Nhiên liệu sinh học (NLSH) là xu thế hướng đến của thế giới, nhất là khi các nguồn tài nguyên hóa thạch đang cạn dần, sự ô nhiễm môi trường làm cho trái đất nóng lên, đe dọa cuộc sống của nhân loại. Hiện có hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sử dụng phổ biến các loại xăng sinh học E5, E10 nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng nhiên liệu, bảo đảm an ninh năng lượng và cải thiện môi trường. Theo các chuyên gia, nếu sử dụng thay thế một phần lượng xăng truyền thống bằng ethanol, thế giới giảm được lượng tiêu thụ dầu thô khoảng 50 triệu tấn/năm, tương đương với tổng mức tiêu thụ của hai nước Hà Lan và Ba Lan.
Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch “20-20-20”, trong đó yêu cầu các thành viên thực hiện lộ trình sử dụng năng lượng tái tạo với tỷ lệ 20% vào năm 2020. Hầu hết các nước phát triển đều đã đưa ra lộ trình và chính sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất, sử dụng NLSH thông qua những ưu đãi về thuế, phí và các chính sách hỗ trợ khác,… Ở Hàn Quốc, lộ trình này là 5 đến 10 năm, sau đó giá NLSH hoàn toàn có thể cạnh tranh được với xăng dầu truyền thống. Mặc dù đi sau Hoa Kỳ, Bra-xin, các nước châu Âu,… trong phát triển NLSH nhưng đến nay, Thái-lan đã dẫn đầu khu vực Đông - Nam Á, đứng thứ chín về sản xuất và thứ sáu về tiêu thụ NLSH trên toàn cầu. NLSH đang là lựa chọn duy nhất cho người tiêu dùng,…
Từ năm 2008, Việt Nam đã triển khai thực hiện “Đề án phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” (đề án 177) đã được Chính phủ phê duyệt, nhưng kết quả thực hiện vẫn chưa đạt được như mong đợi. Tính đến nay, cả nước có bảy nhà máy sản xuất NLSH với tổng năng lực sản xuất ethanol để pha chế xăng E5 đạt khoảng 535 triệu lít/năm và có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, xăng sinh học là sản phẩm mới, công tác truyền thông còn hạn chế, người tiêu dùng chưa nhận thức đúng, đầy đủ về NLSH nên thờ ơ với sản phẩm, khiến các doanh nghiệp (DN) phải lao đao do sản phẩm bị tồn kho, chưa kể nguồn vốn lớn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho kinh doanh nhiên liệu này khiến mỗi lít xăng phải chịu lỗ gần 500 đồng so với giá thành. Chính vì vậy, hàng loạt nhà máy đã đóng cửa và chỉ còn duy nhất Nhà máy Tùng Lâm còn hoạt động, cung ứng nguồn NLSH cho thị trường. Ngoài những yếu tố trên, chúng ta cũng cần phải nhìn thẳng vào những bất cập như việc đầu tư xây dựng khu sản xuất và cung ứng sản phẩm ở xa khiến cho chi phí vận chuyển cao, đẩy giá thành tăng theo. Tiếp đến, việc quy hoạch vùng nguyên liệu thiếu đồng bộ, nhất quán; không có chính sách hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm rõ ràng khiến người trồng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy NLSH dễ dàng phá bỏ hợp đồng hoặc vùng nguyên liệu khi giá bán xuống thấp hoặc khó cạnh tranh được với những ngành hàng sản xuất khác,…
Do vậy, để có thể phát triển nguồn NLSH, nhất là xăng E5 trong thời gian tới, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cụ thể, dài hạn dành cho người tiêu dùng, người nông dân cùng các DN sản xuất, kinh doanh NLSH. Có như vậy, chúng ta mới thật sự hướng tới một hành tinh xanh, thân thiện môi trường. Tránh tình trạng đầu tư thiếu tính toán, sau khi thua lỗ triền miên lại tìm cách đẩy “cục nợ” về cho Nhà nước!