e

Thứ Tư, tháng 3 22, 2023

4 năm, điện tái tạo ở Việt Nam phát triển 'thần tốc' như thế nào?

 Giai đoạn 2017-2021, điện mặt trời và điện gió đã phát triển bùng nổ. Từ sau năm 2021 đến nay, điện tái tạo chững lại do chưa có chính sách rõ ràng.

Từ 2017-2021, để thúc đẩy phát triển điện gió, điện mặt trời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

 Hàng chục tỷ USD đã được đổ vào điện gió, điện mặt trời. (Ảnh: H. Hà)

Mức giá cao tại Biểu giá ưu đãi (giá FIT 2.086 đồng/kWh cho điện mặt trời, 1.900 đồng với điện gió) đã thu hút hàng chục tỷ USD của khu vực tư nhân vào điện mặt trời, điện gió.

Từ chỗ chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng sản lượng điện, đến nay, điện tái tạo đã chiếm khoảng 16,2% sản lượng điện toàn hệ thống. 

Giá FIT đều có thời hạn được nêu rõ trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Giá FIT1 cho điện mặt trời hết hạn vào 30/6/2019. FIT2 hết hạn vào tháng 30/12/2020. FIT cho điện gió hết hạn vào 31/10/2021. 

Trước hết, sự kiện đánh dấu bước nhảy vọt đầu tư điện mặt trời là Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về “Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam”. Giá điện mặt trời ở mức 2.086 đồng/kWh trong vòng 20 năm đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. Tính đến 1/1/2021 - thời điểm kết thúc giá ưu đãi cho điện mặt trời - tổng công suất điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà đã lên tới 16.500MW 

Sau 30/6/2019, giá FIT đã giảm từ 9,35 cent/kWh xuống chỉ còn 7,09 cent/kWh, tương đương 1.644 đồng/kWh (đối với các dự án điện mặt trời mặt đất), theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg. Song, điện mặt trời mái nhà lại có mức giá lên tới 8,38cent/kWh, tương đương 1.943 đồng/kWh. Điều này đã thu hút nhiều người dân và doanh nghiệp làm điện mặt trời mái nhà. 

Từ 2017 đến nay, giá điện mặt trời cũng đã giảm rất mạnh, gần 1 nửa so với mức giá FIT năm 2017. Làn sóng đầu tư vào điện mặt trời cũng chững lại sau khi giá FIT hết hạn, trong khi cơ chế mới cho điện mặt trời vẫn chưa được rõ ràng. 

Tại dự thảo quy hoạch điện VIII, điện mặt trời không được ưu tiên đầu tư mạnh như giai đoạn trước. Bộ Công Thương chỉ đề xuất về nguyên tắc cho phép tiếp tục triển khai các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư đến năm 2030 với tổng công suất 2.360,42 MW.

Còn với điện gió, sau khi có Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/9/2018, lĩnh vực này cũng bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Mức giá FIT cho điện gió là 8,5cent/kWh, tương đương 1.928  đồng/kWh theo tỷ giá thời điểm 2018.

Nhờ đó, tính đến hết năm 2021, công suất lắp đặt điện gió đã tăng một mạch từ hơn 100MW lên con số 4.126 MW.

Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đến nay, tổng công suất đặt nguồn điện trong toàn hệ thống điện Việt Nam là 78.300 MW. Trong đó, tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tới 26,5% công suất toàn hệ thống, chủ yếu do tư nhân trong và ngoài nước đầu tư. 

Lương Bằng(TheoVietnamnet.vn)

Bài học kinh nghiệm trong phát triển điện tái tạo

Theo TS. Lê Hải Hưng, điện tái tạo chiếm dụng nhiều đất, sự thân thiện với môi trường cũng còn có tranh luận và trong 10 năm tới, chưa thể coi đây là một nguồn năng lượng tin cậy cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Giữa lúc vấn đề năng lượng tái tạo bỗng thành "điểm nóng" trở lại, PV. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Hải Hưng (Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội) về việc phát triển năng lượng tái tạo nói chung, nhất là điện tái tạo (ĐTT) ở Việt Nam.

Phát triển quá 'nóng'

- Tại một hội thảo gần đây, do Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” của Quốc hội tổ chức, ông phát biểu rằng Việt Nam đã rút được bài học trong phát triển năng lượng tái tạo 2016-2021. Vì sao ông lại đánh giá như vậy?

TS. Lê Hải Hưng: Trước năm 2016, nước ta hầu như không có năng lượng tái tạo. Sau quyết định 11/2017/QĐ-TTg về “Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT”, năng lượng tái tạo nói chung, đặc biệt là điện mặt trời (ĐMT) ở nước ta, đã phát triển rất nhanh chóng. Từ tổng công suất khoảng vài chục MW vào năm 2016 đạt tới 4.442MW vào tháng 7/2019, nghĩa là trong vòng hơn một năm, ĐMT đã tăng trưởng khoảng 100 lần.

Sự kiện này đã đưa nước ta từ chỗ không có tên trên bản đồ năng lượng tái tạo trở thành một cường quốc ĐMT ở ASEAN, chỉ sau Indonesia (6.700MW).

TS. Lê Hải Hưng nêu những bài học về quy hoạch và phát triển ĐMT ở Việt Nam thời kỳ 2016-2021 tại một hội thảo gần đây. (Ảnh: Quochoi.vn)

Sự phát triển “nóng” đã gây ra nhiều thách thức, trước hết là gây quá tải cho hệ thống truyền tải điện lực quốc gia. Kết quả nhãn tiền là ngay trong năm 2020-2021, rất nhiều nhà máy ĐMT đã hoàn thành song vẫn chưa được phát điện vào lưới, hoặc chỉ được phát một phần vì lưới điện quá tải. 

Vì vậy, ngay trong năm 2020, các nhà đầu tư hầu như đã không còn mặn mà với việc phát triển năng lượng điện tái tạo nữa.

Do đó, ngày 4/6/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về giá ĐMT, với tinh thần là định giá ĐMT tập trung là 1.644 VNĐ/kWh, ĐMT nổi là 1.783 VNĐ/kWh, ĐMT mái nhà là 1.943 VNĐ/kWh. Với Quyết định 13/2020, các nhà đầu tư lại đổ xô làm ĐMT mái nhà, với bao nhiêu bất cập đã được phản ánh. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông báo năm 2021 sẽ cắt giảm 1,3 tỷ kWh năng lượng điện tái tạo do phát triển đột biến. Tuy nhiên, tôi cho rằng con số phải cắt giảm cao hơn nhiều. EVN cần thông tin vào thời điểm này và năm nay, chúng ta phải xả bỏ đi bao nhiêu kWh điện tái tạo.

- Vậy theo ông, sau những bài học đắt giá đó, Việt Nam có nên phát triển mạnh điện tái tạo?

Theo thông báo của Bộ Công Thương, tính đến cuối 2020, tổng công suất lắp ĐMT cả nước đạt 19.400MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất của hệ thống; nhưng sản lượng mới chiếm khoảng 4,3% (tức khoảng 10 tỷ kWh so với 247 tỷ kWh) .

Một đặc điểm, cũng là điểm yếu của năng lượng điện tái tạo là hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Chỉ cần có cơn mưa, hoặc thậm chí một đám mây đi qua, là có thể dập tắt nhà máy. Con người đã chế ngự, đã điều khiển được phản ứng hạt nhân nhưng không bao giờ điều khiển được thiên nhiên, vì thế chưa thể chủ động khi sản xuất năng lượng điện tái tạo.

Chính vì vậy, đây không thể được coi là nguồn năng lượng tin cậy, chủ động cho sản xuất. Chế độ phát không liên tục của năng lượng điện tái tạo cũng gây ra kịch bản xấu cho hệ thống tải. Theo quan điểm của chúng tôi, nhà nước không thể và cũng không nên bỏ ra nhiều kinh phí để xây lắp hệ thống truyền tải lớn hơn chỉ để tiếp nhận hết được công suất lớn đột biến của năng lượng điện tái tạo.

Năng lượng này cũng có mức đầu tư ban đầu rất lớn, chiếm dụng nhiều đất và cũng không thực sự thân thiện với môi trường.

Việt Nam đã có giai đoạn bùng nổ phát triển năng lượng tái tạo. (Ảnh: TNG)

Không thực sự là "điện sạch"

- Tại sao ông lại không thực sự thân thiện với môi trường khi đây vẫn được đánh giá là “năng lượng sạch”?

Chúng ta thường nhất trí với nhau rằng, năng lượng điện tái tạo là năng lượng sạch và thận thiện với môi trường, nhưng sự thật không hoàn toàn đúng như vậy. Để chế tạo ra pin mặt trời hay Solar Panel, cần sử dụng đến rất nhiều nguyên tố nặng có độc tính cao như Bismut (Bi), Cadimium (Cd),... Khi tiến hành khai thác các nguyên tố này, người ta đã làm biến đổi môi trường thiên nhiên.

Ngoài ra, quá trình chế tạo pin mặt trời cần nhiệt lượng cao để nấu ra thạch anh và tẩy rửa các linh kiện. Để làm việc này, đương nhiên sẽ dùng nhiên liệu hóa thạch và chắc chắn sẽ thải ra một lượng lớn khí nhà kính như carbonic (CO2), dioxit lưu huỳnh (SO2), trifluoride nitơ (NF3) và các dung môi khác.

Việc thu gom, xử lý các tấm pin mặt trời đã hết hạn sử dụng cũng là một vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý môi trường. Những nhà máy ĐMT đầu tiên của thế giới được xây dựng vào năm 2000 cũng sắp phải dỡ bỏ nhưng đến nay vẫn chưa có quy trình tiêu hủy hay tái chế các tấm pin mặt trời.

Vì vậy, có nhà đầu tư năng lượng điện tái tạo “khôn ngoan” đã giữ lại một số tiền để yêu cầu nhà cung cấp có trách nhiệm thu hồi pin mặt trời khi hết hạn sử dụng.

- Vậy là chúng ta không thể dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng điện tái tạo, thưa ông?

Ai cũng biết, trong số các nguồn năng lượng tái tạo, ĐMT là công nghệ phát triển nhanh nhất, hiện thực nhất có thể thay thế được một phần đáng kể các nguồn năng lượng hóa thạch trong tương lai. Nhưng trong 10 năm tới, cá nhân tôi cho rằng, chúng ta vẫn chưa thể coi ĐMT là một nguồn năng lượng tin cậy cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Vì vậy, trong khi phát triển ĐMT, chúng ta cũng phải phải tính đến những phương án để nâng cao hiệu quả sử dụng, ví như phát triển và áp dụng công nghệ lưu trữ điện năng tái tạo. Mặt khác, về lâu dài, cũng cần nghiên cứu triển khai các nguồn năng lượng ổn định, tin cậy và đủ công suất, ít phát thải, như điện hạt nhân chẳng hạn, để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển đất nước.

Cá nhân tôi cho rằng, điện hạt nhân mới là nguồn năng lượng sạch và tin cậy cho sản xuất và dân sinh. Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Anh, Nhật Bản,... là những nước phát triển và họ cùng có chung một điểm: đều lấy năng lượng hạt nhân là nền tảng.

Xin cảm ơn ông!

TheoVietnamnet.vn (LuongBang) 

Tấm pin mặt trời ở Việt Nam có chất thải nguy hại không?

 

"Điều đầu tiên cần khẳng định là không phải tất cả tấm pin mặt trời đều được sản xuất từ các kim loại nặng", một nhà đầu tư nêu ý kiến.

Sau bài phỏng vấn với TS. Lê Hải Hưng, Viện Vật lý kỹ thuật, về "Bài học kinh nghiệm trong phát triển điện tái tạo", VietNamNet nhận được nhiều ý kiến muốn trao đổi xung quanh vấn đề điện mặt trời có thực sự thân thiện với môi trường.

Để chia sẻ thêm góc nhìn về vấn đề này, chúng tôi giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Mạnh Cường, một nhà đầu tư điện mặt trời.

Ngày 20/3, tôi đọc được thông tin từ bài phỏng vấn của PV. VietNamNet với TS. Lê Hải Hưng (Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội) về việc phát triển điện mặt trời ở Việt Nam. Trong đó, TS. Lê Hải Hưng đưa ra quan điểm đáng chú ý. Đó là điện mặt trời không thực sự thân thiện với môi trường.

Theo đó, TS. Hưng cho rằng: Để chế tạo ra pin mặt trời hay Solar Panel, cần sử dụng đến rất nhiều nguyên tố nặng có độc tính cao như Bismut (Bi), Cadimium (Cd),... Khi tiến hành khai thác các nguyên tố này, người ta đã làm biến đổi môi trường thiên nhiên.

Từ kinh nghiệm làm điện mặt trời, tôi cho rằng nhận định này chưa xác đáng. Điện mặt trời tuy đã có từ lâu nhưng Việt Nam mới chỉ bùng nổ 5-6 năm nay. Các chuyên gia, nhà báo khi ý kiến về các vấn đề liên quan thường lấy thông tin từ nguồn nước ngoài.

Điều này đôi khi dẫn đến các nhầm lẫn tai hại, gây ra các hiểu lầm cho công chúng và cả các nhà hoạch định chính sách.

Lắp đặt tấm quang điện ở các dự án điện mặt trời. Ảnh: L.Bằng

Điều đầu tiên cần khẳng định là không phải tất cả tấm pin mặt trời được sản xuất từ các kim loại nặng là Bi và Cd. Bi và Cd dùng để sản xuất tấm pin mặt trời gọi là Thin Film, còn tấm pin mặt trời sử dụng tại Việt Nam là công nghệ Crystalline Sillicon (dùng Sillic, hoàn toàn không có Bi hay Cd).

Thế giới dùng công nghệ Crystalline Sillicon là công nghệ chủ yếu, Thin Film ít được sử dụng. Việt Nam sử dụng Crystalline Sillicon không chỉ là ý thức môi trường, mà còn vì hiệu quả kinh tế. Công nghệ này cho hiệu suất cao hơn ở khu vực cận xích đạo.

Thin Film cho hiệu suất sao hơn trong điều kiện bức xạ thấp. Ở Việt Nam bức xạ cao nên dùng pin mặt trời sử dụng công nghệ Crystalline Sillicon sẽ hiệu quả hơn. 

Hiện nay, tế bào quang điện (solar cell) công nghệ Crystalline đang được sản xuất tại Việt Nam với sản lượng mỗi năm hàng ngàn MWp và không có Bi hay Cd trong danh mục nguyên vật liệu.

Cũng vì Việt Nam dùng 100% công nghệ Crystalline Sillicon, không có kim loại nặng, cho nên không phải chất thải nguy hại như mọi người nhầm tưởng.

Thiết nghĩ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên công bố thành phần của loại pin mặt trời công nghệ Crystalline Sillicon để xã hội yên tâm. Thành phần chỉ có sillicon, các kim loại dẫn điện, nhựa, keo EVA

TheoVietnamnet.vn

Thứ Sáu, tháng 3 17, 2023

Siêu dự án điện thủy triều của Liverpool có thể cung cấp điện cho 1 triệu ngôi nhà

 Các nhà chức trách ở Liverpool có ý tưởng biến cửa sông Mersey trở thành nhà máy điện thủy triều khổng lồ, cung cấp năng lượng cho 1 triệu ngôi nhà, đóng vai trò quan trọng trong tương lai bền vững của Anh.

Đồ họa 3D dự án đập thủy triều. Ảnh minh họa Mersey Estuary.

Đồ họa 3D dự án đập thủy triều. Ảnh minh họa Mersey Estuary.

Sông Mersey là một trong những tuyến đường thủy mang tính biểu tượng của châu Âu. Ngoài việc là trung tâm chính cho ngành đóng tàu và công nghiệp, dòng sông còn là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn, nghệ sĩ và nhạc sĩ.

Các nhà chức trách ở Liverpool đang có ý tưởng biến dòng sông trở thành một dự án năng lượng thủy triều khổng lồ, có thể cung cấp năng lượng cho 1 triệu ngôi nhà, tạo ra hàng nghìn việc làm cho khu vực trong quá trình này.

Nếu được xây dựng, cơ sở điện thủy triều này sẽ có công suất ít nhất 1 gigawatt và tận dụng nguồn nước thủy triều của Mersey, cao thứ hai ở nước Anh. Trong tình huống kế hoạch thành công, sông Mersey sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai bền vững của Anh.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Martin Land, giám đốc Dự án Điện thủy triều Mersey phác thảo phương thức hệ thống điện thủy triều sẽ hoạt động trong thực tế.

Ông giải thích, ý tưởng điện thủy triều là tập trung vào phương án tạo ra “một cấu trúc để kìm hãm dòng thủy triều hoặc kiềm chế mức nước thủy triều, chúng tôi để chiều cao nước tăng lên ở một bên của cấu trúc cản nước và bên kia ở mức thấp.”

“Và sau đó chúng tôi để nước biển chạy qua tua-bin và sản xuất điện”, ông nói thêm. “Hệ thống sử dụng năng lượng dòng chảy tiềm tàng của nước biển, xuất hiện khi có sự chênh lệch độ cao của thủy triều.”

Phương thức thiết lập này khác với phương thức lắp đặt và sử dụng tua-bin dòng thủy triều, kỹ thuật này theo thuật ngữ đơn giản, tương tự như tua-bin gió dưới nước.

Ông Land thông báo với CNBC, dự án khổng lồ này sắp kết thúc giai đoạn ý tưởng với một số kịch bản thiết kế được trình bày.

Ông nói: “Chúng tôi vẫn có sự lựa chọn cho vị trí đập, sẽ đi từ phía Birkenhead, bờ trái của Mersey, sang bờ phải phía Liverpool. Hoặc theo phương pháp khác, đập sẽ ngăn nước trong một đầm phá.”

Trải dài trên vùng nước nước lớn là, hệ thống rào cản thủy triều tương tự như đập ngăn nước. Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế mô tả, những đầm phá thủy triều tương tự như một đập nước, nhưng nói thêm rằng “những đầm phá không nhất thiết phải kết nối với bờ biển” và có thể “nằm trong đại dương.”

Những hệ thống đập thủy triều đang hoạt động ngày nay bao gồm Nhà máy điện thủy triều La Rance công suất 240 megawatt thuộc cơ quan quản lý Năng lượng Pháp và nhà máy điện thủy triều hồ Sihwa 254 MW của Hàn Quốc, đang là nhà máy điện thủy triều lớn nhất thế giới.

Mở đường cho sự phát triển dự án

Những đề xuất ban đầu cho một con đập ngăn cản thủy triều kéo dài qua Mersey được hình thành năm 1924. Dự án đã có một số bước tiến trong thời gian gần đây. Tháng 12/2022, Anh đã ký kết một thỏa thuận với Tập đoàn Tài nguyên nước Hàn Quốc K-water, chủ sở hữu và nhà điều hành cơ sở Hồ Sihwa.

Siêu dự án điện thủy triều của Liverpool có thể cung cấp điện cho 1 triệu ngôi nhà ảnh 1

Sơ đồ siêu dự án điện thủy triều ở Liverpool, có từ năm 1924. Ảnh

Offshore-Energy

Cơ quan quản lý khu vực thành phố Liverpool trong một tuyên bố nhân lễ ký kết cho biết, K-Water đồng ý “chia sẻ kiến ​​thức về năng lượng thủy triều” đồng thời nhấn mạnh, thỏa thuận sẽ là cơ sở để “K-water và Cơ quan có Thẩm quyền kết hợp hợp tác chặt chẽ nhằm khám phá những tiềm năng về năng lượng thủy triều.”

Cơ quan có Thẩm quyền kết hợp ở Liverpool rất lạc quan về triển vọng của dự án điện thủy triều, tuyên bố trên trang web chính thức của tổ chức: “thời đại của điện thủy triều đã đến” nhờ những phát triển công nghệ hiện đại và tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu.

Trong một tuyên bố gửi tới CNBC, Steve Rotheram, thị trưởng của Khu vực thành phố Liverpool, cũng đưa ra những phát biểu tương tự. Ông viết: “Sau khi đi vào hoạt động, Mersey Tidal Power sẽ có tiềm năng trở thành hệ thống điện thủy triều lớn nhất thế giới.”

Các cơ sở năng lượng thủy triều đã hoạt động hàng thập kỷ, nhà máy điện thủy triều La Rance của EDF được xây dựng từ những năm 1960. Trong những năm gần đây, một số dự án đã đạt được những bước tiến lớn.

Tháng 2/2023, một công ty có trụ sở tại Edinburgh cho biết, mảng dòng thủy triều của doanh nghiệp đã đạt được thành tích đầu tiên trên thế giới, sản xuất 50 gigawatt giờ điện. Trước đó, tháng 7/2021, một tuabin thủy triều nặng 680 tấn đã bắt đầu phát điện nối lưới tại Trung tâm Năng lượng Biển Châu Âu ở quần đảo Orkney nằm ở phía bắc lục địa Scotland. Tháng 10/2022, kế hoạch phát triển một dự án trị giá 1,7 tỷ bảng Anh (khoảng 2,05 tỷ USD) kết hợp những công nghệ năng lượng tái tạo bao gồm tua-bin ngầm ở vùng biển ngoài khơi Swansea, thành phố ven biển ở xứ Wales được công bố.

Năng lượng tái tạo và tác động đến thiên nhiên

Tương tự như nhiều dự án năng lượng tái tạo trên khắp thế giới, cộng đồng lo ngại việc phát triển một cơ sở năng lượng thủy triều lớn ở Mersey có thể sẽ tác động đáng kể đến môi trường.

Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã Anh Cheshire Wildlife Trust tuyên bố “rất muốn hỗ trợ các chương trình năng lượng tái tạo ở đúng địa điểm” nhưng cho rằng “một kế hoạch đập phá ở Cửa sông Mersey có khả năng gây ra thiệt hại đáng kể cho môi trường. ″

Tổng quát hơn, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ lưu ý, một “nhược điểm tiềm ẩn của năng lượng thủy triều là tác động của trạm thủy triều đối với thực vật và động vật ở các cửa sông trong lưu vực thủy triều. Rào chắn thủy triều có thể làm thay đổi mức thủy triều trong lưu vực, làm tăng độ đục (lượng vật chất lơ lửng trong nước), Những đập ngăn nước cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động giao thông vận tải thủy và giải trí.”

Hiện chưa có quyết định chính thức, kế hoạch cho cửa sông Mersey sẽ là đập hay phá.

Ông Martin Land, giám đốc Dự án Điện thủy triều Mersey nhấn mạnh, đã có “bản hướng dẫn chi tiết cho đánh giá tác động môi trường mà nhà đầu tư phải thực hiện đối với các dự án lớn... đặc biệt đối với các dự án cơ sở hạ tầng lớn.”

Ông nói thêm: “Chúng tôi biết rất rõ rằng, khi phát triển những phương án triển khai dự án, chúng tôi cần xem xét tác động của kế hoạch đầu tư xây dựng đối với sông và cửa sông cũng như liệu dự án này có thể giúp giải quyết vấn đề mực nước biển dâng cao trong khu vực hay không”.

Cần sự hỗ trợ ngân sách từ chính phủ

Những đề xuất cho Dự án Điện thủy triều Mersey là một ví dụ điển hình về việc chính phủ Anh đang tìm kiếm phương án khai thác đường bờ biển rộng lớn quốc gia và trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng biển mới nổi.

Mặc dù hiện đang có rất nhiều kế hoạch, vẫn còn một khối lượng lớn công việc cần phải được thực hiện để đưa các ý tưởng trở thành hiện thực.

Điểm đặc biệt của dự án này là, dù thiết kế kiểu nào cũng cần kết hợp những âu thuyền cho một số lượng lớn tàu vận tải lớn và nhỏ đi dọc theo sông. Nếu thực hiện đầy đủ, chi phí của dự án sẽ rất lớn. Cơ quan có Thẩm quyền Kết hợp khu vực Thành phố Liverpool gọi đây là một dự án phát triển “nhiều tỷ bảng Anh”.

Với quy mô to lớn nhất thế giới của dự án, chắc chắn sẽ cần có sự hỗ trợ ngân sách từ chính quyền trung ương London, một điểm mà Rotheram thừa nhận trong phát biểu với CNBC.

Ông nói: “Chúng tôi đã chứng tỏ rằng chúng tôi có kỹ năng, năng lực và ý chí chính trị — để làm nên thành công của Mersey Tidal Power. Bây giờ chúng tôi cần chính phủ phối hợp với tham vọng của chúng tôi bằng nguồn kinh phí nhà nước để biến ý tưởng thành hiện thực.”

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Martin Land cũng nhắc lại quan điểm của Rotheram: “Hành động của chính phủ sẽ cho phép chúng tôi tự tin tiến về phía trước. Chúng tôi muốn chuyển sang lựa chọn chương trình duy nhất trong năm nay. Chúng tôi muốn tham gia vào quá trình đồng ý chính thức cấp quốc gia để có thể xây dựng và vận hành nhà máy điện thủy triều vào đầu những năm 2030.”

Theo CNBC

Hiện trạng điện gió ngoài khơi và định hướng phát triển tại Việt Nam

 

Hiện trạng điện gió ngoài khơi và định hướng phát triển tại Việt Nam

 - Điện gió ngoài khơi - nguồn điện xanh thế hệ mới có lịch sử phát triển khoảng 30 năm gần đây tại các nước Đan Mạch, Anh, Đức, Trung Quốc, Mỹ. Sau Hội nghị Thượng đỉnh Cop 26 năm 2021 (tại Anh) trên thế giới đã hình thành liên minh các quốc gia điện gió ngoài khơi (GOWA). Xu hướng phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới đang gia tăng mạnh, hiện tại là 57 GW và có thể đạt 500 GW lắp đặt vào năm 2040, 1.000 GW vào năm 2050. Việt Nam có tiềm năng kinh tế kỹ thuật điện gió ngoài khơi trên 600 GW, đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm phát triển, đầu tư các dự án. Để phát triển bền vững ngành điện gió ngoài khơi, cần sớm có nghiên cứu xây dựng cơ sở pháp lý thúc đẩy điện gió ngoài khơi (luật, chiến lược quốc gia về điện gió ngoài khơi và các văn bản chính sách liên quan...).
Điện gió ngoài khơi ở Việt Nam: Các bên cần kiên nhẫn và làm tốt khâu chuẩn bịĐiện gió ngoài khơi ở Việt Nam: Các bên cần kiên nhẫn và làm tốt khâu chuẩn bị
Điện gió ngoài khơi: Tiềm năng, thách thức và kế hoạch hành động của Việt NamĐiện gió ngoài khơi: Tiềm năng, thách thức và kế hoạch hành động của Việt Nam

1. Điện gió ngoài khơi và chính sách phát triển trên thế giới:

Xu hướng chung thế giới nỗ lực giảm khí thải nhà kính để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tạo ra nhu cầu hướng tới các dạng năng lượng tái tạo có hàm lượng carbon thấp.

Theo báo cáo tháng 10/2020 của Tổ chức Năng lượng Tái tạo Thế giới (IRENA): Các nguồn năng lượng tại tạo (NLTT) có thể tạo ra 130.000 TWh điện mỗi năm (hơn gấp đôi nhu cầu tiêu thụ điện toàn cầu hiện nay).

Theo lịch sử phát triển, năng lượng tái tạo toàn cầu đã có bước tiến dài sau các mốc thời gian Hiệp định Kyoto (năm 1999), Hiệp định Paris (năm 2015) và Mục tiêu thiên niên kỷ SDG nhằm giảm khí thải nhà kính, nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu từ năm 2005 với 50 GW điện gió, 15 GW điện mặt trời đến hết năm 2018 đã đạt kỷ lục tổng công suất điện gió là 590 GW, điện mặt trời là 400 GW.

Theo dự báo của IRENA: Tốc độ lắp đặt điện tái tạo hàng năm hiện nay đối với điện gió, mặt trời/năm là 109 GW/54 GW/năm, năm 2030 là 300 GW/200 GW/năm, năm 2050 là 360 GW/240 GW/năm. Tỷ trọng đóng góp hiện nay trong tổng nguồn điện là 25% điện tái tạo, năm 2030 sẽ là 57%, năm 2050 sẽ là 86%.

Công nghệ năng lượng được hiện đại hóa, các trang trại điện mặt trời, điện gió lên đến hàng trăm MW. Năng lượng gió trên biển được chuyển đổi thành điện năng nhờ các tua bin gió có công suất lớn lên đến 16 MW - 20 MW, được chế tạo với tuổi thọ cao hơn lên đến 25 - 30 năm, giá thành giảm nhanh và phù hợp với điều kiện khắc nghiệt trên biển.

Điện gió ngoài khơi là một hình thức phát điện khai thác sức gió ngoài biển, biến thành điện năng và cung cấp cho mạng lưới truyền tải điện trên bờ. Những trang trại điện gió biển tại Vinderby (Đan Mạch) đã được lắp đặt các đây 30 năm và có tuổi thọ 25 năm, đã được tháo dỡ.

Điện gió ngoài khơi là một công nghệ đã được chứng minh và triển khai trên quy mô lớn ở nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Vương quốc Anh. Đối với nhiều quốc gia, điện gió ngoài khơi hứa hẹn như một hình thức phát điện ở quy mô lớn, sạch và đáng tin cậy, với khả năng khuyến khích các lợi ích về kinh tế.

Đến năm 2022 thế giới có 57,6 GW điện gió ngoài khơi được lắp đặt, trong đó đứng đầu là Trung Quốc (25,6 GW) chiếm 44%, UK (13,6 GW), Đức (8 GW), Hà Lan (3 GW). Số lượng các dự án điện gió ngoài khơi (ĐGNK) phát triển nhanh trong các năm 2021, 2022 và các năm tới. Riêng tại vùng biển tại Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc dự kiến 30 GW sẽ lắp đến 2030. Năm 2022, Trung Quốc chiếm 2/3 điện gió ngoài khơi, lắp đặt 6,8 GW trong 9,4 GW điện gió ngoài khơi trên toàn cầu.

Báo cáo Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) đã dự báo: Năm 2040 sẽ có 1.000 tỷ USD đầu tư vào điện gió ngoài khơi và châu Á chiếm đến hơn 60%. Trung Quốc năm 2019 có 4 GW điện gió ngoài khơi, hiện nay là hơn 25,5 GW (vượt số lượng điện gió ngoài khơi của châu Âu) và dự báo 2040 là 110 GW, 2050 là 350 GW.

Chính sách và đạo luật về NLTT của một số quốc gia tiêu biểu như: Trung Quốc, Đan Mạch, Anh, Đức được đánh giá là khá tiên tiến và toàn diện. Các nước này đều có luật NLTT và thúc đẩy phát triển NLTT nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng từ những năm 2000 nên đã đạt được một số thành tựu đáng kể.

Đặc biệt, Đan Mạch có kế hoạch đạt mức tiêu thụ điện từ năng lượng gió ngoài khơi lên tới 50% vào năm 2030, trong khi Anh đã xây dựng thành công nhiều dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi cũng gặp phải nhiều khó khăn và thách thức, như tranh chấp quyền sở hữu đất đai, tài nguyên biển và vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường. Do đó, cần có sự hợp tác giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế để xây dựng một hệ thống hành lang pháp lý và chính sách phù hợp cho phát triển điện gió ngoài khơi, đồng thời đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan và bảo vệ môi trường.

Gần đây các quốc gia như Mỹ, Úc có chính sách cụ thể cho điện gió ngoài khơi gồm cơ quan đầu mối một cửa quản lý cấp phép điện gió ngoài khơi, Mỹ là Cục Năng lượng Đại dương (BOEM), Úc là Cục Năng lượng và Biến đổi Khí hậu và 1 số đạo luật về điện gió ngoài khơi.

2. Điện gió ngoài khơi và chính sách phát triển tại Việt Nam:

Việt Nam đã cam kết với quốc tế giảm phát thải khí carbonic về không (Net-zero) vào năm 2050. Các nguồn điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi dự tính sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn phát điện vào năm 2045 (theo dự thảo Quy hoạch điện VIII). Phát triển điện gió ngoài khơi, ngoài việc khai thác tiềm năng to lớn về năng lượng còn đảm bảo thực hiện tầm nhìn phát triển kinh tế biển...

Trong tương lai gần, ngành điện Việt Nam ngày càng gặp nhiều thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu cho tăng trưởng kinh tế. Một số thách thức lớn đối với ngành điện như: Nhu cầu điện đang và sẽ tăng trưởng cao, nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt dẫn đến sớm phải nhập khẩu nhiên liệu…

Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới, trong đó có điện gió ngoài khơi là giải pháp đột phá.

Tiềm năng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam có khoảng gần 600 GW. Trong đó, tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi: 261 GW điện gió ngoài khơi móng cố định (ở độ sâu <50 m), 338 gw của các dự án điện gió ngoài khơi móng nổi (ở vùng biển sâu hơn 50 m). có nơi tốc độ hàng năm vượt quá 10 m>

Tháng 12/2022, Bộ Công Thương đã dự thảo Quy hoạch phát triển điện VIII (QHĐ 8) trong đó đặt mục tiêu 7 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và 87 GW vào năm 2050.

Nam 2021, Báo cáo Lộ trình Điện gió Ngoài khơi cho Việt Nam do Ngân hàng Thế giới xuất bản đưa ra một kịch bản cao 70 GW vào năm 2050, với tầm nhìn 1 quốc gia thành công trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi và cho rằng: Việt Nam có thể đứng thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc, Nhật Bản). Suất đầu tư cho 1 MW điện gió ngoài khơi đã giảm mạnh từ năm 2012 với 255 USD/MWh đến hiện nay vào khoảng 80 USD/1 MWh và sau 2030 sẽ vào khoảng 58 USD/1 MWh.

Các chính sách lớn về về NLTT và điện gió ngoài khơi:

Để có được những định hướng chiến lược đúng đắn nhất cho việc phát triển, tận dụng nguồn năng lượng từ biển, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018), Nghị quyết đã đưa ra các đột phá về phát triển kinh tế biển, trong đó tại vị trí số 6 có nhấn mạnh về “Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới”.

Ngày 11/2/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nội dung: “… Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam”.

Dự thảo Quy hoach điện VIII với 87 GW điện gió ngoài khơi hiện nay chưa được phê duyệt.

Vấn đề cấp phép khảo sát biển cho điện gió ngoài khơi:

1. Luật Biển Việt Nam (ngày 21/6/2012).

2. Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (ngày 25/6/2015).

3. Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 (ngày 24/11/2017).

4. Nghị định số 11/2021/NĐ-CP (ngày 10/02/2021) của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

5. Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg (ngày 10/9/2018) của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg (ngày 29/6/2011) của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam tại Điều 8 quy định: “Khởi công xây dựng công trình điện gió: Chủ đầu tư chỉ được phép khởi công xây dựng công trình điện gió khi… có báo cáo số liệu đo gió trong khoảng thời gian liên tục ít nhất là 12 tháng”.

6. Thông tư số 02/2019/TT-BCT (ngày 15/01/2019) của Bộ Công Thương quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện xong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP (ngày 15/5/2016) của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP. Trong đó, đã bổ sung quy định về hồ sơ, trình tự thẩm định, ban hành văn bản chấp thuận đo đạc, quan trắc, đánh giá tài nguyên biển. Về thành phần hồ sơ:

- Đơn đề nghị chấp thuận hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên trên biển theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định.

- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức, cá nhân, hợp đồng liên kết (nếu có).

- Bản thuyết minh hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên trên biển.

- Sơ đồ khu vực biển đề nghị hoạt động, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên trên biển, trong đó thể hiện tọa độ các điểm góc của khu vực biển đề nghị sử dụng theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định.

Hiện trạng điện gió ngoài khơi và định hướng phát triển tại Việt Nam
Danh sách 96 dự án đăng ký đến năm 2022 theo các tỉnh. (Nguồn Viện năng lượng, Bộ Công Thương).

Hiện nay có 2 dư án được cấp phép đo gió: TLW Bình thuận (2.700 km2) đo gió và khảo sát tổng hợp và Bến Tre (chỉ đo gió với 36 m2). Còn 41 dự án đã có đơn xin cấp phép khảo sát năng lượng gió ngoài khơi.

Lợi ích của điện gió ngoài khơi bao gồm:

1/ Điện gió ngoài khơi được coi là giải pháp đột phá nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu nhập khẩu, giảm phát thải chất ô nhiễm và khí nhà kính.

2/ Trong giai đoạn (như chuẩn bị, xây dựng và tháo dỡ) sẽ tạo thêm hàng trăm nghìn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cải thiện đời sống của người dân. Khi các nhà máy điện gió ngoài khơi đi vào hoạt động tạo thêm việc làm chất lượng cao từ nguồn nhân lực trong nước.

3/ Cấu trúc móng dưới nước của các tua bin gió ngoài khơi có thể hoạt động như các rạn san hô nhân tạo, thu hút một số loài nhuyễn thể và cá nhỏ, tác động trực tiếp đến chuỗi thức ăn của các loài sinh vật lớn. Hệ sinh thái biển sẽ dần được phục hồi và trở thành khu bảo tồn thiên nhiên.

3. Đề xuất giải pháp phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam:

Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu điện, đảm bảo an ninh năng lượng, đa dạng hóa nguồn điện và cung cấp điện ổn định, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước, việc xây dựng chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam thành cường quốc điện gió ngoài khơi (Quốc gia kinh tế biển mạnh) là hết sức cần thiết.

Một số đề xuất như sau:

Thứ nhất: Sớm nghiên cứu xây dựng hệ thống văn bản pháp lý cho phát triển điện gió (luật, cùng các văn bản, nghị định, thông tư, quy định kỹ thuật, quy chuẩn quốc gia về điện gió ngoài khơi).

Thứ hai: Chỉ định 1 cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện quy hoạch tổng thể cấp quốc gia về phát triển điện gió ngoài khơi và cấp phép 1 cửa cho các dự án điện gió ngoài khơi.

Thứ ba: Thúc đẩy việc sản xuất, nội địa hóa thiết bị cho việc phát triển và sử dụng các nguồn điện gió ngoài khơi.

Thứ tư: Xây dựng kế hoạch hợp tác ngắn và dài hạn với các tổ chức quốc tế trong việc phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và tập huấn về nguồn điện gió ngoài khơi.

Thứ năm: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về phát triển và sử dụng năng lượng gió ngoài khơi.

Thứ sáu: Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi.

Thứ bảy: Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

Thứ tám: Chính sách tín dụng xanh, chính sách cacbon với điện gió ngoài khơi./.

TS. DƯ VĂN TOÁN - TS. PHẠM THANH ĐẢM - THS. PHẠM QUỐC SỸ


Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

3. GWEC, 2022, Global Offshore Wind Report 2022.

4. Ngân hàng thế giới, 2021. Báo cáo Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam đến năm 2050.

5. Australia, Offshore Electricity Infrastructure Regulations 2022.

Thứ Ba, tháng 3 14, 2023

34 nhà máy điện sạch ‘cầu cứu’ Thủ tướng vì không bán được điện

 

36 nhà đầu tư điện sạch đã cùng ký văn bản kiến nghị Thủ tướng về những bất cập trong cơ chế giá phát điện với điện gió, điện mặt trời làm cho 34 nhà máy điện đã đầu tư xong nhưng không thể bán điện cho EVN.

34 nhà máy điện sạch ‘cầu cứu’ Thủ tướng vì không bán được điện - Ảnh 1.

Một dự án điện gió được đầu tư tại xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình - Ảnh: B.NGỌC

34 nhà máy nằm chờ cơ chế

Mới đây, trong văn bản gửi tới Thủ tướng, các nhà đầu tư cho biết trong những năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có 84 dự án điện tái tạo với công suất khoảng 4.676,62 MW đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch (các dự án chuyển tiếp).

Và trong số các dự án chuyển tiếp này, hiện nay có 34 dự án (bao gồm 28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời), với tổng công suất phát điện 2.090,97 MW, đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy, vượt qua giai đoạn thử nghiệm, đủ điều kiện phát điện lên lưới, nhưng các nhà đầu tư phải nằm chờ cơ chế giá phát điện - cơ sở để nhà đầu tư các nhà máy và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thỏa thuận giá mua bán điện.

Các nhà đầu tư dự án cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, 6 nhà máy điện mặt trời đã nằm chờ cơ chế hơn 26 tháng, và 28 nhà máy điện gió phải nằm chờ cơ chế khoảng 16 tháng.

Tổng vốn đầu tư 34 dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng không bán được điện lên hệ thống điện quốc gia theo tính toán của các nhà đầu tư lên tới khoảng 85.000 tỉ đồng, trong đó có 58.000 tỉ đồng là vốn vay ngân hàng. 

Vì vậy, các nhà đầu tư dự án cho biết đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ phương án tài chính dự án, nợ xấu doanh nghiệp gia tăng, ngân hàng khó thu hồi vốn.

Về lâu dài, nếu cơ chế giá bán điện gió, điện mặt trời không đạt hiệu quả sẽ dẫn đến việc dừng hoặc chậm đầu tư các dự án điện, dẫn tới không bảo đảm an ninh năng lượng, khó thực hiện được các cam kết về chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải carbon và lộ trình cắt giảm khí thải của Chính phủ.

Kiến nghị sớm ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp

Để gỡ vướng cho 34 nhà máy điện gió, điện mặt trời đang "nằm treo" chờ cơ chế, cộng đồng các nhà đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu và ban hành mức khung giá phát điện mới tuân thủ đúng khung giá phát điện cho các dự án chuyển tiếp.

Bên cạnh đó, kiến nghị thực hiện thuê đơn vị tư vấn độc lập tính khung giá phát điện và tuân thủ các yêu cầu tham vấn từ hội đồng tư vấn, Bộ Tài chính nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch; tính toán khung giá điện dựa theo mức IRR (tỉ suất lợi nhuận sau thuế cho nhà đầu tư) là 12% theo khoản 4 điều 5 thông tư 15 được Bộ Công Thương ban hành ngày 3-10-2022.

Đối với hợp đồng mua bán điện, các nhà đầu tư 34 dự án điện gió, điện mặt trời cũng kiến nghị cần giữ lại chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo đã được Chính phủ ban hành, với các chính sách nổi bật như:

Thời hạn áp dụng giá mua điện cho dự án chuyển tiếp là 20 năm; cho phép chuyển đổi giá sang tiền USD và được điều chỉnh theo biến động tỉ giá VND/USD, hoặc có quy định về tỉ lệ trượt giá trong phát điện; và quy định trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện tái tạo.

Cộng đồng các nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm hoàn thiện và ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp để chủ đầu tư các nhà máy điện tái tạo có thể bán điện trực tiếp cho các bên có nhu cầu sử dụng điện lớn đã sẵn sàng mua điện từ các nhà máy.

TheoTuoiTre

Cận cảnh mô phỏng đảo năng lượng đầu tiên trên thế giới

 Tập đoàn năng lượng Elia, Bỉ sắp xây dựng một hòn đảo nhân tạo ở Biển Bắc để kết nối các trang trại điện gió ngoài khơi với đất liền.

TheoVTC


Thứ Năm, tháng 3 09, 2023

Turbine gió nổi đầu tiên trên thế giới

 


Giàn turbine gió nổi đầu tiên trên thế giới được phát triển bởi X1 Wind, được lắp đặt ở quần đảo Canary (Tây Ban Nha) với hệ thống neo sâu dưới đáy biển.

TheoVTC


Bùng nổ dự án nhà máy pin trữ điện ở Úc nhờ chuyển đổi năng lượng

 Sự chuyển đổi nhanh chóng của Úc từ năng lượng than sang các giải pháp thay thế sạch đang kích hoạt cơn bùng nổ các dự án nhà máy pin có khả năng lưu trữ năng lượng mặt trời và gió.

Nhà máy pin trữ điện thuộc sở hữu của Công ty năng lượng tái tạo ở Hornsdale, Nam Úc. Nhà máy này sử dụng hệ thống pin Megapack của Tesla. Ảnh: ABC News

Hiện tại, Úc có ít nhất 250 dự án phát triển nhà máy pin đã được lên kế hoạch với công suất tiềm năng gần 130.000 MWh, chỉ đứng đứng sau Trung Quốc, theo dữ liệu của Công ty tài chính năng lượng mới (BloombergNEF). Úc vẫn dựa vào than để sản xuất hơn một nửa sản lượng điện nhưng nhiều nhà máy nhiệt điện than lớn sẽ đóng cửa trong thập niên tới.

Các nhà máy trữ điện mặt trời bằng pin với công suất lớn cho phép các trang trại điện mặt trời và điện gió hoạt động hiệu quả hơn vì chúng có thể giúp giữ lại công suất điện dư thừa để cung cấp cho lưới điện khi cần thiết, chẳng hạn vào những thời điểm nhu cầu sử dụng điện lên cao điểm.

“Để vận hành một hệ thống năng lượng carbon thấp đáng tin cậy, việc lưu trữ năng lượng gió và mặt trời là điều bắt buộc”, Tim Jordan, ủy viên của Ủy ban Thị trường năng lượng Úc, cố vấn năng lượng của chính phủ, nói và cho biết thêm các khoản đầu tư cho nhà máy pin đang trở nên cấp bách hơn khi ngày càng có nhiều đề xuất đóng cửa nhà máy nhiệt điện than.

Phát biểu tại một hội nghị ở Sydney hôm 7-3, ông cho biết Úc cần đầu tư khoảng 64 tỉ đô la Úc (43 tỉ đô la Mỹ) để xây dựng đủ các nhà máy pin trữ điện cho đến năm 2050. Đó là một phần của chương trình đầu tư khổng lồ có thể tiêu tốn tới 242 tỉ đô la Úc để tăng công suất năng lượng sạch, bao gồm các các dự án năng lượng mặt trời và gió cũng như hàng nghìn km đường dây điện mới.

Các công ty điện lực ở Úc đang chạy đua để đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than cũ kỹ để đáp ứng các mục tiêu khử carbon. Ngoài ra, năng lượng tái tạo rẻ hơn cũng khiến các nhà máy này không có lãi. Công ty Origin Energy lên kế hoạch đóng cửa nhà máy nhiệt điện than Eraring ở bang New South Wales ngay sau năm 2025, trong khi Công ty AGL Energy đặt mục tiêu đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện than sớm nhất là vào khoảng năm 2040.

Shane Bannister, giám đốc cấp cao về phát triển kinh doanh dự án năng lượng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của hãng xe điện Tesla, nói: “Chúng tôi chứng kiến sự phát triển năng lượng tái tạo đáng kinh ngạc ở Úc”. Ông cho rằng các hệ thống pin khổng lồ sẽ một phần của giải pháp ứng phó sự biến động thất thường của năng lượng gió và mặt trời.

Bên cạnh mảng kinh doanh chính là xe điện, Tesla còn tham gia các lĩnh vực năng lượng sạch và trí tuệ nhân tạo. Tesla tiếp thêm sinh lực cho lĩnh vực lưu trữ năng lượng của Úc với việc tham gia xây dựng nhà máy pin quy mô lưới điện lớn nhất thế giới vào năm 2017 tại Hornsdale, Nam Úc. Tesla ghi nhận công suất pin trữ điện mà hãng triển khai tăng vọt 64% vào năm ngoái. Giờ đây, Tesla tập trung vào việc tăng doanh số bán hệ thống pin Megapack sử dụng cho lưới điện.

Drew Baglino, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách hệ thống truyền động và kỹ thuật năng lượng của Tesla, nói: “Megapack sẽ là sản phẩm giúp loại bỏ nhiên liệu hóa thạch cung cấp năng lượng cho các nhà máy vào một thời điểm nào đó trong tương lai”.

Theo Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk, một hệ thống năng lượng toàn cầu hoàn toàn không sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ cần khoảng 240 TWh công suất lưu trữ pin.

BNEF cho biết dù một số lượng lớn các dự án nhà máy pin trữ điện ở Úc vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch ban đầu và có thể chưa huy động vốn xong hoặc chưa được cấp phép, công suất lắp đặt pin trữ điện ở nước này được dự báo sẽ tăng trong năm nay và năm 2024.

Cuối tháng 12 năm ngoái, chính phủ Úc thông báo tài trợ 176 triệu đô la Úc để giúp đẩy nhanh quá trình phát triển tám dự án nhà máy pin lớn với tổng đầu tư khoảng 3 tỉ đô la Úc. Khoản tài trợ này cũng nhằm đảm bảo các hoạt động có chức năng ổn định lưới điện thường được cung cấp bởi các nhà máy nhiệt điện.

Báo cáo của BNEF công bố trong tháng này cho biết các nhà máy pin trữ điện ở Úc đang tạo ra nhiều doanh thu hơn và được hưởng lợi từ sự biến động mạnh về giá cả trên thị trường năng lượng trong năm 2022. Nhờ bán năng lượng sạch vào điện lưới, các nhà máy pin trữ điện được kết nối với thị trường bán buôn điện quốc gia Úc đạt doanh thu 85 triệu đô la Úc trong năm ngoái, tăng mạnh so với 12 triệu đô la Úc trong năm trước.

Theo Bloomberg