TT - Quỹ Kinh tế mới (NEF), một tổ chức phi chính phủ,
tính toán và công bố Chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI = Happy Planet
Index) và xếp hạng các nước theo HPI.
Năm 2012 VN với HPI = 60,4 đứng thứ 2 trong số 151 nước
được xếp hạng (năm 2006 VN xếp thứ 11, năm 2009 xếp thứ 5). Nhiều báo
trong nước đưa tin “Người Việt hạnh phúc thứ nhì thế giới”, “VN là nước
hạnh phúc thứ hai trên thế giới”, nghe thật sướng lỗ tai. Có thật vậy
không?
Thứ nhất, HPI không cho ta biết mức hạnh phúc của mỗi nước, nên không thể nói nước này hạnh phúc hơn nước kia dựa vào HPI.
Thứ hai, HPI được tính dựa trên ba chỉ số: cảm nhận của
người dân về hạnh phúc (EW - experienced well-being); ước tính tuổi thọ
(LE - Life expectancy) và dấu chân sinh thái (EF - Ecological
footprint). EW được ước lượng dựa trên thăm dò dư luận; LE lấy từ Báo
cáo Phát triển con người của UNDP; EF do Quỹ động vật hoang dã (WWF)
thúc đẩy và là số đo mức tiêu thụ tài nguyên. Theo NEF, năm 2012 VN có:
EW = 5,8; LE = 75,2 và EF = 1,4.
Trong ba tham số để tính HPI, thì EW và EF đặt ra nhiều
vấn đề tranh cãi nhất. Trong công thức tính HPI, EF nằm ở mẫu số nên
rất nhạy cảm. Các nước kém phát triển thường sử dụng ít tài nguyên và vì
thế EF thấp cho nên không lạ gì các nước này xếp hạng khá cao. Về EW,
người ta hỏi ý kiến 1.000 người ở mỗi nước theo thang điểm 10. Số điểm
của VN 5,8 chỉ ở mức giữa.
Những khó khăn về đo lường hạnh phúc có lẽ được Amartya
Sen làm sáng tỏ hơn hết trong cuốn Ý tưởng về công lý (The Idea of
Justice, tr.282-290), ông viết:
“Tính toán vị lợi dựa trên hạnh phúc hay sự thỏa mãn
mong ước có thể vô cùng bất công với những người bị tước đoạt dai dẳng,
vì cấu thành và các mong muốn tinh thần của chúng ta có khuynh hướng
điều chỉnh theo hoàn cảnh, đặc biệt để làm cho cuộc sống có thể chịu
đựng được trong các tình huống bất lợi”. Qua minh họa về sự cảm nhận và
đo lường sức khỏe, ông chỉ ra sự khác biệt hết sức lớn giữa sự tự cảm
nhận về sức khỏe của người dân và thực tế: “Một người được nuôi nấng
trong một cộng đồng có rất nhiều bệnh tật và ít phương tiện y học có thể
có thiên hướng coi các triệu chứng nhất định là “bình thường” khi chúng
có thể ngăn ngừa được về mặt lâm sàng”. Tương tự, sự đánh giá về hạnh
phúc, phúc lợi có “... các hạn chế của cách đánh giá chủ quan trong đánh
giá hạnh phúc của người dân. Hạnh phúc, sự thích thú và nỗi đau có tầm
quan trọng riêng của chúng, nhưng coi chúng như các chỉ dẫn đa năng cho
mọi khía cạnh của hạnh phúc sẽ, chí ít một phần, là lao vào bóng tối”.
Cho nên chúng ta phải thận trọng với sự “tự đánh giá về hạnh phúc” cũng như với HPI.
NGUYỄN QUANG A
Thế nào là một quốc gia hạnh phúc?
Muốn biết một quốc gia thật sự có hạnh phúc và hài lòng
với cuộc sống hay không, chúng ta hãy nhìn vào cách xếp hạng và Chỉ số
Phát triển của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Theo đó, Na Uy đứng hàng đầu thế
giới về hạnh phúc trong khi Cộng hòa Congo đứng vị trí cuối bảng. Chỉ số
phát triển của LHQ năm 2011 khảo sát mức độ hạnh phúc của các quốc gia
dựa trên các chỉ số như thu nhập, giáo dục, y tế, tuổi thọ, kinh tế,
bình đẳng giới và phát triển bền vững. Căn cứ vào những tiêu chí này,
có thể thấy các chỉ số phát triển do LHQ sử dụng có tính đại diện và
chính xác cao hơn rất nhiều so với ba chỉ số do Tổ chức NEF đưa ra.
Ngoài ra, không rõ Tổ chức NEF tiến hành lấy mẫu và
khảo sát như thế nào mà kết quả trái ngược với khảo sát của Tổ chức LHQ.
Theo xếp hạng của LHQ, 10 quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới năm
2011 bao gồm: Na Uy, Úc, Hà Lan, Mỹ, New Zealand, Canada, Ireland,
Liechtenstein, Đức, Thụy Điển.
Từ hai cách xếp hạng này, có thể thấy việc xếp hạng cần
phải dựa trên những tiêu chí và chỉ số chính xác do những tổ chức có uy
tín trên thế giới khảo sát và công bố. Thứ hai, việc khảo sát và chọn
mẫu phải mang tính đại diện và chọn lọc cao, vì khảo sát nhận thức của
một người dân bình thường khác hẳn với một chuyên gia. Đặc biệt, Việt
Nam từ một quốc gia nghèo và vừa vươn lên thành một nước có thu nhập
trung bình thấp nên có lẽ một số người nhầm tưởng rằng như thế là “hạnh
phúc quá đỗi”.
TS ĐÀO VĂN KHANH
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét