e

Thứ Tư, tháng 9 11, 2024

Giàn turbine gió 15.000 tấn mạnh nhất thế giới quật cường trong siêu bão Yagi

 

Giàn turbine gió 15.000 tấn mạnh nhất thế giới quật cường trong siêu bão Yagi, có thể sản xuất điện cả khi sóng dâng cao 30m

Khả Vy  10/09/2024 17:41

Giàn turbine này được chế tạo từ vật liệu bê tông hiệu suất cao, giúp tăng cường độ bền và giảm chi phí.

Việt Nam ghi nhận những thiệt hại kinh tế ban đầu do bão Yagi: Hơn 9.800 nhà hư hại, 130.000ha lúa và hoa màu bị ngập

Hậu bão Yagi: Miền Bắc chìm trong lũ lụt, cảnh báo ‘tím’ lan rộng

Theo Công ty Năng lượng thông minh MingYang của Trung Quốc, giàn turbine gió OceanX có công suất điện lớn nhất thế giới đã chứng minh khả năng trụ vững trong cơn bão Yagi với sức gió lên tới 223,6km/h. OceanX được lắp đặt tại Trang trại điện gió ngoài khơi Thanh Châu IV, thuộc Dương Giang, tỉnh Quảng Đông, miền Đông Nam Trung Quốc.

 Giàn turbine gió 15.000 tấn mạnh nhất thế giới quật cường trong siêu bão Yagi, có thể sản xuất điện cả khi sóng dâng cao 30m - ảnh 1
Giàn turbine gió OceanX có công suất điện lớn nhất thế giới đã chứng minh khả năng trụ vững trong cơn bão Yagi với sức gió lên tới 223,6km/h. Ảnh: Internet

OceanX nặng khoảng 15.000 tấn và được thiết kế để hoạt động ở vùng nước sâu hơn 35m. Với công suất 16,6 MW và thiết kế turbine kép hình chữ V, OceanX có thể sản xuất khoảng 54.000 MWh điện mỗi năm, đủ để cung cấp điện cho 30.000 hộ gia đình ở Trung Quốc.

 Giàn turbine gió 15.000 tấn mạnh nhất thế giới quật cường trong siêu bão Yagi, có thể sản xuất điện cả khi sóng dâng cao 30m - ảnh 2
OceanX được lắp đặt tại Trang trại điện gió ngoài khơi Thanh Châu IV, thuộc Dương Giang, tỉnh Quảng Đông, miền Đông Nam Trung Quốc. Ảnh: Internet

Công ty MingYang cho biết: “OceanX không bị ảnh hưởng bởi cơn thịnh nộ của siêu bão, chứng tỏ khả năng chống bão xuất sắc. Điều này củng cố cam kết của chúng tôi đối với các giải pháp điện gió ngoài khơi tiên tiến và đáng tin cậy.”

 Giàn turbine gió 15.000 tấn mạnh nhất thế giới quật cường trong siêu bão Yagi, có thể sản xuất điện cả khi sóng dâng cao 30m - ảnh 3
OceanX nặng khoảng 15.000 tấn và được thiết kế để hoạt động ở vùng nước sâu hơn 35m. Ảnh: Internet

Giàn turbine OceanX được thiết kế bởi MingYang và chế tạo nhờ sự hợp tác giữa công ty đóng tàu Huangpu Wenchong và Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc. OceanX nổi bật với thiết kế tiên tiến, bao gồm hai rotor quay ngược chiều nhau, đặt trên cấu trúc hình chữ V. Các dây cáp chịu lực căng lớn kết nối với giàn nổi hình chữ Y, giúp tăng cường độ ổn định của hệ thống.

 Giàn turbine gió 15.000 tấn mạnh nhất thế giới quật cường trong siêu bão Yagi, có thể sản xuất điện cả khi sóng dâng cao 30m - ảnh 4
OceanX có thể sản xuất khoảng 54.000 MWh điện mỗi năm, đủ để cung cấp điện cho 30.000 hộ gia đình ở Trung Quốc. Ảnh: Internet

Mỗi đầu của giàn lắp một turbine gió công suất 8,3 MW, với đường kính cánh quạt lên đến 182m. OceanX được chế tạo từ vật liệu bê tông hiệu suất cao, giúp tăng cường độ bền và giảm chi phí. Giàn turbine này cũng sử dụng hệ thống neo một điểm để giảm thiểu tác động đến môi trường và nâng cao độ ổn định ngay cả khi gặp bão.

 Giàn turbine gió 15.000 tấn mạnh nhất thế giới quật cường trong siêu bão Yagi, có thể sản xuất điện cả khi sóng dâng cao 30m - ảnh 5
OceanX có khả năng chịu được bão cấp 5 với sức gió lên tới 260km/h và vẫn có thể sản xuất điện khi sóng cao đến 30m. Ảnh: Internet

OceanX có khả năng chịu được bão cấp 5 với sức gió lên tới 260km/h và vẫn có thể sản xuất điện khi sóng cao đến 30m. Đặc biệt, thiết kế của OceanX còn có thể chịu đựng cường độ xoáy của nước đạt 0,135, phù hợp với các điều kiện khắc nghiệt ngoài khơi.

TheoNguoiquansat

Thứ Ba, tháng 9 10, 2024

Lúng túng với điện mặt trời, điện gió, 10 năm nữa vẫn khó dựa vào điện tái tạo

 

Nhìn vào những gì đang xảy ra với điện mặt trời, điện gió hiện nay mà nói rằng trong 10 năm tới năng lượng tái tạo là động lực, là trụ cột thì có lẽ ta đã hơi chủ quan chăng, chuyên gia nhận xét.

