Điện mặt trời nổi có thể tận dụng mặt nước, không cần "phá đá, xẻ núi", nhưng quy chuẩn kỹ thuật và công nghệ sạch được giới chuyên môn lưu tâm.
Việt Nam đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm vận hành điện mặt trời nổi. Hiện có dự án Đa Mi (Bình Thuận) và Dầu Tiếng (Tây Ninh) được triển khai để hòa vào lưới điện. Theo các chuyên gia, công nghệ này đang được xem là giải pháp kết hợp trong nông nghiệp và năng lượng mặt trời bởi chỉ cần một dàn pin mặt trời lắp nổi trên mặt nước, hệ thống phao nổi và neo đậu, tạo ra công suất điện hàng trăm MW mỗi năm, giúp tận dụng tối đa diện tích mặt nước hoang hóa, hạn chế lượng nước bốc hơi. Ngoài ra, do có hơi nước làm mát các module pin mặt trời, nên hiệu suất phát điện của các dàn pin lắp trên mặt nước tăng lên trung bình khoảng 10 - 12%.
Kỹ sư Đinh Minh Hải, Viện Nghiên cứu Cơ khí chia sẻ, việc thi công điện mặt trời nổi gần như không cần "phá đá, xẻ núi", không gây ảnh hưởng tới môi trường, thời gian thi công chỉ mất 10 tháng gồm các công việc lắp phao, bố trí neo và hệ thống pin.
Thừa nhận lợi ích của điện mặt trời nổi, tuy nhiên, PGS.TS Đặng Đình Thống, chuyên gia năng lượng tái tạo, Hội Khoa học công nghệ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho rằng, công nghệ này có thể gây ảnh hưởng tới môi trường nước bởi những vật liệu làm phao nổi, cáp điện và không gian điện mặt trời. Nếu không được đảm bảo và thiếu quy chuẩn kỹ thuật lắp đặt, có thể khiến môi trường thủy sinh của tảo và các loài thủy sản bị ảnh hưởng.
Theo ông Thống, pin trên mặt đất khác với pin lắp trên mặt hồ vì phải tính tới khả năng hút ẩm, độ ăn mòn. Có những sản phẩm pin mặt trời không đạt tiêu chuẩn, thậm chí những có nhà sản xuất pin tại Việt Nam làm ra các tấm pin chỉ đạt loại B, loại C và xuất sang Trung Quốc nhưng có thể lại quay về và lắp đặt tại Việt Nam.
PGS Thống đề xuất công nghệ sạch cần được sử dụng trong những dự án điện mặt trời nổi như không sử dụng ắc quy, các thiết bị hỗ trợ điện mặt trời nổi gây ô nhiễm khu vực lòng hồ thủy lợi, các phụ kiện điện gây gỉ sét, ăn mòn, để đảm bảo nguồn lợi kép, vừa tạo ra điện, vừa phát triển thủy sản. "Điện mặt trời nổi vốn dĩ là năng lượng sạch, nhưng phải đưa những công nghệ sạch vào khai thác và vận hành thì năng lượng đó mới có thể phát triển bền vững được", PGS Thông nói.
Việt Nam hiện có 7.000 hồ thủy lợi và đầm phá là tiềm năng để khai thác điện mặt trời nổi, tuy nhiên hiện do nhiều đầu mối quản lý. Trong đó các hồ chứa thủy điện lớn đa số do thuộc các nhà máy thủy điện, hồ thủy lợi có thể do tỉnh, huyện phụ trách. Theo PGS Thống, việc nhiều đầu mối quản lý dễ gây khó khăn trong quy hoạch nên cần quy về một mối quản lý chung để thuận tiện cho việc phát triển.
Nguyễn Xuân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét