Thời tiết nắng nóng gay gắt, oi bức tái diễn ở nhiều khu vực của cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện toàn quốc lại tăng cao kỷ lục.
0:00/ 1:38
Nữ miền Nam
Sản lượng điện vượt qua 1 tỷ kWh/ngày
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, mặc dù công suất đỉnh của toàn hệ thống đến ngày 28-5 chưa vượt qua đỉnh của cuối tháng 4 (là 47.670 MW, cũng là đỉnh lịch sử đến hiện tại) nhưng sản lượng điện tiêu thụ điện toàn quốc ngày 28-5-2024 đã đạt đỉnh kỷ lục mới là 1,0019 tỷ kWh.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tiêu thụ điện toàn quốc trong ngày vượt 1 tỷ kWh.
Riêng đối với khu vực miền Bắc, những ngày gần đây mặc dù thời tiết khá nắng nóng, oi bức nhưng vẫn chưa phải đợt nóng đỉnh điểm. Tiêu thụ điện miền Bắc những ngày qua cũng đã tăng cao cả về công suất và sản lượng nhưng đều chưa vượt qua đỉnh cũ.
Do vậy, tiêu thụ điện ở miền Bắc vẫn còn tiếp tục tăng lên, gia tăng áp lực về cung cấp điện trong những đợt nóng cao điểm có thể diễn ra thời gian tới.
Để chung tay góp phần đảm bảo cung cấp điện trong mùa hè nắng nóng năm 2024 đã và đang có xu thế bất lợi về thời tiết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kêu gọi người dân và các khách hàng sử dụng điện thông qua việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm trưa (từ 11h00 đến 15h00) và tối (từ 19h00 đến 23h00).
Trong đó, cần đặc biệt chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ, chỉ bật điều hòa khi thực sự cần thiết, đặt nhiệt độ ở mức 26-27 độ trở lên; đồng thời chú ý không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn trong giờ cao điểm.
Việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm điện cũng giảm thiểu nguy cơ sự cố về điện và hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao.
Từ năm 2017, điện mặt trời và điện gió đã phát triển với tốc độ 'chưa từng có' với những chính sách khuyến khích từ Chính phủ, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ năng lượng tái tạo thế giới.
Điện gió, điện mặt trời chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn điện
Từ năm 2017, để thúc đẩy phát triển điện gió, điện mặt trời, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Mức giá cao tại Biểu giá ưu đãi (giá FIT 2.086 đồng/kWh cho điện mặt trời, 1.900 đồng với điện gió) đã thu hút hàng chục tỷ USD của khu vực tư nhân vào điện mặt trời, điện gió.
Từ chỗ chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng sản lượng điện, đến nay, điện tái tạo đã chiếm khoảng trên 15% sản lượng điện toàn hệ thống.
Giá FIT đều có thời hạn được nêu rõ trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Giá FIT1 cho điện mặt trời hết hạn vào 30/6/2019. FIT2 hết hạn vào tháng 30/12/2020. FIT cho điện gió hết hạn vào 31/10/2021.
Trước hết, sự kiện đánh dấu bước nhảy vọt đầu tư điện mặt trời là Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về “Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam”. Giá điện mặt trời ở mức 2.086 đồng/kWh trong vòng 20 năm đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. Tính đến 1/1/2021 - thời điểm kết thúc giá ưu đãi cho điện mặt trời - tổng công suất điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà đã lên tới 16.500MW
Sau 30/6/2019, giá FIT đã giảm từ 9,35 cent/kWh xuống chỉ còn 7,09 cent/kWh, tương đương 1.644 đồng/kWh (đối với các dự án điện mặt trời mặt đất), theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg. Song, điện mặt trời mái nhà lại có mức giá lên tới 8,38cent/kWh, tương đương 1.943 đồng/kWh. Điều này đã thu hút nhiều người dân và doanh nghiệp làm điện mặt trời mái nhà.
Sự phát triển nhanh của các nguồn NLTT thời gian đã hỗ trợ bổ sung thêm nguồn cung cho hệ thống, góp phần giảm nguy cơ thiếu điện trong các năm 2018-2019, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, góp phần nâng cao tỷ lệ tiếp cận nguồn năng lượng sạch và điện năng của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; giảm lượng phát thải CO2 theo cam kết quốc tế tại COP26 của Chính phủ Việt Nam.
Cơ cấu nguồn điện thực tế đã có sự chuyển dịch đáng kể từ các nguồn năng lượng xám sang năng lượng sạch. Tại ASEAN, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng có tiềm năng lớn về điện mặt trời và điện gió như Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Philippines. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam đã vượt xa các nước này trong việc khai thác điện mặt trời và điện gió.
Đáng chú ý, trong các năm 2019, 2020 và 2021, sản lượng điện phát từ nguồn điện gió, mặt trời đạt tương ứng 5,242 tỷ kWh, 10,994 tỷ kWh và 29 tỷ kWh. Nhờ đó, góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao. Đơn cử, năm 2019 giảm khoảng 2,17 tỷ kWh, năm 2020 và năm 2021 giảm 4,2 tỷ kWh, tiết kiệm khoảng 10.850-21.000 tỷ đồng cho việc sử dụng dầu để phát điện.
Số liệu mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, tháng 4/2024, sản lượng năng lượng tái tạo lên tới 14,55 tỷ kWh, chiếm tới 15,1% (trong đó điện mặt trời đạt 9,26 tỷ kWh, điện gió đạt 4,78 tỷ kWh). Mức sản lượng huy động nguồn điện tái tạo chỉ đứng sau nhiệt điện than (do thủy điện đang phải trữ nước để dành cho đợt cao điểm tới).
Đi sâu phân tích ngành năng lượng tái tạo (NLTT) tại báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” vào tháng 10/2023, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá: Nhiều chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành nhằm khuyến khích và hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, cũng như tạo những điều kiện thuận lợi nhất để có thể khai thác, phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Các chính sách tích cực đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia việc khai thác, sử dụng NLTT.
Qua đó, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường điện NLTT tại Việt Nam, đặc biệt khi dành mức giá ưu đãi cho các nhà đầu tư, sản xuất điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối, tạo điều kiện kích hoạt thị trường đầu tư NLTT và các giao dịch ngân hàng, tài chính sôi động.
"Nhìn vào bối cảnh phát triển nguồn điện ở giai đoạn này, các chính sách nêu trên đã giúp giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trong ngắn hạn và tạo một lượng công suất dự phòng đáng kể, giảm nhập khẩu than đồng thời tăng chỉ số an ninh năng lượng quốc gia", Đoàn giám sát nhận định.
Chặng đường mới cho điện tái tạo
Thời gian tới, phát triển năng lượng tái tạo tiếp tục được Chính phủ ưu tiên. Điều đó thể hiện tại Quy hoạch điện 8 được phê duyệt vào ngày 15/5/2023. Quy hoạch này đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%. Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050.
Quy hoạch điện VIII hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 (với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất). Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn, hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Hiệp hội DN Anh Quốc tại Việt Nam đánh giá: Việc thông qua Quy hoạch điện 8 gần đây cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc khử carbon. Để phù hợp với mục tiêu chung về tính bền vững, chúng tôi khuyến nghị triển khai nhanh chóng quy hoạch điện 8, đặc biệt liên quan đến phát triển LNG, năng lượng mặt trời và gió cùng với việc xây dựng các quy định pháp lý cho phép việc thực hiện. Ví dụ như các quy định liên quan đến Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (“DPPA”). Để hỗ trợ thêm cho sáng kiến này, chúng tôi khuyến nghị triển khai phối hợp Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) phù hợp với quy hoạch điện 8 và đảm bảo tính sẵn sàng của các dự án thí điểm cụ thể, đặc biệt là về năng lượng gió ngoài khơi.
Song phải nhìn nhận việc chuyển hướng sang năng lượng sạch cũng gây ra nhiều thách thức cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong chuyển dịch năng lượng như: chi phí thực hiện chuyển dịch năng lượng lớn, gây áp lực lên giá điện; hệ thống lưới điện của EVN chưa đáp ứng độ linh hoạt khi tích hợp các nguồn NLTT; giá bán lẻ điện bình quân tại Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trên thế giới, chưa có cơ chế linh hoạt về giá bán lẻ...
Ngoài ra, tỷ trọng NLTT biến thiên cao khiến vận hành hệ thống điện trở nên phức tạp hơn và mang lại một viễn cảnh tương lai với tỷ trọng NLTT cao hơn nữa tại Việt Nam. Việc tích hợp mức độ cao NLTT biến thiên không chỉ gây khó khăn trong quá trình vận hành mà còn là thách thức về quản lý.
Bên cạnh đó, các dự án điện tái tạo mới cũng phải đang chờ chính sách. Môi trường pháp lý về năng lượng của Việt Nam sẽ cần thay đổi nhanh chóng để đảm bảo các cơ cấu ưu đãi cũng như các quy định pháp lý tạo thuận lợi đủ sẵn sàng để phục vụ đấu thầu các dịch vụ cân bằng, cũng như các nguồn lực linh hoạt cần thiết của bên cung và bên cầu để tạo điều kiện cho quá trình chuyển dịch liên tục sang năng lượng sạch.
Sau nhiều cuộc họp tháo gỡ, Bộ trưởng Công Thương đánh giá tình hình thực hiện các dự án điện khí chưa có nhiều thay đổi, ngoại trừ Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: MOIT.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: MOIT.
Bộ Công Thương vừa tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn năng lượng (EVN, PVN) cùng các chủ đầu tư về các dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước và khí tự nhiên hóa lỏng LNG.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh sau nhiều cuộc họp tháo gỡ, tình hình thực hiện các dự án điện khí chưa có nhiều thay đổi, ngoại trừ Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. "Nếu tình trạng này còn tiếp tục tái diễn thì vấn đề an ninh năng lượng quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.
Các dự án chưa có nhiều tiến triển
Theo Quy hoạch điện VIII, sẽ có 23 dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030. Trong đó có 10 dự án sử dụng khí trong nước và 13 dự án điện sử dụng LNG (khí tự nhiên hóa lỏng).
Đến nay, 1 nhà máy đã đưa vào vận hành là Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I (660 MW); các dự án đang xây dựng là Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 (tổng công suất 1.624 MW) và Nhà máy điện LNG Hiệp Phước giai đoạn 1 (1.200 MW).
Theo báo cáo, tính đến ngày 22/5, hầu hết dự án điện khí đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư và chưa có nhiều tiến triển, đặc biệt là 3 dự án Cà Ná, Nghi Sơn, Quỳnh Lập với tổng công suất 4.500 MW vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư.
Các dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư như Hải Lăng giai đoạn 1, Quảng Ninh vẫn chưa hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) để trình lại Bộ Công Thương thẩm định. Dự án LNG Bạc Liêu, Hiệp Phước giai đoạn 1, Ô Môn 2 chưa hoàn thành công tác đàm phán PPA.
Trong tương lai, các dự án điện chủ yếu phải dùng nhiên liệu là LNG trong bối cảnh tiềm năng thủy điện đã hết, nhiệt điện phải dừng phát triển. Ảnh: Quỳnh Danh.
Trong tương lai, các dự án điện chủ yếu phải dùng nhiên liệu là LNG trong bối cảnh tiềm năng thủy điện đã hết, nhiệt điện phải dừng phát triển. Ảnh: Quỳnh Danh.
Bên cạnh đó, Dự án Long An I và II chưa hoàn thành công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt FS; 2 dự án BOT Sơn Mỹ I, BOT Sơn Mỹ II vẫn chưa hoàn thiện FS theo quy định để đủ điều kiện phê duyệt.
Riêng đối với dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, hai dự án này đã có tiến triển trong công tác thi công, đã hoàn thành công tác nhận điện ngược từ đường dây 220 kV vào SPP 220 kV Nhà máy điện Nhơn Trạch 3.
Phải phát điện thương mại trước năm 2029
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng các dự án điện sử dụng khí và LNG có tầm quan trọng đặc biệt vì đây là nguồn điện nền và phát thải carbon thấp, vì vậy để triển khai chậm sẽ là hậu quả với an ninh năng lượng quốc gia. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chú trọng chỉ đạo triển khai các dự án. Trong 21 dự án có 3/4 là các dự án trong Quy hoạch điện VII.
"Bộ đã nhiều lần làm việc với các tỉnh và nhà đầu tư để thảo luận tháo gỡ các vướng mắc. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ hầu hết dự án rất chậm. Nếu điều này tiếp tục diễn ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh năng lượng, nguy cơ vỡ Quy hoạch điện VIII", Bộ trưởng nhìn nhận.
Do đó, ông yêu cầu UBND các tỉnh khẩn trương hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư đối với các tỉnh chưa tiến hành lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án (gồm Thanh Hóa, Nghệ An và Ninh Thuận).
"Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư, cần phải gấp rút triển khai thực hiện các nhiệm vụ để trước năm 2029 các dự án điện khí tại 3 địa phương này phải được phát điện thương mại", ông Diên yêu cầu.
Đối với các tỉnh, thành phố đã lựa chọn được nhà đầu tư và các dự án đang được triển khai, Bộ trưởng Diên đề nghị chỉ đạo đơn vị có liên quan khẩn trương đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn; chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân...
Bộ đã nhiều lần làm việc với các tỉnh và nhà đầu tư để thảo luận tháo gỡ các vướng mắc, song tiến độ hầu hết dự án rất chậm. Nếu điều này tiếp tục diễn ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh năng lượng, nguy cơ vỡ Quy hoạch điện VIII
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên
"Từ đó chủ động chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, cần báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng và Bộ trước ngày 25/6", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đồng thời, tỉnh cần chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch, tiến độ cụ thể cho từng dự án, với mục tiêu đưa các dự án phát điện thương mại trước năm 2029.
Đối với Tập đoàn EVN và PVN, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu phải khẩn trương và quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ với tư cách là chủ đầu tư các dự án. Cụ thể, EVN khẩn trương hướng dẫn và ký kết hợp đồng về mua bán điện, hợp đồng đấu nối với các chủ đầu tư.
Đối với PVN, cần khẩn trương ký các hợp đồng cung cấp khí cho các dự án theo quy định; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với chủ đầu tư các dự án về tổng kho, kho và đường ống dẫn khí… đã có trong quy hoạch được duyệt.
Kế hoạch xây dựng nhà máy với lò phản ứng nổi của Trung Quốc đặt ra nhiều mối nguy cơ mất an toàn hạt nhân khi vận hành trên giàn khoan hay đảo nhân tạo trên biển.
Mô phỏng nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc. Ảnh: Twitter Nhân dân nhật báo
Mô phỏng nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc. Ảnh: Twitter Nhân dân nhật báo
Theo CNN, những nhà máy điện hạt nhân mini này sẽ được lắp trên các xà lan cỡ lớn và có thể kéo đến những vùng biển xa xôi, nơi không thể kết nối với mạng lưới điện địa phương như các giàn khoan, hay đảo nhân tạo trên biển, có thể bao gồm cả các đá bồi lấp phi pháp ở Biển Đông.
Bắc Kinh tạm dừng chương trình hạt nhân sau thảm họa Fukushima ở Nhật vào năm 2011. Trung Quốc từng cam kết theo đuổi chương trình năng lượng sạch từ gió, mặt trời và hạt nhân lớn nhất thế giới. Năm 2016, nước này chính thức hiện thực hóa kế hoạch hạt nhân đầy tham vọng trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 được công bố hồi tháng 3.
Trung Quốc sẽ hoàn thành việc xây dựng 58 lò phản ứng hạt nhân đến năm 2020 và thêm một số lò phản ứng có công suất trên 100 Gigawatt vào năm 2030. Khi đó, Bắc Kinh sẽ trở thành nhà sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới.
Trong kế hoạch này, Trung Quốc sẽ xây dựng khoảng 20 nhà máy điện hạt nhân nổi. Những lò phản ứng nổi đặt ra nhiều câu hỏi về mục đích, hiệu quả kinh tế, đặc biệt là vấn đề an toàn.
Kế hoạch đầy tham vọng
Dự kiến nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Trung Quốc sẽ được xây dựng vào năm 2017, cung cấp điện từ năm 2020. Nhà máy đầu tiên sẽ được triển khai ở đảo Hải Nam, có thể sẽ phục vụ các đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp trên Biển Đông.
Ảnh đồ họa nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov của Nga. Ảnh: Sevmash
Ảnh đồ họa nhà máy điện hạt nhân nổi
Akademik Lomonosov
của Nga. Ảnh:
Sevmash
Trung Quốc đang sử dụng các lò phản ứng nhỏ có công suất từ 50 đến 100 MW được thiết kế cho các ứng dụng như cung cấp hơi nước công nghiệp, khử muối, sưởi ấm và cung cấp điện năng. Các lò phản ứng sử dụng công nghệ áp lực nước, tương tự các lò phản ứng lớn nhưng đủ nhỏ để xây dựng với số lượng lớn và có thể có chi phí thấp.
Thiết kế nhà máy nổi của Trung Quốc sẽ có máy bơm làm mát lò phản ứng sẽ gắn bên ngoài, trong khi máy phát điện hơi nước và lõi của lò phản ứng nằm bên trong thân tàu.
Nguy cơ mất an toàn
Những nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề đảm bảo an toàn. Các nhà thiết kế nhấn mạnh rằng, lò phản ứng nhỏ có mức độ an toàn cao hơn do mật độ năng lượng thấp cùng một số phương tiện hiện đại để loại bỏ lõi phản ứng khi tắt máy. Tuy nhiên, các tuyên bố trên chưa được kiểm chứng.
Những lò phản ứng hạt nhân xây dựng trên đất liền có một hệ thống đặc biệt để ngăn chặn rò rỉ phóng xạ trong trường hợp gặp sự cố. Các lò phản ứng lắp trên xà lan cũng có hệ thống tương tự nhưng các nhà khoa học vẫn hoài nghi khả năng đảm bảo an toàn khi chúng lênh đênh trên biển. Đối với các tàu hoạt động trên biển, có rất nhiều mối nguy hiểm rình rập nằm ngoài khả năng dự báo của con người như bão, sóng thần, đá ngầm, va chạm với tàu khác có thể nhấn chìm xà lan, gây rò rỉ phóng xạ.
Thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật là một hồi chuông cảnh báo về an toàn hạt nhân. Ảnh: Greenpeace
Thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật là một hồi chuông cảnh báo về an toàn hạt nhân. Ảnh:
Greenpeace
Ngoài ra, việc bảo vệ các lò phản ứng di chuyển trên biển khó khăn hơn nhiều so với trên đất liền. Khủng bố, cướp biển, hay mất điện máy bơm làm mát là những mối nguy hiểm thực sự.
Bên cạnh đó, công tác bảo trì - chìa khóa để đảm bảo an toàn cho lò phản ứng cũng là thách thức khi đưa đến những vùng xa xôi. Đây là mối nguy hiểm mới so với những lò phản ứng nằm trên đất liền.
Mối nguy hiểm rõ ràng là việc bơm nước làm mát cho lò phản ứng trong trường hợp mất điện, sự cố này đã được ghi nhận trong thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản năm 2011.
Trong khi các nhà quản lý Trung Quốc có thể sử dụng các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân tương tự những nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình của họ thường không đủ minh bạch với bên ngoài.