Thứ Hai, tháng 11 14, 2022

Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người đặt nền móng cho một lưới điện thống nhất

 

Một quyết định đảm bảo điện quốc gia, an ninh năng lượng, phát triển kinh tế, đồng thời đem lại công ăn việc làm cho hàng ngàn công nhân lao động, đặc biệt là công nhân chuyên ngành xây lắp điện.

0:00/ 6:35
Nữ miền Nam
0:00
7:38

Trong rất nhiều dấu ấn về Thủ tướng Võ Văn Kiệt, có dấu ấn đậm nét của ông với ngành điện, các nhà máy thủy điện và đặc biệt là với công trình đường dây 500kV đưa điện từ Bắc vào Nam. Sự quyết liệt và gắn bó của ông với các công trình điện trong vai trò Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ đã góp phần quan trọng trong xây dựng một lưới điện thống nhất cả nước, giải quyết tình trạng thiếu điện ở phía Nam, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên công trình đường dây 500 kV Bắc - Nam (ảnh tư liệu gia đình Thủ tướng)

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên công trình đường dây 500 kV Bắc - Nam (ảnh tư liệu gia đình Thủ tướng)

Phải có nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế

Những người công tác lâu năm trong ngành điện vẫn nhớ tình trạng thiếu điện ở miền Nam những năm 90 của thế kỷ trước. Khi đó, áp lực về nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế khu vực phía Nam rất lớn, trong khi thủy điện Trị An và Đa Nhim mới đưa vào hoạt động thì gặp cảnh thiếu nước và chạy cầm chừng, nhiệt điện Thủ Đức hoạt động hết công suất phải nghỉ bảo dưỡng.

Trong khi ở miền Bắc, các nhiệt điện Uông Bí, Ninh Bình, Phả Lại, một số tổ máy của Nhà máy thủy điện Hòa Bình lần lượt vận hành, đáp ứng đủ công suất.

Giữa các phương án tìm nguồn điện cho miền Nam, Chính phủ mà người đứng đầu là Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chọn phương án xây dựng đường dây siêu cao áp truyền tải điện năng với cáp điện 500kV, trải dài gần 1.500km đi từ miền Bắc, đi qua 14 tỉnh thành để đưa điện vào Nam.

Chân dung "Thủ tướng điện" Võ Văn Kiệt (ảnh tư liệu gia đình Thủ tướng)

Chân dung "Thủ tướng điện" Võ Văn Kiệt (ảnh tư liệu gia đình Thủ tướng)

Ngày 5/4/1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đưa ra quyết định khởi công xây dựng đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam và hạ quyết tâm hoàn thành trong 2 năm. Ông nói: “Tôi muốn nói tuyên bố khởi công ở đây là khóa sổ để không nói "làm với không làm" nữa mà chỉ có thể là làm sao thật nhanh. Đó là vấn đề đặt ra với chúng ta”.

Hơn ai hết, ông từng sống và làm việc ở phía Nam, ở trung tâm kinh tế TP.HCM, ông hiểu tầm quan trọng, sự cần thiết của điện đối với việc mở rộng sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân. Biệt danh “Thủ tướng điện” phổ biến từ lúc này, cũng có liên quan với thời điểm ông chỉ đạo xây dựng thủy điện Trị An năm 1978 và hàng loạt dự án điện sau đó.

Kỹ sư Hồ Anh Tô thời kỳ đó là Giám đốc Công ty xây lắp Điện 2 trở thành Tổng chỉ huy xây dựng đường điện 500kV cung đoạn phía Nam kể: Nghe thông tin Thủ tướng xem xét việc xây dựng đường dây 500kV Bắc- Nam, nhiều người rất mong chờ quyết định của Thủ tướng. Vì lúc bấy giờ phía Nam rất thiếu điện, công trình điện cũng không có, công nhân điện bắt đầu nghỉ chờ việc. Khi Thủ tướng quyết định chính thức xây dựng đường dây 500 kV, nhiều người vỡ òa trong sung sướng, vui mừng và tràn đầy khí thế, sẵn sàng nhận nhiệm vụ thi công.

"Một quyết định đảm bảo điện quốc gia, an ninh năng lượng, phát triển kinh tế, đồng thời đem lại công ăn việc làm cho hàng ngàn công nhân lao động, đặc biệt là công nhân chuyên ngành xây lắp điện. Lực lượng công nhân trèo cao mà chúng tôi đã đào tạo rất lâu trước đó nếu không có công trình, không có công việc thì sẽ mai một đi và sau này sẽ không có lực lượng này. Cho nên đến tận bây giờ, trong ký ức của chúng tôi, quyết định đó rất sâu sát, kịp thời, vừa phục vụ sự phát triển của đất nước vừa mang lại lợi ích, công ăn việc làm cho hàng ngàn công nhân" - ông Hồ Anh Tô nhớ lại.

Việc chung là thế, nhưng ít ai biết rằng, giai đoạn đó, bà Phan Hiếu Dân, con gái Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng có một công ty sản xuất và xuất khẩu hàng hóa đi Nhật. Các đối tác phía Nhật khi ấy ký hợp đồng với công ty của bà đều quan tâm đầu tiên đến nguồn điện cho sản xuất thế nào để đảm bảo tiến độ giao hàng. Và có lẽ, qua câu chuyện của con gái, Thủ tướng càng hiểu hơn sự cấp thiết của việc đảm bảo đủ điện cho sản xuất ở phía Nam.

Bà Hiếu Dân nhớ lại: "Kể cả điện sinh hoạt thời đó cũng rất thiếu. Thời đó, chúng tôi cũng bắt đầu làm kinh tế và chọn làm với thị trường Nhật. Câu đầu tiên đối tác Nhật đều hỏi: Một tuần bao nhiêu ngày cúp điện, vì với họ thời điểm giao hàng đúng rất quan trọng. Vì vậy, băn khoăn của chúng tôi cũng là nỗi đau đáu của ông - chuyện không có điện".

Bà Phan Hiếu Dân - con gái Thủ tướng Võ Văn Kiệt với các hình ảnh tư liệu về ngành điện (ảnh: Tỷ Huỳnh)

Bà Phan Hiếu Dân - con gái Thủ tướng Võ Văn Kiệt với các hình ảnh tư liệu về ngành điện (ảnh: Tỷ Huỳnh)

Tổng tư lệnh trên công trường ngành điện

Thủ tướng quan tâm tạo ra nguồn năng lượng điện để phát triển sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân. Trong thời gian làm đường dây tải điện Bắc- Nam, “Thủ tướng điện” đã liên tục có mặt trên những cung đường, những điểm thi công hiểm trở, động viên những người làm việc quên mình và người dân đồng thuận về giải phóng mặt bằng cho công trình sớm đem lại hiệu quả.

Từ công trình Thủy điện Trị An khi ông Võ Văn Kiệt là Bí thư Thành ủy TP.HCM đến công trình đường dây 500kV khi ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng cùng hàng loạt công trình điện khác được khởi công và hoàn thành, đều mang dấu ấn đậm nét của ông

Thời ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng Chính phủ thì Kỹ sư Nguyễn Bá Mẫn là Giám đốc Ban Quản lý các Dự án Thủy điện trên dòng Đồng Nai. 30 năm làm các dự án thủy điện phía Nam, ông Mẫn ấn tượng cách điều hành mềm dẻo, linh hoạt, nhẹ nhàng mà quyết liệt của “anh Sáu Dân”- Bí thư Thành ủy TP.HCM và sau này là Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Vai trò to lớn của ông Võ Văn Kiệt thể hiện rõ nhất trong một số dự án thủy điện nhiều khó khăn như: Trị An, Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận- Đa Mi.

Ông Mẫn kể lại, dự án thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi có sản lượng 1,6- 1,7 tỷ kWh/năm, ngoài cấp điện ra còn tưới cho khoảng 40.000 ha vựa lúa của tỉnh Bình Thuận và một số diện tích phía Bắc của tỉnh Đồng Nai, có hai mục tiêu rõ ràng. Trước kia không có vốn, lúc này bắt đầu có vốn ODA của Nhật, ông Sáu là Thủ tướng đã dành cho Hàm Thuận - Đa Mi, thủy điện đầu tiên và duy nhất dùng nguồn vốn này, với số vốn rất lớn là 650 triệu USD.

"Ở vị trí nào, anh Sáu Dân cũng đặc biệt quan tâm làm điện. Anh Sáu thời gian đó thường xuyên chỉ đạo, thường xuyên có mặt ở công trường, kể cả ngày chủ nhật" - ông Nguyễn Bá Mẫn cho biết.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thường xuyên có mặt tại các công trình điện, kể cả ngày nghỉ (ảnh tư liệu gia đình Thủ tướng)

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thường xuyên có mặt tại các công trình điện, kể cả ngày nghỉ (ảnh tư liệu gia đình Thủ tướng)

Kỹ sư Hồ Thị Bích Phượng, nguyên Giám đốc Công ty Truyền tải Điện 4 cho biết, hiếm có một Thủ tướng nào có tâm huyết, có ý chí mạnh mẽ với ngành điện như Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ngay từ đầu ông đã xác định, trong sự phát triển của đất nước, ngành điện rất quan trọng, đây là ngành phải đi đầu trong lĩnh vực công nghiệp, không có điện thì không thể phát triển các ngành khác. Ông đã đứng ra chỉ đạo các ngành, các địa phương phối hợp, hỗ trợ ngành điện phát triển. Thủ tướng rất sát với dân, với ngành nghề, với công việc để chỉ đạo.

"Trong ngành điện, ai cũng thương yêu, trân trọng ông. Ông đã chỉ đạo ngành điện rất sát sao, từ khâu sản xuất, đến vận hành, truyền tải. Nhiều lần đi công trường với ông, thấy được ý chí của ông trong lãnh đạo ngành điện. Chúng tôi thường xuyên hứa với ông là quyết tâm giữ vững lưới điện, nhất là trong điều kiện lúc đó miền Nam “đói” điện, mỗi kW điện là mỗi sự trân trọng. Với chỉ đạo, quyết tâm lớn, ông đã đưa được lưới điện quốc gia về với miền Nam" - bà Hồ Thị Bích Phượng cho biết.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt với các kỹ sư, công nhân ngành điện (ảnh tư liệu gia đình Thủ tướng)

Thủ tướng Võ Văn Kiệt với các kỹ sư, công nhân ngành điện (ảnh tư liệu gia đình Thủ tướng)

Với tư duy sáng tạo, khả năng quyết đoán, tổ chức phối hợp nhịp nhàng trong chỉ đạo điều hành, những công trình điện được quyết định đầu tư, thiết kế, thi công nhanh, chất lượng, để lại dấu ấn gắn liền với tên tuổi của ông như đường dây tải điện 500 kV Bắc- Nam, các nhà máy thủy điện Trị An, Thác Mơ, Yaly…

Ông mãi là một “Thủ tướng điện”, một tổng tư lệnh ngành, một nhà lãnh đạo đặt nền móng và có những đóng góp to lớn cho một lưới điện thống nhất cả nước, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập kinh tế như ngày nay./.

Minh Hạnh/VOV-TPHCM

0 nhận xét: