(KTSG Online) – Kế hoạch xây dựng một mạng lưới cáp ngầm dưới biển truyền tải điện sạch để tạo ra một lưới điện xuyên lục địa châu Á trải dài từ Nhật Bản đến Ấn Độ đang trở nên rẻ hơn và khả thi hơn, theo một báo cáo nghiên cứu của Mạng lưới điện xanh châu Á (AGGN).
Sự phát triển của công nghệ dòng điện một chiều điện áp cao và năng lực đặt dây cáp ở độ sâu lên đến 3.000 mét dưới đại dương đã củng cố triển vọng cho siêu lưới điện, có thể giúp truyền tải năng lượng tái tạo được sản xuất ở một khu vực cách xa khách hàng dùng điện hàng nghìn dặm.
Trong báo cáo công bố hôm 26-10, AGGN nhận định khả năng kết nối các lưới năng lượng ở những khoảng cách xa với chi phí kinh tế hợp lý ngày càng trở nên khả thi hơn. “Để biến điều này thành hiện thực, cần vượt qua một loạt thách thức và đòi hỏi những đột phá trong đổi mới”, báo cáo cho hay.
AGGN là tổ chức được thành lập bởi Công ty khởi nghiệp Sun Cable, nhà phát triển dự án Kết nối năng lượng Úc-Á cùng các đối tác nghiên cứu ở các trường đại học của Úc và Singapore. AGGN sẽ thúc đẩy các đổi mới hỗ trợ cho mạng lưới điện xuyên biên giới với mục đích tăng tốc truyền tải điện tái tạo trên toàn châu Á.
Dự án Kết nối năng lượng Úc – Á có tổng vốn đầu tư 30 tỉ đô la Úc (19 tỉ đô la Mỹ), bao gồm trang trại điện mặt trời rộng 12.000 hec-ta ở thành phố Darwin (Úc), dự kiến bắt đầu thi công vào năm 2024. Dự án sẽ triển khai đường cáp ngầm dưới biển 3.700 km, đi xuyên qua vùng biển Indonesia để đưa điện đến Singapore, nơi 90% sản lượng điện được sản xuất từ khí đốt.
Hôm 24-10, Phó thủ tướng Singapore, Lawrence Wong cho biết, Singapore đặt mục tiêu đưa khí thải carbon về mức zero ròng vào năm 2050. Trước đó, ngày 18-10, tại Canberra, Thủ tướng Úc, Anthony Albanese và người đồng cấp Singapore, Lý Hiển Long đã chứng kiến lễ ký kết Thỏa thuận kinh tế xanh, mở đường cho việc xuất khẩu năng lượng sách từ Úc sang Singapore.
Sun Cable cho biết, nếu dự án kết nối điện giữa Úc và Singapore được triển khai thành công, ý tưởng này có thể được nhân rộng ở các khu vực khác của châu Á. Sun Cable coi lưới điện xanh trong khu vực là một giải pháp để truyền tải năng lượng tái tạo với chi phí phải chăng.
AGGN ước tính, một mạng lưới truyền tải điện khắp châu Á có thể tốn chi phí đầu tư từ 77- 116 tỉ đô la, thấp hơn rất nhiều so với các ước tính trước đây. Con số này chưa tính đến chi phí đầu tư các hạ tầng khác như các cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo, hệ thống pin trữ điện và các trạm chuyển đổi điện áp, theo AGGN.
Ý tưởng kết nối các nhà máy điện và khách hàng trên khắp châu Á đã được theo đuổi trong nhiều thập niên nhưng bị cản trở bởi các vấn đề, bao gồm thiếu sự phối hợp của các chính phủ và vốn tài trợ cho cơ sở hạ tầng. Năm 2016, Tập đoàn lưới điện nhà nước Trung Quốc ước tính chi phí đầu tư cho một lưới điện như vậy sẽ tốn kém, khoảng 50 nghìn tỉ đô la vào năm 2050.
Sự phân bố cách xa nhau của các trung tâm sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo khiến các lưới điện kết nối chúng trở thành một thành phần quan trọng của bất kỳ hệ thống năng lượng thành công nào trong tương lai.
Những người ủng hộ đang nhìn thấy cơ hội thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh bằng cách kết nối năng lượng tái tạo được sản xuất ở các vùng có nguồn năng lượng mặt trời, gió hoặc thủy điện dồi dào với các khách hàng tiêu thụ nhiều điện ở các thành phố và trung tâm công nghiệp cách xa hàng ngàn kilomet.
Kết hợp với hệ thống pin trữ điện, các lưới điện xuyên lục địa cho phép các nước có công suất năng lượng tái tạo tương đối thấp tiếp cận nguồn điện xanh khi cần thiết và giảm lượng khí thải trong quá trình này.
Một số lưới điện xuyên lục địa đã được triển khai trên thế giới, bao gồm lưới điện kết nối Biển Bắc (North Sea Link), lưới điện ngầm dưới biển dài nhất thế giới hiện nay, cho phép truyền dẫn thủy điện ở Na Uy đến khu công nghiệp đông bắc của Anh và truyền tải năng lượng gió theo chiều ngược lại.
Công ty lưới điện quốc gia Anh đang trong quá trình xây dựng đường cấp ngầm dưới biển dài 760 km, có tên gọi Viking Link, kết nối Anh và Đan Mạch. Lưới điện này dự kiến sẽ được vận hành vào cuối năm sau.
Mặc dù vẫn còn sơ khai so với các lưới điện kết nối ở châu Âu, châu Á đang thực hiện các bước nhỏ để tích hợp lưới điện. Singapore bắt đầu nhận thủy điện từ Lào qua lưới điện kết nối với Thái Lan và Malaysia vào đầu năm nay. Trung Quốc cũng đang triển khai các ý tưởng tương tự trên quy mô quốc gia với việc lắp đặt hàng nghìn km đường dây siêu cao thế để liên kết các nhà máy điện ở các sa mạc phía tây với các trung tâm đô thị ở phía đông.
Theo Bloomberg, Reuters