Thứ Ba, tháng 9 17, 2019

Năng lượng tái tạo có thay thế được nguồn điện truyền thống?

Năng lượng tái tạo có thay thế được nguồn điện truyền thống?

Nguồn mặt trời đã bổ sung tốt cho cung cấp điện. Công suất tối đa ghi nhận 3.519MW, sản lượng phát 25-26 triệu kWh, tương đương 1 nhà máy điện than 1.200MW.d

Năng lượng tái tạo: Nguồn cung cần thiết cho hệ thống điện. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Với chủ đề Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: “Cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm từ quốc tế”, Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) phối hợp với cơ quan điều phối là Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội sáng 17/9.
Trao đổi tại hội thảo, Vụ Trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Ban Tuyên Giáo Trung ương Phạm Ngọc Linh cho biết, nguồn điện cung cấp cho phát triển công nghiệp nói riêng hay nền kinh tế nói chung phụ thuộc hoàn toàn vào việc sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch, là nguồn phát thải CO2 chủ yếu hiện nay.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực trên toàn thế giới (thảm họa cháy rừng Amazon, bão Dorian tàn phá đảo Bahamas nước Mỹ) Việt Nam cũng phải đối diện bài toán tìm nguồn năng lượng mới.
Khi hạn chế sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của nhiệt điện than - nguồn chiếm khoảng 48% sản lượng điện trên cả nước. Xu hướng nhiệt độ tăng, mưa giảm trong những năm qua khiến nhiều hồ thủy điện tại miền Trung – Tây Nguyên đang gần mực nước chết, gây áp lực lớn cho đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Để đối mặt với tình trạng này, việc tìm nguồn nguyên liệu mới thay thế là bắt buộc. Năng lượng tái tạo chính là nguồn năng lượng của tương lai gần để dần thay thế các nguồn điện truyền thống.
Điện mặt trời áp mái đang được nhiều doanh nghiệp và người dân lắp đặt. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để thúc đẩy sản xuất và thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ trong thời gian 2 năm, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia tăng nhanh từ không đáng kể lên hơn 9% với 2 nguồn chủ yếu là điện gió và điện mặt trời.
“Đó là những thay đổi tích cực thể hiện sự nỗ lực cần được ghi nhận của Chính phủ và người dân để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng truyền thống nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam. Năng lượng tái tạo là tương lai của hệ thống điện” – ông Phạm Ngọc Linh này nhấn mạnh.
Điều quan trọng hiện nay là từng bước hoàn thiện quá trình chuyển dịch từ nguồn nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, để việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ đóng góp trực tiếp cho sự vận hành, phát triển của ngành điện mà còn mang lại những ảnh hướng tích cực đến đời sống – xã hội và sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.
Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Đỗ Đức Quân (Bộ Công Thương), đặt vấn đề: Với năng lượng tái tạo, cơ cấu nguồn này nằm trong hệ thống điện bao nhiêu phần trăm là vừa để vận hành ổn định, an toàn? “Chúng tôi đã trao đổi với nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, họ đều nhận định nguồn năng lượng này chiếm khoảng 10-15% công suất của hệ thống điện.
Các nước khác, do đặc điểm khác nhau, có thể đến 30%, thậm chí phấn đấu đến 60 -70% năng lượng tái tạo. Với Việt Nam, đến 2025, tổng công suất hệ thống điện khoảng gần 100.000 MW, thì năng lượng tái tạo khoảng 15.000 là vừa", ông Đỗ Đức Quân cho biết.
Bên cạnh đó, sự phát triển hệ thống lưu trữ điện gió, điện mặt trời còn đắt, nhiều vấn đề. Hiện nay, các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trên thế giới cũng như ngân hàng lớn đang tập trung đầu tư, nghiên cứu sáng tạo ra hệ thống lưu trữ mới, đảm bảo môi trường. Hy vọng khi hệ thống lưu trữ điện phát triển, thương mại hóa, giá hành hợp lý… năng lượng tái tạo có tương lai tươi sáng hơn, ông Quân nói thêm.
Theo ông Lê Hải Đăng, Trưởng Ban Chiến lược, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, với đặc thù của Việt Nam hiện nay, 50% điện sử dụng do điện than đảm nhận. Trong 8 tháng qua, phần năng lượng tái tạo đã phát lên lưới 2,8 tỷ kWh, đạt hơn 106% dự kiến cả năm 2019.
Nhờ yếu tố thuận lợi, điện mặt trời đã hỗ trợ tích cực cho hệ thống. Trong các tháng đầu năm 2019, nguồn mặt trời đã bổ sung tốt cho cung cấp điện. Công suất tối đa ghi nhận 3.519MW, sản lượng phát 25-26 triệu kWh, tương đương 1 nhà máy điện than 1.200MW như Vĩnh Tân 1, 2, Duyên Hải 1.
Tuy nhiên, ông Đăng cho rằng, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cần phải có các giải pháp, tính toán, xác định giới hạn công suất truyền tải trên đường dây 500kV Bắc Nam; bổ sung thêm các hệ thống bảo vệ đặc biệt (sa thải phụ tải theo điện áp, theo giới hạn ổn định). Đồng thời, nghiên cứu khả năng ứng dụng thiết bị tích trữ năng lượng.
“Để đảm bảo cung cấp điện giai đoạn đến 2025, EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương tiếp tục khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo theo cơ chế giá FIT (là giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp vào hoặc bán cho lưới điện) để có thể đưa vào vận hành thêm khoảng 12.700MW điện mặt trời và 7.200MW điện gió trong giai đoạn đến năm 2023 (ưu tiên phát triển các dự án đã có quy hoạch và không bị ràng buộc lưới điện truyền tải);
Sớm hoàn thiện và ban hành các quy định phát triển năng lượng tái tạo theo hình thức đấu thầu nhằm tăng cường tính minh bạch và giảm giá mua điện từ các dự án”, ông Đăng nói./.
Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

0 nhận xét: