Năng lượng của tương lai
Phiên giao dịch cuối tuần qua (7/1/2022) đã chứng kiến đà tăng mạnh của một số cổ phiếu nhóm năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) như BCG (tăng kịch trần, đóng cửa ở mức 25.900 đồng/cổ phiếu), TTA (tăng 3,1%, đóng cửa ở mức 16.500 đồng/cổ phiếu)…
Nhà đầu tư Nguyễn Văn Thắng (Hoàng Mai, Hà Nội) tiết lộ, nhóm cổ phiếu năng lượng tái tạo là trọng điểm đầu tư của anh trong năm nay. Luận điểm đầu tư của anh Thắng là, Chính phủ định hướng cơ cấu lại nguồn điện theo hướng giảm tỷ trọng đóng góp của các kênh phát điện truyền thống và tăng tỷ trọng của điện gió, điện mặt trời sẽ tạo cú huých lớn cho doanh nghiệp năng lượng sạch.
Tại cuộc họp lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), tổ chức ngày 19/11/2021, do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì, nhiều ý kiến đã kiến nghị xây dựng cơ cấu nguồn điện phù hợp hơn, bền vững hơn.
Bản dự thảo Quy hoạch điện VIII cập nhật trong tháng 11/2021 đã có nhiều thay đổi so với dự thảo hồi tháng 3/2021 theo hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Cụ thể, so với phương án đưa ra lấy ý kiến vào tháng 3/2021, thì cơ cấu nguồn nhiệt điện than giảm nhẹ, chiếm 25,49% (phương án tháng 3 là 26,7%); điện khí chiếm 9,49% (phương án tháng 3 là 9,9%); điện gió trên bờ chiếm 11,13% (phương án tháng 3 là chiếm 10,7%); điện gió ngoài khơi chiếm 2,57% (phương án tháng 3 là 2%).
Năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) sẽ tăng từ mức khoảng 17.000 MW hiện nay lên tới 31.600 MW vào năm 2030, chiếm tỷ lệ khoảng 24,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Bộ đã thực hiện tính toán bổ sung phương án phát triển nguồn điện (phương án điều hành tháng 11/2021) có xem xét tới yếu tố dự phòng khi tỷ lệ thực hiện nguồn điện không đạt so với quy hoạch, đồng thời xem xét giảm nguồn điện than theo tinh thần của Hội nghị COP26.
Quan điểm chủ đạo trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh là giảm điện than; phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chú ý bảo đảm hiệu quả, hài hòa, cân đối của hệ thống. Điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên trong giai đoạn tới.
Bà Virginia B.Foote, đại diện Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đánh giá cao việc mở rộng các dự án năng lượng tái tạo và hạn chế dần các dự án nhiệt điện than mới trong Quy hoạch điện VIII của Việt Nam.
Bà cũng đề nghị có giải pháp tiếp cận nguồn vốn linh hoạt bởi các tiến bộ công nghệ diễn ra hàng ngày, có kế hoạch thu xếp vốn tài chính nhanh chóng vào các dự án.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể phát triển từ 5 - 10 GW gió ngoài khơi đến năm 2030, tạo ra khoảng 60 tỷ USD tổng giá trị gia tăng cho cả nền kinh tế. Nhờ có nguồn điện gió mạnh, các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam có thể đạt hệ số công suất lớn hơn 50% - tương đương với hệ số công suất của thủy điện.
Hiện nay, các công nghệ của điện gió ngoài khơi đang được cải tiến với tốc độ nhanh hơn so với công nghệ áp dụng cho các nguồn năng lượng khác.
Doanh nghiệp tăng tốc đầu tư điện sạch
Trước những cơ hội lớn từ ngành năng lượng sạch, mới đây, đại hội cổ đông bất thường của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (mã PVS) đã thông qua việc bổ sung đầu tư điện gió ngoài khơi vào ngành nghề kinh doanh chính.
Theo PVS, điều này phù hợp với định hướng của Công ty trong bối cảnh dịch chuyển năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam đang xây dựng các chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững. Chính phủ sẽ ưu tiên tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch điện lực quốc gia và điện gió là lĩnh vực có tiềm năng phát triển.
PVS đã thông qua việc bổ sung đầu tư điện gió ngoài khơi vào ngành nghề kinh doanh chính.
Thời gian qua, PVS đã tham gia cung cấp dịch vụ cho phần lớn các dự án điện gió gần bờ tại khu vực Tây Nam Bộ như vận chuyển, lắp đặt tháp, tua-bin gió, rải cáp ngầm. Công ty cũng đang cung cấp dài hạn tàu chuyên dụng phục vụ công tác vận chuyển nhân sự, thiết bị vận hành và bảo dưỡng tại dự án điện gió Bình Đại - Bến Tre và dự án điện gió Trà Vinh.
Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) phân tích, theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất dự kiến từ mức 27% trong năm 2021 lên 29% trong năm 2025 và hơn 40% trong năm 2045. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của thế giới và cam kết cắt giảm khí thải toàn cầu.
Theo TVSI, Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) là doanh nghiệp triển vọng tốt trong trung và dài hạn với ngành năng lượng tái tạo. Năm 2021, HDG đã đưa vào vận hành dự án điện gió 7A cùng với hai nhà máy thủy điện, nâng tổng công suất của các nhà máy điện từ 245 MW lên 462 MW.
TVSI dự tính, đến năm 2030, sản lượng điện năng lượng tái tạo của HDG sẽ chiếm 2-5% sản lượng năng lượng tái tạo trên toàn quốc. Với giả định tốc độ tăng trưởng trung bình doanh thu từ lĩnh vực năng lượng là 20%/năm, TVSI ước tính từ năm 2023, mảng năng lượng sẽ đóng góp cho HDG trên 1.000 tỷ đồng lợi nhuận hàng năm.
Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã REE) định hướng đầu tư vào mảng điện gió, hiện đã sở hữu 126 MW điện gió và 86 MW điện mặt trời áp mái. REE được kỳ vọng sẽ sớm phục hồi doanh thu và lợi nhuận nhờ các hợp đồng đã hoàn thành nhưng chưa nghiệm thu.
Công ty cổ phần Fecon (mã FCN) ngoài mảng hạ tầng truyền thống cũng đang đẩy mạnh chiến lược đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo với nhiều dự án điện gió, điện mặt trời tại khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên.
Năm 2022, Công ty dự kiến dành 1.220 tỷ đồng để đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, dự án hạ tầng đô thị. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khác như PC1, GEX, TV2… được nhận định còn nhiều dư địa tăng trưởng trong mảng năng lượng của tương lai này.
Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) cũng đưa ra triển vọng tích cực cho nhóm cổ phiếu nhiệt điện than và năng lượng tái tạo trong năm 2022.
Một trong những yếu tố tích cực là chi phí ròng trong vòng đời dự án năng lượng tái tạo đang trong xu thế giảm mạnh nhờ ứng dụng công nghệ và cạnh tranh về giá giữa các nhà cung cấp tuabin và pin mặt trời trên thế giới.
Tới đây, chi phí lắp đặt dự án điện mặt trời và điện gió trên bờ có thể sẽ rẻ hơn điện than trong một vài năm tiếp theo khi thị trường thiết bị dần bão hòa. Xu hướng này sẽ đảm bảo biên lợi nhuận cho các nhà đầu tư vào các dự án mới khi cơ chế giá dần chuyển dịch từ ưu đãi trên mức cố định sang cơ chế đấu thầu.
Sự hứng khởi từ đầu năm 2022 và triển vọng tăng trưởng tích cực trong dài hạn là động lực cho nhóm cổ phiếu năng lượng sạch dự báo tiếp đà bứt phá.
TheoTinnhanhChungkhoan