Chạy cho kịp mốc 30/6
Ông Thành - chủ một doanh nghiệp năng lượng tại Hà Nội, người có kinh nghiệm đầu tư làm thuỷ điện trước đây - khá tự tin khi quyết định rót vốn vào điện mặt trời cuối năm 2018. Các thủ tục tiến hành sau đó khá thuận lợi, dự án kịp bổ sung vào quy hoạch điện, ký được PPA (hợp đồng mua bán điện). Ông Thành cũng như nhiều chủ đầu tư khác đã ồ ạt đổ tiền vào điện mặt trời để mong được hưởng chính sách giá là 9,35 cent một kWh trong 20 năm, theo Quyết định 11/2017. Vấn đề là quyết định này chỉ có hiệu lực đến ngày 30/6/2019. Sau ngày này, giá điện mặt trời sẽ thấp hơn.
Một "cánh đồng" điện mặt trời tại Ninh Thuận được chủ đầu tư kịp đưa vào vận hành thương mại trước 30/6. Ảnh: Quỳnh Trần.
|
Vì thế, các dự án điện mặt trời khi ấy chạy đua trước mốc 30/6 tới mức, Trung tâm Điều độ hệ quốc gia (A0) cho biết, cuối tháng 6 họ phải lập tổ công tác đóng điện mặt trời, nhân lực chia 3 ca, 5 kíp để phối hợp liên tục giữa các trung tâm điều độ các miền. 5.000- 6.000 tin nhắn được A0 trao đổi với các chủ đầu tư điện mặt trời mỗi ngày, liên tục từ 6h đến 0h hôm sau. 3-4 nhà máy điện mặt trời được đóng điện mỗi ngày, để số này kịp vận hành trước ngày 30/6.
Số nhà máy đưa vào vận hành đồng loạt trong một thời gian ngắn là điều mà theo một lãnh đạo EVN thừa nhận, "chưa từng có trong lịch sử" ngành điện.
Số nhà máy điện mặt trời vận hành tăng lên nhanh chóng trong 3 tháng đầu năm 2019. (Click vào ảnh để xem thêm) Đồ hoạ: Tạ Lư.
|
Năm 2018, 3 nhà máy đóng điện thành công, con số này tăng lên gần 30 lần sau 6 tháng, tập trung rầm rộ vào tháng 4 và 6/2019, với công suất lắp đặt xấp xỉ 4.500 MW. Riêng tháng 6, tháng cuối cùng trước khi Quyết định 11 hết hiệu lực, có thêm 49 dự án vận hành.
Đồng loạt các nhà máy vận hành trong thời gian ngắn cũng kéo theo hệ luỵ quá tải lưới truyền tải một số khu vực, điển hình là Bình Thuận, Ninh Thuận. Điển hình Trục đường dây 110kV Tháp Chàm - Hậu Sanh - Tuy Phong - Phan Rí quá tải tới 260-360%... Các nhà máy năng lượng tái tạo ở các khu vực này phải giảm phát ở từng thời điểm để vận hành an toàn hệ thống.
Điện mặt trời là loại năng lượng mới, bổ sung thêm nguồn cho hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh thiếu nguồn cung, nhưng sản lượng chỉ chiếm khoảng 2% điện sản xuất từ đầu năm đến nay. Bình quân mỗi ngày sản lượng điện mặt trời huy động dao động 25-27 triệu kW.
'Phanh' gấp chờ chính sách giá, quy hoạch
Giai đoạn bùng nổ qua đi, sự trầm lắng trở lại trên các công trường dự án điện mặt trời lỡ hẹn với mốc 30/6. Theo số liệu cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ 1/7 đến nay chỉ có 2 dự án điện mặt trời hoàn tất điều kiện vận hành thương mại (COD), là Nhà máy Hacom Solar (40,3 MW) và Solar Park 01 (40 MW).
So với hơn 4.000 MW điện mặt trời được đưa vào hệ thống từ tháng 4 đến hết tháng 6/2019, đã có sự chững lại về số lượng. Hai lý do được các nhà đầu tư đưa ra, là chưa có giá mua điện mặt trời mới sau ngày 1/7 và "độ vênh" giữa quy hoạch nguồn và lưới điện truyền tải.
Thậm chí, có 39 dự án đã ký xong PPA, đang thi công dở dang nhưng "lên được lưới hay không thì phải chờ". Điều họ chờ đợi chính là cơ chế giá rõ ràng cho giai đoạn sau ngày 30/6 và đến giờ sau nửa năm vẫn chưa ngã ngũ.
Lượng lớn dự án vận hành cuối tháng 6 đã khiến các trạm biến áp, đường dây quá tải tại một số khu vực. Đồ hoạ: Tạ Lư
|
Một chuyên gia tư vấn cho các dự án năng lượng tái tạo cũng không khỏi sốt ruột. Ông kể, có dự án đã từng được thông báo đưa vào quy hoạch điện nhưng sau "bặt tăm" vì vướng Luật Quy hoạch mới có hiệu lực từ 1/1/2019. Với dự án năng lượng, lãi vay thường chiếm 60-70% vốn đầu tư. Với lãi suất phổ biến 10-11% một năm hiện nay, dự án dừng ngày nào, chủ đầu tư như ngồi trên đống lửa ngày đó.
"Nhà đầu tư vẫn bày tỏ mong muốn đi tới cùng dự án, nhưng gần một năm mọi thứ đều dừng vì chờ quy hoạch, chờ giá, không biết họ có thể trụ thêm được hay không", vị này chia sẻ.
Thực tế, từ tháng 6, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo giá điện mặt trời mới áp dụng sau ngày 30/6 với đề xuất chia 4 vùng giá theo mức bức xạ nhiệt. Sau nhiều góp ý, phương án đưa ra được "gút" lại còn 2 mức giá. Thế nhưng đây vẫn chưa phải kịch bản cuối cùng. Ở lần đề xuất sau đó, Bộ Công Thương lại chỉ chọn một mức giá cho tất cả vùng, 1.620 đồng một kWh, thấp hơn nhiều so với mức giá ưu đãi áp dụng trước tháng 7/2019. Rồi sau đó, Bộ Công Thương lại đổi phương án sau khi được Chính phủ yêu cầu hoàn thiện phương án đấu thầu điện mặt trời, tương tự cách Campuchia triển khai.
Đấu thầu không phải 'phép màu'
Theo tờ trình mới nhất Bộ Công Thương gửi Chính phủ, các dự án đã có hợp đồng mua bán điện và đang thi công dở dang như dự án của ông Thành tại Bình Phước, vẫn được áp dụng giá mua điện cố định (7,09 cent một kWh), thấp hơn nhiều giá 9,35 cent một kWh như trước ngày 30/6. Các dự án còn lại chưa thi công, kể cả đã được bổ sung quy hoạch sẽ phải thông qua đấu thầu giá điện.
Nhà chức trách đề xuất thí điểm đấu thầu trong năm 2020 với quy mô công suất 50-100 MW. EVN được đề nghị là đơn vị đầu mối xây dựng phương án và kế hoạch tổ chức đấu thầu theo Luật Đấu thầu, báo cáo Bộ xem xét và Thủ tướng phê duyệt trong quý I/2020.
"Đấu thầu điện mặt trời lúc này là chưa khả thi", ông Nguyễn Hữu Vinh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hà Đô Ninh Thuận đánh giá. Ông Vinh dẫn quy định Luật Đấu thầu, muốn đấu giá phải có mặt bằng đất sạch, và muốn vậy phải có quy hoạch. Kinh nghiệm các nước cho thấy, thời gian đấu thầu cũng mất 2 năm. Với quy trình đấu thầu như vậy, muốn dự án vào nhanh, có thêm nguồn cũng cực kỳ khó.
Chưa kể, đấu thầu để đảm bảo mục tiêu minh bạch, công khai là tốt, nhưng yêu cầu trước mắt là phải đủ điện.
"Hơn 10 tháng nay, tất cả quy hoạch đều bị dừng lại. Bao giờ có quy hoạch thì mới triển khai công tác giải phóng mặt bằng, có đất sạch bàn giao thì chủ đầu tư mới có cơ sở để thực hiện dự án mời thầu. Mà với thực tế lưới điện hiện nay sẽ không có nhiều dự án đấu thầu thành công, chưa nói các khó khăn pháp lý liên quan", ông Vinh nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ngọc – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển năng lượng Sơn Vũ cũng nói "chưa thể triển khai đấu thầu điện mặt trời lúc này".
Với Campuchia, để có được mức giá 3,877 cent một kWh (800-900 đồng) sau đấu giá, Nhà nước phải bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, làm đường dây truyền tải, trạm biến áp và dự án được vay hỗ trợ lãi suất thấp của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Còn với Việt Nam khi còn khó khăn về bàn giao đất sạch, hạ tầng lưới truyền tải chưa sẵn sàng tới "tận chân công trình"... cho chủ đầu tư, ông Ngọc nói, khó có thể phát điện thành công ở quy mô nghìn MW trong 2-3 năm tới qua đấu thầu.
Việc đưa ra một cơ chế thu hút mới, tránh tắc nghẽn cục bộ như vừa qua ông Ngọc cho rằng cần thiết, song "đấu thầu không phải là giải pháp duy nhất hãm phanh điện mặt trời".
Trước thực tế gần một năm không tiến triển trong triển khai dự án, một nhóm nhà đầu tư có dự án đầu tư dở dang vừa cùng ký tên vào văn bản gửi Thủ tướng, đề nghị được bổ sung dự án của mình vào quy hoạch điện. Họ cũng đề nghị cho phép các dự án nêu trên được áp dụng theo cơ chế giá mua điện FIT song song với việc hoàn thiện cơ chế và thí điểm việc đấu thầu. Các nhà đầu tư cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ cần sớm có cơ chế mới về điện mặt trời để khẳng định cam kết về sự an toàn, nhất quán và ổn định môi trường đầu tư kinh doanh.
Và trong lúc cơ chế giá mới cho điện mặt trời chưa ngã ngũ, ông Thành và các chủ đầu tư khác sẽ tiếp tục chờ. "Mọi việc cứ ách lại. Không có giá không làm gì được. Chúng tôi đang rất mông lung", ông Thành nói.
Anh Minh(TheoVNexpress)