Thứ Tư, tháng 9 06, 2017

Bộ Công Thương đề xuất tăng giá mua điện gió

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Chính phủ đề xuất tăng giá mua điện gió trên bờ lên mức 8,77 cent một kWh, tương đương 2.000 đồng.
Trong một văn bản gửi Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương đề xuất tăng giá mua điện gió tại Việt Nam lên mức 8,77 cent một kWh với dự án trên bờ và dự án trên biển là 9,95 cent một kWh.
Bo Cong Thuong de xuat tang gia mua dien gio - Anh 1
Với đề xuất này, giá mua điện gió tăng tương đối cao so với mức giá hiện hành được áp dụng từ năm 2011 đến nay, mức 7,8 cent một kWh (khoảng 1.770 đồng một kWh). Thời gian áp dụng mức giá này đến hết năm 2020.
Bộ Công Thương cho biết, đến cuối năm 2016 châu Âu có 12.631 MW công suất lắp đặt điện gió, trong đó Đan Mạch là 5.225 MW, Đức có 50.019 MW.
Suất đầu tư điện gió tại Việt Nam hiện nay đang là 1.600 USD/kW, với phí vận hành 20.000 USD/MW/năm. Tuy nhiên, suất đầu tư điện gió ở Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều châu Âu, Mỹ, chỉ cao hơn so với Ấn Độ, Trung Quốc.
Suất đầu tư điện gió trong bờ cho các dự án có quy mô khoảng 100 MW tại châu Âu và Bắc Mỹ trung bình khoảng 1.800 - 1.900 USD/kW. Tại châu Phi và Nam Mỹ suất đầu tư điện gió là 2.200 USD/kW. Tại Ấn Độ và Trung Quốc, suất đầu tư điện gió khoảng 1.250 USD/kW.
Chi phí vận hành và bảo dưỡng (chi phí O&M) tại châu Âu, Mỹ là 23.000 USD - 50.000 USD/MW. Chi phí điện quy dẫn tại châu Âu khoảng 7,5 US cent/kWh; Trung Quốc từ 5 -7,2 US cent/kWh; Ấn Độ từ 4,6 - 12,9 US cent/kWh; châu Á khoảng 14,2 US cent/kWh; Nam Mỹ khoảng 6,6 US cent/kWh… Đây là giá điện chưa bao gồm chi phí đầu tư đường dây đấu nối, Chính phủ các nước cam kết khi phát triển dự án, hệ thống lưới điện sẽ được cung cấp tới dự án.
Theo Bộ Công Thương, mức giá đề xuất đã được tính toán theo các kịch bản và trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm và xu hướng công nghệ và giá quốc tế đối với khu vực trong đất liền và trên biển. Mức giá được đề xuất khuyến khích việc sử dụng tua bin hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế với đường kính dài hơn và hiệu quả cao hơn.
Thực tế, Bộ Công Thương đã nghiên cứu báo cáo khả thi của 23 dự án điện gió, xem xét chi phí và số liệu đo gió, vận hành thực tế của 2 dự án đã phát điện, sử dụng công nghệ hiện tại tại Việt Nam đến nay là Dự án điện gió Phú Lạc 1 (24MW) và Dự án điện gió Bạc Liêu (99,2 MW).
Theo đó, suất đầu tư cho dự án điện gió trên đất liền là 1.600 USD/kW, hệ số công suất đạt 29%, chi phí O&M giả thiết là 20.000 USD/MW/năm theo phương án thấp nhằm khuyến khích phát triển sản xuất linh kiện và sử dụng dịch vụ trong nước.
Với các dự án điện gió trên biển, Bộ Công Thương dự tính, suất đầu tư khoảng 2.100 USD/kW, hệ số công suất đạt 32%, chi phí O&M giả thiết 25.000 USD/MW/năm.
Mục tiêu phát triển điện gió trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, giai đoạn đến năm 2020, khoảng 800 MW điện gió sẽ được lắp đặt, đến năm 2030, 6.000 MW sẽ được lắp đặt.
Tỷ trọng điện gió trong tổng lượng điện quốc gia là 0,7% năm 2020 và đến 2030 là 2,4%. Trong đó, 80% là điện gió trong đất liền và trên biển là 20%.
Theo Bộ Công Thương, chi phí sản xuất điện của hệ thống năm 2015 là 7,28 USD cent/kWh và giả định năm 2020 tăng lên 9,94 US cent/kWh. Do đó, mức giá điện gió đề xuất được đánh giá là không tăng thêm đáng kể chi phí sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam: tăng 0,08 đồng/kWh năm 2017 và 0,23 đồng/kWh vào năm 2019.
Hà Thanh (Baomoi.com )

0 nhận xét: