Năng lực thi công của nhà thầu Việt Nam song hành với việc phát triển các dự án điện gió quy mô tại Việt Nam và thế giới.
Tháng 10/2021 sẽ là thời hạn cuối để đóng điện hưởng FIT1, các nhà thầu thi công điện gió tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực duyên hải miền Tây đang gấp rút thi công hàng loạt dự án điện gió trên biển.
Việt Nam là quốc gia giàu tiềm năng phát triển điện gió xa bờ. Báo cáo gần đây của World Bank cũng như các phân tích chi tiết thường xuyên trên các diễn đàn năng lượng của chuyên gia Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo đã chỉ ra cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam vươn lên thành quốc gia dẫn đầu Asean về khai thác điện gió, điện gió xa bờ để cung ứng trong nước và xuất khẩu.
Để phát triển điện gió ở Việt Nam, trong Quy hoạch điện quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/3/2016) đặt ra mục tiêu phát triển điện gió của Việt Nam với tổng công suất nguồn điện gió sẽ tăng lên mức 800 MW vào năm 2020, đạt 2.000 MW năm 2025 và đạt khoảng 6.000 MW vào năm 2030.
Theo đó, điện năng sản xuất từ nguồn điện gió sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020, khoảng 1% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030
Ở góc nhìn của nhà phát triển dự an hạ tầng xuyên suốt hơn 20 năm qua, tôi muốn nêu góc nhìn về năng lực thi công của nhà thầu Việt Nam song hành với việc phát triển các dự án điện gió quy mô tại Việt Nam và thế giới.
Trước khi các dự án điện gió được triển khai, các nhà thầu Việt Nam chuyên về công trình biển như Vietsopetro, PTSC được thừa hưởng nền tảng chế tạo và xây lắp công trình dầu khí ngoài khơi.
Các nhà thầu Việt Nam đã và đang đi đấu thầu các công trình dầu khí trong khu vực Asean cũng như tại Trung Đông. Gần đây, nhà thầu PTSC cùng đối tác Semco Maritime của Đan Mạch đã vượt vòng sơ tuyển để vào vòng tiếp theo tại siêu dự án gió xa bờ Hải Long quy mô 1800MW ở Đài Loan.
Ngày nay, với khí thế nhà thầu Việt Nam rầm rộ triển khai các dự án điện gió trên biển, chúng ta cần xây dựng một chiến lược ra khơi, tức là tổ chức đi đấu thầu tại các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông, EU.
Nhà thầu Việt Nam được lợi thế về chi phí thấp hơn các đối thủ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và được tích lũy kinh nghiệm từ việc xây lắp thành công các dự án quy mô tại Việt Nam, đó là một lợi thế tuyệt vời so với các nhà thầu láng giềng xung quanh
Dưới đây là một số hình ảnh thi công tại công trình điện gió số 7 tại Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng do nhà thầu Sigma Engineering JSC làm tổng thầu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét