Thứ Năm, tháng 1 27, 2011

Hội chứng Tây sợ Tết

Khi được báo chí phỏng vấn về Tết Việt Nam, người Tây hay nhận xét đơn giản một cách nhàm chán. Không khí vui. Món ăn ngon. Con người tình cảm.


Người Tây như tôi bị hạn chế ở hai điều – điều mình cảm nhận được và điều mình nghĩ người Việt sẽ thích nghe. Ít ai kịp cảm nhận sâu sắc, ít ai dám nói bánh chưng không ngon.

Người Việt tham gia các lễ hội bên Tây thỉnh thoảng cũng vậy. Mặc dù thấy bánh nướng bí ngô không ngon chút nào vẫn xin thêm miếng, “It’s delicious!” Người ta hỏi “Bạn nghĩ gì về lễ hội này?” câu trả lời là “Rất rất hay”. Trao đổi văn hóa không phải lúc nào cũng tuyệt vời.

Nếu là người Tây nhận xét về Tết Việt Nam bằng tiếng Việt sẽ bị hạn chế bởi một điều nữa – khả năng thể hiện. Vốn từ chưa nhiều; kể cả có cảm nhận sâu sắc vẫn chưa ra được, vẫn là “không khí vui” và “món ăn ngon”.

Sự thật là nhiều người Tây sợ Tết. Bản thân tôi cũng hơi sợ, thỉnh thoảng đi siêu thị nghe bài Tết Tết Tết Đến Rồi là có cảm giác muốn trốn. Tất nhiên không phải chỉ có người Tây mới sợ Tết ta. Trên các trang báo hay có bài viết với tiêu đề như “Hội chứng sợ Tết”, viết về chính người Việt sợ Tết Nguyên Đán.

"Quanh năm suốt tháng đi làm đã mệt bở hơi tai, lại còn thêm mấy ngày Tết, chả ai được nghỉ ngơi chút nào."…"Làm cả năm không ăn nổi ba ngày tết. Không biết đào đâu ra tiền mua quà biếu đây. Lại phải vay nợ bố mẹ”…

Những người đó (chủ yếu là người vợ) sợ Tết vì lý do của họ, còn Tây sợ Tết vì lý do của Tây. Sau nhiều lần nghe các bạn tôi tâm sự (nghe chính tôi “tâm sự nội bộ”) tôi phát hiện 5 lý do vì sao người Tây sợ Tết.

Sợ thành cá cảnh

Người Tây không cần ở Việt Nam lâu mới hiểu giá trị cá cảnh của mình là như thế nào. Mời đi meeting, nhờ vào hình, rủ đi ăn –vai trò chủ yếu là cười tươi và thể hiện làn da trắng.

“Tôi có bạn là người Tây.” “Bên mình có đối tác là người Tây”. “Công ty mình có nhân viên là người Tây.” Trong không ít trường hợp, chúng tôi thành logo, thành slogan, thành thương hiệu, và mất chất con người; người ta không thực sự quan tâm đến mình mà chủ yếu tập trung vào những điều thương hiệu Tây sẽ mang lại cho họ.

Đó là một số người. Không phải đa số – người chân thật luôn là số nhiều và tư duy “Tây lây” đỡ phổ biến hơn ở trong Nam – nhưng đủ để chúng tôi biết cảnh giác, nghi ngờ mục đích của người khác. Khi được mời “tham gia” vào sự kiện nào đó, dù là Tết hay ngày thường, chúng tôi đôi khi muốn lắc đầu từ chối.

Đã là cá cảnh thì phải bơi đẹp, và điều đó dẫn đến cái sợ thứ hai. Sợ phải thể hiện.

Sợ thể hiện

Tết đầu tiên của tôi ở Hà Nội tôi nhận lời “qua chơi” vài gia đình. Nơi tôi đến người ta mời tôi ở lại, nơi tôi chưa đến thì gọi điện liên tục bảo đến nhanh. Không nhà nào thông cảm cho nhà nào. Tôi bị căng thẳng, mất vui. Người Việt với nhau có phải như thế, tôi tự hỏi mình? Hay tôi là loại VIP mới: Very International Person? Tôi chẳng muốn thế. Tôi chẳng muốn là khách mời quan trọng hay đặc biệt; tôi chỉ muốn thưởng thức một cách vui vẻ và thoải mái cùng mọi người, như là người bạn bình thường (cho dù màu da không bình thường – trước khi đến Việt Nam tôi không biết da mình trắng đến thế.). Đi về tôi kêu khổ. “Ước gì tao được khổ như mày” mấy bạn của tôi nói vậy.

Có lẽ điều chúng tôi sợ nhất là trở thành trung tâm của sự chú ý – và phải làm một điều gì đó. Phải gửi gì gì cho ai ai, phải phát biểu. Từ cánh gà chúng tôi bị đẩy ra sân khấu, chưa học thoại, chưa biết vở kịch diễn ra như thế nào. Cả khán giả ngồi nhìn. Không ai thích thế đâu.

Các lễ hội bên Tây, khách nước ngoài chủ yếu được thưởng thức, không có vai trò rõ ràng. Nhưng ở Việt Nam khách Tây phải chủ động hơn. (Thật ra chỉ là nên chủ động hơn, nhưng ở Việt Nam “nên” và “phải” đôi khi là một). Khách ở tuổi A phải làm việc B, còn có một số việc khách nào cũng phải làm, dù bao nhiêu tuổi, đến từ đâu. “Anh ơi, bây giờ anh phải…” là câu dẫn dắt làm cho chúng tôi rất sợ.

Anh phải phát biểu (Phát biểu câu gì?!)

Anh phải chào bà (Chào như thế nào?!)

Anh phải bước vào trước (Bước vào đâu?!)

Những việc đó, với người Việt hiểu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam – tức với diễn viên thuộc thoại – là vinh dự. Rất tình cảm, rất vui. Nhưng với người Tây chưa rành tiếng Việt chưa hiểu rõ về văn hóa thì ngại lắm. Ngại ơi là ngại.

Sợ làm sai

Cái sợ này hơi cao cấp một chút, áp dụng với người Tây ở Việt Nam lâu lâu. Một trong những điều đầu tiên người Việt giải thích với người Tây về Tết là sự ảnh hưởng đến năm tới. Tết đẹp thì cả năm sẽ đẹp, hỏng thì...nói chung Tết đẹp thì cả năm sẽ đẹp. Chúng tôi hiểu như thế.

Không ai muốn làm hỏng chương trình. Dĩ nhiên người ta sẽ động viên, “Thoải mái, thoải mái!”, nhưng làm sao thoải mái được khi cả năm tới phụ thuộc vào sự xuất hiện và hành động của chúng tôi? (Đó không phải tự đề cao mình, đó là nghĩ về hậu quả xấu nhất có thể xảy ra, vì ngại quá.) Chúng tôi không muốn vô tình làm hỏng bất cứ điều gì, dù người ta động viên như thế nào chăng nữa!

Biết đâu chúng tôi vô tình làm điều gì đó “không may”? Khi đó người ta cười lịch sự, nhưng cả năm tới mỗi khi có chuyện không hay xảy ra người ta sẽ nhớ đến mình. Thật là tiếc khi anh Joe làm điều đó…Nó không hiểu văn hóa thôi, thế nhưng…thật là tiếc.

Đó chỉ là sự bất đồng văn hóa. Ở bên Tây (ít nhất là Tây của tôi), một lễ hội sẽ bắt đầu và kết thúc với lễ hội đó – diễn ra tốt không vui cả năm, diễn ra không tốt không khóc cả năm. Có nghĩa là ở Việt Nam người ta đầu tư một cách rất rủi ro.

Sợ phải ăn

Sự thật phũ phàng là nhiều người Tây thấy món ăn Tết không ngon. Thậm chí khó ăn. Bánh chưng. Thịt đông. Gà luộc. Lạ quá. Lạnh quá. Nhiều mỡ quá. Đơn giản không phù hợp với lưỡi Tây, cũng như nhiều món ăn truyền thống của Tây không phù hợp với lưỡi Việt.

Hồi nhỏ ăn món nào, hồi lớn thích ăn món đó.

Nhưng đã là Tết Việt Nam thì ai cũng phải ăn, dù Tây, dù Ta, dù người Ba-na. Các miếng sẽ xuất hiện trong bát theo phép màu truyền thống của người Việt. Là khách mời đặc biệt nên cả nhà sẽ nhìn kỹ xem chúng tôi chọn ăn gì, thích ăn gì. Thế là chúng tôi phải chọn và phải thích – càng giả vờ thích càng được ăn thêm.

Tất nhiên có một số người Tây rất thích ăn tất cả các món Tết của Việt Nam. Nhưng các bạn ấy vẫn sợ.

Sợ béo

Sợ bị cô lập

Tình cảm không bù ngôn ngữ. Nếu mình không hiểu người ta đang nói gì, mình sẽ khó cảm nhận cảm xúc của người ta ra sao. Trong một lễ hội như Tết Việt Nam, ngôn ngữ đã, đang, sẽ, và luôn luôn là chính.

Tết Thái thì khác. Té nước là việc diễn ra không cần sự hỗ trợ của ngôn ngữ. Một người không biết tiếng Thái vẫn biết tham gia và thấy vui – nước ngọt không cần phiên dịch. Tết Việt Nam người ta không té nước mà chủ yếu “té chữ”. Thăm, chúc, ngồi, ăn – những động từ gắn bó với Tết Việt Nam dựa rất nhiều trên nền ngôn ngữ. Đó là sự khác biệt giữa phim tình cảm và phim hành động. Phim hành động không hiểu vẫn xem được. Phim tình cảm không hiểu sẽ rất khó xem.

Trong suy nghĩ của một số người Việt, đã mời, đã xếp vị trí tốt, đã gắp miếng ngon, đã thể hiện sự quý mến và tình cảm – là đủ để khách Tây cảm thấy vui. Sự thật là nếu không làm những việc đó – không xếp vị trí tốt, không gắp miếng ngon, không làm gì nhiều – nhưng giải thích rõ ràng về chuyện đang xảy ra thì khách Tây sẽ cảm thấy vui hơn nhiều.

Ở nhà người ta, nghe người ta cười mà không hiểu vì sao cười là cảm giác rất buồn.

Thỉnh thoảng người Việt gặp nhau hay lại quên chuyện người Tây ngồi bên cạnh không hiểu; họ không giải thích lại dùng tiếng Việt dễ hiểu, không dịch sang ngôn ngữ người ta, mặc dù biết ngôn ngữ đó. (Nhiều người Việt ở nước ngoài sẽ biết cảm giác “chẳng hiểu, chẳng vui” đó) Thấy người ta cười tươi với nhau, thỉnh thoảng cho mình miếng gà và nói “try this”, rồi tiếp tục cười tươi với nhau – buồn quá, xấu hổ quá.

Mặt trái, mặt phải

Tôi viết bài này không phải vì chán đời, trầm cảm hay để làm bất cứ ai cảm thấy không vui. Sắp tới các bạn sẽ đọc nhiều bài báo trong đó các ông bà Tây nói Tết Việt Nam vui ơi là vui – và đúng như thế, với đa số người Tây ở đây, Tết là dịp lễ thú vị mang lại nhiều niềm vui thật. Chính tôi cũng có nhiều kỷ niệm rất vui, bên cạnh những kỷ niệm ngại ngùng và gượng gạo.

Tôi chỉ muốn có chút cân đối. Nhưng điều “chưa vui lắm” tôi vừa kể thì các bạn sẽ không đọc được ở những bài vui sắp tới. Nhưng tôi ở Việt Nam lâu. Lúc mới viết blog tôi không dám kể cảm giác trên – thật là buồn, thật là một khách mời vô duyên! Nhưng bây giờ tôi tựa như ông già không sợ ai. Một người đã về vườn có sợ bị sa thải đâu.

Mà nói xong tôi cảm thấy nhẹ người hơn, sẵn sàng đón Tết hơn.

Joe

0 nhận xét: