Thứ Ba, tháng 12 17, 2024

'Chìa khóa' giúp Việt Nam phát triển điện hạt nhân

 

rao đổi với phóng viên TTXVN tại London về tình hình phát triển điện hạt nhân tại châu Âu, chuyên gia Bùi Nguyễn Hoàng, kỹ sư, điều phối thiết kế công trình, dự án EPR2 thuộc Tập đoàn điện lực Pháp (EDF), cho biết từ sau đại dịch COVID-19 và đặc biệt khủng hoảng khí đốt do xung đột tại Ukraine, nhiều nước châu Âu đã coi điện hạt nhân là nguồn năng lượng sạch giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng giá rẻ, đảm bảo an ninh năng lượng và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Chú thích ảnh
Ông Bùi Nguyễn Hoàng là kỹ sư xây dựng, điều phối thiết kế công trình, dự án EPR2 xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân tại Penly, Gravelines và Bugey của Tập đoàn điện lực Pháp (EDF). Ảnh: TTXVN phát

Sự ra đời của Liên minh châu Âu (EU) phát triển năng lượng hạt nhân vào tháng 2/2023 khẳng định chiến lược phát triển hạt nhân tại nhiều quốc gia châu Âu. Hiện nay, liên minh này bao gồm 12 thành viên chính thức trong tổng số 27 quốc gia thành viên EU ( Croatia,

Bulgaria, Séc, Phần Lan, Pháp, Hungary, Hà Lan, Romania, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha và Thụy Điển) và 2 quan sát viên (Bỉ, Italy).

Với Anh, trong Sách Trắng về phát triển năng lượng được xuất bản năm 2020, chính phủ nước này khẳng định vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lượng hạt nhân trong lộ trình đảm bảo phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hiện nay, Anh có 9 lò phản ứng hạt nhân đang vận hành với tổng công suất 6,5 GW. Trong năm 2023, điện hạt nhân chiếm 15% tổng sản lượng điện toàn Anh. Hai lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới EPR với tổng công suất 3,2 GW đang được xây dựng tại Hinkley Point (Somerset), dự kiến sẽ đi vào sử dụng năm 2029. Cơ quan An toàn hạt nhân Anh (ONR) đã cấp phép xây dựng 2 lò phản ứng EPR tiếp theo tại làng chài Sizewell (ở Suffolk) vào tháng 5/2024. Anh đặt mục tiêu phát triển năng lượng hạt nhân với tổng công suất là 24 GW đến năm 2050, đảm bảo cung cấp 25% nhu cầu điện trong nước.

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) năm 2021, các nước châu Âu và Anh tiên phong cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng điện, xu hướng điện hóa giao thông, vận tải và công nghiệp là tất yếu. Nhu cầu sử dụng điện sẽ càng tăng cao. Tại Anh, dự kiến nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng gấp 2 vào năm 2050 so với 2020. Vì vậy, Chính phủ Anh rất coi trọng việc phát triển điện hạt nhân, song song với phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất hydrogen sạch và công nghệ thu hồi và lưu trữ CO2.

Được coi là nguồn năng lượng sạch, điện hạt nhân đang đóng vai trò then chốt trong bảo vệ môi trường, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và điều này cũng được khẳng định trong tuyên bố chung của hơn 20 quốc gia tại Hội nghị thượng đỉnh COP 28. Trong tuyên bố chung này, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh và các quốc gia khác đã đặt mục tiêu phát triển và tăng gấp 3 công suất điện hạt nhân đến năm 2050.

Từ sau đại dịch COVID-19 và đặc biệt khủng hoảng khí đốt do xung đột tại Ukraine, việc đảm bảo an ninh năng lượng là vấn đề vô cùng quan trọng đối với các quốc gia EU. Các quốc gia thành viên liên minh này nhận thấy sự cần thiết tự chủ về năng lượng, giảm thiểu sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng giá rẻ. Nhiều nước đã có chính sách từ bỏ điện hạt nhân như Hà Lan, Thụy Điển, Bỉ, Italy tham gia Liên minh châu Âu phát triển năng lượng hạt nhân. Tại Pháp, tập đoàn điện lực Pháp (EDF) đang chuẩn bị xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân EPR2 tại 3 địa điểm gồm Penly, Gravelines và Bugey.

Liên quan đến việc Việt Nam tái khởi động dự án phát triển điện hạt nhân, kỹ sư Bùi Nguyễn Hoàng đánh giá Việt Nam đang có một số nền tảng thuận lợi cơ bản. Trước hết, nhiều nghiên cứu liên quan đến chiến lược phát triển, nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) xây dựng điện hạt nhân ở Việt Nam đã được thực hiện. Luật Năng lượng Nguyên tử được Quốc hội thông qua năm 2008 tạo cơ sở pháp lý cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân, cũng như các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Việt Nam cũng đã nghiên cứu, lựa chọn hai địa điểm quan trọng, đáp ứng đủ các điều kiên khắt khe cho xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận. Trong quá trình chuẩn bị dự án Ninh Thuận 1, công nghệ lò nước nhẹ cải tiến VVER-1200 (AES-2006) do Nga phát triển đã được nghiên cứu và lựa chọn.

Tuy nhiên, phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam cũng có một số thách thức không nhỏ, trong đó có vấn đề liên quan đến ngân sách đầu tư lớn, năng lực quản lý các dự án lớn đảm bảo xây dựng đúng tiến độ, kiểm soát chất lượng và chi phí, phát triển nguồn nhân lực…

Từng tham gia xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân tại Anh, kỹ sư Bùi Nguyễn Hoàng nhận định rằng kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân ở các nước tiên tiến, cũng như bài học từ các sự cố hạt nhân cho thấy vấn đề phát triển nguồn nhân lực và xây dựng văn hóa an toàn là một trong những yếu tố then chốt cho thành công của Việt Nam. Tại Pháp, để chuẩn bị cho dự án xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân, dự kiến sẽ cần đào tạo và tuyển dụng từ 10.000 đến 15.000 kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân trong nhiều ngành nghề khác nhau trong giai đoạn 2023-2030. Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, chuyên nghiệp và đặc biệt chú trọng trong việc xây dựng văn hóa an toàn. Một số nghề quan trọng như thợ hàn, công nhân chế tạo và lắp đặt đường ống… cần được đào tạo và thực hành để đảm bảo yêu cầu chất lượng khắt khe trong quá trình xây dựng.

Ông Bùi Nguyễn Hoàng là kỹ sư xây dựng, điều phối thiết kế công trình, dự án EPR2 của Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân tại Penly, Gravelines và Bugey. Ông từng tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C của EDF ở Bridgwater, vùng Somerset, Anh.

Phong Hà (TTXVN

0 nhận xét: