Thứ Sáu, tháng 9 10, 2021

Vì sao cần hiện thực hóa tiềm năng điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII?

 


 Điện gió ngoài khơi, với tiềm năng thay thế dầu khí để trở thành động lực mới thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh bài toán đảm bảo an ninh năng lượng, việc đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi sẽ tạo ra những “trang trại hải đăng” là “mắt thần” giúp tăng cường bảo vệ an ninh trên biển, khẳng định chủ quyền biển đảo của nước ta. Do đó, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng: Quy hoạch điện VIII cần đánh thức nguồn năng lượng tiềm năng này để phục vụ con người. Nếu không, tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng mà thôi.

Điện gió ngoài khơi Việt Nam có những ưu điểm gì?Điện gió ngoài khơi Việt Nam có những ưu điểm gì?
Điện gió ngoài khơi: ‘Bệ phóng’ cho phát triển kinh tế biển Việt NamĐiện gió ngoài khơi: ‘Bệ phóng’ cho phát triển kinh tế biển Việt Nam
Tổng quan thống nhất về giá trị tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt NamTổng quan thống nhất về giá trị tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam


Trên thế giới, phát triển điện gió ngoài khơi đang là một xu thế mới của ngành năng lượng tái tạo, không chỉ sản xuất điện năng mà còn góp phần quan trọng chống biến đổi khí hậu do không phát thải khí carbon, cũng như có thể sản xuất pin siêu sạch phục vụ cho nhiều lĩnh vực kinh tế. Điện gió ngoài khơi đang ngày càng củng cố vị thế của mình là một trong những công nghệ quan trọng nhất để loại bỏ carbon trong hệ thống năng lượng và hiện thực hoá mục tiêu Net zero (giảm khí thải về 0).

Về tác động môi trường, phát thải CO2 của điện gió ngoài khơi là thấp nhất trong các dạng năng lượng, chỉ 16g CO2/kWh, trong khi chỉ số này đối với thủy điện là 28g CO2/kWh, điện hạt nhân 33g CO2/kWh, điện khí gas 450g CO2/kWh và điện than 1.050g CO2/kWh. Thêm vào đó, điện gió ngoài khơi hầu như không gây ảnh hưởng đến đời sống con người do tiếng ồn trong quá trình xây dựng, vận hành, cản trở tầm nhìn, bởi vì điện gió ngoài khơi hiện đại thường cách bờ trên 10 km.

Theo bà Liming Quiao - Giám đốc khu vực Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC) cho biết: Điểm mạnh của điện gió ngoài khơi là hiệu suất cao, khoảng 29 -52%, gấp đôi điện mặt trời, cao hơn điện gió trên bờ và gần tương đương điện khí. Cùng với công nghệ mới, hiệu suất của điện gió ngoài khơi tăng 2,5% mỗi năm, nên loại năng lượng này có thể chạy phụ tải nền với nguồn khá ổn định, nhu cầu điều tiết điện năng để bù cho thay đổi công suất là rất thấp.

Theo Báo cáo điện gió ngoài khơi năm 2020 của GWEC, chi phí sản xuất điện gió ngoài khơi giảm rất nhanh: Từ trên 25,5 UScents/kWh năm 2010 xuống còn 8,3 UScents/kWh năm 2020 (giảm 67,5%) và dự báo đến năm 2025 chi phí này sẽ giảm tiếp 30,1% , chỉ còn 5,8 UScents/kWh.

Tiềm năng khổng lồ của điện gió ngoài khơi:

Theo đánh giá của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency - IEA): Tài nguyên điện gió ngoài khơi toàn cầu có tiềm năng đạt 420.000 TWh hàng năm, nhiều gấp 18 lần nhu cầu hiện tại của toàn thế giới.

Năm 1991, dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên trên thế giới đặt tại Vindeby, Đan Mạch đã được xây dựng với 11 tua bin với công suất mỗi tua bin 450 kW, tổng công suất 4,95 MW tại độ sâu 4 m gần bờ, sau đó được tháo dỡ vào năm 2017 với vòng đời hơn 25 năm. Gần đây, các dự án điện gió ngoài khơi đã lớn hơn rất nhiều, lên đến vài GW với công suất mỗi tua bin đạt đến 12 - 16 MW và tại các độ sâu lớn hơn khoảng 200 m, nằm xa bờ hơn 100 km.

Thị trường điện gió ngoài khơi gia tăng liên tục hàng năm khoảng 30% trong giai đoạn từ 2010 - 2018. Hiện nay có khoảng 150 trang trại gió điện gió lớn đã hoạt động, đặc biệt là tăng mạnh vào năm 2018 tại Anh, Đức, Đan Mạch, Mỹ, Trung Quốc. Châu Âu đã lắp đặt được 20 GW điện gió ngoài khơi và đã có chính sách hỗ trợ để gia tăng lên 80 GW (gấp 4 lần) vào năm 2030.

IEA dự báo: Đến năm 2040, điện gió ngoài khơi toàn cầu sẽ có số vốn đầu tư phát triển khoảng 1.000 tỉ USD, với tốc độ tăng trưởng công suất lắp đặt hàng năm là 13%. Các trung tâm phát triển điện gió ngoài khơi, đến năm 2040 là EU (gồm Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Ireland), Vương quốc Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: Sẽ tăng tốc lĩnh vực này đạt mức 30 GW vào năm 2030. Anh cũng đặt mục tiêu 40 GW vào năm 2030, Đài Loan cũng lên kế hoạch 10 GW vào năm 2030.

Theo những dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Đánh giá Thị trường của GWEC: Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi năm 2020 có thành tích tăng trưởng cao thứ hai từ trước đến nay, với hơn 6 GW điện gió ngoài khơi mới được lắp đặt, và vẫn tiếp tục phát triển bất kể đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới các ngành năng lượng khác.

Mức tăng trưởng kỷ lục này là nhờ Trung Quốc - đất nước dẫn đầu thế giới năm thứ ba liên tiếp về công suất điện gió ngoài khơi mới thường niên, đóng góp hơn một nửa sản lượng điện gió ngoài khơi mới cho thế giới năm qua. Châu Âu với tăng trưởng ổn định góp sức cho phần lớn sản lượng điện gió ngoài khơi mới còn lại, dẫn đầu là Hà Lan với gần 1,5 GW điện gió ngoài khơi mới lắp đặt trong năm qua, đưa đất nước này trở thành thị trường lớn thứ hai thế giới về lượng công suất mới trong năm 2020 sau Trung Quốc.

Các thị trường điện gió ngoài khơi khác của châu Âu cũng tiếp tục phát triển ổn định, như Bỉ (706 MW), Anh (483 MW), và Đức (237 MW), và tất cả đều là sản lượng từ các dự án mới lắp đặt trong năm 2020. Ở Đức, tốc độ tăng trưởng chậm lại chủ yếu là do những điều kiện không thuận lợi và số lượng ít các dự án điện gió ngoài khơi được lên kế hoạch xây dựng trong ngắn hạn. Ngoài Trung Quốc và châu Âu còn có hai đất nước ghi nhận có lượng công suất điện gió mới trong năm 2020 là Hàn Quốc (60 MW) và Mỹ (12 MW).

Dù châu Âu vẫn là thị trường điện gió ngoài khơi lớn nhất trên toàn cầu, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong guồng máy thúc đẩy tăng trưởng ngành này. Các nền kinh tế lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về điện gió ngoài khơi. Mỹ cũng sẽ mở rộng thành một thị trường điện gió ngoài khơi lớn, vì chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thể hiện rõ quyết tâm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp trọng yếu này.

Trang trại điện gió nổi ngoài khơi lớn nhất thế giới:

Ngày 28/8/2021, Công ty Cobra đã hoàn thành xây dựng trang trại điện gió nổi ngoài khơi công suất 50 MW gần Aberdeenshire, có thể cung cấp điện cho hàng chục nghìn gia đình ở Scotland.

Trang trại điện gió ngoài khơi Kincardine có công suất thiết kế là 50 MW và cách bờ biển Aberdeenshire của Scotland 15 km về phía Đông Nam. Trang trại sẽ sản xuất 218 GWh điện mỗi năm, đủ để cung cấp cho khoảng 55.000 hộ dân ở Scotland - theo báo cáo của Cơ quan Đăng kiểm Mỹ (ABS). Trang trại nằm ở vùng nước sâu 60 - 80 m. Trong khi đó, trang trại điện gió ngoài khơi thông thường với trụ đỡ cố định dưới đáy biển chỉ được xây ở độ sâu khoảng 60 m, theo Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia Mỹ (NREL). Trang trại điện gió ngoài khơi Kincardine bao gồm 5 tua bin Vesta với công suất mỗi tua bin là 9,5 MW cùng với 2 tua bin Vesta có công suất nhỏ hơn, mỗi tua bin đạt 2 MW - theo Công ty Cobra Wind. Trang trại mới được phát triển bởi Kincardine Offshore Wind - một chi nhánh của Pilot Offshore Renewables. Cobra Wind, chi nhánh của Tập đoàn ACS Group là đơn vị phụ trách thiết kế, kỹ thuật, cung ứng, xây dựng và chạy thử trang trại điện gió nổi Kincardine.

Tua bin gió móng nổi đang ngày càng phổ biến, có thể triển khai rộng rãi vào đầu năm 2024 - theo dự đoán của NREL. Ban đầu, trang trại điện gió móng nổi dựa vào công nghệ từ giàn khoan dầu khí, sử dụng giàn chân căng và phao trụ với thiết kế bán chìm, tuy nhiên, giờ đây công nghệ mới hơn cho phép các trang trại sử dụng những hệ thống bớt cồng kềnh và đỡ tốn kém hơn. Các trang trại gió nổi ngoài khơi hoạt động bằng cách kết nối cấu trúc phụ nổi của tua bin gió với đáy biển bằng cách sử dụng dây cáp neo. Nhờ nằm ở xa hơn ngoài khơi, mô hình trang trại này có thể tiếp cận nguồn gió mạnh và thổi đều hơn trang trại cố định trên bờ. Một số công ty và tổ chức đang chuyển dần sang trang trại điện gió nổi, bao gồm công ty General Electric của Mỹ.

Hàn Quốc xây trang trại điện gió nổi 1,4 GW:

Trang trại điện gió khổng lồ MunmuBaram có kinh phí 4,9 tỷ USD với tổng diện tích 240 km2, hứa hẹn giảm đáng kể lượng khí thải carbon của Hàn Quốc. Nhằm giảm lượng khí thải carbon, Hàn Quốc dự kiến sẽ xây dựng một trang trại điện gió nổi ngoài khơi có công suất 1,4 GW. Đây là liên doanh giữa Công ty Dầu khí Shell và một công ty địa phương, dự án có thể cung cấp điện cho một triệu hộ gia đình. Tuy nhiên, theo báo cáo, Hàn Quốc không còn khu vực thích hợp để đặt tua bin gió, do đó cần chuyển tới vùng biển sâu hơn và sử dụng giàn tua bin nổi. Dự án trang trại điện gió MunmuBaram sẽ do Công ty Shell Overseas Investments phối hợp thực hiện cùng với CoensHexicon. CoensHexicon là liên doanh giữa Công ty Năng lượng Hàn Quốc Coens và Công ty điện gió ngoài khơi Thụy Điển Hexicon. Những tua bin gió nổi của trang trại sẽ nằm cách Thành phố Ulsan ở Đông Nam Hàn Quốc 65 - 80 km. Trang trại có diện tích 240 km2 và nằm ở vùng nước sâu 120 - 150 m. Khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp 35.000 việc làm, sản xuất 4,65 tỷ kWh điện. Trang trại sẽ giúp giảm 2,33 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất Trung Quốc:

Khởi động sau châu Âu trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, nhưng Trung Quốc đã có khoảng 6 GW đang hoạt động và nhiều dự án đang được tiến hành. Ngày 29/6/2021, trang trại điện gió ngoài biển lớn nhất Trung Quốc đã hoàn thiện. Trang trại nằm trên biển Hoàng Hải, cách thành phố biển Nam Thông 39 km. Dự án gồm hai trang trại điện gió khổng lồ Baxianjiao và H3. Quá trình xây dựng trang trại chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên gồm 70 tua bin tại cơ sở chính Baxianjiao đã hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2017. Giai đoạn thứ hai với mục tiêu lắp đặt 80 tua bin và Tập đoàn China Huaneng Group hoàn tất lắp đặt tua bin cuối cùng của dự án điện gió ngoài khơi trên biển Hoàng Hải (hôm 29/6/2021). Khi đi vào hoạt động đầy đủ, dự án có thể sản xuất 1,75 tỷ kWh/năm, giúp giảm bớt 1,46 triệu tấn CO2 hàng năm.

Cải tiến cánh tua bin với 126 cánh quạt, hệ thống tua bin điện gió mới sẽ làm nên cuộc cách mạng ngành năng lượng tái tạo:

Với khả năng sản sinh điện năng cao gấp 5 lần tua bin điện gió thông thường, cũng như dễ bảo trì và tái chế hơn, hệ thống điện gió mới hứa hẹn sẽ làm nên cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực này. Công ty Wind Catching Systems (Na Uy) đang phát triển một công nghệ điện gió mới dùng nhiều cánh quạt có thể tạo ra lượng điện hàng năm gấp 5 lần tua bin điện gió đơn lớn nhất hiện nay. Thiết kế sáng tạo này không chỉ gia tăng hiệu quả sản xuất điện mà còn thay đổi cách thức hoạt động của các trang trại điện gió. Không giống như các tua bin điện gió truyền thống, vốn chỉ có một trục và 3 cánh quạt gió khổng lồ, thiết kế điện gió của Wind Catcher là một mạng lưới hình vuông với hơn 100 cánh quạt nhỏ. Với độ cao đến 1.000 feet (khoảng 300 m) - tương đương với tháp Eiffel - hệ thống này cao hơn gần 3 lần so với một tua bin điện gió thông thường. Hơn nữa, nó sẽ được đặt trên một trụ nổi neo dưới thềm đại dương. Công ty Wind Catching Systems cho biết: Đang lên kế hoạch chế tạo một nguyên mẫu vào năm tới. Nếu thành công, Wind Catcher có thể cách mạng hóa ngành công nghiệp điện gió. Theo tuyên bố của Wind Catching Systems, một hệ thống tua bin của họ có thể cung cấp điện cho từ 80.000 đến 100.000 hộ gia đình ở châu Âu.

Vì sao cần hiện thực hóa tiềm năng điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII?
Hình 2. Hệ thống điện gió mới với nhiều cánh quạt và tua bin, thay vì chỉ một tua bin như hiện nay.

Trong điều kiện lý tưởng, nơi có gió mạnh nhất, Wind Catching có thể tạo ra năng lượng đến 400 GWh. Hiện tại tua bin gió mạnh nhất thế giới mới chỉ tạo ra được 80 GWh. So với tua bin thông thường, thiết kế của Wind Catching có nhiều ưu thế hơn mang lại khác biệt này.

Thứ nhất: Wind Catcher cao hơn. Với chiều cao tương đương tháp Eiffel, các cánh quạt của nó có thể đón được gió ở tốc độ cao hơn.

Thứ hai: Cánh quạt của Wind Catcher cũng nhỏ hơn, giúp hoạt động tốt hơn. Trong khi các cánh quạt truyền thống có chiều dài lên tới 120 feet (khoảng 36,5 m), cánh quạt của Wind Catcher chỉ dài 50 feet (hơn 15 m). Cánh quạt nhỏ hơn sẽ đem lại số vòng quay mỗi phút cao hơn, tạo ra nhiều năng lượng hơn. Cũng nhờ thiết kế cánh quạt nhỏ hơn, cả hệ thống này sẽ dễ sản xuất và dễ bảo trì hơn. Hệ thống này có tuổi thọ lên tới 50 năm, gấp đôi tua bin thông thường. Ngay cả khi một cánh quạt nào đó trong số 126 cánh quạt của hệ thống bị hỏng, bạn cũng không cần dừng cả hệ thống để thay thế.

Bên cạnh đó, các cánh quạt này cũng dễ tái chế hơn so với các cánh quạt truyền thống khi hết vòng đời. Các cánh quạt truyền thống được làm bằng sợi thủy tinh, do vậy, khi hết hạn sử dụng, người ta chỉ còn cách chôn nó xuống đất mà không thể tái sử dụng được. Trong khi đó, do có kích thước nhỏ hơn, các cánh quạt của Wind Catcher được làm bằng nhôm và vì vậy, chỉ cần đun nóng chảy là có thể tái sử dụng nó hoàn toàn.

Dự kiến một nguyên mẫu của Wind Catcher sẽ được xây dựng ở Biển Bắc (Na Uy, hoặc Anh) và sau đó công ty muốn xây dựng nó ở Nhật Bản và California - những nơi có nguồn gió tốt. Bên cạnh các yếu tố kỹ thuật, một chi tiết khác cũng được quan tâm là khả năng va chạm với đàn chim. Wind Catcher cho biết: Hệ thống này sẽ được trang bị các radar đặc biệt, giúp phát ra các xung sóng ngắn để ngăn việc va chạm với các đàn chim di cư. Hơn nữa, việc xây dựng các hệ thống điện gió này ở ngoài khơi xa cũng sẽ không gây nguy hiểm cho những đàn chim bay dọc bờ biển.

Năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam - tiềm năng cần đánh thức:

Với bờ biển dài hơn 3.000 km, diện tích vùng biển hơn 1 triệu km2 cùng nhiều vùng gió có vận tốc và thời lượng tốt, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió ngoài khơi.

Theo dự báo của Tổ chức Năng lượng Thế giới (IEA): Việt Nam sẽ là một trong năm trung tâm điện gió biển của thế giới cùng với Bắc Âu, Mỹ, Đông Á, Nam Mỹ. Nước ta có lợi thế lớn để phát triển điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2019: Việt Nam có tiềm năng phát triển 475 GW điện gió ngoài khơi tại vùng biển có độ sâu dưới 200 m, riêng về tiềm năng kỹ thuật và theo một số tiêu chí loại trừ như luồng hàng hải, khu vực bảo tồn, cấm khai thác, mỏ khai thác dầu khí, khoảng cách đến bờ và độ sâu đáy biển, vùng gió bão khắc nghiệt và động đất, cáp ngầm đáy biển thì khả năng phát triển tốt là 162 GW. Trong đó, điện gió ngoài khơi móng cố định có thể xây dựng 132 GW với độ sâu đáy biển không sâu quá 50 m và 30 GW với móng nổi khi độ sâu đáy biển lớn hơn 50 m.

Ngoài ra, vùng ven biển Việt Nam, đặc biệt là vùng phía Nam với diện tích khoảng 142.000 km2 và độ sâu từ 0 - 60 m có tiềm năng phát triển điện gió rất tốt. Vùng này gió đạt tốc độ trung bình ở độ cao 100 m là hơn 7 - 10 m/s. Hiện trang trại gió biển Bạc Liêu đầu tiên với công suất 100 MW đã hoạt động, cung cấp khoảng 300 triệu kWh/năm và tới năm 2025 sẽ nâng công suất lên 1.000 MW với sản lượng điện 3 tỷ kWh/năm.

Tiềm năng gió ngoài khơi lớn nhất thuộc khu vực Nam Trung bộ. Hiện một số nhà đầu tư đã đăng ký nghiên cứu tại khu vực Nam Trung bộ với tổng công suất lên tới khoảng 15 GW, trong đó đặc biệt phải kể đến dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long (quy mô công suất 3,4 GW tại Kê Gà, tỉnh Bình Thuận) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương nghiên cứu khảo sát. Đây là dự án thuộc vùng biển tỉnh Bình Thuận, cách mũi Kê Gà 20 - 50 km, có độ sâu từ 20 - 50 m. Dự án Thăng Long có quy mô công suất là 3,4 GW với sản lượng điện hàng năm khoảng 15 đến 16 tỷ kWh. Đây là dự án khổng lồ về vốn đầu tư (dự kiến khoảng 11 tỷ đô la), có quy mô lớn với khối lượng công việc, từ gia công, chế tạo chân đế, trụ đỡ tua bin, cung cấp dịch vụ, bãi, cảng, thi công, lắp đặt cáp ngầm 220 kV dưới biển, xây dựng trạm biến áp 220 kV ngoài khơi và một loạt dịch vụ khác trên biển. Đây là cơ hội cho Việt Nam có tiềm năng, đột phá đi đầu ASEAN, trở thành một trung tâm điện gió ngoài khơi lớn của thế giới và thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ biển và tương lai là xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang khu vực ASEAN và lân cận.

Đối với Quy hoạch điện VIII, Viện Năng lượng - cơ quan lập Báo cáo đã trình Báo cáo Dự thảo lần thứ 3, trong đó đưa ra khái niệm điện gió ngoài khơi là các dự án điện gió tại khu vực có độ sâu đáy biển từ 20 m trở lên và mục tiêu công suất loại hình năng lượng này dự kiến xây dựng khoảng 0,5 - 2 GW đến năm 2030 và từ 19 - 21,1 GW đến năm 2045 (kịch bản phụ tải cơ sở). Việc định hướng phát triển loại hình điện gió ngoài khơi với quy mô công suất theo từng giai đoạn nêu trong Dự thảo Báo cáo lần 3 của Quy hoạch điện VIII đã không được sự đồng tình ủng hộ của các nhà chuyên môn trong nước cũng như quốc tế.

Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC) khuyến nghị: Việt Nam nên tăng công suất điện gió ngoài khơi lên 10 GW đến năm 2030, nhằm tận dụng tiềm năng sẵn có. Kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cũng đề xuất: Tăng công suất điện gió ngoài khơi lên 15 - 20 GW vào năm 2030 - tức là gấp khoảng 7 lần mức nêu tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Ưu điểm đầu tiên và lớn nhất là gió ngoài khơi mạnh vào ban ngày, thường phù hợp với nhu cầu dùng điện. Chi phí sản xuất điện năng từ điện gió ngoài khơi ngày càng giảm do thời gian sử dụng công suất lắp máy cao, công nghệ sản xuất tua bin gió được cải tiến liên tục để mang lại hiệu suất cao. Đặc biệt, hệ thống điện gió mới với nhiều cánh quạt và tua bin do Công ty Wind Catching Systems nghiên cứu và chế tạo, nếu thành công sẽ là bước ngoặt lớn trong việc phát triển điện gió ngoài khơi. Với chi phí sản xuất điện năng của điện gió ngoài khơi năm 2020 trên thế giới là 8,3 UScents/kWh và dự báo đến năm 2025 chi phí này chỉ còn 5,8 UScents/kWh - rõ ràng, đây là lợi thế vô cùng quan trọng để phát triển nguồn năng lượng này.

Ví dụ dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind do Tập đoàn Enterprize Energy (Anh - Singapore) làm chủ đầu tư đã đề xuất cơ chế giá đàm phán, chứ không xin ưu đãi theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ. Do vậy, đã đến lúc cần đề ra các mục tiêu và khung chính sách phù hợp để khai thác tiềm năng rất lớn này. Cụ thể:

1/ Xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển điện gió ngoài khơi.

2/ Quy hoạch không gian biển cho phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam, đi kèm với kế hoạch hành động quốc gia về lộ trình các bước phát triển năng lượng gió biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

3/ Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, thời gian hoạt động các dự án điện gió ngoài khơi v.v... Ngoài ra:

4/ Để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi trong giai đoạn này cần kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, giảm gánh nặng tài chính cho ngành điện.

Điện gió ngoài khơi, với tiềm năng thay thế dầu khí để trở thành động lực mới thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh bài toán đảm bảo an ninh năng lượng, việc đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi sẽ tạo ra những “trang trại hải đăng” là “mắt thần” giúp tăng cường bảo vệ an ninh trên biển, khẳng định chủ quyền biển đảo của nước ta.

Hiện nay Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đang được Bộ Công Thương gấp rút hoàn chỉnh theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hy vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ cân nhắc các góp ý của các cơ quan, bộ, ngành, các nhà chuyên môn, các chuyên gia năng lượng trong và ngoài nước nhằm cân đối hợp lý về cơ cấu các nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo), đồng thời đề ra các giải pháp để phát triển điện lực một cách bền vững, hiệu quả.

Theo chúng tôi, tiềm năng điện gió ngoài khơi của nước ta là rất lớn, cần đánh thức nó để phục vụ con người. Nếu không, tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng mà thôi./.


TS. NGUYỄN HUY HOẠCH - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


0 nhận xét: