Trang tin CNBC của Mỹ mới đây đã có bài viết có tiêu đề: "Việt Nam đang đi trước Đông Nam Á trong nỗ lực sử dụng năng lượng tái tạo," nhận định Việt Nam đang thể hiện năng lực vượt trội so với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á trong thúc đẩy ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
Theo CNBC, Đông Nam Á từ lâu bị cho là " tụt hậu trong khả năng thích nghi với các nguồn năng lượng bền vững" và phụ thuộc rất nhiều vào tiêu thụ than. Tuy nhiên, Việt Nam có "tham vọng táo bạo là sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn như gió và Mặt Trời."
Andreas Cremer, giám đốc năng lượng và cơ sở hạ tầng châu Âu, Trung Đông và châu Á tại công ty đầu tư DEG của Đức cho biết Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng sản lượng điện sản xuất bằng năng lượng tái tạo lên khoảng 23% vào năm 2030.
Trích dẫn số liệu từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), một cơ quan phát triển có mối quan hệ hợp tác với Việt Nam, ông Cremer nhấn mạnh rằng 10,7% hỗn hợp năng lượng sẽ là từ năng lượng tái tạo và 12,4% sẽ là từ thủy điện.
"Kế hoạch phát triển năng lượng của Việt Nam đang phát triển liên tục," ông Cremer nói với CNBC tại Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng sạch châu Á (Asia Clean Energy Summit) tuần trước. Các mục tiêu năng lượng tái tạo và thủy điện của chính phủ Việt Nam cho hỗn hợp năng lượng đã tăng từ 16% năm 2011 lên 23% vào năm 2016.
"Điều đó thực sự khá ấn tượng nếu bạn nhận ra rằng họ chỉ thay đổi kế hoạch phát triển năng lượng của họ vào năm 2016" và chỉ bắt đầu từ năm nay," ông Cremer nói.
Ông Cremer cho biết, Việt Nam đã có thể sử dụng hơn 4 gigawatt công suất năng lượng tái tạo vào tháng 6 - và chiếm khoảng 8,28% hỗn hợp cung cấp điện Việt Nam.
Vì vậy, "tôi nghĩ rằng đó là một thành tích khá," ông Cremer nói thêm.
Công ty tư vấn năng lượng toàn cầu, Wood Mackenzie, cho biết Việt Nam hiện là quốc gia dẫn đầu thị trường pin điện Mặt Trời ở Đông Nam Á và có công suất lắp đặt lớn nhất trong khu vực. Pin điện Mặt Trời cho phép chuyển đổi ánh sáng Mặt Trời thành năng lượng điện.
Trong một báo cáo tháng 10, Wood Mackenzie cho biết việc lắp đặt năng lượng Mặt Trời tích lũy của Việt Nam sẽ đạt 5,5 gigawatt trong năm nay - chiếm khoảng 44% tổng công suất của Đông Nam Á. Cần phải lưu ý rằng, Việt Nam chỉ sản xuất 134 megawatt - hay 0,125 gigawatt - trong năm 2018.
Thay thế than
Ông Cremer nhận định Việt Nam cũng như các nước trong khu vực không có khả năng thay thế hoàn toàn than. "Sẽ không thực tế, nếu đòi hỏi các công ty ngừng hoàn toàn sử dụng than để dựa vào năng lượng tái tạo," ông nói. Tuy nhiên, xu hướng là các nhà hoạch định chính sách và các công ty sẽ cố gắng thay thế than bằng năng lượng tái tạo để tăng trưởng kinh tế.
"Các nền kinh tế sẽ cần đủ điện để phát triển," ông Cremer nói - "đặc biệt là khi mọi người tiếp tục di cư vào các khu vực đô thị, các thành phố lớn như Jakarta, Bangkok và Thành phố Hồ Chí Minh."
"Những người sống ở đó rõ ràng đòi hỏi chất lượng không khí tốt hơn. Và đó là một lý do khác mà chúng ta đang chứng kiến sự thúc đẩy cho năng lượng tái tạo," ông nói thêm.
Chi phí sản xuất điện gió cũng giảm trong những năm gần đây, khiến giá của nó gần như tương đương với việc dựa vào than. Điều đó tạo ra cơ hội cho các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách cũng như khu vực tư nhân đầu tư vào các lựa chọn năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á.
Wood Mackenzie cho biết trong báo cáo của mình rằng mặc dù toàn bộ khu vực Đông Nam Á vẫn là một khu vực mới nổi trong lắp đặt pin Mặt Trời, công suất pin Mặt Trời tích lũy dự kiến sẽ đạt 12,6 gigawatt trong năm nay và tăng gần gấp ba lên mức 35,8 gigawatt vào năm 2024.
"Hệ thống pin năng lượng Mặt Trời quy mô lớn sẽ chi phối công suất lắp đặt trong 5 năm tới," và công ty này "hy vọng hệ thống pin năng lượng Mặt Trời quy mô nhỏ sẽ chiếm 32% công suất bổ sung vào năm 2024."/.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét