Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đề ra mục tiêu vận hành khai thác thử nghiệm tại bể than sông Hồng trước năm 2040
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược này được phê duyệt trên cơ sở tờ trình của Bộ Công Thương gửi Chính phủ từ cuối năm 2022.
Thăm dò, nghiên cứu từ năm 1954
Chiến lược phát triển ngành than đưa ra mục tiêu tích cực tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư lựa chọn công nghệ, phương pháp thích hợp để thăm dò bể than sông Hồng giai đoạn đến năm 2030. Phấn đấu hoàn thành thăm dò một phần diện tích và điều tra, đánh giá xong tài nguyên bể than sông Hồng giai đoạn 2031-2045; phấn đấu đưa vào vận hành khai thác thử nghiệm trước năm 2040 để tiến tới khai thác quy mô công nghiệp trước năm 2050 nếu thử nghiệm thành công.
Bể than sông Hồng phần đất liền rộng khoảng 2.765 km2, nằm ở các tỉnh, thành: Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội. Đây là vùng chứa nhiều khoáng sản quan trọng và cần thiết để phát triển kinh tế, đáng kể nhất là than nâu. Các công trình nghiên cứu về đặc điểm địa chất, tìm kiếm, thăm dò than phần đất liền bể sông Hồng đã được tiến hành từ năm 1954.
Năm 2020, Liên đoàn Địa chất Intergeo phối hợp với một số đơn vị liên quan đã hoàn thành Đề án "Điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể sông Hồng". Theo đánh giá, đề án này có ý nghĩa quan trọng, đánh giá đúng và đủ tài nguyên than bể sông Hồng.
Đề án nêu trên đã đánh giá tiềm năng than và các khoáng sản khác trên diện tích 265 km2, trong đó phần ngoài đê chắn sóng là 75 km2, với tài nguyên than cấp 333 đạt 3 tỉ tấn. Đề án cũng điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên than phần đất liền bể sông Hồng trên diện tích 2.765 km2 đạt hơn 210 tỉ tấn; xác lập các thông số cơ bản của phương pháp khí hóa than ngầm phục vụ việc thăm dò, khai thác và sử dụng.
Theo ông Đồng Văn Giáp, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Intergeo, việc triển khai đề án này đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để có cơ sở quy hoạch hoạt động thăm dò than trên diện tích bể sông Hồng, ngoài 265 km2 đã được nghiên cứu, cần điều tra, đánh giá tương tự những khu vực có triển vọng như: dải Tiên Lữ - Phù Cừ - Đông Hưng, dải Vũ Thư - TP Thái Bình - Tây Bắc Kiến Xương - Giao Thủy…
Trữ lượng gấp 20 lần bể than Quảng Ninh
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) từng tổ chức hội thảo khoa học đánh giá tiềm năng khai thác, sử dụng bể than đồng bằng sông Hồng. Các ý kiến tại hội thảo đều khẳng định tiềm năng của bể than sông Hồng, nếu được khai thác có thể tạo ra nguồn thu ngân sách lớn, mở ra một số ngành công nghiệp mới. Tuy nhiên, bể than này có đặc điểm trầm tích, địa chất công trình, thủy văn, môi trường… hết sức phức tạp nhưng tài liệu còn hạn chế.
Theo TS Đào Văn Thịnh, Viện Địa chất và Môi trường - Tổng hội Địa chất Việt Nam, bể than sông Hồng có tiềm năng tài nguyên cao nhất so với các khu vực khác ở Việt Nam. Bể than sông Hồng được chia thành 8 vùng, nếu tính đến độ sâu 3.500 m thì tổng tài nguyên than đạt 210 tỉ tấn, gấp 20 lần bể than Quảng Ninh.
Tuy nhiên, việc khai thác bể than sông Hồng rất khó khăn do nhiều yếu tố như địa chất mỏ, địa chất thủy văn, địa chất công trình… rất phức tạp. Đa số vỉa than nằm ở độ sâu từ -300 đến -1.200 m, tối đa trên -3.000 m; đá vách, đá trụ của vỉa than mềm yếu, có sức bền cơ lý kém nên nguy cơ xảy ra rủi ro khi khai thác. Bể than sông Hồng lại có các đứt gãy kiến tạo - đa số đang hoạt động, đứt gãy sinh chấn...
TS Đào Văn Thịnh cho rằng trước hết cần nghiên cứu chi tiết về đặc điểm địa chất mỏ, địa chất thủy văn, địa chất công trình tại các khu mỏ dự kiến khai thác thử nghiệm; lựa chọn công nghệ khai thác phù hợp, an toàn nhất trong điều kiện cụ thể. Cần tiến hành đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tổng quan và chi tiết tại từng khu mỏ; tiếp tục mời các tổ chức tư vấn nước ngoài cùng tham gia nghiên cứu hoặc nghiên cứu riêng một số vấn đề nan giải về kỹ thuật - công nghệ khai thác.
GS-TS Tạ Đức Thịnh, Hội Địa chất công trình Việt Nam, đề xuất mời các đối tác nước ngoài tiếp tục nghiên cứu về công nghệ khai thác hầm lò, công nghệ khí hóa than ngầm. Trước khi khai thác thử nghiệm, ngoài việc nghiên cứu cụ thể, kỹ lưỡng điều kiện địa chất, cần làm rõ thêm hiệu quả kinh tế.
Nghị quyết 55 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu khẩn trương nghiên cứu công nghệ để có thể khai thác bể than sông Hồng.
Theo tờ trình Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam của Bộ Công Thương, cơ quan chức năng sẽ thúc đẩy hợp tác nghiên cứu công nghệ thăm dò, khai thác than vùng đồng bằng sông Hồng để triển khai một số dự án thử nghiệm theo các loại hình, phương pháp khác nhau (khai thác hầm lò, khí hóa than ngầm...). Bộ Công Thương nhấn mạnh mục tiêu là tiến tới khai thác bể than sông Hồng hiệu quả, an toàn, bảo đảm môi trường, an ninh năng lượng và an ninh lương thực.
TheoNLD
0 nhận xét:
Đăng nhận xét