Thứ Năm, tháng 11 04, 2021

DÒNG ĐIỆN KHÔNG BAO GIỜ TẮT!

 DÒNG ĐIỆN KHÔNG BAO GIỜ TẮT!

Nhân mọi người nói chuyện về dự án này nọ, hợp đồng này kia, tôi xin góp một chuyện về ngành điện của ta thời chiến tranh chống Mỹ.
Mỹ đem máy bay ra ném bom miền bắc với ý đồ “đưa miền bắc trở lại thời kỳ đồ đá”, muốn vậy thì phải phá hết các cơ sở điện lực, từ nhà máy phát điện đến lưới điện.
Ngày đó, tôi làm ở Cục Điện lực, đóng tại 20 Trần Nguyên Hãn, ngay bên hồ Hoàn Kiếm. Nhiệm vụ của tôi lúc đó là đi đến cơ sở điện lực nào bị Mỹ ném bom để thống kê thiệt hại, chụp ảnh để lưu hồ sơ, chụp hết một cuộn phim thì chui buồng tối làm ảnh. Nhờ vậy mà tôi có nhiều tư liệu để sau này chấp bút viết cuốn tài liệu, có thể nói là Biên niên sử của ngành điện miền bắc trong thời chiến. Cuốn tài liệu có tên “Dòng điện không bao giờ tắt!”.
Xin nói thêm, cuốn “Dòng điện không bao giờ tắt” được ông Hồ Quý Diện khi đó là Cục trưởng sửa chữa và cho in, đến kỳ đại hội thi đua trở thành báo cáo chính. Một lần tôi về cơ quan cũ, hỏi về những tấm hình, cuốn tài liệu này thì không ai biết và cũng chẳng biết chúng ở đâu!
Nhiều nhà máy điện bị máy bay Mỹ chà đi xát lại không biết mấy lần, chỉ khi nào chúng thấy ống khói nhà máy không nhả khói chúng mới ngừng. Nắm được quy luật đó, các nhà máy nhiệt điện làm một đường dẫn khói đưa ra sông nên thời gian giữa hai trận đánh cũng xa hơn. Tuy nhiên, việc làm này sẽ làm cho hiệu suất lò hơi giảm sút, nhưng lúc đó còn ai nghĩ đến hiệu suất, hiệu quả đâu. Hiệu quả cao nhất là có điện cho sản xuất và chiếu sáng của dân.
Sự hy sinh của công nhân ngành điện lúc đó là lớn lao và có phần nặng nề. Có khi nguyên một ca vận hành bị bom Mỹ giết chết hết, gồm trưởng ca, các kíp lò, máy, điện. Đó là trường hợp ở nhà máy điện Việt Trì. Thông thường hầm cáp điện là nơi an toàn mỗi khi nhà máy bị ném bom. Song hôm đó bọn Mỹ đã dùng bom khoan, qua lớp mái nhà, qua vài lớp sàn bê tông, xuyên xuống hầm cáp mới nổ. Khi tôi đến, anh em đồng đội chỉ còn biết bốc từng nắm xương thịt mà đem lên, sau đó kiểm điểm số người của ca vận hành, rồi chia đống xương thịt ra thành từng ấy phần để bỏ vào quan tài, chứ không còn biết là ai và của ai nữa.
Đau lòng lắm! Mỗi lượng điện cho sản xuất và nhân dân dùng đều có máu của anh em ngành điện!
Chẳng cứ anh em công nhân, kỹ sư của các nhà máy điện bị giết mà ngay anh em kỹ sư của Cục Điện lực chúng tôi cũng có anh em phải hy sinh như vậy. Điển hình như trường hợp anh kỹ sư Ngạc, trở về từ trường đào tạo tại Liên Xô, một lần xuống nhà máy điện Uông Bí để giúp phục hồi nhà máy sau trận bom Mỹ, anh ấy đã bị chết trong đợt bom thứ hai khi trên tay còn cầm điện thoại trong phòng điều khiển trung tâm.
Suốt bảy tám năm đánh phá miền bắc, Mỹ không đạt được mục tiêu “đưa miền bắc trở về thời kỳ đồ đá”. Trước tình hình ấy, nghe nói đức Giáo hoàng ở Roma đã xúi Tổng thống Mỹ thời ấy dùng bom nguyên tử ném xuống Hà Nội, song may mắn thay, việc đó đã không xảy ra.
Nhiều gương hy sinh dũng cảm lắm, những ai còn sống đều phải trải qua một thời kỳ thật là gian khổ, giữa sống và chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Nhưng suốt bảy tám năm đối phó với chiến tranh phá hoại của Mỹ, không có một người nào trong ngành điện bỏ việc để lo an toàn cho bản thân.
Một hôm tôi đến xem một phòng truyền thống của một công ty Điện lực, chẳng thấy một điều gì của quá khứ còn sót lại, người ta đưa hình ông giám đốc này, bà giám đốc kia, cắt băng khánh thành dự án này, dự án nọ. Đẹp lắm, vui vẻ lắm, hoành tráng lắm!
Có ai nhớ đến ngày xưa?
Hình trong bài: Nhà máy điện Lao Cai, anh em sinh đôi với nhà máy điện Vinh. Nhà máy điện Vinh do Mỹ phá, nhà mày điện Lao Cai do Trung quốc phá.
Ngày 4/11/2021
Ph. T. Kh.

0 nhận xét: