HÀ NỘI Sau nhiều lần lỗi hẹn, nhà máy điện rác lớn nhất nước chính thức hòa lưới điện quốc gia vào sáng 25/7, giai đoạn một sẽ tiếp nhận gần 1.000 tấn rác mỗi ngày.
HÀ NỘI Sau nhiều lần lỗi hẹn, nhà máy điện rác lớn nhất nước chính thức hòa lưới điện quốc gia vào sáng 25/7, giai đoạn một sẽ tiếp nhận gần 1.000 tấn rác mỗi ngày.
Đây là cách mà Singapore mua điện (từ năng lượng tái tạo) từ Lào.
Các công ty lớn trong lĩnh vực dầu mỏ tại thị trường Mỹ gần đây nhận thấy mình đang đứng trước nhiều áp lực phải thúc đẩy sản xuất, khi giá dầu đang tăng chóng mặt trong bối cảnh thị trường ngày càng bị thắt chặt về nguồn cung.
Đồng thời, Chính phủ Mỹ cũng như các quốc gia EU đang tìm kiếm trên toàn thế giới để có thêm nguồn cung dầu khí. Theo nghiên cứu mới nhất từ Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, hơn một nửa, chính xác là 65% lượng dầu và khí đốt được phát hiện trên thế giới đang nằm dưới sự kiểm soát của các công ty dầu khí quốc gia.
Chuyên gia cho rằng đây là một thông tin "xấu", bởi ngoài các công ty dầu khí quốc gia như Saudi Aramco, QatarEnergy và Abu Dhabi Adnoc, các công ty với trữ lượng dồi dào còn bao gồm cả Công ty Rosneft và Gazprom của Nga, Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran và PDVSA của Venezuela.
Theo các nhà phân tích của Wood Mac, 7 công ty này có thể tiếp tục sản xuất dầu và khí đốt với tốc độ hiện tại trong vòng 40 đến 60 năm tới hoặc thậm chí lâu hơn nếu họ khai thác hết công suất dự phòng.
Các công ty dầu khí quốc gia đã phát hiện 41% tổng trữ lượng dầu khí mới trong các nguồn tài nguyên thông thường kể từ năm 2011. Hơn nữa tỉ lệ của các công ty dầu khí quốc gia trong lượng dầu mỏ được khám phá mới đã tăng lên kể từ năm 2018 khi quá trình chuyển đổi năng lượng thúc đẩy sự phát triển của các chiến lược thăm dò của họ, báo cáo cho biết.
Tổng cộng các công ty dầu mỏ quốc gia đã phát hiện hơn 100 tỷ thùng dầu kể từ năm 2011, gấp đôi so với tổng các công ty khai thác dầu mỏ khác cộng lại. Tuy nhiên hiện tại có vẻ như các công ty dầu khí đặc biệt là ở Trung Đông đang không có nhiều động lực để tăng năng suất dự phòng, đặc biệt khi giá dầu bắt đầu biến động thất thường dưới sức nặng của những lo ngại về suy thoái kinh tế.
Hướng tới tương lai "xanh" hơn
Những quốc gia châu Âu hay Mỹ đang hướng tới một mô hình kinh tế ngày càng ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch hơn.
Một lập luận được đưa ra bởi các tổ chức về môi trường như Ember, đã cho rằng những thùng dầu và mét khối khí đốt này là những tài sản mắt kẹt trong tương lai sẽ trở nên lỗi thời vào giữa thế kỉ này.
Trong 6 tháng qua, đặc biệt là 3 tháng gần đây, các quốc gia như Mỹ và châu Âu đã xem xét lại một cách nghiêm túc về vấn đề cần ưu tiên hiện nay là gì. Họ đều từng là những người cứng rắn trong quan điểm về dầu khí nay cũng đã trở nên thận trọng khi vấn đề an ninh năng lượng lần đầu tiên vượt qua những lo ngại về phát thải trong vòng nhiều năm.
Chính phủ châu Âu và Mỹ, hai trong số những thị trường tiêu thụ dầu và khí đốt lớn nhất trên toàn cầu, tin rằng việc tái tập trung vào an ninh năng lượng sẽ chỉ là vấn đề ngắn hạn. Dầu và khí đốt sẽ chỉ cần thiết trong vài năm nữa theo lập luận của họ, cho đến khi chúng ta xây dựng đủ công viên điện gió và trang trại năng lượng mặt trời. Than đá cũng sẽ tương tự như vậy.
Tuy nhiên thực tế là châu Âu đang kí hợp đồng dài hạn cho LNG của Mỹ, điều này gợi ý về một sự thừa nhận rằng dầu và khí đốt rất có thể sẽ cần thiết trong vòng nhiều năm mà là nhiều thập kỉ tới.
Chỉ có 7 công ty có thể cung cấp lượng dầu và khí đó trong nhiều thập kỉ tới mà không cần đến các cơ quan quản lý, Chính phủ hoặc các nhà đầu tư mà các công ty dầu mỏ tư nhân đã phải chịu trong những năm gần đây.
Tương lai sau này sẽ rộng mở và thuộc về tay những công ty dầu khí quốc gia.
Tham khảo: Oilprice
Như Quỳnh
Theo Nhịp sống kinh tế
Công suất nguồn điện tại quy hoạch điện 8 đến năm 2030 sẽ như thế nào để thực hiện phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050?
Số liệu của Bộ Công Thương đưa ra tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về rà soát quy hoạch điện 8 cho thấy công suất lắp đặt nguồn điện của Việt Nam đến năm 2030 có những thay đổi mạnh.
Năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện đạt 145.930MW (không tính điện mặt trời và các nguồn đồng phát). Quy hoạch điện 8 tính toán phương án điều hành theo kịch bản nhu cầu sử dụng điện cao, có tính thêm mức dự phòng 15% công suất nguồn điện. Việc này là nhằm dự phòng trường hợp tỷ lệ thực hiện phát triển các nguồn điện lớn chỉ đạt được khoảng 85% công suất nguồn điện theo quy hoạch.
Sự thay đổi đáng kể nhất là tăng tỷ trọng nguồn nhiệt điện khí trong hệ thống điện Việt Nam và nguồn điện gió trên bờ cũng như ngoài khơi.
Công suất lắp đặt nhiệt điện khí (cả khí nội và khí LNG) chiếm tới hơn 26%, cao hơn một chút so với công suất nhiệt điện than đến năm 2030. Đây là điểm khác biệt nhất so với các quy hoạch điện trước đây khi giảm dần quy mô công suất nhiệt điện than nhằm thực hiện cam kết toàn cầu tại COP26 (Có 11 dự án nhiệt điện than với tổng công suất 12.960 MW đang trong quá trình xây dựng và sẽ đưa vào vận hành tới năm 2030).
Theo Bộ Công Thương, nguồn điện gió trên bờ cần đưa vào vận hành thêm khoảng 12.000 MW trong giai đoạn đến năm 2030, trong đó có khoảng 2.800 MW tại miền Bắc cần đưa vào từ năm 2024-2025 để đảm bảo cấp điện. Hiện tại, do chưa phê duyệt Quy hoạch điện 8 nên các nguồn điện này chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai.
Ngoài ra, nguồn điện gió ngoài khơi cũng được quy hoạch lên đến 7.000MW vào năm 2030 (3.000 MW tại miền Nam và 4.000 MW tại miền Bắc). Bộ Công Thương cho rằng nguồn điện gió ngoài khơi tại miền Bắc cần đưa vào vận hành sớm từ năm 2027 để đảm bảo cấp điện cho miền Bắc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới mẻ, cơ sở pháp lý, chính sách giá và các cơ chế đi kèm cho điện gió ngoài khơi đến nay vẫn còn chưa được ban hành. Vì vậy, để năm 2030 công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi đạt 7.000MW là điều rất khó khăn cho dù nhiều tập đoàn trong nước cũng như nước ngoài đang dành sự quan tâm cao độ đến nguồn điện này.
Tính chung công suất lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo trong dự thảo điện 8 là trên 21%. Có thể thấy giai đoạn từ nay đến 2030, điện gió có cơ hội phát triển và gia tăng công suất lắp đặt, trái ngược với điện mặt trời. Bộ Công Thương không muốn phát triển mạnh thêm điện mặt trời quy mô lớn mà chỉ tiếp tục phát triển các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư (bao gồm cả những dự án đã hoàn thành thi công) trong giai đoạn đến năm 2030 với tổng công suất 2.428 MW.
Bộ Công Thương giải thích: Lý do là nếu đưa vào giai đoạn trước năm 2030 sẽ làm cho tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng cao (khoảng 26% tổng công suất toàn hệ thống), ảnh hưởng đến khả năng vận hành an toàn, tin cậy của hệ thống điện và ảnh hưởng đến vận hành kinh tế các nguồn thủy điện, nhiệt điện và bao tiêu khí hiện có.
Nhìn chung, theo Bộ Công Thương, khi phải giảm khoảng 18.000 MW điện than vào năm 2030 nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Quy hoạch điện 8 đã thay thế công suất điện than này bằng khoảng 14.000 MW nguồn điện nền sạch hơn là điện LNG, còn lại bù bằng 12-15.000 MW các nguồn năng lượng tái tạo (do số giờ vận hành các dự án nguồn năng lượng tái tạo chỉ bằng khoảng 1/3 (đối với điện gió) và 1/4 (đối với điện mặt trời) so với các nguồn điện than hoặc khí).
Cũng chính vì vậy, đến năm 2030 tổng công suất các nhà máy điện đạt 145.930 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát) có cao hơn so với mục tiêu nêu tại Nghị quyết 55-NQ/TW (125-130.000 MW), nhưng phù hợp với bối cảnh phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo và các nguồn điện nền sạch hơn (LNG) để đảm bảo phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
TheoVietnamnet.vn
Gần bước sang tuổi 90, ông Thái Phụng Nê - nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng - vẫn đầy nhiệt huyết khi nói về thủy điện, về các dự án năng lượng của quốc gia.
Cách đây mấy năm, người ta vẫn thấy ông ở một công trình thủy điện tại Bình Định với vai trò tư vấn. Trước đó, suốt cả một chặng đường dài công tác, ông gắn liền với các công trình thủy điện Thác Bà, Hòa Bình, Yaly, Sơn La, Lai Châu…
Trong căn phòng làm việc nhỏ của ông, sách báo, nghiên cứu về các công trình thủy điện chồng từng hàng cao. Năm 2001, khi đã 65 tuổi, ông được giao làm phái viên Thủ tướng, đảm nhiệm Phó Ban chỉ đạo Nhà nước về các dự án điện, điều phối xây nhiều công trình thủy điện lớn. Nhiều người nói, ông không có tuổi "nghỉ hưu".
Ông nghĩ thế nào về danh xưng "ông thủy điện", "người hùng thủy điện" mà người ta đặt cho mình?
- Mọi người gọi vậy, tôi rất vui. Tôi vốn học ngành thủy điện. Tại trường Đại học Xây dựng ở Moskva, tôi học khoa Thủy công, xây dựng các công trình trên nước như cảng, đập, thủy điện. Sau này, được làm và phát huy những gì đã học, tôi thấy rất hãnh diện về nghề xây dựng thủy điện của mình.
Nhưng tôi không chỉ làm thủy điện, tôi nghĩ mình là con người của ngành điện thì đúng hơn. Tôi làm nhiều việc trong ngành điện, chỉ đạo xây dựng nhiệt điện, lưới điện, trải qua nhiều vị trí khác nhau. Dù phải công nhận rằng cuộc đời tôi vẫn chủ yếu là làm các công trình thủy điện nhưng cũng phải nói thêm để mọi người hiểu, mọi dự án đều là kết quả hội tụ sức mạnh của tập thể, của nhiều chuyên ngành cùng phối hợp làm nên.
Với thế hệ đi sau, họ trưởng thành và chuyên nghiệp hơn nhiều. Họ tiếp tục làm thủy điện tích năng, thủy điện mở rộng… Thực sự không ai giỏi, biết nhiều mà không thông qua thực tế. Bản thân tôi cũng từng lăn lộn với nhiều dự án. Học chỉ là để biết nguyên lý, ra ngoài muốn làm được việc thì phải thông qua môi trường thực tế, biết xoay xở, tìm cách để hiệu quả và chất lượng hơn.
Và tên tuổi của ông gắn với rất nhiều công trình thủy điện lớn của đất nước như Hòa Bình, Yaly… Thủy điện Hòa Bình, trước khi trở thành công trình kỳ vĩ của thế kỷ thì cũng từng có rất nhiều vấn đề gây tranh cãi, ông có thể kể lại?
- Không chỉ có các đại dự án thủy điện Hòa Bình, Sơn La… đâu, mà tất cả công trình lớn đều có nhiều tranh cãi. Nhưng trước những tranh cãi, ý kiến trái chiều, vấn đề là người làm phải có luận cứ, có cơ sở để thấy cái mình làm đúng.
Trong quá trình làm thấy nó không hợp lý thì cần nghiên cứu, sửa đổi lại. Cũng không ai có thể chắc chắn chuyện mình làm hôm nay thì 10-20 năm sau vẫn đúng 100%. Nhưng ngay tại thời điểm đó, mình phải làm "toàn tâm toàn ý", và thấy nó đúng.
Để xây dựng được công trình thủy điện Hòa Bình đồ sộ như hiện nay mọi người thấy thì phải nghiên cứu từ năm 1960. Lúc đó thành lập Ủy ban trị thủy và khai thác hệ thống sông Hồng, nhiệm vụ đặt ra là phải tính toán kỹ lưỡng để đề ra được nhiệm vụ thiết kế thủy điện Hòa Bình.
Tại sao nó lại 1.900MW, chứ không phải con số khác?
Tại sao lại đặt tại tuyến Hòa Bình, chứ không phải những nơi khác?
Tất cả những cái đó là đều gây tranh luận nảy lửa chứ không đơn giản. Để thuyết phục được, những người làm phải có luận cứ. Luận cứ được đưa ra trên cơ sở thu thập, điều tra trên cơ sở tính toán thực địa.
Giữa nhiều ý kiến, tranh luận, rồi cuối cùng vẫn chọn tuyến đập tại Hòa Bình do cơ quan chúng tôi đề xuất ban đầu. Người ta dịch đi dịch lại, chọn đi chọn lại rồi cuối cùng vẫn thấy đó là phương án tối ưu.
Dự án được bắt đầu nghiên cứu năm 1960, thiết kế kỹ thuật được duyệt năm 1980, gần 20 năm. Quá trình đó tranh cãi không ít, vì dự án rất lớn, rất phức tạp. Để giải quyết thì cần có sự quyết liệt, luận cứ, quyết tâm, và có tinh thần dũng cảm, dám chịu trách nhiệm. Đâu phải dễ dàng đưa ra và chọn được một tuyến đập mà mình thấy hợp lý.
Và tranh cãi lớn nhất thời điểm đó là gì, thưa ông?
- Rất nhiều tranh cãi, nhưng lớn nhất là vấn đề vị trí tuyến đập. Vấn đề này được tranh cãi rất gay gắt. Vấn đề khác nữa là công suất.
Ông Trần Đăng Khoa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thủy lợi - trước đây từng "chất vấn" chúng tôi một câu: Tại sao các anh cứ thích làm công trình lớn, các anh mới làm được thủy điện 112 MW mà nhảy sang làm một công trình 1.900 MW. Nếu các anh "đứt gánh" giữa đường thì lãng phí bao nhiêu?
Ông Khoa cũng đặt câu hỏi sao không làm thủy điện Lô Gâm với công suất 300 MW thì có vừa hơn không?
Đó là vấn đề gây tranh cãi. Nếu làm Lô Gâm thì ngập mấy huyện có đồng ruộng lớn. Ở Việt Nam, nông nghiệp rất quan trọng, đất đai canh tác lại có hạn. Việc này chúng tôi thấm thía câu nói của đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khi đang làm thủy điện Thác Bà.
Câu nói đó là như thế nào, thưa ông?
- Lúc thủy điện Thác Bà tạm dừng để tránh Mỹ ném bom, nhân chuyến thăm Yên Bái, nguyên Tổng Bí thư gọi hai kỹ thuật lên, trong đó có tôi. Lúc đó tôi còn trẻ, tôi vừa ngạc nhiên vừa thấy lo lắng, vì sao không gọi lãnh đạo mà chỉ gọi hai anh kỹ thuật thôi. Khi gặp, Tổng Bí thư Lê Duẩn hỏi: Tại sao không chọn tuyến đập khác mà chọn tuyến đập Thác Bà. Mà lúc đó công trình xây dựng được 50% rồi. Chúng tôi cảm thấy "ngã ngửa", không biết nên trả lời thế nào.
Chúng tôi cũng biết là để ngập hết cả một vùng ruộng là đáng phê phán nhưng khó có thể dừng lại. Lúc đó Tổng Bí thư dặn một câu mà tôi nhớ mãi: Các đồng chí làm kỹ thuật, sau này tham gia các công trình nào cũng phải nghĩ tới nông dân. Ngập hết dân lấy cái gì để ăn. Phải hiểu hết được nông thôn - nông dân, phải hạn chế tối đa được việc ngập lụt. Câu nói đó ảnh hưởng rất lớn đến tôi sau này. Sau này với các công trình khác, tôi đều nghĩ tới câu nói đó.
Và khi ông tham gia góp sức của mình vào công trình thủy điện Hòa Bình thì việc đó được áp dụng ra sao?
- Quay trở lại câu hỏi của ông Trần Đăng Khoa, tôi tôn trọng ý kiến của giáo sư, nhưng mà chọn tuyến Lô Gâm thì gây ngập ruộng nhiều quá, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. Cách mạng của chúng ta bắt đầu, phát triển từ cơ sở sản xuất của nông thôn, nông dân.
Lúc về dự án này, tôi chỉ làm cán bộ kỹ thuật thôi. Cùng với tôi thì có hàng chục phó tiến sỹ làm việc ở ủy ban. Chúng tôi cùng nhau đi khảo sát thực địa, đo đạc, tính toán cẩn thận, chi li. Năm 1960, khi thành lập ủy ban, tôi chưa được về đó, đến năm 1971, sau khi xong dự án Thác Bà tôi mới về làm việc ở văn phòng ủy ban.
Liên Xô lúc đó đã giúp Việt Nam rất nhiều trong việc xây dựng thủy điện Hòa Bình. Họ lập luận chứng kinh tế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật, cung cấp thiết bị thi công và cử chuyên gia hướng dẫn. Còn việc đề xuất chọn tuyến là do Ủy ban sông Hồng. Nhiệm vụ chính của hồ chứa dự án là đảm bảo dung tích chống lũ với 5 tỷ m3, chống được con lũ lịch sử trên sông Hồng năm 1971. Qua nghiên cứu thấy rằng chỉ có tuyến đập Hòa Bình mới tạo được hồ lớn với dung tích chống lũ như thế. Chống được con lũ năm 1971 - đó là nhiệm vụ thiết kế hàng đầu của thủy điện Hòa Bình. Điện là quan trọng, nhưng trọng điểm là chống lũ. Bây giờ các bạn thấy không, đâu còn cảnh phải dắt vợ dắt con qua đê để tránh lũ hàng năm như trước nữa.
Nói thêm về dung tích chống lũ của các hồ chứa trên sông Hồng, sau khi làm dự án Hòa Bình, các nhà khoa học mới nghiên cứu sâu hơn. Đơn độc hồ Hòa Bình thì chỉ chống được con lũ 100 năm, tương tự đã xảy ra năm 1971. Để triệt để chống lũ thì phải chống được con lũ 500 năm.
Muốn vậy phải xây dựng thêm hồ Sơn La, nâng tổng dung tích chống lũ của 2 hồ là 7 tỷ m3 để điều tiết chống được con lũ 300 năm và trên hệ thống sông Lô xây dựng hồ Tuyên Quang có dung tích chống lũ 1 tỷ m3 và đưa hồ Thác Bà với dung tích chống lũ 1 tỷ m3 để tổng dung tích chống lũ của hệ thống sông Hồng 9 tỷ m3 và chống được con lũ 500 năm.
Hiện nay đang vận hành theo Quy trình điều tiết liên hồ chứa Hòa Bình - Sơn La - Lai Châu - Tuyên Quang - Thác Bà để chống được con lũ tương ứng quy mô 500 năm lặp lại một lần. Nên nếu ai đó nói thủy điện Hòa Bình chống được con lũ 500 năm là chưa chính xác.
Và như thế là rất oan khi một thời người ra nói thủy điện gây ra "lũ chồng lũ"?
- Thời điểm mưa nhiều, phía hạ lưu nước đang dâng ngập. Khi người ta thấy đang ngập rồi mà thủy điện lại xả nước ra thì người ta nghĩ "lũ chồng lũ". Nhưng thực tế chủ hồ đâu có quyền được xả lượng nước lớn hơn lưu lượng nước về hồ đâu. Nguyên tắc là như thế, đó là luật pháp. Nếu người ta thực hiện đúng, nghiêm thì không thể tạo thêm lũ được.
Những thủy điện lớn (trên 100 MW) đều có sự chỉ đạo trực tiếp của Nhà nước, có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan giám sát, thực hiện đúng quy trình.
Nếu có vấn đề này, vấn đề kia thì đó là ở khâu quy trình, làm đúng thì không có gì xảy ra cả. Nếu làm mà không có quản lý, làm ẩu, không tuân thủ theo điều kiện, quy định thì tất nhiên sẽ có hậu quả, sẽ gây tác động cho môi trường rất lớn.
"Có người nói thủy điện Hòa Bình mà vỡ thì xe tăng ở Phú Thọ sẽ... bay ra biển. Ông nghĩ sao về vấn đề an toàn hiện nay?
- Câu chuyện đó hơi phóng đại, nhưng giả sử có chuyện đập Hòa Bình bị vỡ thì vận tốc nước sông tại Phú Thọ không thể lớn để đẩy được chiếc xe tăng nặng hàng tấn ra biển được.
Nhưng câu hỏi là tại sao lại vỡ, nếu làm đúng quy trình kỹ thuật, xây dựng, giám sát chặt chẽ trong thi công thì làm sao có chuyện đó được. Các đập này đều có lắp đặt những thiết bị quan trắc thường xuyên, nếu thấy có vấn đề thì phải xử lý ngay, một trong các giải pháp là hạ mức nước hồ xuống.
Khi xây dựng đập thủy điện, thế giới bao giờ cũng tính toán các phương án để đề phòng thảm họa, phòng tránh thiệt hại, người ta tính hệ số an toàn đập rất cao.
Đập mà có vấn đề thì là do thi công ẩu, không thực hiện theo điều kiện kỹ thuật, không thực hiện nghiêm chỉnh việc giám sát, xử lý kịp thời khi thấy có vấn đề.
Quay trở về câu chuyện của hiện tại, với dự thảo Quy hoạch Điện 8, nhiều chuyên gia nhấn mạnh việc bổ sung phát triển thủy điện tích năng cao hơn, ông nghĩ sao?
- Đối với ngành điện bây giờ, yêu cầu đặt ra là phát triển xanh, đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Một trong những nguồn điện xanh đó là thủy điện, nhưng việc phát triển thêm không còn nhiều dư địa.
Theo tính toán, còn khoảng 3.000 MW thủy điện nhỏ trên các nhánh sông suối có thể tận dụng. Nhưng đối với hệ thống điện đã lên tới 80.000 - 90.000 MW, có khác gì "bỏ muối xuống biển"?
Vừa qua chúng ta đã phát triển rất nhanh điện mặt trời, điện gió với gần 30% công suất hệ thống - một tỷ trọng rất cao, nhưng loại năng lượng này có hạn chế đó là không ổn định. Khi mặt trời tắt thì làm thế nào? Muốn ổn định được phải có hệ thống ắc quy lớn. Lưu trữ năng lượng là công nghệ tất yếu, bắt buộc phải đồng hành với phát triển năng lượng tái tạo khi con người hạn chế xây dựng các nguồn năng lượng hóa thạch.
Nhưng làm được cái này hiện nay quá đắt, các nước rất phát triển mới làm được. Kể cả Việt Nam có làm được nhưng với chi phí rất lớn, thì người dân cũng không thể chi trả được, kinh tế hiện nay chưa đủ sức.
Để đảm bảo được việc vận hành hệ thống thì thủy điện, nhiệt điện phải có dự phòng công suất lắp đặt bù lại quãng thời gian điện mặt trời, gió không phát được. Điều hành hệ thống điện trong thời gian qua rất vất vả.
Vậy thì giải quyết bài toán này như thế nào? Hiện nay công suất dự phòng của hệ thống không còn nữa. Trước hết phải đẩy mạnh xây dựng các dự án thủy điện mở rộng (nơi có hồ chứa điều tiết dung tích lớn, đồng thời phát triển thủy điện tích năng. Vai trò phụ đỉnh, phụ tải của thủy điện tích năng, thủy điện mở rộng càng quan trọng và cấp thiết khi cơ cấu công suất nguồn điện gió, điện mặt trời tăng cao.
Vậy nhưng vì sao phát triển theo hướng này chưa được quan tâm nhiều trong dự thảo, thưa ông?
- Hiện chúng ta đang làm thủy điện tích năng Bắc Ái (Ninh Thuận) công suất 1.200 MW, tiến hành xây dựng thủy điện mở rộng công suất 480 MW và thủy điện mở rộng Yaly mở rộng công suất 360 MW. Thời gian xây dựng các dự án phải mất 3 - 5 năm. Với tốc độ phát triển rất nhanh của các dự án điện tái tạo đòi hỏi phải tăng số lượng thủy điện tích năng và thủy điện mở rộng. Để thực hiện yêu cầu này trước hết phải khẩn trương phê duyệt Quy hoạch Điện 8. Vì chưa có Quy hoạch thì dự án không được tiến hành. Đúng ra quy hoạch 8 cần phải duyệt trước năm 2021. Ngay sau khi có quy hoạch 8, cần chỉ đạo tổ chức thực hiện song song đồng loạt nhiều dự án thì mới tháo gỡ được sự mất cân đối về tỷ lệ công suất điện tái tạo trong hệ thống.
Một việc cần phải làm ngay là tiếp tục giải thích cho các lãnh đạo, cơ quan quản lý về vai trò của thủy điện mở rộng nhằm tăng công suất lắp đặt của dự án để phục vụ phụ đỉnh, phụ tải trong hệ thống điện. Từ đó khai thác hiệu quả nhất khối lượng của hồ chứa mà không gây ảnh hưởng đến nhu cầu nước phục vụ cho nông nghiệp và đảm bảo dòng chảy hạ lưu của sông. Chủ dự án phải thực hiện nghiêm chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa. Việc điều tiết lượng nước phục vụ cho các tổ máy mở rộng được thực hiện bằng cách giảm công suất chạy máy phủ "lưng" và phủ "đáy" của biểu đồ phụ tải nhằm giữ nước lại trong hồ chứa và sử dụng lượng nước đó nhằm phục vụ chạy các tổ máy lắp mở rộng vào thời điểm đỉnh của biểu đồ phụ tải.
Việc điều tiết hồ chứa để phát điện như vậy cho phép sử dụng hiệu quả nhất dung tích hồ chứa mà không gây ảnh hưởng gì đến lượng nước cho nông nghiệp và đảm bảo giao thông thủy, môi trường ở hạ lưu sông.
Không có khi nào ngành điện được thong thả. Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, còn nhiều việc phải làm. Có đủ điện là mừng, nhưng phải đảm bảo ổn định, chất lượng dòng điện để đáng mừng hơn.
Theo đánh giá Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Quy hoạch điện 8 chưa được phê duyệt dẫn đến nhiều dự án phát triển điện chưa thể triển khai, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm. Ông nghĩ sao?
- Việc chậm trễ gây ra nhiều khó khăn cho hệ thống truyền tải điện. Do điều kiện tự nhiên, điện gió và mặt trời tập trung ở phía Nam miền Trung và miền Nam mà thiếu điện lại tập trung ở miền Bắc. Vậy phải tăng cường truyền tải điện từ Nam ra Bắc mà việc này chưa có quy hoạch. Tôi cho rằng phải nâng năng lực truyền tải lên gấp nhiều lần.
Quy hoạch điện 8 sắp sửa duyệt này tính đến lưới điện truyền tải 500 KV Bắc - Nam 1 chiều, có các trạm chuyển đổi ở 2 đầu.
Tôi hy vọng Quy hoạch Điện 8 sẽ sớm được thông qua. Bởi chúng ta đã mất quá nhiều thời gian với quy hoạch này. Đáng lẽ, trước mắt với các dự án cần xây dựng gấp từ nay đến năm 2025 thì nên giải quyết trước. Cái gì tương đối đúng rồi phải cho làm trước chứ? Trước đây quy hoạch 6,7 đều làm như thế, cứ 5 năm hiệu chỉnh lại, chứ không thể làm quy hoạch cho 20 năm sau vẫn đúng tất được đâu.
Trước đây chúng tôi cũng làm như vậy. Dự án đủ điều kiện thì cho họ làm, đừng cầu kỳ quá, đừng bắt chờ, trong khi vấn đề năng lượng là cấp bách, quan trọng. Không có dự thảo nào hoàn hảo 100% được, 80-90% là tương đối hoàn hảo rồi.
Cán bộ sợ trách nhiệm là vấn đề lớn hiện nay. Thực sự rất cần những tư duy đổi mới, nhạy bén, dám nghĩ dám làm, quyết liệt. Nếu cứ tình hình như này thì có nguy cơ thiếu năng lượng. Phải quyết liệt thế nào để tránh nguy cơ này. Tôi nghĩ cán bộ không nên cái gì cũng sợ, phải dũng cảm và dám làm.
Nhớ lại công trình thủy điện Sơn La, theo quy định hiện hành sẽ phải mất 3 năm để lập và phê duyệt dự án, rồi sau đó mới chuẩn bị công trường: làm đường vào, san lấp mặt bằng, chuẩn bị điện nước... Lúc đó chúng tôi mạnh dạn đề nghị phải phân đợt thực hiện dự án. Khi quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đà đã được Quốc hội thông qua, tức là đã rõ quy mô và địa điểm xây dựng dự án, chúng tôi đề nghị cho thiết kế làm đường vào xây dựng cầu đoạn qua sông, chuẩn bị mặt bằng công trường...
Thời gian đó cơ quan thiết kế hoàn thành thiết kế, bố trí công trình chính, thiết kế dẫn dòng và chọn kết cấu đập, tức là hoàn thành thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 và phải mất thêm 2 năm nữa mới hoàn thành thử nghiệm và đấu thầu chọn thiết bị. Lúc đó chúng tôi đề nghị phân đoạn thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 trước để cho phép đào móng, xây dựng… (mất 2 năm) thì thiết kế kỹ thuật dự án mới xét duyệt xong. Nhờ những sáng kiến kiểu như vậy mà thủy điện Sơn La vượt kế hoạch đưa lại hiệu quả lớn.
Tôi nghĩ người Việt Nam mình có thể làm được nhiều kỳ tích, ngay cả trong thời bình. Vấn đề là phải quyết tâm và tạo cảm hứng cho họ.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
TheoDantri - Nội dung: Nguyễn Mạnh
Ảnh: Mạnh Quân
Thiết kế: Tuấn Huy