Kể từ năm 1992 đến nay, thấm thoát đã 18 năm tôi xa Hà Nội để vào TpHCM công tác cho đến khi về hưu năm 1998. Trong quãng thời gian trên tôi đã tranh thủ nhiều lần ra thăm HN nhất là khi Các Cụ thân sinh hai bên nội ngoại còn sống, sau khi Các Cụ qui tiên việc ra HN tuy có ít hơn, nhất là sau khi về hưu, nhưng vẫn cố gắng tranh thủ ra HN khi có dịp thuận tiện hay có những sự kiện lớn trong gia đình hay chi họ. Từ khi sinh ra ở HN từ năm 1938 tôi đã có 54 năm sống ở Thủ Đô, đã chứng kiến sự thay đổi của HN qua nhiều giai đoạn : HN thời Pháp thuộc, HN khi khởi nghĩa CMT8, HN bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp và bị tạm chiếm, HN được giải phóng, HN trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, HN sau khi miền nam được giải phóng, HN những ngày bao cấp, HN ngày đất nước mở cửa.và hội nhập với thế giới, rất nhiều kỷ niệm và ấn tượng còn đọng lại trong tôi, mà biểu hiện sâu sắc là :
- Thời thơ ấu cảm thấy HN xưa rất đẹp một cách bình dị, môi trường trong lành,phố xa vắng vẻ vì dân cư còn thưa thớt, những lễ nghi và phong tục truyền thống khá hấp dẫn, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu….
- Những năm 1945 người chết đói từ các tỉnh về HN khá nhiều, mà đến nay chỉ có những bức ảnh giá trị của Cố Nhiếp ảnh gia Võ An Ninh mới lột tả hết được sự khủng khiếp và tang thương của đồng bào ở miền quê lúc đó.
- HN những năm đầu tiên của CM Tháng 8 như thay da đổi thịt với khí thế hừng hực chào đón thời kỳ mới của đất nước , từ già đến trẻ ai ai củng hồ hởi tham gia các phong trào hay hoạt động tập thể một cách phấn khởi và tự giác, chứ không phải thụ động và tốn kém vận động như ngày nay. Cùng theo dòng người của thủ đô tôi đã vinh dự được tham dự mít tinh tại nhà hát lớn HN ngày 17/8/1945 và Lễ Tuyên Ngôn Độc lập 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử
- HN những ngày bước vào kháng chiến chống Pháp có những tiếc nuốc phải tiêu thổ nhà cửa, phố xá để phục vụ chiến đấu và phải rời xa đô thị nơi chôn rau cắt rốn tản cư về các vùng quê xa xôi.
- HN những năm 1954 cũng hừng hực khí thế mới vào những năm đầu giải phóng, sau trải qua cải tạo tư sản, cải cách ruộng đất, chống nhân văn giai phẩm …với những sai lầm thời đó không ít thì nhiều cũng tác động đến tâm tư và tình cảm của một số người dân Thủ Đô, may mà những vấn nạn phải giải quyết không lan rộng vì dân số cả nước tôi còn nhớ năm 1954 chỉ có 24 triệu người.
- HN những năm xây dựng của thời kỳ đầu bao cấp đã có nhiều đổi mới như nhiều chung cư đã mọc lên : Kim Liên, Trung Tự v.v, nhiều nhà máy công nghiệp nhẹ ra đời : nhà máy cao su Sao vàng, nhà máy bóng đèn phích nước Rạng đông với công nghệ nhập từ TQ…nhiều của hàng Mậu dịch quốc Doanh, nhưng các mặt hàng còn khan hiếm, bán hàng theo sổ hay tem phiếu phân phối. Tôi cùng gia đình đã trải qua những năm tháng khó khăn của thời bao cấp : gạo, thịt, lương thực, thực phẩm,vải vóc,thiết bị gia đình khan hiếm , rồi thiếu điện , thiếu nước v.v. Thời đó ai mua được chiếc xe đạp Thống Nhất là sang lắm rồi….Lúc đó phản ứng của người dân không gay gắt như bây giờ, và các phương tiện truyền thông lại ít đề cập đến những sự việc trong xã hội với phản ứng nhiều chiều như bây giờ.
- HN những năm trải qua hai cuộc chiến ném bom trên không của địch đã có bao nhiêu tổn thất và người chết, vì bom đạn tên lửa , nhất là bom giải thảm của máy bay B52,các cơ quan và dân cư phải sơ tán ra khỏi nội thành…. Nhà nào cũng phải đào hầm trú ẫn trong vườn nhà hay ngoài vỉa hè mặt phố, hay là đi sơ tán hàng tháng về nơi xa.Phương tiện giao thông lúc đó khó khăn và nguy hiểm, vì các bến xe, bến tầu thường xuyên bị oanh tạc, thế mà bà xã mới đẻ xong đã phải đạp xe đạp từ HN lên Yên Bái cách xa hàng trăm cây số để đi làm việc mà không gặp nguy hiểm gì. Việc phải đi nhờ các xe tải liên tỉnh từ xa về HN hay ngược lại là phổ biến, mà vẫn an toàn ít xảy ra những tiêu cực giống như ngày nay. Mọi người đối với nhau tỉnh cảm hơn bây giờ.
- HN những ngày thống nhất 2 miền tràn ngập không khí phấn khởi ai ai cũng náo nức được vô Nam để thăm Tp Sài gòn hiện đại mới được giải phóng, với những tin đồn như xe ôto chạy trên các con đường nhựa hiện đại để cốc nước không đổ, máy bay trực thăng có thể đỗ ngay trên đường…..Nhà nào nhà ấy cũng sắm dàn nhạc Akai, hay xe Honda sản xuất từ Nhật, nhưng hầu hết đã cũ….Năm 1977 tôi dẫn đoàn chuyên gia Liên Xô đi công tác miền Nam, được đi máy bay lần đầu tiên trong đời trên máy bay TU – 118 đã thấy rất khang trang hiện đại, ở KS Caravell – SG sang trọng, rồi những chuyến công tác sau này đến Nha Trang bằng ôto thấy nhà cửa ở đây to lớn hơn HN, được tắm biển ở các bãi biển Khánh Hòa hay Vũng Tầu thấy rộng rãi và sạch hơn Đồ Sơn, Sầm Sơn ở miền Bắc……Ai ai cũng hy vọng đất nước sẽ phát triển nhanh và mạnh, sau khi miền nam được giải phóng …..?
- HN những ngày đầu mở cửa , trên đường phố đã gặp khá nhiều người nước ngoài, hồi đó ai cũng có thể đi du lịch Thái Lan để xem cửa ngõ đầu tiên và gần VN, đặc trưng của nền kinh tế Tây Phương. Khoảng những năm 1990 – 1992 tôi lại được 2 lần từ HN đi dự hội thảo ở Pháp, transit qua Bangkok, lúc đó thủ tục làm giấy tờ xuất ngoại tuy đã thoáng hơn nhưng vẫn còn tập trung ở Bộ NG và Cơ quan quản lý xuất cảnh, mỗi lần đi trầy trật mới đổi được khoảng 100 USD
thế mà ra cửa khẩu vẫn bị…..Lần đầu tiên được sử dụng máy ảnh chụp phim mầu, vì lúc đó ở HN đã xuất hiện nhiều cửa hàng bán phim mầu và rửa ảnh mầu. Nhiều nhà cao tầng đã xây lên, phố phường đã khang trang hơn, xe máy nhập đủ loại đã chạy kín các nẻo đường, người ở nhiều vùng đất nước đã về HN sinh sống, dân cư THỦ ĐÔ ngày càng đông…
- HN khi chuyển mạnh sang kinh tế thị trường đã có nhiều bản sắc của đất nước trong khí thế xây dựng để phát triển, đáng chú ý nhất là trường Đại Học Bách Khoa HN nơi tôi học từ 1958 – 1962 đã được đầu tư xây dựng lại khang trang và to đẹp hơn. Nhiều công trình khách sạn sang trọng như Caravel, Hilton… đã mọc lên, nhà giam Hỏa Lò cũng được cải tạo thành cao ốc. Nước ngoài đầu tư vào HN ngày càng tăng, tiêu biểu như các công trình của tập doàn Daewo Hàn Quốc. Nhiều đường phố cũ đã được xây dựng lại khang trang hơn, và khá nhiều tuyến đường mới xuất hiện, làm thay đổi diện mạo thủ đô. Nhiều làng ven đô đã nhanh chóng đô thị hóa không còn nhận ra như làng Mọc quê tôi đã thành Khu đô thị Nhân Chính, làng hoa Nhật tân đã thành Khu đô thị cao cấp Ciputra, …Nổi bật nhất hiện nay là khu trung tâm Mỹ Đình với Cung Hội Nghị Quốc Gia, Sân vận Động…Năm 1999, Thủ đô Hà Nội đã được UNESCO phong tặng danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình
- Nhớ về HN không thể kể hết những kỷ niệm, mà không rõ vì sao chỉ có những kỷ niệm xa xưa mới còn đọng lại lâu, như những ngày nghỉ đạp xe trên đường Cổ Ngư – Hô Tây thoáng mát, thăm các làng hoa Nghi tàm - Nhật Tân rực rỡ hoa đào vào những ngày cận tết thưởng thức hương vị ấm cúng của mùa Xuân,hay thăm vườn Bách Thảo, chùa Trấn Quốc, đền Quan Thánh …cùng với gia đình những khi rảnh rỗi với niềm vui thích, vì không có cảnh chen chúc. Rồi những đêm giao thừa đi bộ vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm đón Tết Nguyên Đán trong tiếng pháo nổ ròn rã. …HN còn là hương vị của bốn mùa trong năm, đó là những ngày ấm áp của mùa xuân, mưa phùn rầm dề vào tháng 3, nóng nực hầm hập rát lưng vào thàng 6 – 7, dễ chịu và phong cảnh đẹp vào mùa thu, rét đậm tê tái mặt, mũi,chân, tay vào mùa đông. HN còn là sự thú vị khi thưởng thức những đặc sản như phở bò Bát Đàn, Lý Quốc Sư, chả cá Lã Vọng hàng Cân, cốm Vòng, đậu phụ làng Mơ, bánh cuốn Thanh Trì, bánh tôm hồ Tây, bún ốc, bún chả Mai hắc đế, kem Tràng Tiền…, thịt quay và xá xíu dòn và thơm hay tô tào phớ nòng hổi, chè chí mà phù ngọt lịm ở phố hàng Buồm. Nhớ những tiếng rao về đêm khuya của những người bán rong, hay thưởng thức mùi thơm của các loài hoa ( sữa , bàng lang, phượng..) khi đi trên các con đường rộng rãi mà hai bên vỉa hè không bị lấn chiếm………
- Tôi biết HN đã 2 lần mở rộng. Lần đầu tiến ngày 21 tháng 12 năm 1978, Quốc hội phê chuẩn mở rộng địa giới Hà Nội, sáp nhập thêm năm huyện Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây của tỉnh Hà Sơn Bình cùng hai huyện của tỉnh Vĩnh Phú là Mê Linh, Sóc Sơn. Dân số Hà Nội lên tới con số 2,5 triệu người. Bên cạnh lượng dân cư các tỉnh tới định cư ở thành phố, trong khoảng thời gian từ 1977 tới 1984, Hà Nội cũng đưa 12.861 hộ, 21.587 nhân khẩu tới Lâm Đồng theo chính sách xây dựng kinh tế mới. Năm 1991, ranh giới Hà Nội lại được điều chỉnh, trả lại năm huyện và một thị xã đã lấy của Hà Sơn Bình năm 1978 cho Hà Tây và Mê Linh được nhập vào Vĩnh Phú. Hà Nội còn lại bốn quận nội thành và năm huyện ngoại thành, với diện tích đất tự nhiên 924 km².
Ngày 29 tháng 5 năm 2008, với gần 93% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh, có hiệu lực từ 1 tháng 8 cùng năm. Theo nghị quyết, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được nhập về Hà Nội. Từ diện tích gần 1.000 km² và dân số khoảng 3,4 triệu người, Hà Nội sau khi mở rộng có diện tích 3.324,92 km² và dân số 6.232.940 người, nằm trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới. Ngày 11 tháng 12 năm 2008, quận Hà Đông được thành lập từ thành phố Hà Đông trước đây và thành phố Sơn Tây cũng được chuyển thành thị xã Sơn Tây. Việc mở rộng HN , dân cư về sinh sống, làm ăn ngày càng đông, nạn ùn tắc giao thông xảy ra như cơm bữa nghe ra rả trên đài, công tác quản lý thủ đô trở nên hiện đại đã và sẽ khó khăn và phức tạp hơn xa xưa rất nhiếu, chưa tình đến những bất thường xảy ra do biến đổi khí hậu và tình hình trong và ngoài nước...
HN đã có "siêu qui hoạch " về xây dựng Thủ Đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với dự báo qui mô dân số đến năm 2030 là 10 triệu dân, trong đó có 6,4 triệu dân đô thị, đến năm 2050 là 15 triệu dân, trong đó có 12 triệu dân đô thị.Với qui hoạch này từ nay đến năm 2020, HN cần 34.000 ha đất sạch để phát triển và 160 tỷ USD để đầu tư cho hàng trăm dự án, hạng mục công trình xây dựng. Nhiều ý kiến đã đóng góp những mặt được và chưa được của qui hoạch trên, cảm nghĩ của tôi lo ngại về tính khả thi, nếu thực hiện không được sẽ trở thành qui hoạch treo, thiệt hại sẽ nhiều hơn.....
Mỗi lần có dịp ra HN, rong ruổi trên các nẻo đường, ai ai cũng thấy những đổi thay rõ rệt những vật thể hữu hình trong cuộc sống của thủ đô Hà Nội, giàu mạnh hơn và to lớn hơn, nhưng những vật thể vô hình như “ nếp văn hóa của HN “ còn khó thấy và đã pha tạp nhiều so với ngày xưa. “ Hy vọng rằng trong quá trình phát triển, Hà Nội vẫn giữ được nét hấp dẫn của riêng mình". Đó là lý do cơ bản mà nhiều du khách nước ngoài thích đến và thăm HN hơn TpHCM ( Hanoi is city of tourism ), vì HN có nhiều thế mạnh mà các thành phố khác trong nước không có, đó là các vật thể hữu hình : cây xanh nhiều, nhiều hồ lớn, nhiều di tích lịch sử , có nhiều phố cổ, các công trình mới tiêu biểu....và vật thể vô hình “ là phong thái và nếp sống văn hóa của người dân thủ đô hòa quyện giữa quá khứ, hiện tại và tương lai ““Dù có đi bốn phương trời
Lòng vẫn nhớ vế Hà Nội
Hà Nội của ta, thủ đô yếu dấu
Một thời đạn bom, một thời hòa bình “
......Một ngày Thu Sài Gòn nhớ về Hà Nội
0 nhận xét:
Đăng nhận xét