Thứ Ba, tháng 6 04, 2019

CÁI GIÁ PHẢI TRẢ

CÁI GIÁ PHẢI TRẢ

Tôi định dành “câu chuyện hôm nay” của tuần đầu tháng Sáu để nói một chút hiểu biết của tôi về ngành điện lực Việt Nam để các bạn cùng chia sẻ.
Ngày hôm qua tôi đã viết về một trong những khó khăn của ngành điện miền nam sau ngày thống nhất đất nước. Hôm nay tôi xin hầu chuyện các bạn về năng lượng điện mặt trời.
Tôi xin nói qua một vài đặc điểm về loại năng lượng này để bạn nào từ xưa đến nay không quan tâm đến nó thì cũng biết thêm đôi chút.
Điện mặt trời (ĐMT) là biến quang năng thành điện năng. Vì thế, điều kiện tiên quyết là phải có ánh sáng mặt trời (quang) thì mới có điện. Một khi trời có mây mù thì quang năng sẽ giảm, do đó điện năng cũng giảm. Vậy, vào ban đêm loại nhà máy ĐMT sẽ không hoạt động được. Gần đây có một nghiên cứu đã thành công để các nhà máy ĐMT vẫn có thể phát điện vào ban đêm, song đó không phải là từ quang năng chuyển thành điện năng mà là từ nhiệt năng chuyển thành điện năng.
Vào cuối tháng Sáu, sẽ có 3.000 MW từ 88 dự án ĐMT sẽ hòa vào lưới điện. Nhưng tính ổn định của nguồn điện này là một thách thức lớn đối với hệ thống điện, khi mà mức độ giao động công suất phát tới 60%-80% chỉ trong 5-10 phút, và mỗi ngày có 3 đến 5 lần giao động như vậy. Có lần dự án ĐMT ở Đức Huệ (Long an), công suất đang phát đạt 96% thiết kế, chỉ có một đám mây kéo tới, vậy là công suất phát điện “rơi tự do” luôn.
ĐMT có chất thải nguy hại không? – Có. Đầu tiên, là từ các bình ắc-quy tích điện. Các bạn biết rồi, bình ắc-quy hoạt động theo nguyên lý phản ứng hóa học, trong đó có a-xít và chì hoặc cadium. Vỏ cùa ắc-quy làm bằng nhựa cũng là một loại phế thải không tự hủy. Sau một thời gian nhất định, các bình ắc-quy này hết khả năng tích điện, chúng được đưa vào thành rác thải. Tiếp theo là các tấm pin mặt trời, sau khoảng 50 năm cũng phải thay thế, thành phần của tấm pin gồm các miếng silicon có độ tinh khiết cao (Si) và những tấm nhựa trong suốt để các tia cực tím (UV) và các bức xạ hồng ngoại (IR) xuyên qua, tác động vào các miếng Si để sản sinh ra dòng điện có điện áp từ 0,5 đến 0,6 vôn (V). Khi hiệu suất của pin giảm tới mức không còn biến quang thành điện được, chúng lại trở thành rác thải.
Theo Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), số lượng pin mặt trời phải thải loại (sau khi hết thời gian sử dụng) là 78 triệu tấn vào năm 2050, có nghĩa là vào cuối năm 2016 đã có 250.000 tấn đã bị thải ra môi trường. Hoạt động của pin mặt trời làm tăng đáng kể khí thải nitrogen trifluoride (NF3), loại khí gây hiệu ứng nhà kính gấp rất nhiều lần so với khí carbon dioxide (CO2).
Vì vậy, nhiều người nói ĐMT là một nguồn năng lượng sạch. Xin thưa, mức độ “sạch” cũng chỉ là tương đối thôi các bạn ạ. Sạch, khi chúng còn đang vận hành, chúng sẽ không còn sạch nữa một khi chúng bị thải loại.
Một yếu tố khác, là diện tích đất dành cho một dự án ĐMT. Nếu chúng ta muốn có 1 MW công suất điện, thì ta phải dành một diện tích đất bằng 1,93 Ha. Đó là con số được lấy ra từ quy hoạch của 40 dự án ĐMT tại Bình Thuận (7.730 Ha/4.000 MW). Trong khi đó nếu làm nhiệt điện đốt dầu thì diện tích đất xử dụng thấp hơn nhiều. Lấy nhiệt điện Thủ đức làm ví dụ: 165 MW/15,5 Ha để chứng minh. Nếu là đất không thể canh tác nông lâm nghiệp hoặc không thích hợp cho các công trình xây dựng khác thì không đáng quan tâm, ngược lại là vấn đề lớn.
Đọc các dòng viết ở trên của tôi có thể làm cho các bạn có thái độ “bi quan” về loại năng lượng này. Sở dĩ tôi nói vậy để giúp cho các bạn có cái nhìn đúng về ĐMT, đừng yêu thích nó thái quá, cũng đừng ghét bỏ nó mà tội nghiệp. Tôi chỉ muốn có một chút điều chỉnh như sau:
ĐMT có ưu điểm nhất là phát triển ở những nơi xa lưới điện quốc gia. Cách đây đã lâu lắm rồi, chính phủ Nhật có viện trợ cho ta một dự án, kết hợp thủy điện cực nhỏ với ĐMT, cung cấp điện cho một bản nào đó ở Tây nguyên. Sau nhiều năm không thấy tổng kết rút kinh nghiệm và cũng không được nhân rộng ra.
Ở các thành phố nên phát triển ĐMT tại các khu dân cư có nhà cao tầng. Mỗi khối nhà tôi nghĩ có diện tích sân thượng không dưới 200 m2, với diện tích đó cũng có thể lắp được một dàn pin ĐMT có 150 Wp. Nguồn điện năng này sẽ không bán cho EVN mà dùng ngay cho các khối nhà để giảm bớt mức tiêu thụ điện lưới của khối nhà đó. Suy cho cùng đó cũng là góp phần làm tăng công suất lưới điện quốc gia.
Kế đến hệ thống đèn đường và những nơi công cộng cần được chiếu sáng, giảm được nhiều chi phí về đường dây dẫn, trạm biến thế, thậm chí trong nhiều gia đình cũng có thể dùng nguồn ĐMT .
Các bạn hãy suy nghĩ đến túi tiền của mình, vì để khuyến khích đầu tư nguồn ĐMT mà chính phủ đã phải đưa ra giá mua từ các nguồn điện ĐMT đưa vào vận hành trước ngày 30/6/2019 là 9,35 USCents/kWh, sau thời điểm trên có thể sẽ là 7,89 USCents/kWh (1USCent = 237,70 VNĐ), đó mới là giá EVN mua của nhà đầu tư nhé các bạn, nếu đưa đến công-tơ nhà bạn thì bạn phải cộng thêm phí truyền tải, phí quản lý phân phối…
Hiện có nhiều nhà đầu tư đang chạy marathon để hoàn thành các dự án ĐMT trước ngày 30/6/2019, giá mua đó có vẻ hời lắm nên it ai nghĩ nên tự đầu tư để giảm bớt điện mua của EVN, chắc cũng vì lý do đó.
Vì vậy tôi nói, cái gì cũng có giá của nó./.
Ngày 4/6/2019
Phạm Tiến Khoa
Hình trong bài: Dự án ĐMT ở Bình Thuận

0 nhận xét: