Trước thềm khai mạc COP 28, Việt Nam dự kiến sẽ sớm nhận được khoản tiền 15,5 tỉ USD từ Anh cùng 8 quốc gia khác hỗ trợ trong quá trình chuyển sang sử dụng năng lượng sạch.
Kế hoạch cung cấp hỗ trợ tài chính 15,5 tỉ USD cho Việt Nam sẽ được công bố tại Hội nghị khí hậu thường niên của Liên Hiệp Quốc COP28, diễn ra ở Dubai (UAE) từ 30-11 đến 12-12, theo Hãng tin AP.
Ông Mark George, cố vấn khí hậu của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, cho biết kế hoạch đã được hoàn tất vào ngày 23-11, sau nhiều tháng phối hợp làm việc với các bộ ngành chủ chốt của Việt Nam.
Anh là đồng chủ tịch của một nhóm gồm 9 quốc gia công nghiệp phát triển giàu mạnh.
Các nước đã đồng ý cung cấp 15,5 tỉ USD cho Việt Nam để chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng đá và nhanh chóng chuyển sang dùng năng lượng tái tạo (năng lượng sạch). Kế hoạch này là một phần trong quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết kể từ khi Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng đã được Việt Nam và các nước trong, ngoài G7 thông qua và công bố ngày 14-12-2022 tại Vương quốc Bỉ, mức cam kết ban đầu mà các đối tác hỗ trợ cho Việt Nam là 15,5 tỉ USD sẽ thực hiện trong 3-5 năm tới.
Việc huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư, nhà tài trợ quốc tế sẽ tiếp tục được triển khai tại COP28.
Gói tài chính JETP này sẽ bao gồm hỗ trợ không hoàn lại; hỗ trợ kỹ thuật; các khoản vay mà các nước, các ngân hàng phát triển đa phương, các quỹ hỗ trợ Việt Nam (bao gồm các điều khoản về lãi suất, điều kiện để vay và giải ngân...); các khoản tín dụng từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng quốc tế trong Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (GFANZ); các khoản đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế.
Hồi tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ban hành quyết định phê duyệt đề án triển khai Tuyên bố JETP.
Các nhóm dự án ưu tiên từ nay đến năm 2025 để thực hiện theo tuyên bố JETP gồm đầu tư phát triển lưới điện, lưới truyền tải; hệ thống lưu trữ năng lượng, pin lưu trữ (BESS), nhà máy thủy điện tích năng Bắc Ái, xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi...
Trong năm 2023, Việt Nam cũng đã công bố Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch về phát triển điện lực (Quy hoạch điện 8), trong đó ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Quy hoạch xác định việc phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỉ lệ 30,9 - 39,2% vào năm 2030.
Hướng tới mục tiêu tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo đạt 47%, với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố JETP sẽ được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Định hướng đến năm 2050 tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.
Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050.
Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030, với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.
Quy hoạch cũng đưa ra lộ trình kêu gọi chuyển đổi không sử dụng than gây ô nhiễm nặng và cam kết không mở thêm nhà máy nhiệt điện đốt than kể từ sau năm 2030.
Các nhà máy than vận hành 20 năm sẽ chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac, và vận hành trên 40 năm sẽ dừng hoạt động nếu không chuyển đổi.
TheoTuoiTre
0 nhận xét:
Đăng nhận xét