CÂU CHUYỆN HÔM NAY
ĐIỆN VÀ GIÁ ĐIỆN
Tôi còn nhớ, đó là năm 1960, mục tiêu phát triển kinh tế của miền bắc về sản xuất điện năng (nhắc lại bây giờ sẽ làm cho các bạn cười) – “Phấn đấu cả năm đạt sản lượng điện là 600 triệu kWh”. Nếu so với sản lượng điện của năm 2020 là 235 đến 245 tỷ kWh thì sản lượng điện lúc đó mới bằng 1/400. Nói cho vui vậy thôi chứ quy mô của nền kinh tế nước ta còn nhỏ lắm, nên con số trên chẳng nói lên nhiều điều.
Đặc điểm của sản xuất điện là, sản xuất và tiêu thụ xảy ra đồng thời. Nếu tiêu thụ trở về không, ngay lập tức theo lý thuyết sản xuất cũng trở về không, vì điện không tồn kho như các hàng hóa khác.
Điện dùng cho sản xuất công nghiệp mới chiếm tỷ trọng 54%; diện dành cho kinh doanh chiếm 9%. Song có điều nghịch lý là sản xuất công nghiệp lại chỉ đóng góp 34%, trong khi khối kinh doanh lại đóng góp 41% trong GDP. Điều này nói lên rằng, năng suất lao động trong sản xuất CN còn rất thấp. Vì sao? Vì còn rất nhiều trang thiết bị trong các nhà máy, công xưởng thuộc loại lạc hậu, dẫn đến mức tiêu hao năng lượng cao, kéo theo năng suất lao động thấp.
EVN có độc quyền không? – Không. Đó là độc quyền nhà nước. Vì là một ngành có tính chiến lược, giống như dầu khí, viễn thông…, nhà nước phải độc quyền để giữ an ninh cho đất nước.
Song không phải nhà nước nắm độc quyền tất cả các khâu trong ngành điện. Hiện tại nhà nước nắm độc quyền lưới truyền tải điện từ 500 kV trở xuống, khâu phát điện nhà nước chỉ nắm các nhà máy thủy điện lớn, các trung tâm điện lực quan trọng. Nhiều nhà máy do tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, họ bán điện cho EVN theo giá do nhà nước kiểm soát, các nhà đầu tư là người bán buôn, EVN là người bán lẻ. Đây là một yếu tố quan trọng quyết định giá điện mà chúng ta thường đổ lỗi tất cả cho EVN một khi điều chỉnh giá.
Tiến sĩ Tuệ Anh, chuyên gia về chính sách công, giảng viên trường đại học Oxford, Anh quốc, cho biết, kể cả nước Anh cũng không có cạnh tranh trong thị trường điện lực. Cũng theo tiến sĩ Tuệ Anh, năm 1989 nước Anh đã bán cả nhà máy điện và lưới điện cho tư nhân, sau đó có 90 nước làm theo mô hình này. Thời kỳ đầu giá điện của các nước đó có giảm, sau đó giá điện tăng đều, người tiêu dùng của nước Anh, chịu mức tăng giá điện hàng năm bình quân 11%.
Ngày hôm qua tôi đọc được một tin, nói rằng có 30 khách hàng lớn của nước ta, đã đăng ký mua điện trực tiếp từ các nhà sản xuất điện không qua các công ty phân phối điện của EVN. Tôi đang chờ kết quả cuối cùng, thời điểm này tôi chưa thể nói gì hơn.
Vấn đề là 30 khách hàng tiêu thụ điện ấy, mua điện từ nhà máy nào? Các nhà máy thì nằm rải rác khắp nơi, rồi nào là thủy điện, nhiệt điện than hay dầu hay khí thiên nhiên, rồi điện gió hay điện mặt trời. Mồi cái mỗi giá. Điện không thể dùng xe hay tàu để vận chuyển được, mà nói rằng có thể kiếm nơi rẻ mua rồi chở về, vì vậy muốn đưa đến tận nhà máy, bạn lại phụ thuộc vào lưới điện của EVN, tức là phải trả thêm chi phí cho việc đó.
Nhìn chung là cái gì cũng có thể giải quyết được, còn lại chỉ là tiền. Tôi biết có nước cho phép người dân vùng này mua điện của nhà phân phối điện ở vùng khác. Thí dụ, bạn ở Hà nội, muốn mua điện của TCT điện lực miền nam ở Sài gòn (EVNSPC), khi đó ngoài tiền điện tính theo giá điện mua xỉ bạn phải trả thêm tiền thuê đường dây và trạm biến áp để truyền tải số điện năng từ Hà nội đến tận nhà bạn. Chắc là đắt lắm, nhưng vì bạn thích thế thì bạn phải trả tiền cho ý thích của mình.
Vừa qua cả xã hội ồn ào lên vì giá điện tăng 8,36%. Không phải ai cũng phản ứng như vậy, thí dụ gia đình tôi, trước đây mỗi tháng phải trả khoảng 800 ngàn đồng, sau khi tăng giá, lại đúng vào dịp trời nóng, đêm nào cũng phải mở máy lạnh vài tiếng mới ngủ được. Thế là tiền điện tăng lên gần 1 triệu đồng/tháng. Điều đáng phê phán EVN là họ không thay đổi bảng tính giá bậc thang, một khi điều kiện xã hội đã thay đổi, cuộc sống của người dân đã tăng lên thì mức xử dụng tối thiểu để hưởng giá thấp phải là 100 hoặc 200 “chữ”, đó là thể hiện sự trì trệ trong tư duy của những nhà quản lý.
Nhà nước đã trợ giá cho ngành điện lâu quá rồi, nên chúng ta có một thời gian dài được hưởng sự bao cấp đó. Chúng ta quên điều đó, nên thúc dục nhà nước phải tiến hành tư nhân hóa ngành điện. Bây giờ khâu sản xuất điện đã “tư nhân hóa” rồi, khâu phân phối cũng đã trở thành các công ty cổ phần. Một khi mất đi phần trợ giá của nhà nước thì các nhà sản xuất điện phải tính đúng, tính đủ… đương nhiên giá điện sẽ tăng. Lấy cái dự án điện mặt trời để dẫn chứng. Chúng mình đòi hỏi phải tận dụng năng lượng xanh sạch, vậy là ta mời gọi các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào đó. Họ bảo “nếu EVN chịu mua 9,35 USCents/kWh thì chúng tôi đầu tư”. Nhà nước phải chấp nhận.
Cũng không phải họ bắt bí đâu, mà mặt bằng giá trên thế giới nó vậy. Thống kê giá điện của 93 nước trên thế giới thì giá điện Việt Nam cao hơn 20 nước là những nước có nguồn dầu mỏ dồi dào, thấp hơn trên 70 nước còn lại. Chắc chắn có bạn bảo mức thu nhập của dân nước đó cao. Bạn nói đúng, song xin thưa, toàn bộ thiết bị và nhiên liệu dùng cho các nhà máy điện, chúng ta đều phải mua của nước ngoài trên cùng một bằng giá. Chỉ trừ con người vận hành thiết bị, nước sông và đống giẻ lau là không phải nhập thôi các bạn ạ. Mà nhà máy thủy điện của nước ta cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, các vị trí có thể khai thác đã khai thác hết rồi.
Điện do các nhà nhiệt điện, phong điện, quang điện sẽ ngày càng đắt. Chúng ta phải xài tiết kiệm, các nhà máy công nghiệp phải đổi mới công nghệ nếu muốn sản phẩm của mình có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế./.
Ngày 5/6/2019
Ph. T. Kh.
Hình trong bài: Một nhà máy nhiệt điện