Phóng viên báo VietNamNet phỏng vấn TS Lê Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ (IRAT), nguyên giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về định hướng cho điện mặt trời mái nhà “tự sản tự tiêu” cũng như tương lai của điện tái tạo.

- Qua theo dõi quá trình xây dựng dự thảo nghị định về cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà "tự sản tự tiêu", ông có bình luận gì về những cơ chế được đưa ra?

TS Lê Hải Hưng: Theo góc nhìn của tôi, hiện nay chúng ta vẫn trong tình trạng rất lúng túng, chưa tìm được lối đi cho điện mặt trời mái nhà. Từ chỗ đáng lẽ nhà chức trách phải “đi trước và hướng dẫn” thì vô hình chung lại thành người “đi sau và giải quyết hậu quả” cuộc khủng hoảng điện mặt trời mái nhà.

Trong 1 năm qua, chỉ cần theo dõi các đề xuất của Bộ Công Thương thôi, chúng ta đã thấy rất nhiều ý kiến không đồng nhất. Đầu tiên là không cho phát điện dư lên lưới, nhưng sau đó thấy dư luận, báo chí phản đối thì lại cho phát lên lưới nhưng mua với giá 0 đồng! Cụm từ “mua với giá 0 đồng” dường như lại thêm một chủ đề được dư luận “mổ xẻ”. Sau đó ít lâu, hình như muốn xoa dịu dư luận, ngày 12/7/2024, Bộ Công Thương đã đề xuất phương án cho các nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà được bán một phần điện dư theo khung giờ với giá 671 đồng/kWh. Nói thật là tôi không hiểu căn cứ vào đâu mà nhà chức trách lại đưa ra con số này. 

Đầu năm 2024, tôi có chuyến công tác tại Trung Quốc. Từ căn phòng khách sạn Ocean ở Quận Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, tôi nhìn thấy rất nhiều mái nhà lắp điện mặt trời, trong khi cường độ bức xạ mặt trời ở Chiết Giang thấp hơn mức trung bình ở Việt Nam. Xem ra chính sách cho điện mặt trời mái nhà Trung Quốc hơn hẳn mình rồi. Việt Nam mới có chút điện mặt trời áp mái mà đã rất nhiều ý kiến khác nhau, không nhất quán.

Chính vì thế cho đến bây giờ, người dân, doanh nghiệp vẫn chưa hiểu văn bản nào sẽ là văn bản cuối cùng về điện mặt trời mái nhà.

le hai hung.jpg
TS Lê Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ (IRAT).

- Theo ông giờ cần ứng xử thế nào với điện mặt trời mái nhà "tự sản tự tiêu", nhất là khi dự thảo Luật Điện lực có đưa nội dung này vào Luật?

Rất may mắn, ngày 5/8/2024, tôi được tham dự và phát biểu tại Hội thảo “Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực sửa đổi” do Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức. Luật Điện lực sửa đổi đã chú trọng đến phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Điều này đúng với tinh thần của Quy hoạch điện VIII.

Tuy nhiên, các phần nói về phát triển năng lượng tái tạo cụ thể là “Điện mặt trời tự sản tự tiêu” đối với các hộ cá thể, nhiều đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật trình bày thiếu mạch lạc. Điều này chứng tỏ là Ban soạn thảo cũng khá lúng túng trong việc tiếp cận với hiện trạng phát triển điện mặt trời mái nhà. Chuyện này giống như Bộ Công Thương và EVN vẫn chưa hết lúng túng trong việc giải quyết điện mặt trời mái nhà dư thừa hiện nay.

Cụ thể là: Việc quy định giới hạn công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà của các hộ là chưa hợp lý (nếu không muốn nói là vô lý).

Việc quy định “không được bán điện tự sản tự tiêu cho các hộ khác cũng vô lý”, thậm chí là vi phạm những quy định về thương mại thông thường.

Tôi cũng băn khoăn việc đưa khái niệm điện mặt trời tự sản tự tiêu vào Luật. Được biết, hiện nay, không chỉ điện mặt trời mái nhà mà điện gió cũng đang ở trong tình trạng “khủng hoảng thừa” và nếu trong tương lai có một loại năng lượng tái tạo khác thì có được gọi là tự sản tự tiêu hay không? Tại sao không gọi là năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu mà lại gọi riêng là điện mặt trời tự sản tự tiêu.

Tôi cho rằng, theo tinh thần của Quy hoạch điện VIII, với mục tiêu tăng cường phát triển năng lượng tái tạo thì việc “khống chế” phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu là biểu hiện không nhất quán, thậm chí “ngược dòng” với Quy hoạch điện VIII.

Chúng ta cũng cần thấu hiểu rằng, ở thời điểm hiện tại, đó là do sự phát triển bùng nổ và “ngược pha với nhu cầu sử dụng” của điện mặt trời. Mặt khác, chúng ta cũng không thể và không nên đầu tư quá nhiều tiền bạc vào hệ thống lưới điện miễn chỉ để tiếp nhận và sử dụng hết công suất đột biến của điện mặt trời mái nhà. Việc xử lý điện mặt trời mái nhà dư thừa trong giai đoạn này đều là những giải pháp tình thế chứ chưa phải là kế sách lâu dài của cơ quan chức năng. 

Cũng cần nhận thức rằng, các vướng mắc trên không phải là “lỗi” của điện mặt trời mà là do năng lực, nguồn lực của chúng ta còn hạn chế, chưa “chinh phục” được điện mặt trời mà thôi. Vì vậy, tại giai đoạn đặc biệt này không nên đưa vấn đề điện mặt trời tự sản tự tiêu vào luật mà hãy thay chúng bằng những văn bản khác linh động hơn. 

Trong trường hợp nhất định phải đưa các điều khoản về điện mặt trời tự sản tự tiêu vào Luật Điện lực mới, tôi cho rằng có thể sớm phải sửa đổi lần tiếp theo.

dien mat troi.jpeg
TS Lê Hải Hưng cho rằng thời gian 10 năm tới điện tái tạo vẫn chưa thể là nguồn năng lượng đáng tin cậy cho phát triển đất nước. Ảnh: Thạch Thảo

- Vừa qua, Bộ Công Thương đã có dự thảo báo cáo về sửa Quy hoạch điện VIII, trong đó có nội dung nâng công suất điện mặt trời, bao gồm điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Điện mặt trời nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng là phát lệch pha về thời gian và không gian với nhu cầu sử dụng. Lệch pha về mặt thời gian tức lúc ta cần thì không có, còn lúc có lại cần ít hoặc không cần. Ví dụ, đầu giờ sáng ai ai cũng hối hả chuẩn bị bữa sáng thì mặt trời chưa lên nên không có điện. Đến khi mọi người đã ra khỏi nhà, tới công sở làm việc thì điện mặt trời lại phát rất nhiều. Buổi chiều tối mọi người về nhà, với bao nhiêu việc cần dùng điện, đường phố cần sáng đèn thì lại không còn mặt trời.

Gần đây,  Bộ Công Thương lại công bố rằng cho phép bán điện mặt trời mái nhà 100% nếu phát từ pin lưu trữ. Tôi cho rằng, lý do là Bộ nắm được trong thời gian tới, lượng điện phát từ pin là vô cùng nhỏ bé vì giá thành pin lưu trữ rất cao. Nhưng ta hãy cứ tưởng tượng, giả sử giá pin rẻ đến mức nhà nào cũng có thể lưu trữ rồi phát lên thì lại có “khủng hoảng điện phát từ pin lưu trữ” cho mà xem. 

Vì vậy, trong khi phát triển điện mặt trời, chúng ta cũng phải phải tính đến những phương án để nâng cao hiệu quả sử dụng, như phát triển và áp dụng công nghệ lưu trữ điện năng tái tạo. Mặt khác, về lâu dài, cũng cần nghiên cứu triển khai các nguồn năng lượng ổn định, tin cậy và đủ công suất, ít phát thải như điện gió, điện khí, điện sinh khối, thậm chí điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển đất nước.

- Vậy chúng ta có thể dựa vào điện tái tạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia hay không, thưa ông? 

Ai trong chúng ta cũng biết rằng năng lượng hóa thạch (than, dầu mỏ, khí đốt...) ngày càng cạn kiệt, buộc con người phải tìm các nguồn năng lượng mới. Ngoài ra, năng lượng hóa thạch phát thải nhiều khí nhà kính, làm biến đổi khí hậu, làm trái đất nóng lên, nước biển dâng và những biến đổi thời tiết cực đoan như lũ lụt, bão tố hủy hoại môi trường sống, mất mùa..., đe dọa sự tồn tại bình thường của nhân loại.

Trong khi đó, năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sóng biển, địa nhiệt... vĩnh cửu và vô tận mới là những nguồn năng lượng duy trì sự tồn tại của loài người.

Hệ thống điện của nước ta có điểm rất không thuận lợi là chỉ có một trục cơ bản là đường dây 500kV chạy dài theo chiều dài của đất nước. Như vậy, nếu có sự cố xảy ra với trục cơ bản này là có thể gây mất điện hay thiếu điện của cả một vùng, là ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

Phải nhìn nhận thực tế rằng, nước ta bây giờ chưa thực sự có an ninh năng lượng. Vào đầu mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến mà không may vài nhà máy điện xảy ra sự cố, hệ thống truyền tải gặp trục trặc là gay go ngay. Chắc chúng ta chưa quên sự cố mất điện diện rộng ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đầu Hè 2023 đã làm thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế.

Vì vậy, Quy hoạch điện VIII với tinh thần cơ bản, xuyên suốt là “giảm dần năng lượng hóa thạch, tăng dần tiến tới sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo” là thể hiện trách nhiệm của thế hệ hôm nay với các thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, trong nhận thức của tôi, thời gian 10 năm tới điện tái tạo vẫn chưa thể là nguồn năng lượng đáng tin cậy cho phát triển đất nước.

- Ông có sợ bị “ném đá” vì quan điểm này không?

Cá nhân tôi không những không sợ bị "ném đá" mà còn hy vọng sẽ nhận được chia sẻ từ nhiều người mà trước hết bạn đọc VietNamNet về những nhận định trên của mình.

Chúng ta phải cần tách bạch hai vấn đề là “Phát triển năng lượng tái tạo là tất yếu” với “Năng lượng tái tạo chưa phải là động lực” là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

Điều đó có nghĩa là, để triển khai Quy hoạch điện VIII theo đúng lộ trình và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thì phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng không thể đảo ngược, là đương nhiên. Nhưng nhìn vào những gì đang xảy ra với điện mặt trời, với điện gió hiện nay mà nói rằng trong 10 năm tới năng lượng tái tạo là động lực, là trụ cột thì có lẽ ta đã hơi chủ quan chăng.

TheoVietnamnet.vn

Thứ Hai, tháng 9 09, 2024

Nghĩa trang phủ kín pin điện mặt trời, nơi an nghỉ thành trang trại điện sạch

 

Hàng nghìn tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt tại các nghĩa trang ở Tây Ban Nha với tham vọng mang lại nguồn điện phục vụ công cộng và người dân địa phương.

Thành phố Valencia (Tây Ban Nha) đang lắp đặt hàng nghìn tấm pin mặt trời tại các nghĩa trang, trong kế hoạch đầy tham vọng biến những nơi an nghỉ vĩnh hằng thành trung tâm năng lượng xanh. 

Dự án này có tên là Requiem in Power (RIP), đang được đẩy mạnh quy mô trở thành trang trại năng lượng mặt trời đô thị lớn nhất Tây Ban Nha, công suất khoảng 2,8 MW (Megawatt).

Theo báo cáo của cơ quan quản lý, hàng nghìn tấm pin quang điện đã được lắp đặt trên mộ và các công trình khác tại nhiều nghĩa trang công cộng ở Valencia. Theo ước tính, dự án RIP sẽ tiết kiệm tới 140 tấn khí thải carbon mỗi năm khi hoàn thành và đi vào hoạt động.

nghia trang dien mat troi.jpg
Nghĩa trang thành dự án điện mặt trời. Ảnh: ID

Dự án này là một phần của Sứ mệnh Khí hậu Valencia 2030, đưa Địa Trung Hải thành điểm tiên phong thực hiện mục tiêu của Liên minh Châu Âu: trở thành thành phố trung hòa khí hậu vào năm 2050. Valencia đang quyết tâm đạt được mục tiêu đó ở cấp thành phố sớm hơn 20 năm so với kế hoạch.

“Khu vực công cộng có nhiều không gian để tạo năng lượng sạch. Năng lượng được tạo ra sẽ phục vụ các nhu cầu điện công cộng và người dân địa phương”, báo cáo nêu. 

Ramon, một người dân tại đây, cho hay, nghĩa trang không chỉ là nơi dành cho người đã khuất mà có thể làm trang trại sản xuất năng lượng sạch. Do thành phố sở hữu các nghĩa trang nên không cần phải xin phép để thực hiện dự án, nhà thờ cũng ủng hộ ý tưởng này. 

Không giống như các trang trại năng lượng mặt trời quy mô lớn, nơi đất nông nghiệp cũng có thể được chuyển đổi thành trung tâm sản xuất điện, không gian nghĩa trang vẫn tiếp tục mở cửa cho người dân.

Trong giai đoạn đầu, hàng trăm tấm pin mặt trời đang được lắp đặt tại các nghĩa trang Grau, Campanar và Benimàmet. Theo báo cáo của TheMayor.EU, có 810 tấm pin được lắp đặt tại hai nghĩa trang, đủ để sản xuất 440.000 kW điện mỗi năm và cắt giảm 140 tấn carbon dioxide mỗi năm.

Thành phố có kế hoạch lắp đặt gần 7.000 tấm pin, tạo ra trang trại năng lượng mặt trời đô thị lớn nhất.

Valencia không phải là nơi đầu tiên lắp đặt tấm pin mặt trời tại các nghĩa trang. Tại Pháp, một dự án đã khởi động vào năm 2021, biến nghĩa trang thành trung tâm năng lượng tái tạo. Saint-Joachim có kế hoạch lắp đặt 5.000 tấm pin, chi phí khoảng 3,3 triệu euro.

Vietnamnet.vn

Thứ Bảy, tháng 9 07, 2024

Lo thiếu điện, Bộ Công Thương đề xuất phát triển điện hạt nhân cỡ nhỏ

 

Bộ Công Thương tính đến phương án tăng phát triển điện mặt trời và nghiên cứu giải pháp phát triển năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô đun nhỏ, bao gồm nhà máy điện hạt nhân nổi.

Mới đây, Bộ Công Thương có văn bản gửi các bộ, ngành và các bên liên quan đề nghị tham gia ý kiến cho dự thảo báo cáo Thủ tướng về đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Tại báo cáo này, Bộ Công Thương đã liệt kê chi tiết tiến độ của những nguồn điện lớn. Cụ thể, với nguồn điện sử dụng khí trong nước và khí hóa lỏng tự nhiên (LNG), quy hoạch đặt mục tiêu đạt tổng quy mô công suất đến năm 2030 là 30.424 MW. 

Tuy nhiên, đến nay chỉ mới đưa vào vận hành một nhà máy là nhiệt điện Ô Môn I. Một dự án đang xây dựng là Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, công suất 1.624 MW, sử dụng LNG từ Kho cảng LNG Thị Vải.

Ngoại trừ dự án Nhơn Trạch 3 và 4 dự kiến vận hành vào tháng 5/2025, khả năng các dự án còn lại hoàn thành trước năm 2030 là khó khăn nếu không có những giải pháp căn cơ, tháo gỡ những “nút thắt” quan trọng cho phát triển điện khí LNG. 

Bộ Công Thương chỉ rõ, rất có thể hệ thống điện sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt công suất nguồn điện rất lớn trong giai đoạn 2026-2030, tiềm ẩn rủi ro mất an ninh cung ứng điện.

W-dien-gio-2-1.jpg
Phát triển các dự án điện gió theo quy hoạch gặp khó khăn. Ảnh: Hoàng Hà

Về nguồn điện than, theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất lắp đặt đến năm 2030 sẽ đạt 30.127 MW và năm 2050 không sử dụng than cho phát điện. Tức từ nay đến năm 2030, nguồn nhiệt điện than cần đưa vào vận hành là 3.383 MW và sau năm 2030 không phát triển theo cam kết. 

Hiện, có 5 dự án trong quá trình xây dựng, 5 dự án chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn. Riêng dự án nhiệt điện Công Thanh đã được Thủ tướng đồng ý xem xét chủ trương nghiên cứu về việc chuyển đổi nhiên liệu sang sử dụng LNG trong quá trình rà soát Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, còn dự án nhiệt điện Quảng Trị I đã chấm dứt đầu tư. 

Theo Bộ Công Thương, các dự án nhiệt điện không nhận được sự đồng thuận của các địa phương cũng như các tổ chức tín dụng... Vì thế, nguồn nhiệt điện than mới có tính khả thi không cao.

Còn theo quy hoạch nguồn điện gió trên bờ và gần bờ đến năm 2030 công suất đạt 21.880 MW, năm 2050 có tổng công suất lắp đặt từ 60.050-77.050 MW. Tuy nhiên, tổng công suất lắp đặt đến nay chỉ đạt 3.061 MW nên để đạt được quy mô công suất theo quy hoạch cũng rất khó khăn.

Trong khi, điện gió ngoài khơi chưa có dự án nào được cấp chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư để thực hiện dù mục tiêu đặt ra là khoảng 6.000 MW vào năm 2030, đến năm 2050 đạt từ 70.000-91.000 MW.

TheoVietnmanet.vn

Từ thực tế trên, Bộ Công Thương tính đến phương án tăng phát triển điện mặt trời và nghiên cứu giải pháp phát triển năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô đun nhỏ, bao gồm nhà máy điện hạt nhân nổi. 

Riêng với điện hạt nhân, Quy hoạch điện VIII chưa dự kiến phát triển các nguồn điện này tại Việt Nam. 

Song, Bộ Công Thương cho rằng, với lợi ích và điều kiện thuận lợi của năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô đun nhỏ (công suất khoảng 300 MW mỗi tổ máy, bằng 1/3 công suất phát của các lò phản ứng điện hạt nhân truyền thống), cộng với việc nhiều nước trên thế giới đang triển khai nguồn điện này, thì việc Việt Nam nghiên cứu giải pháp phát triển năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô đun nhỏ, bao gồm nhà máy điện hạt nhân nổi trong tương lai là có thể xem xét.

Bộ Công Thương cũng khẳng định, nếu các nguồn điện được phê duyệt tại Quy hoạch điện VIII không đáp ứng tiến độ thì cung ứng điện trong các năm 2025-2030 hết sức khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt điện năng. Theo đó, Bộ này kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

BMW thử nghiệm hệ thống turbine gió không cánh quạt

Hệ thống không cánh quạt của Aeromine sử dụng cánh thẳng đứng để tăng tốc độ gió, giúp sản xuất điện xanh không tiếng ồn tại nhà máy của BMW.

Hệ thống turbine gió không cánh quạt ở rìa nóc nhà máy của BMW. Ảnh: BMW

Hệ thống turbine gió không cánh quạt ở rìa nóc nhà máy của BMW. Ảnh: BMW

BMW đang hợp tác với công ty công nghệ sạch Aeromine Technologies ở Mỹ để thử nghiệm sản xuất điện gió không cánh quạt tại các cơ sở trên toàn cầu của hãng. Hệ thống năng lượng gió không chuyển động đầu tiên của Anh được lắp đặt trên mái nhà máy MINI tại Oxford của BMW. Hệ thống sản xuất điện sạch mà không phụ thuộc vào bất kỳ bộ phận chuyển động hữu hình nào. Động thái này nằm trong dự án lớn hơn của BMW nhằm khám phá những giải pháp năng lượng sáng tạo và hiệu quả. Kế hoạch thí điểm do công ty con BMW Real Estate phụ trách, được hỗ trợ bởi BMW Startup Garage, một chương trình tập trung vào giúp đỡ các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu phát triển công nghệ tiên tiến, Interesting Engineering hôm 4/9 đưa tin.

Phương pháp của Aeromine Technologies thu thập và tăng cường dòng khí trên mái nhà bằng cách sử dụng một thiết kế khí động độc đáo. Thiết kế đó tạo ra một vùng áp suất thấp dẫn không khí qua cửa nạp và máy phát điện, khác với turbine gió thông thường dựa vào cánh quạt quay. Nằm ở rìa tòa nhà đúng chiều gió thổi đến, hệ thống Aeromine tận dụng kết cấu của tòa nhà để tăng tốc luồng gió truyền qua rìa. Bộ cánh thẳng đứng của hệ thống tăng cường hiệu ứng thông qua tạo ra chân không phía sau cột trung tâm, hút khí qua bộ phận dẫn động để sản xuất điện.

Thiết kế của Aeromine không có bộ phận chuyển động hữu hình nào, đảm bảo hoạt động êm ái không tiếng ồn hoặc rung động, tác động tối thiểu tới môi trường và động vật hoang dã. Hệ thống cũng không thấm nước và làm từ vật liệu bền có thể tái sử dụng, tránh các bộ phận gây hại cho môi trường như silicon hoặc đất hiếm. Theo công ty, thiết kế rotor công nghiệp của họ rất đơn giản, an toàn và cần bảo dưỡng ít. Nó cũng tích hợp một máy phát điện nam châm vĩnh cửu làm mát bị động và được bôi trơn suốt thời gian hoạt động. Ngoài ra, hệ thống Aeromine không đòi hỏi biến tần.

Nhờ cung cấp khả năng theo dõi và điều khiển từ xa, hệ thống Aeromine cho phép tích hợp trơn tru với các hệ thống xây dựng và điều chỉnh khác. Hệ thống điện gió mới sẽ hỗ trợ những tấm pin quang điện hiện nay lắp đặt trên các tòa nhà của nhà máy MINI ở Oxford. Vào mùa đông và ban đêm, khi gió thổi mạnh hơn và tấm pin quang điện kém hiệu quả hơn, hệ thống Aeromine sẽ tiếp tục sản xuất năng lượng xanh.

Theo Aeromine, công nghệ hiện đại được thử nghiệm tại nhà máy của BMW nhằm đánh giá tiềm năng của hệ thống trong tăng cường hiệu suất năng lượng trong tòa nhà thương mại tại Anh cũng như cơ sở BMW khác trên khắp thế giới. BMW đặt mục tiêu giảm lượng khí thải CO2 vào năm 2030 từ chuỗi cung ứng tới giai đoạn sử dụng sản phẩm.

An Khang (Theo Interesting Engineering) 

Thứ Sáu, tháng 9 06, 2024

Lo tương lai điện gió ngoài khơi "bay theo gió"

 

Các "ông lớn" nước ngoài lần lượt hủy kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam khiến giới đầu tư không khỏi lo âu về tính khả thi của nguồn điện này.

Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu, công suất điện gió ngoài khơi (ĐGNK) đến năm 2030 đạt 6.000 MW, định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000 MW đến 91.000 MW.

Bộ Công thương đánh giá, phát triển ĐGNK là một trong những định hướng quan trọng của Quy hoạch điện VIII, ngoài việc giúp hiện thực hóa lộ trình chuyển dịch năng lượng, còn giúp Việt Nam khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo và phát triển kinh tế biển.

Thế nhưng, đến nay, Việt Nam chưa có dự án ĐGNK nào được cấp chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư, sau 5 năm khởi động - bắt đầu từ việc chấp thuận thực hiện khảo sát, nghiên cứu và đầu tư xây dựng đối với dự án điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà vào năm 2019.

Điều đáng nói, sự chờ đợi đã khiến một số "ông lớn" toàn cầu rời khỏi Việt Nam.

Lo tương lai điện gió ngoài khơi "bay theo gió"- Ảnh 1.

Làm một dự án điện gió ngoài khơi cần khoảng 6-8 năm. Ảnh: Hồng Hạnh.

 "Ông lớn" hủy kế hoạch đầu tư

Mới đây, Equinor - một trong những công ty năng lượng lớn nhất Na Uy cho biết, tập đoàn này đã quyết định hủy kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực ĐGNK tại Việt Nam và đóng cửa văn phòng tại Hà Nội, dù đã "dọn đường" suốt 2 hơn năm qua.

Năm 2021, Petrovietnam và Equinor đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển ĐGNK và năng lượng tái tạo khác tại Việt Nam. Liên minh này cũng đã có văn bản đề xuất vị trí khảo sát ĐGNK đến các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Thái Bình và Hải Phòng…

Equinor cũng đánh giá Việt Nam "có một trong những nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở châu Á". Tuy nhiên, họ dự báo, với các rào cản về quy định, kịch bản tốt nhất Việt Nam chỉ có thể lắp đặt khoảng 1GW công suất ĐGNK vào cuối thập kỷ này.

Trước đó, vào cuối năm 2023, Orsted - doanh nghiệp do Chính phủ Đan Mạch chiếm cổ phần chi phối - cũng đã quyết định dừng cuộc chơi ở Việt Nam để theo đuổi các kế hoạch khác. Lý do được tập đoàn này đưa ra là do chính sách liên quan đến triển khai và mua điện bị chậm trễ và không rõ ràng khiến họ khó dự báo được nguồn doanh thu ổn định.

Đánh giá về diễn biến này, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư không còn kiên nhẫn, không nhìn thấy cơ hội rõ rệt tại Việt Nam so với các thị trường điện gió ngoài khơi khác trên thế giới.

"Hay nói cách khác, trong một thời gian dài, Việt Nam vẫn chưa tìm ra được một chính sách, cơ chế rõ ràng, thống nhất, nhất là cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế giá và mua bán điện… đã phần nào làm nản lòng các nhà đầu tư có tên tuổi", vị đại diện bày tỏ.

Loạt vướng mắc cần tháo gỡ

Theo nguồn tin của Báo Giao thông, báo cáo Thủ tướng về vấn đề trên, Bộ Công thương nêu loạt khó khăn trong phát triển nguồn ĐGNK.

Về quy hoạch, theo Bộ Công thương, hiện nay tên, địa điểm, quy mô công suất, phương án đấu nối các dự án ĐGNK chưa được xác định, chưa có cơ sở để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến khảo sát, đo đạc, điều tra, đánh giá tác động làm cơ sở lập dự án đầu tư ĐGNK.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 81 năm 2013 về "Định hướng phát triển vùng và liên kết vùng", đối với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ, chưa thể hiện rõ định hướng phát triển năng lượng hoặc năng lượng tái tạo như định hướng các vùng khác còn lại trên cả nước.

Lo tương lai điện gió ngoài khơi "bay theo gió"- Ảnh 2.

Trước mắt sẽ thí điểm, giao tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư dự án ĐGNK. Ảnh: Hồng Hạnh.

Về đầu tư, Bộ Công thương nhận thấy, Luật Đầu tư năm 2020 chưa quy định rõ đối với dự án ĐGNK thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội hay Thủ tướng hay UBND cấp tỉnh.

Còn với hoạt động lựa chọn nhà đầu tư, Luật Đầu tư năm 2020 quy định, việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua một trong các hình thức như: Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu; chấp thuận nhà đầu tư theo Luật Đầu tư.

Tuy nhiên, đối với ĐGNK có sử dụng lòng đất dưới đáy biển, trong khi đó, lòng đất dưới đáy biển thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Biển Việt Nam.

Bộ Công thương nhận thấy, trường hợp dự án ĐGNK không được coi là dự án có sử dụng đất, thì các dự án này có thể sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu năm 2023 và có thể không thuộc các trường hợp chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Về khảo sát, giao khu vực biển để khảo sát, Bộ Công thương cho hay, chưa có đủ cơ sở xác định việc khai thác năng lượng gió trên mặt biển là thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo, dẫn đến việc thực hiện trình tự, thủ tục theo Nghị định 11 năm 2021 về việc giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân để sử dụng, khai thác tài nguyên gió trên biển là chưa rõ cơ sở để thực hiện.

Bộ này cũng nêu những khó khăn xung quanh vấn đề giá điện, bảo lãnh vay vốn, chuyển đổi ngoại tệ, hợp đồng mua bán điện, cam kết sản lượng ... do pháp luật chưa quy định cụ thể cho ĐGNK, dẫn đến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc xác định các điều kiện khuyến khích, thuận lợi khi thực hiện dự án.

Đặc biệt, việc trình dự án thí điểm ĐGNK không thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương mà vấn đề này thuộc về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với PVN, EVN)…

Với những khó khăn trên, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng sớm có ý kiến về đề xuất dự án thí điểm phát triển ĐGNK mà bộ này đã trình. 

Bên cạnh đó, những khó khăn, vướng mắc cần được cập nhật mới trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). 

Hiện, Bộ Công thương đang chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá tình hình triển khai Quy hoạch điện VIII để làm cơ sở đề xuất Thủ tướng xem xét, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Bộ này kiến nghị rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia làm ĐGNK...

TheoGT

Thứ Năm, tháng 9 05, 2024

Sẽ giảm tối đa độc quyền trong ngành điện

 Hồi âm băn khoăn của đại biểu Quốc hội là sửa Luật Điện lực có chống được độc quyền không, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Nhà nước sẽ chỉ giữ độc quyền một số lĩnh vực xương sống, như điều độ và vận hành hệ thống điện, còn lại sẽ xã hội hóa.


Nhà nước chỉ độc quyền các lưới điện cao áp, siêu cao áp (trên 35 kV trở lên), còn các đường dây mang tính liên kết sẽ thực hiện xã hội hóa















Nhà nước độc quyền đến đâu?

Với mong muốn được thông qua ngay tại Kỳ họp thứ tám của Quốc hội (tháng 10 tới), Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi (Dự thảo) vừa được cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tuần qua. Đây có thể coi là một “ngoại lệ”, bởi theo thông lệ, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chỉ cho ý kiến các dự thảo luật đã được Quốc hội thảo luận lần 1 và chuẩn bị thông qua tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.

Dù được đưa ra thảo luận lần đầu, lại dự kiến sửa đổi nhiều nội dung rất quan trọng, nhạy cảm, song do hồ sơ dự án luật gửi đại biểu quá gấp, nên chỉ có 4 người trực tiếp tham gia ý kiến với một số chính sách lớn, trong đó có giảm độc quyền.

Khoản 4, Điều 5 (chính sách của nhà nước về phát triển điện lực) của Dự thảo nêu rõ: “Xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý, thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư, khai thác sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật”.

Cũng theo Điều 5, Nhà nước chỉ còn giữ độc quyền về điều độ hệ thống điện, đầu tư các dự án điện hạt nhân, thủy điện đa mục tiêu, các nguồn, lưới điện khẩn cấp và lưới truyền tải điện quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên. Nhà nước cũng độc quyền vận hành lưới truyền tải điện, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư, xây dựng.

“Sửa Luật Điện lực lần này có chống được độc quyền hay không? Nhà nước độc quyền tới đâu, giao lại đầu tư cho các ngành kinh tế khác thế nào?”, Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt câu hỏi.

Theo đại biểu Đinh Ngọc Minh, ngành viễn thông đã bỏ độc quyền “rất xuất sắc”. “Cách đây mấy chục năm, gọi một cuộc điện thoại mất mấy ngàn đồng. Một tháng lương dùng điện thoại cũng hết. Còn hiện giờ dùng rất thoải mái, rất tốt”, ông Minh nhìn nhận.

Còn với điện, ông Minh nhận xét, Dự thảo quy định Nhà nước độc quyền trong truyền tải điện, nhưng chưa nêu cụ thể ở cấp độ nào. “Đến khi nào hết độc quyền, đến khi nào quy định ít phép tắc hơn để tư nhân tham gia thị trường nhiều hơn và mọi thứ phải minh bạch?”, ông Minh đặt vấn đề.

Tại báo cáo thẩm tra, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, cần rà soát và làm rõ về những chính sách được quy định tại Điều 5 để đảm bảo tính khả thi và tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động các nhà đầu tư và quản lý nhà nước hiệu quả hơn. Cụ thể, Nhà nước không nên độc quyền toàn bộ phần truyền tải, mà chỉ nên độc quyền phần truyền tải cao áp và siêu cao áp (từ trên 35 kV trở lên).

Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cho biết, Điều 5 đã quy định rõ Nhà nước sẽ độc quyền ở khía cạnh nào, khâu nào trong phát triển điện lực. Theo đó, Nhà nước sẽ chủ yếu độc quyền trong điều độ hệ thống điện. Còn trong đầu tư, Nhà nước độc quyền với các dự án đa mục tiêu, công trình quan trọng, đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện quốc gia, như các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu…

Về độc quyền trong truyền tải điện, ông Hoài cho hay, Nhà nước chỉ độc quyền các lưới điện cao áp, siêu cao áp (trên 35 kV trở lên), còn các đường dây mang tính liên kết sẽ thực hiện xã hội hóa. Để đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng theo Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, một số lĩnh vực xương sống sẽ phải độc quyền nhà nước, còn các lĩnh vực khác sẽ xã hội hóa.

“Giảm độc quyền tối đa nhưng vẫn đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng theo định hướng của Đảng và Nhà nước”, theo lời Thứ trưởng Trương Thanh Hoài.

Đại diện cơ quan soạn thảo cũng nói thêm, thực tế nguồn điện EVN chỉ còn 38% trong tổng công suất hệ thống điện quốc gia. Việt Nam đang từng bước hình thành các thị trường điện cạnh tranh để đảm bảo công khai, minh bạch. Từ đầu tháng 8/2024, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) chuyển từ EVN về Bộ Công thương. Do đó, EVN và các tập đoàn tham gia thị trường điện như một chủ thể thông thường.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo rà soát quy định Nhà nước độc quyền đầu tư các dự án nhà máy thủy điện đa mục tiêu, các dự án nguồn điện khẩn cấp, lưới điện khẩn cấp, vì quy định như vậy phạm vi quá rộng, sẽ làm hạn chế cơ hội huy động nguồn lực xã hội để phát triển điện lực.

Giá theo thị trường để EVN không có chỗ đổ thừa khi bị lỗ

Lần sửa đổi này, giá điện cũng là vấn đề được các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội rất quan tâm.

Dự thảo quy định, giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh. Nhận xét đây là điểm mới, hiện tại chưa thực hiện được, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh: “Phải áp dụng theo giá thị trường để sau này điện lực không còn đổ thừa năm nào cũng bị lỗ là do giá điện bao cấp”. 

Vị đại biểu Đồng Tháp cho rằng, khi giá điện đã thực hiện theo cơ chế thị trường, thì lỗ là tính được, có thể “xử liền”, là vấn đề rất quan trọng, rất cần thiết. Tuy nhiên, ông Hòa lưu ý, với đối tượng chính sách, khó khăn, thì Nhà nước vẫn phải lo để bảo đảm an sinh xã hội.

“Thực hiện theo cơ chế thị trường, người dân tiêu thụ điện không nói giá điện cao hay thấp, người bán điện là điện lực không nói bán điện bao cấp cho nên bị lỗ. Tôi rất thống nhất quy định hoạt động mua bán điện sắp tới đây theo hướng của thị trường cạnh tranh”, ông Hòa phát biểu.

Hồi âm ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Công thương trương Thanh Hoài cho biết, đã thiết kế giá điện tại Dự thảo theo hướng phản ánh đầy đủ các chi phí và giảm tối đa việc bù chéo. “Giá điện là theo hướng thị trường. Tại Dự thảo, thị trường bán buôn cạnh tranh, thị trường bán lẻ cạnh tranh, các cấp độ thị trường đã được thiết kế đầy đủ”, Thứ trưởng Hoài thông tin thêm.

Liên quan đến giá điện, thẩm tra, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định, cơ chế giá điện hai thành phần. “Dự thảo cần quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về xóa bỏ bù giá chéo giữa các nhóm khách hàng, đảm bảo bình đẳng xã hội và đảm bảo nguyên tắc thị trường, khuyến khích tiết kiệm điện trong ngành sản xuất”, theo Thường trực cơ quan thẩm tra.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội còn cho rằng, các quy định về giá điện hầu hết đều giao Bộ Công thương xây dựng, thẩm định, như tại Luật Điện lực năm 2004. Tuy nhiên, việc xây dựng, thực hiện giá điện chưa thực sự hiệu quả, chưa minh bạch hết các thành phần cấu thành giá điện, là một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự công bằng, minh bạch của thị trường điện cạnh tranh.

Do đó, Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung tiêu chí xác định giá bán lẻ điện để đảm bảo tính công bằng và nguyên tắc thị trường điện cạnh tranh giữa bên bán và bên mua. Dự thảo cần quy định trách nhiệm công khai minh bạch các loại giá (truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện).

Theo Thường trực cơ quan thẩm tra, cần rà soát quy định về thẩm quyền, hình thức và phương pháp định giá đối với giá điện và giá các dịch vụ về điện bảo đảm thống nhất với các quy định tại Luật Giá  theo hướng Thủ tướng quyết định khung giá bán buôn điện, khung giá bán lẻ điện, khung giá phát điện, giá các dịch vụ về điện.

Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng quyết định giá điện và giá các dịch vụ về điện, hướng dẫn các đơn vị điện lực xây dựng và ban hành các giá điện theo thẩm quyền. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét bổ sung cơ chế để cân bằng, bình ổn giá điện (có thể là quỹ hoặc tài khoản cân bằng giá điện).

Đề nghị thông qua Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi tại 2 kỳ họp

Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi ngay tại Kỳ họp thứ tám. Thường trực Ủy ban thẩm tra và một số Ủy ban của Quốc hội cho rằng, như vậy thời gian tương đối gấp, trong khi phạm vi nội dung sửa đổi tổng thể, gồm 6 nhóm chính sách lớn, nhạy cảm, tác động trực tiếp, toàn diện đến sinh hoạt của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường điện và giá điện; bảo đảm an toàn quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ điện.

Do đó, đề nghị thông qua Luật tại 2 kỳ họp (thông qua tại Kỳ họp thứ chín vào tháng 5/2025) để có đủ thời gian dành cho việc nghiên cứu, thảo luận, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự án luật bảo đảm chất lượng, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
TheoBaodautu