Chủ Nhật, tháng 10 21, 2018

Trung Quốc: 'Cường quốc ' về năng lượng tái tạo

Trung Quốc: 'Cường quốc ' về năng lượng tái tạo

Trung Quốc hiện đã trở thành nhà sản xuất, xuất khẩu công nghệ năng lượng tái tạo lớn nhất, cung cấp hơn 2/3 số tấm pin mặt trời và gần một nửa số turbin gió của thế giới...

Trung Quốc (TQ) có thể là quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, nhưng chính phủ nước này đã nỗ lực triển khai các giải pháp để giảm phát thải và bảo vệ sức khỏe người dân. Hiện nay, TQ đã trở thành quốc gia đứng đầu thế giới trong đầu tư, sản xuất, khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là năng lượng gió (NLG) và năng lượng mặt trời (NLMT).
Đột phá nhờ chính sách
Trong khi Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu với tuyên bố hiệp định này nguy hại đến nền kinh tế Mỹ, thì TQ lại đầu tư hàng trăm tỷ USD và tạo ra hàng triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng xanh, theo CNN.
Thực vậy, từ chỗ phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt…, đến nay, TQ đã từng bước đa dạng hóa nguồn cung cấp điện năng thông qua việc phát triển NLTT.
Theo Xinhua, ngày 13/3/2017, TQ đã chi 890 triệu USD để xây dựng Công viên NLMT Longyangxia trên cao nguyên Tây Tạng. Đây được xem là “cánh đồng” NLMT lớn nhất thế giới, trải rộng trên 27km2 với 4 triệu tấm pin NLMT được lắp đặt.
Để phát triển NLTT và hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, năm 2006 TQ đã ban hành Luật NLTT, đặt nền móng cho cuộc cách mạng phát triển năng lượng sạch. Sau đó, nhiều chính sách và kế hoạch ở cấp quốc gia và địa phương đã được ban hành nhằm đẩy mạnh phát triển NLTT.
Kế hoạch 5 năm lần thứ XII (2011-2015) và lần thứ XIII (2016-2020) của TQ cũng nêu rõ, phải ưu tiên phát triển năng lượng xanh và bảo vệ môi trường, đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon và thay đổi cấu trúc thị trường than. Song song với đó, TQ còn ban hành một số quy định, tiêu chuẩn đối với các sản phẩm NLTT, điều chỉnh giá điện từ nguồn NLTT và hủy bỏ kế hoạch triển khai 104 dự án nhà máy nhiệt điện chạy than ở 13 tỉnh, thành phố.
Mặc dù than đá vẫn chiếm phần chủ yếu trong tiêu thụ năng lượng ở TQ, song chính quyền đang nỗ lực đóng cửa các mỏ than và đặt ra những hạn chế mới trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than. Tháng 1/2017, lần đầu tiên trong lịch sử Ủy ban Năng lượng Quốc gia TQ đã đặt ra mục tiêu bắt buộc trong việc giảm lượng than tiêu thụ.
Cơ quan này cũng đặt mục tiêu tăng nguồn năng lượng thay thế lên mức tương đương 15% tổng nhu cầu sử dụng năng lượng của nước này vào năm 2020 và giảm tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch xuống 20% vào năm 2030.
Ngành công nghiệp NLMT trên toàn cầu phát triển mạnh nhờ vào trợ cấp.
Với mục tiêu này, TQ bước đầu hỗ trợ phát triển NLMT thông qua kế hoạch trợ cấp đầu tư “Mặt trời vàng”. Sau nhiều năm nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất pin NLMT, tháng 7/2011, TQ đã tiến hành giảm thuế NLMT để tạo lập thị trường riêng trong nước.
Thực tế, theo Economist, ngành công nghiệp NLMT trên toàn cầu phát triển mạnh nhờ vào trợ cấp. Giá mua vào cao cộng thêm ưu đãi tài chính cho việc lắp đặt đã giúp Đức trở thành thị trường NLMT lớn nhất thế giới vào năm 2010. Người Đức hướng sang TQ vì đây là nguồn cung cấp những tấm pin NLMT tinh thể silic giá rẻ, đặc biệt do đất đai và các khoản vay được bao cấp nên các nhà sản xuất non trẻ của TQ đã phá giá pin trước các đối thủ cạnh tranh từ châu Âu và Mỹ.
Khi bao cấp NLMT tại châu Âu giảm mạnh do khủng hoảng đồng Euro, TQ một lần nữa hỗ trợ nguồn NLTT. Nước này phát triển đại trà các nhà máy NLMT ở miền viễn Tây. Đến năm 2013, TQ đã qua mặt Đức, vươn lên thành thị trường pin NLMT lớn nhất thế giới. Năm ngoái, nước này lắp đặt tới 53GW, gấp gần 5 lần thị trường lớn thứ hai là Mỹ.
Tương tự, NLG cũng được hưởng lợi từ việc giảm thuế áp dụng từ 2003. Tháng 8/2009, chính sách hỗ trợ phát triển NLG đã được TQ thay thế bằng ưu đãi thuế. Với chính sách này, 4 trang trại điện gió đã được thiết lập.
Theo Cleantechnical, là nước có nguồn tài nguyên gió lớn nhất thế giới, TQ đã xác định NLG là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Với định hướng rõ ràng, TQ đã đầu tư phát triển NLG, đóng góp đáng kể cho lưới điện quốc gia và tạo thêm nhiều việc làm. Đồng thời, TQ cũng khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư sản xuất điện gió tại TQ. 5 năm trở lại đây, lượng NLG sản xuất tại TQ mỗi năm đều tăng gấp đôi. Năm 2009, TQ đã vượt Mỹ, trở thành thị trường NLG lớn nhất thế giới, với công suất lên đến 26GW. Năm 2015, điện gió đã cung cấp 33GW cho TQ, gấp 3 lần công suất năng lượng sạch tại Pháp. Với nhiều doanh nghiệp sản xuất turbin gió hàng đầu thế giới, TQ đang “nuôi tham vọng” tăng công suất điện gió lên 210GW vào 2020, tương đương với tổng công suất điện gió của cả thế giới.
Dự án mới nhất của TQ trong lĩnh vực NLTT là trang trại NLMT nổi tại tỉnh An Huy, ở phía Tây TQ. Với diện tích khoảng 160 km2, đây sẽ là cơ sở đặt pin NLMT lớn nhất thế giới. Theo SCMP, với 166.000 tấm pin NLMT và tổng công suất 40MW, trang trại này có thể cung cấp đủ năng lượng sạch cho 15.000 hộ dân. Đặc biệt, các tấm pin NLMT sẽ được đặt nổi trên mặt hồ (đáy hồ từng là một mỏ than cũ).
Ngoài ra, một loại hình năng lượng sạch nữa được TQ quan tâm phát triển là năng lượng sinh khối (NLSK), tận dụng chất thải từ chăn nuôi, nông - lâm nghiệp, chất thải rắn ở đô thị. Theo Cục Quản lý Năng lượng TQ, mỗi năm, TQ sản xuất NLSK tương đương 460 triệu tấn than, chủ yếu là khí sinh học. Thời gian tới, TQ sẽ xây dựng hơn 300 nhà máy sử dụng chất thải sinh hoạt để phát điện, phấn đấu đạt mục tiêu sử dụng NLSK tương đương 58 triệu tấn than vào năm 2020.
Hiện thực hóa tham vọng
Bên cạnh thúc đẩy các chính sách phát triển NLTT, để đạt mục tiêu cho năm 2030, TQ còn tập trung đầu tư phát triển các công nghệ, sản phẩm NLTT và nhanh chóng trở thành nhà sản xuất sản phẩm NLTT hàng đầu thế giới. Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ về NLTT, TQ là nhà đầu tư lớn vào NLTT trong nước với mức đầu tư 102 tỷ USD năm 2015, cao gấp đôi số vốn đầu tư trong nước của Mỹ, gấp 5 lần của Anh và khoảng 36% toàn thế giới. Hồi tháng 1/2017, TQ cam kết tiếp tục đầu tư 2.500 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 367 tỷ USD) vào các nguồn NLTT đến năm 2020.
TQ hiện đã xây dựng nhiều trang trại NLG và NLMT và đang bán sản phẩm ra toàn cầu. Theo số liệu của Viện NLMT GW thuộc ĐH George Washington, các công ty TQ đã đẩy mạnh sản xuất pin NLMT nhờ vốn vay được Chính phủ hậu thuẫn, ước tính lên tới 42 tỷ USD từ 2010-2012. Dưới góc độ môi trường, New York Times nhận định sự phát triển ồ ạt pin NLMT TQ rất tốt cho thế giới. Giá pin NLMT vì thế đã giảm 90% trong hơn thập kỷ qua. Rất nhiều khoảnh sân ở các gia đình Mỹ cũng như nhà máy điện NLMT đang lắp đặt tấm pin giá rẻ của TQ. Tuy nhiên, ở góc độ kinh tế, Mỹ đã cáo buộc TQ bán phá giá pin và Bộ Thương mại Mỹ đã bắt đầu áp thuế quan cao đối với pin NLMT TQ từ năm 2012 nhằm bảo vệ các nhà sản xuất của Mỹ...
Không dừng lại ở các khoản đầu tư trong nước, TQ còn đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Theo Bloomberg, năm 2016, TQ đã thông qua 13 dự án đầu tư nước ngoài trị giá hơn 1 tỷ USD, trong đó có 2 dự án đầu tư tại Australia, 2 dự án tại Đức, 2 tại Brazil và các giao dịch ở Chile, Indonesia, Ai Cập, Pakistan và Việt Nam.
Nếu như trước kia Đức tự hào là nước tiên phong tạo ra thị trường pin NLMT thì nay “miếng bánh” đang thuộc về TQ. Sự đổi ngôi này khiến nhiều người dân, đặc biệt tại các nước phương Tây, không còn mặn mà với sản phẩm nội địa dù được hưởng mức trợ giá từ chính phủ.
Nói cho cùng, với 2/3 sản lượng pin NLMT trên thế giới có xuất xứ từ TQ và TQ cũng là nước tiêu thụ nửa lượng pin NLMT mới, thì như New York Times bình luận: “Việc TQ kiểm soát thị trường này là điều hoàn toàn dễ hiểu”. Còn theo xếp hạng các thị trường đầu tư NLTT hấp dẫn nhất thế giới 2018 của hãng kiểm toán Ernst & Young, TQ tiếp tục giữ vững vị trí số 1 năm thứ ba liên tiếp.
Nhờ những chính sách hiệu quả và hướng đi hợp lý, ngành năng lượng sạch của TQ đang phát triển mạnh mẽ, đưa ngành năng lượng phát triển theo hướng bền vững, giảm thiểu ô nhiễm và ứng phó với biến đổi khí hậu. Những khoản đầu tư trên cũng được dự báo sẽ tạo ra khoảng 10 triệu việc làm. TQ hiện có 3,5 triệu việc làm trong lĩnh vực NLTT, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Theo đài truyền hình CCTV, tháng 4/2018, TQ đã đưa vào thử nghiệm đường NLMT dài 1.080m tại Tế Nam, Sơn Đông. Con đường thông minh được xây với nhiều tấm pin NLMT nằm bên dưới lớp vật liệu trong suốt. Ngoài ra, mặt đường còn được gắn cảm biến để theo dõi nhiệt độ, mật độ giao thông và tải trọng, có khả năng tự sạc điện cho phương tiện, đồng thời cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích cho chủ xe. Tập đoàn phát triển giao thông Qilu cho biết, đoạn đường này giúp tiết kiệm không gian cho việc xây dựng các trang trại NLMT và rút ngắn khoảng cách truyền dẫn. Điện năng sinh ra từ đường cao tốc này đủ cấp điện cho đèn đường, hệ thống làm tan tuyết, camera giám sát, biển báo hiệu, các cơ sở cầu đường và 800 hộ dân.
Hoàng Minh(TheoBaomoi)

0 nhận xét: