Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) công suất 3.200 MW với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD vừa được UBND tỉnh Bạc Liêu trao quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore).
Đến thời điểm hiện nay, dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc liêu là dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, những năm gần đây, được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bạc Liêu đã nỗ lực mời gọi đầu tư, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan.
Đặc biệt, từ sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu được tổ chức ngày 30/1/2018, với sự tham dự, chủ trì của Thủ Nguyễn Xuân Phúc, công tác thu hút đầu tư của tỉnh đã chuyển biến mạnh mẽ, với rất nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tham gia đầu tư nghiêm túc, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào 5 lĩnh vực trụ cột của tỉnh.
Trong đó, trụ cột thứ hai về năng lượng phát triển rất sôi động, được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ngoài ra, Bạc Liêu là địa phương tiên phong về phát triển năng lượng tái tạo, cùng các lợi thế tự nhiên như: bờ biển dài, đất đai bằng phẳng, có nắng và gió quanh năm với cường độ tốt, lại ít gió bão...
Cùng với các chính sách ngày càng cởi mở của Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng, nhất là việc Thủ tướng chấp thuận cho tỉnh Bạc Liêu rút Trung tâm Nhiệt điện Cái Cùng ra khỏi Quy hoạch Điện lực Quốc gia (Tổng sơ đồ VII) và giao cho tỉnh mời gọi các dự án nguồn điện khác thay thế, Bạc Liêu đã và đang được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tiếp cận xin nghiên cứu, khảo sát và đăng ký đầu tư, với nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng, lan tỏa rất rộng.
Trong đó, ngoài các dự án điện gió ven biển, điện gió trên bờ với tổng quy mô công suất gần 4.000MW đang triển khai thi công và đang xin bổ sung vào quy hoạch thì Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu 3.200MW được tỉnh xác định là dự án trọng điểm, tạo đột phá trong thời gian tới.
Theo chủ đầu tư, dự án được tích hợp tổng thể gồm: Nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200 MW trên diện tích 40ha tại xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình); trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu có diện tích nổi khoảng 100ha mặt biển (lưu trữ từ 150.000 đến 174.000m3 khí tự nhiên hóa lỏng); trạm tái hóa khí và 35km đường ống dẫn khí áp suất cao. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 12/2020, nhà đầu tư sẽ hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư dự án và trong 3 năm tiếp theo triển khai việc xây lắp khu tiếp nhận, lưu trữ LNG và trạm tái hóa khí, đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tuabin khí giai đoạn 1 (750MW) vào cuối năm 2023. Sau đó, nhà đầu tư tiếp tục xây lắp và đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200 MW trước tháng 12/2027.
Dự án sẽ góp phần cân bằng cán cân thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhập khẩu thiết bị công nghệ tiên tiến và nguồn nhiên liệu khí LNG chất lượng và ổn định từ Hoa Kỳ và từ đó, giúp mở rông thị trường xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam.
Ông Ian Nguyen, Giám đốc Điều hành Công ty Delta Offshore cho biết, sự có mặt của một đội ngũ hùng hậu, đại diện cho 30 tập đoàn, tổng công ty nổi tiếng trên thế giới có tổng số hơn 1,5 triệu nhân viên, tổng doanh thu hơn 900 tỷ USD và tổng tài sản lên tới hàng ngàn tỷ USD Mỹ, gồm 3 nhà cung cấp khí LNG, hai công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển LNG và kho lưu trữ nổi ngoài khơi, 4 công ty công nghệ phát điện, 3 công ty chuyên về sản xuất điện độc lập, các công ty tư vấn công nghệ, tư vấn luật, 4 tập đoàn tài chính và bảo hiẻm... từ các nước phát triển với công nghệ nguồn, dự kiến sẽ tham gia đầy đủ chuỗi giá trị khép kủ của toàn bộ dự án, đủ để chúng ta yên tâm, hoàn toàn tin tưởng vào năng lực của tổ hợp các đối tác đầu tư do Công ty DOE dẫn dầu, đảm bảo thành công của dự án.
Giá bán điện của dự án sẽ được xác định theo quy định pháp luật qua thương thảo Hợp đồng mua bán điện PPA với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính toán sơ bộ trong nghiên cứu tiền khả thi khoảng 07 UScents/kwh (bảy cents đô la Mỹ/KWh) như cam kết ban đầu của nhà đầu tư, đòi hỏi cần có nỗ lực chung của cả nhà đầu tư cũng như của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (cơ quan thay mặt nhà nước mua điện của nhà máy) và Bộ Công Thương.
Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 xác định Bạc Liêu sẽ trở thành trung tâm năng lượng của vùng và cả nước. Với chiến lược phát triển trên và qua dự án này, Bạc Liêu đang hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” theo các nghị quyết về tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững của Chính phủ, các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm thiểu phát thải khí CO2, ứng phó biến đổi khí hậu, phù hợp với xu thế phát triển điện năng trên thế giới.
Chia sẻ về dự án quan trọng này, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu là dự án trọng điểm, có vai trò tạo động lực chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Dự án sẽ tạo thêm hàng nghìn việc làm, hàng chục tỷ đồng tiền thuế nhà thầu trong thời gian xây dựng, đặc biệt khi dự án đi vào hoạt động có thể đóng góp cho ngân sách Nhà nước hơn 3.000 tỷ đồng/năm, từng bước góp phần giúp tỉnh tự cân đối được ngân sách. Để dự án triển khai theo kế hoạch, UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu nhà đầu tư cùng các đối tác nỗ lực thực hiện đúng tiến độ như cam kết và mong muốn các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng tỉnh, nhà đầu tư nhằm sớm phát huy hiệu quả dự án.
Nhằm khuyến khích nhà đầu tư thực hiện đầy đủ các cam kết, Quyết đinh chủ trương đầu tư của tỉnh Bạc Liêu cũng cho phép nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư và hỗ trợ cao nhất áp dụng cho khu vực kinh tế khó khăn theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
TheoNhadautu.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét