Khái quát phát triển Năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng tái tạo phân bổ rộng khắp trên toàn quốc. Sinh khối từ các sản phẩm hay chất thải nông nghiệp có sản lượng tương đương 10 triệu tấn dầu/năm. Tiềm năng khí sinh học xấp xỉ 10 tỉ m3 năm có thể thu được từ rác, phân động vật và chất thải nông nghiệp. Tiềm năng kỹ thuật của thuỷ điện nhỏ (<30MW) hơn 4,000MW. Nguồn năng lượng mặt trời phong phú với bức xạ nắng trung bình là 5kWh/m2 /ngày phân bổ trên khắp đất nước. Vị trí địa lý của Việt Nam với hơn 3,400km đường bờ biển cũng giúp Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng gió với tiềm năng ước tính khoảng 500-1000 kWh/m2 /năm. Những nguồn năng lượng thay thế này có thể được sử dụng giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng nhanh. Mặc dù Việt Nam đã triển khai sớm và thành công một số dự án nhưng việc ứng dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có.
Khung pháp lý hiện hành cho phát triển Năng lượng tái tạo
Chính sách năng lượng tái tạo của Việt Nam được điều hành dựa vào nhu cầu cung cấp đủ năng lượng cho phát triển kinh tế và đảm bảo bảo vệ môi trường. Vì nhu cầu về năng lượng của Việt Nam được dự báo tăng bốn lần từ 2005-2030 và nhu cầu về điện sẽ tăng chín lần từ 2005-2025, việc khai thác năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam giảm được sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng ngoại nhập và đảm bảo an ninh năng lượng.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, đề ra mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo và hướng đến một thị trường điện cạnh tranh với nguồn đầu tư và mô hình kinh doanh đa dạng. Quyết định số 1855/QD-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Năng lượng tái tạo quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2050, Chính phủ khuyến khích việc phát triển và sử dụng năng lượng mới và năng lượng tái tạo; cung cấp các hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu sản xuất thử và xây dựng những mô hình thí điểm; miễn thuế nhập khẩu thuế sản xuất và lưu thông.
Cụ thể, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng thị phần của năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng thương mại sơ cấp từ 3% năm 2010 lên 5% năm 2020 và 11% năm 2050 (Quyết định 1855/2007/QD-TTg) và tăng thị phần điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo như gió và sinh khối từ 3.5% tổng sản lượng điện sản xuất năm 2010 lên 4.5% năm 2020 và 6% năm 2030 (Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/07/2011 hay Tổng sơ đồ VII).
Về nhiên liệu sinh học, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt sản lượng hàng năm 100 nghìn tấn xăng E5 và 50 nghìn tấn B5 vào năm 2010 tương đương với 0.4% tổng nhu cầu xăng dầu dự kiến của cả nước; 1.8 triệu tấn xăng ethanol và dầu thực vật hay 5% nhu cầu xăng dầu vào năm 2025 (Quyết định 177/2007/QD-TTg). Xăng E5 là loại xăng chứa 5% xăng sinh học trong tổng thể tích; B5 là dầu chứa 5% dầu sinh học trong tổng thể tích.
Để có thể đạt được các mục tiêu này, Chính phủ đã đưa ra nhiều ưu đãi đối với các nhà đầu tư. Các nhà máy năng lượng tái tạo sẽ nhận được ưu đãi đầu tư, ưu đãi về biểu giá điện và ưu đãi thuế. Các nhà đầu tư có thể hưởng các ưu đãi khác như miễn thuế nhập khẩu và miễn thuế sử dụng đất trong một khoảng thời gian nào đó. Thông tư liên tịch số 58/2008/TTLT-BTC-BTN&MT ngày 04/07//2008 của Bộ Tài chính (MoF) và Bộ Môi trường và tài nguyên thiên nhiên (MoNRE) đã quy định mục tiêu, điều kiện được trợ cấp và phương pháp tính toán mức trợ cấp cho một đơn vị sản xuất, số tiền trợ cấp hàng năm, điều khoản trợ cấp và quy trình nộp hồ sơ yêu cầu trợ cấp cho các Dự án CDM tại Việt Nam và các Dự án Năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên các ưu đãi hiện hành chưa đủ để hình thành nên các điều kiện phù hợp cho việc lập kế hoạch và triển khai các Dự án Năng lượng tái tạo cũng như bán các sản phẩm của năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Các ưu đãi này chỉ có lợi cho những Dự án thuỷ điện nhỏ chứ không mang lại lợi ích nhiều cho các dạng năng lượng tái tạo khác.
Năng lượng mặt trời
Khí sinh học
(Theo GIZ)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét