Chủ Nhật, tháng 4 24, 2011

Fukushima và những hệ lụy

Bài 1: Thế giới điện hạt nhân hậu Fukushima?

SGTT.VN - 25 năm sau vụ nổ lò khủng khiếp ở Chernobyl năm 1986, thế giới đã phần nào nguôi ngoai về hiểm họa liên quan đến điện hạt nhân thì lại đột ngột xảy ra sự cố lò Fukushima. Nếu như thảm họa phát tán phóng xạ mười ngày liên tục ở Chernobyl được gán cho sự lạc hậu về công nghệ và sự thiếu hợp tác quốc tế do chiến tranh lạnh, thì sự rò rỉ phóng xạ kéo dài hàng tháng lại đang diễn ra ở ngay một quốc gia được xem là có công nghệ tiên tiến nhất và trong hoàn cảnh thế giới hội nhập cởi mở hơn bao giờ hết.

Phân bổ các lò phản ứng hạt nhân trên thế giới

Hiện nay trên thế giới có 442 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, 65 lò đang trong quá trình xây dựng, và rất nhiều lò trên dự án. Khủng hoảng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi 1 buộc tất cả các quốc gia đang hoặc sẽ sở hữu điện hạt nhân phải nghiêm túc xem xét lại độ an toàn của các nhà máy hiện có cũng như khát vọng hạt nhân trong tương lai.

Mỹ. Với 104 lò đang hoạt động, Mỹ là cường quốc số một về điện hạt nhân. Tuy nhiên trong ba thập kỉ gần đây không xây thêm lò nào. Ngay sau sự cố Fukushima, uỷ ban Giám sát hạt nhân Mỹ yêu cầu xem xét lại độ an toàn của tất cả các lò hiện có, một số nằm trong vùng địa chấn mạnh. Chính quyền Obama chủ trương tăng cường điện hạt nhân bằng đảm bảo cho vay vốn để khuyến khích các công ty xây thêm nhà máy mới.

Cho dù điện hạt nhân đã và đang là nguồn năng lượng chủ đạo ở nhiều nước, cho dù đến nay chưa có ứng viên nào đủ sức thay thế điện hạt nhân trong dự án năng lượng cho tương lai, và cho dù điện hạt nhân được xem là năng lượng “sạch” vì không xả khí thải hủy hoại môi trường, thì sự cố hạt nhân ngoài tầm kiểm soát ở Fukushima vẫn buộc chúng ta phải xem xét lại.

Brazil. Bộ trưởng bộ Khai khoáng và năng lượng Edison Lobao cho biết chính phủ sẽ xem xét lại độ an toàn của cặp lò phản ứng hiện có ở Angra và tạm dừng việc xây dựng lò thứ ba (dự kiến khánh thành vào năm 2015) cho đến khi hoàn tất công việc kiểm tra. Khủng hoảng Fukushima tái kêu gọi thành lập uỷ ban độc lập Giám sát năng lượng hạt nhân quốc gia.

Argentina. Sự cố Fukushima làm bùng phát trở lại cuộc tranh luận về các lò phản ứng già nua. Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này đã chào đời từ năm 1974. Một nhà máy nữa đã khởi công xây dựng từ năm 1981 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Anh. Chính phủ yêu cầu trưởng thanh tra hạt nhân phân tích và tổng hợp sự cố Fukushima, rút kinh nghiệm cho 19 lò hiện có cũng như các dự án xây dựng tiếp theo. Thư ký về năng lượng và thay đổi khí hậu Chris Huhne nói: “Chúng ta không nên quyết định vội vàng. Quan trọng là có đầy đủ dữ liệu để quyết định khi cần thiết”.

Pháp. Với 58 lò phản ứng, Pháp đang đứng vị trí thứ hai (sau Mỹ) về điện hạt nhân. Trong khi cam kết sẽ kiểm tra độ an toàn của tất cả các lò hiện có, chính phủ Pháp vẫn khẳng định rằng năng lượng hạt nhân sẽ tiếp tục là nền tảng của chính sách độc lập về năng lượng của Pháp, đồng thời bác bỏ đòi hỏi tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này. Hiện tại, hơn 75% điện năng của Pháp là từ các lò phản ứng – một tỷ lệ cao nhất thế giới.

Đức. Mới thông qua đạo luật cho phép hoãn việc thực thi một nước Đức phi năng lượng hạt nhân. Theo đạo luật đó thì một số lò “cao tuổi” sẽ được gia hạn sử dụng. Sau vụ Fukushima, thủ tướng Angela Merkel tuyên bố tạm dừng ba tháng việc thực thi đạo luật trên và như vậy các lò tuổi cao vẫn bị đóng cửa. Trong thời gian này chính phủ sẽ đánh giá lại độ an toàn của 17 lò hiện có và đưa ra các quốc sách cần thiết.

Hình ảnh lò nguyên tử Fukushima, được chụp từ một máy bay không người lái (24.3.2011)

Các sự cố phóng xạ tồi tệ nhất

1945: Hiroshima – Nagasaki ( Nhật): Nổ bom nguyên tử.

Những năm 1950: Nevada ( Mỹ): Các vụ thử hạt nhân.

1948-1972: Sông Mayak – Techa ( Nga): Nhà máy vũ khí hạt nhân.

1979: Three Mile Island ( Mỹ): Tai nạn lò phản ứng.

1986: Chernobyl ( Ukraine): Nổ lò phản ứng.

2011: Fukushima ?...

Bỉ. Năm 2003 đã quyết định sẽ từng bước đóng cửa toàn bộ bảy lò (hiện cung cấp một nửa điện năng của Bỉ). Nhưng giai đoạn đầu của kế hoạch này, dự kiến đóng cửa ba lò cao tuổi nhất vào 2015, đã phải lui lại mười năm. Các nhóm môi trường hi vọng, sau Fukushima công chúng sẽ yêu cầu phải trở lại kế hoạch cũ.

Thụy Sĩ. Có năm lò, hiện cung ứng 40% điện năng toàn quốc. Sau Fukushima, chính phủ tạm dừng xem xét đề án xây dựng ba lò mới. Các chính trị gia đều ủng hộ loại bỏ năng lượng hạt nhân, nhưng không ai đưa ra được một lộ trình cụ thể.

Ý. Sau thảm họa Chernobyl, cuộc trưng cầu dân ý năm 1987 dẫn tới đóng cửa bốn lò trong các năm 1987-1990. Chính phủ Silvio Berlusconi đã thông qua kế hoạch xây thêm ít nhất bốn lò. Nhưng cuộc trưng cầu dân ý vào mùa xuân này rất có thể sẽ phong tỏa kế hoạch đó.

Nga. Có 32 lò đang hoạt động và 11 lò đang xây. Thủ tướng Vladimir Putin chỉ thị xem xét lại độ an toàn của các lò hiện có cũng như các dự án điện hạt nhân trong tương lai.

Ấn Độ. Thủ tướng Manmohan Singh ra lệnh kiểm tra độ an toàn của 20 lò đang hoạt động. Theo chủ tịch ủy ban năng lượng nguyên tử Srikumar Banerjee thì Ấn Độ không có kế hoạch đóng cửa lò phản ứng. Đang xây thêm năm lò, với dự định đến 2050 điện hạt nhân sẽ chiếm 25% điện năng toàn quốc.

Trung Quốc. Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố tạm dừng phê duyệt các dự án năng lượng hạt nhân mới. Trung Quốc là nước hiện có chương trình điện hạt nhân nhiều tham vọng nhất với 13 lò đang hoạt động, 27 lò đang xây và tới 50 dự án đang xem xét. Việc tạm dừng chỉ áp dụng với các dự án sẽ duyệt, Trung quốc chủ trương tiếp tục phát triển điện hạt nhân.

Hàn Quốc. Tổng thống Lee Myung-bak chỉ thị kiểm tra an toàn của các lò, cũng như quy trình ứng phó tình trạng khẩn cấp. Lò thứ 21 vừa mới đưa sản phẩm lên lưới điện quốc gia, năm lò mới đang xây dựng, dự định sẽ xây thêm nữa. Bộ trưởng Kinh tế tri thức Choi Joong-kyung nói, đã đến lúc phải xem xét lại chính sách năng lượng hạt nhân.

Cho dù điện hạt nhân đã và đang là nguồn năng lượng chủ đạo ở nhiều nước, cho dù đến nay chưa có ứng viên nào đủ sức thay thế điện hạt nhân trong dự án năng lượng cho tương lai, và cho dù điện hạt nhân được xem là năng lượng “sạch” vì không xả khí thải hủy hoại môi trường, thì sự cố hạt nhân ngoài tầm kiểm soát ở Fukushima vẫn buộc chúng ta phải xem xét lại. Chỉ một vụ nổ lò ở Chernobyl đã phát tán ra xung quanh lượng phóng xạ nhiều gấp trăm lần so với các quả bom đã nổ ở Hiroshima - Nagasaki năm 1945. Mà hiểm họa của phóng xạ thì rất khó lường và có thể kéo dài hàng trăm năm.

Nguyễn Trần – Nguyễn Vượng (theo Science 331)

(còn tiếp)

0 nhận xét: