu, vì lượng than đốt tạo ra nhiều chất ô nhiễm hơn một lượng nhiên liệu khí - lỏng tương đương đốt
Giải pháp chính sách
Từ kết quả phân tích so sánh về các rào cản đối với một số loại hình khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam trình bày trong bảng 2; có thể đưa ra một số giải pháp về thể chế và chính sách sau:
- Chỉnh sửa Luật thuế BVMT theo hướng bỏ sự trợ thuế đối với nhiên liệu than dùng cho các nhà máy nhiệt điện chạy than, để hạch toán đúng giá thành sản xuất điện của tất cả các loại hình sản xuất điện.
- Quản lý thực thi các luật tài nguyên (đất, rừng, nước, khoáng sản) nghiêm chỉnh và công bằng đối với tất cả các dự án, nhất là dự án năng lượng. Trong đó, không miễn thuế sử dụng đất cho các hồ thủy điện khi chuyển đổi mục đích từ đất sang hồ, hoặc đất canh tác nông nghiệp thành đất trang trại điện mặt trời và điện gió; hạch toán từng bước giá trị rừng và khoáng sản khi chuyển từ mặt đất sang mặt nước hồ thủy điện; hạch toán lại các giá trị tài nguyên nước trong giá thành thủy điện.
- Nghiên cứu thay đổi thể chế độc quyền của EVN theo các hướng: EVN chỉ quản lý truyền tải và kinh doanh mua bán điện; tạo ra thị trường cạnh tranh mua bán điện, cho các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh truyền tải và kinh doanh mua bán điện.
- Giải pháp chính sách đầu tư: Tính đúng tính đủ các chi phí trong bất kỳ dự án đầu tư năng lượng nào từ năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện, điện hạt nhân) đến các loại hình năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Việc làm này phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.
Giải pháp khoa học công nghệ
Giải pháp khoa học công nghệ quan trọng để phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta hiện nay, có thể bao gồm:
- Nhà nước đầu tư các các chương trình, dự án nghiên cứu các loại hình năng lượng tái tạo mới, đánh giá tiềm năng cụ thể các nguồn năng lượng tái tạo quan trọng của đất nước phục vụ thu hút đầu tư, quản lý tốt các vấn đề môi trường phát sinh trong các dự án năng lượng tái tạo.
- Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện xây dựng các trung tâm khoa học về năng lượng tái tạo ở các viện nghiên cứu và các trường đại học lớn trong cả nước; bao gồm các trung tâm nghiên cứu tiềm năng năng lượng tái tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo, nghiên cứu quản lý môi trường các dự án năng lượng tái tạo và xử lý chất thải phát sinh từ dự án năng lượng tái tạo (ví dụ pin quang điện hư hỏng).
- Nhà nước khuyến khích các nhà đầu tư và bán trang thiết bị năng lượng tái tạo, cũng như tư nhân xây dựng hạ tầng bảo dưỡng và bảo hiểm các trang thiết bị năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định.
Giải pháp nhân lực
- Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện xây dựng các chương trình đào tạo về năng lượng tái tạo ở các trường đại học, cao đẳng và kỹ thuật tay nghề trong cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho sự phát triển lĩnh vực.
- Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước kết hợp với các tập đoàn lớn ở nước ngoài chuyển giao khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực cho các dự án đầu tư năng lượng tái tạo trong nước.
1. Năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió và điện rác thải) trong thời gian qua đã có sự phát triển vượt bậc ở nước ta sau các quyết định của Chính phủ về tăng giá mua điện. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại nhiều rào cản trong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam (rào cản thể chế chính sách, rào cản khoa học công nghệ, rào cản hạ tầng). Trong đó, rào cản thể chế, chính sách đang là rào cản lớn nhất đối với sự phát triển bền vững năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
2. Để phát triển bền vững các tiềm năng năng lượng tái tạo của đất nước theo hướng phát triển bền vững và kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội; Nhà nước cần xem xét sửa đổi một số quy định:
- Sửa chữa Luật thuế BVMT để tạo ra sự công bằng trong sử dụng các nguồn nhiên liệu than, dầu, khí đốt; xem xét ban hành thuế năng lượng hoặc thuế carbon, v.v.
- Áp dụng công bằng các luật thuế tài nguyên đối với tất cả các dự án kinh tế xã hội, trong đó có dự án năng lượng (thủy điện, điện mặt trời).
- Chuyển đổi mô hình độc quyền trong sản xuất, truyền tải và kinh doanh mua bán điện để tạo ra mô hình kinh tế thị trường cạnh tranh công bằng, nhưng đảm bảo được nguồn cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường; Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019, Chuyên đề Chất thải rắn sinh hoạt; NXB. Dân trí 2020.
2. Lưu Đức Hải và nnk; Tiềm năng năng lượng tái tạo Việt Nam và định hướng sử dụng NXB. Lao động 2009.
3. Nguyễn Thị Hoàng Liên, Lưu Đức Hải, Nguyễn Khánh Linh; Sử dụng phương pháp bản đồ nhận thức về giá điện để phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam; Tạp chí khoa học ĐHQGHN, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 30, số 4S (2014), tr. 99-105.
4. Lưu Đức Hải, Nguyễn Thị Hoàng Liên; Các rào cản đối với phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam và giải pháp khắc phục; Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 28, số 4S (2012), tr. 61-67.
5. Luu Duc Hai, Nguyen Thi Hoang Lien; Renewable Energy Policies for Sustainable Development Vietnam, VNU Journal of Science, Earth Sciences 25 (2009), p.133-142.
6. Hironori Kato; Promblem-structuring methods based on a cognitive mapping approach in book ‘Sustainability Science’; United University Press, Tokyo-New York – Paris, 2011, p.122-144.
7. Kosko B., Fuzzy Cognitive Map; International Journal of Ma-Machine Studies, Vol. 24, p65-75, 1986.
8. Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Xuân Mỹ Hiền; Khung pháp lý phát triển điện gió tại Việt Nam – một số lưu ý cho nhà đầu tư và Nhà nước; Kỷ yếu Hội thảo Phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4/2021, tr. 39-47.
9. Nghị quyết của Bộ Chính trị BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam, số 55, ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
10. Vũ Đức Quang, Phát triển năng lượng tái tạo và vấn đê tích hợp vào hệ thống điện Việt Nam; Kỷ yếu Hội thảo Phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4/2021, tr.9-27.
11. Dư Văn Toán, Đánh giá tiềm năng điện gió ngoài khơi vùng biển Việt Nam; Kỷ yếu Hội thảo Phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4/2021, tr.29-37.
12. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, số 1855/QĐ-TTg, ngày 27/12/2007, Phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
13. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, số 39/2018/QÐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37/2011/QÐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.
14. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, số 13/2020/QĐ-TTg, ngày 6/6/2020 Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
15. Quyết định 08/2020/QĐ-TTg ngày 5/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam.
16. Renewable Energy Policy Network for the 21th Century (REN 21); Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tái tạo toàn cầu; Ban Thư ký REN21, Paris Pháp xuất bản năm 2017, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) dịch năm 2018.
Lưu Đức Hải (1), Nguyễn Thị Hoàng Liên (2), Cù Thị Sáng (3), Nguyễn Quang Khải (1)
(1) TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam
(2) Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội