Thứ Tư, tháng 10 14, 2020

Người đàn ông phản ứng cực nhanh cứu bạn bị điện giật

 


Khi thấy bạn bị điện giật, một người đàn ông Pakistan đã rất nhanh trí sử dụng vật liệu cách điện để kéo nạn nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Người đàn ông phải ứng cực nhanh cứu bạn mình khỏi bị điện giật


Sơ cấp cứu điện giật

Điện giật có thể gây ra ngưng tim ngưng thở, làm nạn nhân tử vong đột ngột. Cấp cứu nạn nhân tại chỗ trong 5 phút đầu tiên là rất quan trọng nên được xem là thời gian vàng.

Khi phát hiện nạn nhân bị điện giật, cần nhanh chóng tách nạn nhân khỏi nguồn điện. Xác định xem nạn nhân có bị ngưng tim ngưng thở để cấp cứu kịp thời. Bảo vệ vết bỏng cho sạch và gọi xe cấp cứu.

Khi nạn nhân bị ngưng thở (quan sát thấy lồng ngực nạn nhân không phập phồng), ngay lập tức phải tiến hành hô hấp nhân tạo tại chỗ cho đến khi tự thở được hoặc xác định nạn nhân chắc chắn đã chết thì mới dừng lại.

Cách hô hấp nhân tạo: để nạn nhân nằm ở nơi thoáng đãng, nới rộng quần áo và dây thắt lưng, đệm dưới cổ cho đầu hơi ngửa ra sau để đảm bảo đường hô hấp được thông thoáng, lấy dị vật trong miệng nạn nhân nếu có. Một tay bịt mũi nạn nhân, tay kia kéo hàm xuống dưới để miệng hở ra, ngậm chặt miệng nạn nhân rồi thổi liên tục hai hơi đối với người lớn, một hơi với trẻ em dưới 8 tuổi, sau đó để lồng ngực tự xẹp xuống rồi lại thổi tiếp. Người lớn và trẻ em trên 8 tuổi, mỗi phút phải thổi ngạt 20 lần. Trẻ dưới 8 tuổi, mỗi phút phải thổi ngạt 20-30 lần.

Khi nạn nhân bị ngưng tim (áp tai vào lồng ngực không nghe tim đập và sờ mạch không thấy mạch đập), ngay lập tức phải tiến hành cấp cứu nạn nhân tại chỗ bằng cách bóp tim ngoài lồng ngực.

Cách xoa bóp tim ngoài lồng ngực: để nạn nhân nằm trên mặt phẳng cứng, người tiến hành ép tim quỳ gối bên trái nạn nhân, hai bàn tay chồng lên nhau rồi để trước tim, tương ứng với điểm giữa hai núm vú hoặc khoang liên sườn 4-5 bên ngực trái, từ từ ấn sâu xuống khoảng 1/3 cho đến một nửa bề dày lồng ngực, sau đó nới lỏng tay ra. Người lớn và trẻ em trên 1 tuổi, số lần ép tim trong một phút khoảng 100 lần. Trẻ dưới 1 tuổi, mỗi phút ép tim hơn 100 lần. Trẻ sơ sinh có thể phải ép tim đến 120 lần/phút.

Khi nạn nhân vừa ngưng tim vừa ngưng thở: phải kết hợp cả ép tim với thổi ngạt, cứ 15 lần ép tim lại thổi ngạt hai lần, với trẻ sơ sinh là ba lần ép tim thổi ngạt một lần.

BS ĐINH HỒNG THU

(BV Cấp cứu Trưng Vương

Cách ly nạn nhân khỏi nguồn điện

Ông Trần Dũng, trưởng phòng kỹ thuật an toàn - bảo hộ lao động thuộc Công ty Điện lực TP.HCM, hướng dẫn:

Khi có người bị điện giật phải nhanh chóng cắt cầu dao điện nơi gần nhất để cô lập nguồn điện chạy qua cơ thể nạn nhân, dùng cây gỗ khô gạt dây điện ra khỏi người bị điện giật.

Tiếp theo là đứng trên bàn, tấm ván bằng gỗ khô hoặc những loại vật liệu cách điện (nhựa, cao su...) nắm lấy quần áo người bị điện giật (không chạm vào người) và kéo nạn nhân ra khỏi nguồn điện.

Trường hợp tai nạn về điện xảy ra dưới nước thì người xử lý phải đứng trên cao, tìm cách cách ly với nước vì nước là chất dẫn điện và xử lý theo các bước như trên.

Tùy theo địa điểm xảy ra tai nạn, trên địa bàn TP.HCM người dân có thể gọi theo các số điện thoại đường dây nóng có ghi trên hóa đơn tiền điện. Nếu sự cố liên quan đến hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, người dân có thể báo đến số điện thoại đường dây nóng của Công ty Chiếu sáng công cộng TP là 38535500, có in trên các tủ điều khiển hệ thống đèn chiếu sáng.

P.P.H. ghi

Theo: Tuổi trẻ

0 nhận xét: