TBKTSG Online) - Số dự án điện mặt trời chờ phê duyệt nằm trên bàn cơ quan chức năng hiện lên đến hàng trăm. Tuy nhiên, nếu dự án không vận hành trước ngày 30-6-2019, giá bán điện làm ra có thể sẽ không còn là 9,35 cent/kWh ổn định trong 20 năm, buộc các nhà đầu tư giờ đây phải chạy đua với thời gian để hoàn thành dự án.
Hiện có rất nhiều nhà đầu tư mong muốn tham gia dự án điện mặt trời. Ảnh: TL. |
Độ nóng của phong trào đầu tư vào các dự án điện mặt trời trên cả nước bắt đầu tăng nhiệt từ tháng 4-2017 sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 11/2011/QĐ-TTg với nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời. Trong đó, có điều khoản Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ điện từ dự án điện mặt trời với giá tương đương 9,35 UScent/kWh (tương đương 2.086 đồng/kWh). Đây là mức giá được cho là có thể giúp các nhà đầu tư có lãi đi kèm với các ưu đãi khác như thuế, đất đai.
Quyết định 11 cũng nêu thời hạn hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là quyết định trên chỉ có hiệu lực trong thời gian từ 1-6-2017 đến 30-6-2019.
Chưa bao giờ số nhà đầu tư nhảy vào lĩnh vực năng lượng mặt trời lại tăng nhanh đến vậy. Hơn một năm qua, theo thông tin được TBKTSG Online tìm hiểu thì số dự án chờ phê duyệt đã tăng từ hàng chục lên hàng trăm với tổng công suất lên đến hơn 12.000 MW, chủ yếu phân bổ tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh...
Nhiều dự án sau khi được phê duyệt đã chạy đua với thời gian để có thể vận hành trước mốc tháng 6-2019 mà quyết định 11 đặt ra. Chẳng hạn tại Ninh Thuận, Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex Ninh Thuận vào tháng 6-2017 đã khởi công dự án trang trại điện mặt trời 1.300 tỉ đồng, công suất 50 MW, được kỳ vọng sẽ phát điện thương mại vào tháng 6-2019. Mới đây, vào tháng 7-2018, Tập đoàn Trung Nam cũng rót đến 5.000 tỉ đồng khởi công dự án điện mặt trời khoảng 200 MW tại Ninh Thuận. Dự án điện mặt trời lớn nhất cả nước này được kỳ vọng sớm đưa vào vận hành trước tháng 6-2019...
Nếu dự án đưa vào vận hành trước tháng 6-2019 sẽ được EVN mua điện với giá 9,35 UScent/kWh theo hợp đồng kéo dài 20 năm. Ngược lại, nếu không kịp vận hành, giá mua điện có thể giảm xuống thấp hơn, chứ không còn là 9,35 cent/KWh nữa. Điều này càng chắc chắn hơn khi mới đây, một thông báo của Văn phòng Chính phủ gởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào cuối tháng 7-2018 đã nêu rõ ý kiến của Thủ tướng là không kéo dài thời gian thực hiện quyết định 11 về chính sách giá điện năng lượng mặt trời đến năm 2020 như đề xuất của các nhà đầu tư và chính quyền các địa phương.
Hơn nữa, đã xuất hiện quan điểm của một số chuyên gia năng lượng rằng đã đến lúc nhìn lại chủ trương khuyến khích phát triển các dự án năng lượng mặt trời. Liệu có dẫn đến sự mất cân bằng về công suất của hệ thống truyền tải hay thậm chí, tạo thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước khi phải trợ giá mua điện cho nhà đầu tư trong thời gian quá dài hay không? Chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời ở các nước cũng chỉ trợ giá mua điện trong thời gian đầu, sau một thời gian phát triển đến ngưỡng công suất nhất định thì giá mua điện giảm để tránh áp lực lên ngân sách quốc gia.
Cần nói thêm rằng đặc thù của điện mặt trời là sản xuất và tiêu thụ đồng thời. Nghĩa là điện sản xuất ra bao nhiêu sẽ được truyền tải đi để tiêu thụ song song. Điều này đồng nghĩa với việc xây dựng các dự án điện mặt trời tại nơi nào thì sẽ phải xây kèm hệ thống truyền tải, đấu nối với lưới quốc gia ở nơi đó. Đồng thời, phải tính toán hệ thống điều độ sao cho không xảy ra quá tải hoặc hụt tải ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Điều này đỏi hỏi nguồn vốn rất lớn dành cho truyền tải và điều độ (vốn thuộc về trách nhiệm của ngành điện) bên cạnh vốn các chủ đầu tư bỏ ra.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, hiện số dự án điện mặt trời đăng ký đã lớn hơn rất nhiều so với quy hoạch điện quốc gia và con số dự án được duyệt bổ sung vào quy hoạch cũng đã khá nhiều. Theo tính toán của ngành điện, ở một số địa phương tập trung nhiều dự án thì công suất điện mặt trời đã vượt qua năng lực lưới truyền tải và điều độ. Và nếu muốn đồng bộ, không còn cách nào khác là EVN phải là đơn vị đứng ra đầu tư thêm các trạm biến áp 110 kV, 220 kV đi kèm với đường dây truyền tải để nâng năng lực truyền tải, nhằm xóa đi "điểm nối" vốn đang chưa có sự tương đồng giữa bên làm ra điện (nhà đầu tư) và bên mua điện (EVN).
Theo một chuyên gia ngành điện, những khó khăn nói trên đặt ra yêu cầu "khống chế" một lượng công suất điện mặt trời nhất định bởi nếu để đầu tư ồ ạt, tập trung quá nhiều ở một khu vực sẽ dễ dẫn đến quá tải hệ thống truyền tải và điều độ. Chưa kể, giá mua điện 9,35 UScent/kWh, dù so với một số quốc gia lân cận như Nhật Bản, Thái Lan hay Philippines là chưa bằng, nhưng nhà đầu tư điện mặt trời tại Việt Nam vẫn có lãi do vốn đầu tư điện mặt trời ngày càng giảm. Do vậy, nếu tiếp tục trợ giá điện thì chắc chắn áp lực sẽ ngày càng đè nặng lên nguồn ngân sách quốc gia hoặc thậm chí tạo áp lực tăng giá điện vốn tác động đến nhiều người tiêu dùng.
Trao đổi với TBKTSG Online, đại diện truyền thông của Tập đoàn Trung Nam thừa nhận khả năng Chính phủ sẽ không kéo dài thời gian trợ giá cho các dự án điện mặt trời. Giá mua điện mặt trời hiện nay là 9,35 cent/kWh, mặc dù giúp nhà đầu tư điện mặt trời có lãi tương đối, nhưng với giá bán điện trung bình cho người tiêu dùng của EVN hiện chỉ khoảng 1.700 đồng/kWh, cộng với các chi phí khác, thì ngân sách ngành điện đang phải bù lỗ rất lớn cho điện mặt trời.
Đại diện tập đoàn Trung Nam cho biết hiện doanh nghiệp này đang chạy đua với thời gian để có thể đưa dự án 5.000 tỉ đồng ở Ninh Thuận vào vận hành thương mại trước thời hạn của quyết định 11 để đảm bảo giá đầu ra ở mức 9,35 cent/kWh ổn định trong 20 năm.
"Thời gian chỉ còn lại mấy tháng nữa nên các chủ đầu tư dự án điện mặt trời đều đang xây dựng với tiến độ khủng khiếp. Về lý thuyết, sau mốc 6-2019, giá mua điện mặt trời có thể tăng, bằng hoặc giảm so với hiện tại. Tuy nhiên, thực tế giá điện sẽ chắc chắn giảm", đại diện nhà đầu tư Trung Nam nhận định thêm.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Bình Thuận diễn ra hồi tháng 4-2017, rất nhiều nhà đầu tư đã đặt bút ký thỏa thuận đầu tư vào dự án điện mặt trời. Trong đó, phải kể đến các dự án quy mô lớn được trao quyết định về chủ trương đầu tư như: nhà máy Eco Seido Tuy Phong (giai đoạn 1) công suất 40 MW, vốn 1.650 tỉ đồng; Vĩnh Hảo công suất 30 MW, vốn 1.180 tỉ đồng; VSP Bình Thuận 2 công suất 30 MW, vốn 1.180 tỉ đồng; Hồng Phong 1 công suất 130 MW, vốn đầu tư 4.920 tỉ đồng; Hồng Phong 2 công suất 120 MW, vốn đầu tư 4.560 tỉ đồng.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư khác cũng đã ký thỏa thuận đầu tư điện mặt trời tại đây, như tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Công ty cổ phần Việt REN, Công ty cổ phần Năng lượng Mặt Trời Đỏ, Công ty cổ phần Năng lượng Everich, Liên doanh Công ty cổ phần Năng lượng Dầu khí Châu Á và tập đoàn Valeco (Pháp), Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai, Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai, Liên doanh tập đoàn Solar Ventures và Công ty cổ phần Clean Energy ...
Bình Thuận cũng khuyến khích đầu tư vào dự án điện mặt trời từ nay cho đến sau năm 2030 tại nhiều vùng đất như Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, đảo Phú Quý, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét