e

Thứ Bảy, tháng 11 30, 2024

Thứ Tư, tháng 11 27, 2024

Luật Điện lực (sửa đổi) cần giải quyết kịp thời, đồng bộ nhiều vấn đề

 Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) thời gian qua đã được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến, hoàn thiện và dự kiến sẽ trình Quốc hội biểu quyết thông qua trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Đây là Dự án Luật quan trọng, có tác động lớn đến nền kinh tế, đảm bảo cho các mục tiêu phát triển của đất nước cũng như an ninh năng lượng quốc gia. Các chuyên gia cho rằng, Dự án Luật cần xử lý kịp thời, đồng bộ nhiều vấn đề liên quan và cần sớm được thông qua.

Cấp thiết sửa đổi Luật Điện lực

Đường lối tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong thời gian tới đã được Đảng và Chính phủ xác định, trong đó có hai mục tiêu lớn là đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 và cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050. Từ đó thấy rằng, việc đảm bảo nhu cầu năng lượng cần thiết cho nền kinh tế và giữ vững an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời chuyển đổi mạnh mẽ sang sử dụng năng lượng phát thải carbon thấp, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, là điều kiện tiên quyết.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực điện lực, việc đầu tư các dự án điện mới đang gặp rất nhiều thách thức. Mấy năm qua có ít nhà máy nhiệt điện quy mô lớn mới được đưa vào vận hành, trong khi các dự án năng lượng tái tạo (mặt trời, gió…) trên đất liền sau thời gian phát triển nóng cũng bị chững lại vì nhiều nguyên nhân. Còn điện gió ngoài khơi (ĐGNK), mặc dù suốt những năm qua được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tìm cách triển khai, nghiên cứu lập dự án, xin chủ trương đầu tư,… khá rầm rộ nhưng đến nay chưa có kết quả đáng kể, thậm chí một số “ông lớn” nước ngoài nổi tiếng trong lĩnh vực này như Orsted, Equinor,… đã phải rút lui khỏi Việt Nam.

Chi phí LNG cần được phản ánh đầy đủ trong cơ cấu giá điện.

Quy hoạch điện VIII mặc dù được biên soạn, hoàn thiện công phu qua gần 4 năm và được nâng lên đặt xuống rất nhiều trước khi ban hành chính thức tháng 5/2023, nhưng đến nay mới sau khoảng một năm rưỡi cũng có thể sắp phải điều chỉnh vì gặp nhiều trở ngại khi triển khai thực hiện. Các chỉ tiêu quy hoạch quan trọng về điện khí/LNG và điện NLTT đến năm 2030 phải đạt được là 14.930 MW điện khí, 22.400 MW điện LNG, 6.000 MW ĐGNK rõ ràng là không khả thi.

Về tổng thể, với mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thì tốc độ tăng GDP hàng năm phải từ 7% trong vòng 20 năm tới, kéo theo nhu cầu điện năng phải tăng tương ứng. Đây là thách thức to lớn đòi hỏi cần có các cơ chế, chính sách hiệu quả để thu hút đầu tư cho ngành điện phát triển bền vững, đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng của đất nước. Nếu xảy ra tình trạng thiếu điện, dù là cục bộ chăng nữa, thì các mục tiêu chiến lược nêu trên sẽ rất khó trở thành hiện thực.

Bên cạnh đó, để từng bước thực hiện cam kết net zero carbon thì cần thiết phải tiến hành ngay việc từng bước giảm phát thải trong sản xuất điện, bởi lẽ nhiệt điện, nhất là điện than, chiếm tỷ trọng lớn trong phát thải CO2 của ngành công nghiệp. Là một quốc gia đang phát triển có thế mạnh về xuất khẩu, có độ mở kinh tế lớn, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quy định quốc tế ngày càng ngặt nghèo về ngưỡng hay “dấu ấn” các-bon (carbon footprint) trong hàng hóa xuất khẩu, thậm chí là bị áp thuế phát thải carbon trong tương lai gần, v.v… Đó thực sự là áp lực không nhỏ với chúng ta trong việc phải nhanh chóng thay đổi một cách căn bản cơ cấu sản xuất điện năng theo hướng giảm phát thải khí nhà kính.

Từ các nhận định trên, các chuyên gia cho rằng, nếu không có giải pháp kịp thời và đồng bộ về pháp luật, chính sách, cơ chế và tài chính,… sớm nhất có thể thì việc đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội theo những mục tiêu chiến lược mà Đảng và Chính phủ đã đề ra, đồng thời phù hợp với định hướng zero carbon toàn cầu mà Việt Nam đã cam kết tuân thủ sẽ gặp nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi Luật Điện lực là vấn đề thực sự cấp bách.

Tạo điều kiện để điện khí/LNG chạy nền

Phát triển điện khí để chạy nền đã được xác định rõ trong các chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh việc phát triển các dự án này đang gặp nhiều điểm nghẽn về cơ chế thì để phát triển các dự án điện khí/LNG đáp ứng yêu cầu đặt ra cần phải thể chế hóa các chính sách, đặc biệt là trong Luật Điện lực (sửa đổi).

Trong đó, đối với lĩnh vực phát điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước (domestic natural gas) thì nguyên tắc là phải hình thành chuỗi khí-điện đồng bộ từ phát triển mỏ khí, đường ống vận chuyển, hệ thống xử lý phân phối khí đến các nhà máy điện (NMĐ) chạy khí. Vấn đề sản xuất điện khí theo chuỗi này không có gì mới. Thực tế ở Việt Nam đến nay đã có hai chuỗi khí điện là PM3- Cà Mau và Cửu Long/Nam Côn Sơn - Đông Nam Bộ (Phú Mỹ - Nhơn Trạch) đã được đầu tư phát triển từ những năm 2000. Đến 2026-2027 sẽ có thêm chuỗi khí điện Lô B – Ô Môn hiện đang được đầu tư xây dựng và trong tương lai có thể có thêm chuỗi khí – điện miền Trung, gắn với các mỏ khí Cá Voi Xanh (Quảng Nam) và Kèn Bầu (Quảng Trị).

Do đó, việc làm rõ về mặt pháp lý với chuỗi khí - điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước tại Luật Điện lực (sửa đổi) là cần thiết và đúng quy luật khách quan, tạo điều kiện phát triển đồng bộ và hiệu quả. Thực tế hiện nay, việc huy động sản lượng của các NMĐ chạy khí không ổn định không chỉ ảnh hưởng đến các NMĐ khí mà ảnh hưởng đến cả chuỗi, trong đó có sản xuất khí ở phần thượng nguồn. Do đó, hiệu quả điện khí không thể tách riêng các NMĐ mà phải đồng bộ trong cả chuỗi.

Liên quan đến phát điện dùng LNG nhập khẩu, kinh nghiệm quốc tế, cũng như các nghiên cứu, đánh giá trong nước đều khẳng định rằng, phát điện LNG là tất yếu với Việt Nam, ít nhất là để thay cho các dự án điện than chưa được đầu tư trong các quy hoạch trước đây. Nói là tất yếu bởi nguồn khí thiên nhiên trong nước ngày càng suy giảm, cạn kiệt không đủ đáp ứng nhu cầu phát điện, mặt khác phải tăng hơn nữa công suất điện khí trong những năm tới thay cho điện than để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, vì điện LNG phát thải CO2 thấp hơn hơn đáng kể (khoảng 45%) so với điện than cùng công suất, chưa kể việc không phát sinh nguồn ô nhiễm khác như lưu huỳnh SO2 hay tro xỉ.

Đây cũng là giai đoạn mang tính quy luật đối với các nước trong quá trình từ nước nghèo, đang phát triển lên thành các nước phát triển có thu nhập cao, trước khi năng lượng tái tạo và năng lượng xanh có thể thay thế năng lượng hóa thạch. Có thể thấy các nước phát triển trong khu vực, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore đa phần cho đến 100% nhiệt điện là từ nguồn LNG và khí thiên nhiên.

Ở khu vực các nước ASEAN, có thể lấy ví dụ Thái Lan, một nước có nền kinh tế phát triển hơn và đi trước chúng ta nhưng quy mô không quá khác biệt. Đến nay Thái Lan đã có 2 kho cảng LNG Terminal lớn là Map Ta Put (5 triệu tấn LNG/năm) và Nong Fab (7,5 triệu tấn LNG/năm). Thái Lan đã từng bước nhập khẩu LNG trộn với khí thiên nhiên trong nước để phát điện, bù đắp cho nguồn khí thiên nhiên nội địa bị thiếu hụt, qua đó đáp ứng nhu cầu điện năng mà không làm giá điện tăng quá đột ngột. Năm 2023 Thái Lan đã tiêu thụ tới 11,55 triệu tấn LNG, chủ yếu dùng để phát điện. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024 Thái Lan đã nhập khẩu 1,75 triệu tấn LNG, ghi nhận mức tăng tới 27,6% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, đến nay Việt Nam hiện mới chỉ vận hành thương mại duy nhất một kho cảng LNG Terminal Thị Vải với công suất khiêm tốn là 1 triệu tấn LNG/năm. Hiện tại chủ đầu tư là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) vẫn đang chật vật tìm cách kinh doanh LNG sao cho hiệu quả, trong bối cảnh thị trường LNG trong nước đang còn ở giai đoạn sơ khai.

Nói như vậy để thấy rằng, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan trong việc từng bước đưa LNG nhập khẩu vào cơ cấu năng lượng quốc gia. Trình độ phát triển và thu nhập của họ không phải quá chênh lệch so với Việt Nam, nhưng họ đã đi trước khá xa, hiện đã tiêu thụ tới hơn 10 triệu tấn LNG/năm và nền kinh tế của họ vẫn chịu được và phát triển bình thường, chứng tỏ LNG không phải là thứ nhiên liệu nhập khẩu xa xỉ quá đắt đỏ không phù hợp với các nước đang phát triển như một số ý kiến có đề cập. Vấn đề là cách làm, là hệ thống chính sách, là khung pháp lý phù hợp để từng bước thay đổi cơ cấu năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế và mục tiêu tất yếu về giảm phát thải các-bon như đã nêu trên.

Các vướng mắc liên quan đến phát điện LNG đã được trao đổi rộng rãi suốt mấy năm qua trên tất cả các khía cạnh của vấn đề và một số nội dung chủ yếu liên quan cũng được cập nhật trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Cần tạo ra một hành lang pháp lý và cơ chế đủ rõ ràng và đủ mạnh để phát triển điện LNG đạt được mục tiêu đề ra trong QH điện VIII.

Luật Điện lực (sửa đổi) lần này chỉ nên nêu một số chủ trương, nguyên tắc, định hướng phát triển điện gió ngoài khơi.

Về vấn đề trên có 2 nội dung cụ thể cần luật hóa. Thứ nhất, là nguyên tắc thị trường đối với LNG (giống như với xăng dầu hay than nhập khẩu), chi phí LNG cần được phản ánh đầy đủ trong cơ cấu giá điện. Vì LNG là hàng nhập khẩu nên không có cách gì chúng ta không dùng nguyên tắc thị trường ở đây cả.

Thứ hai, để đảm bảo an ninh năng lượng và an toàn vận hành điều độ lưới điện, đề nghị quy định một số NMĐ LNG mang tính chiến lược sẽ được vận hành tải nền và không tham gia thị trường điện, giống như một số nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu (SMHP) hiện nay (Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang,…). Điều này có thể được bổ sung vào Khoản 8, Điều 5 Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) hoặc văn bản pháp lý khác phù hợp. Trên cơ sở đó, cấp thẩm quyền sẽ ban hành các quy định cụ thể liên quan cho các NMĐ LNG đa mục tiêu, ví dụ tương tự như Thông tư 26/2017/TT-BCT đối với các nhà máy thủy điện đa mục tiêu.

Công suất, vị trí địa lý và chủ đầu tư của các NMĐ LNG chiến lược này sẽ được Chính phủ và Bộ Công Thương xác định cụ thể. Theo tôi đánh giá, có thể quy hoạch đầu tư 10-12 nghìn MW điện LNG chạy nền cho đến 2035, phân bổ ở 3 miền. Việc thu xếp vốn đầu tư các NMĐ LNG chiến lược này sẽ thuận lợi do chạy nền và có bao tiêu sản lượng cụ thể trong toàn bộ đời sống kinh tế dự án. Như vậy có thể đảm bảo việc tăng công suất điện LNG theo để từng bước chạy nền thay cho điện than, phù hợp với định hướng đã xác định.

Mặt khác, chúng ta cũng nên xem xét áp dụng kinh nghiệm các nước đi trước trong lĩnh vực này, như Thái Lan, cụ thể là tăng dần nhập khẩu LNG và trộn với khí tự nhiên trong nước để giải quyết việc thiếu khí nhiên liệu phát điện, tạo thị trường khí minh bạch bình đẳng hơn và từng bước tăng tỷ trọng LNG trong cơ cấu năng lượng quốc gia mà không gây sốc cho nền kinh tế.

Xây dựng chủ trương, nguyên tắc, định hướng phát triển điện gió ngoài khơi

Với điện gió ngoài khơi (ĐGNK), Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng to lớn. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, giá thành sản xuất ĐGNK ngày càng giảm và có khả năng cạnh tranh với điện LNG trong thời gian tới. Việc phát triển nhanh và bền vững điện gió ở quy mô lớn là yêu cầu cấp bách để sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo vô tận này, qua đó tăng tỷ trọng năng lượng sạch và giảm phát thải ròng carbon ở nước ta.

Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam. Việc xây dựng hành lang pháp lý cho triển khai thực hiện đóng vai trò quan trọng. Đây cũng là vấn đề được đưa vào Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) lần này.

Các nội dung liên quan đến ĐGNK được quy định trong Chương III, Mục 2, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) và đã được biên soạn, góp ý hoàn thiện khá chi tiết, công phu. Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực hoàn toàn mới chưa có thực tế kiểm chứng và chưa được quy định cụ thể trong Luật Điện lực hiện hành, vì vậy các chuyên gia cho rằng không nên đưa ngay lĩnh vực ĐGNK vào Luật Điện lực (sửa đổi) lần này vì chưa có tiền lệ và thực tiễn liên quan. Giải pháp phù hợp có thể là Luật Điện lực (sửa đổi) lần này chỉ nên nêu một số chủ trương, nguyên tắc, định hướng phát triển điện gió ngoài khơi, còn các nội dung chi tiết như trong Chương III, Mục 2 của dự thảo nên tách ra đưa vào một Nghị định của Chính phủ về phát triển thí điểm ĐGNK thì sẽ phù hợp hơn. Sau khi có thực tế triển khai ĐGNK mới tổng kết thực tiễn đưa vào Luật, vì nếu đưa ngay vào Luật trong quá trình thực hiện thực tế sắp tới sẽ có thể phát sinh nhiều vướng mắc cần tháo gỡ và khó có thể sửa đổi kịp thời nếu đã được luật định.

TheoVietq.vn

Đẹp mê mẩn cánh đồng điện gió Đắk Đoa đưa du khách "lạc trôi", ngỡ như đang ở đất nước Hà Lan

 Cánh đồng điện gió Đắk Đoa mang vẻ đẹp lãng mạn và mộng mơ, được ví như “viên ngọc” thiên nhiên đầy thơ mộng ẩn mình trong lòng Tây Nguyên hùng vĩ. Nơi đây trở thành "điểm check-in không thể bỏ qua" khi du khách đến thăm vùng đất đại ngàn.

 Bình luận 2

Nằm tại phía Bắc Tây Nguyên, Gia Lai nổi tiếng với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, ẩm thực đặc sắc và các lễ hội địa phương đầy sắc màu. Đặc biệt, thời tiết đặc trưng của Gia Lai mang đến sự đa dạng và rực rỡ cho cảnh sắc thiên nhiên suốt 4 mùa trong năm. Thoạt nhìn thì có vẻ đây là một tọa độ ít điểm du lịch nhưng hóa ra lại nhiều không tưởng.

Cánh đồng điện gió sừng sững trên đồi chè như đưa du khách "lạc trôi", ngỡ đang ở đất nước Hà Lan - Ảnh 1.

Khung cảnh thiên nhiên nơi đây cực lãng mạn với những chiếc quạt gió hay ho - mà trước đây chỉ được thấy trên phim. (Ảnh: Crystal Bay Life)

Nhắc đến vùng đất Gia Lai, ắt hẳn ai cũng sẽ nhớ ngay đến những hình ảnh núi rừng, sông suối với vẻ đẹp hùng vĩ đậm chất vùng Tây Nguyên Việt Nam như Thác H’Mun. Vì vậy mà cánh đồng điện gió Đắk Đoa trở nên nổi bật khi có một nét đẹp rất dịu dàng, rất phương Tây.

Đi du lịch Gia Lai mùa nào đẹp nhất?: Chiêm ngưỡng những trụ turbine gió khổng lồ với ba cánh quạt như những cánh tay của người khổng lồ vươn cao giữa bầu trời

Cánh đồng điện gió sừng sững trên đồi chè như đưa du khách "lạc trôi", ngỡ đang ở đất nước Hà Lan - Ảnh 2.

Giữa màu xanh của cánh đồng mênh mông và bầu trời rộng lớn lại điểm xuyết sắc trắng của những tuabin gió đã tạo nên một cánh đồng điện gió Đắk Đoa rất hiện đại nhưng cũng rất thơ. (Ảnh: Crystal Bay Life)

Cánh đồng điện gió Gia Lai thuộc huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai là công trình của nhà máy điện gió Ia Pếch – Đắk Đoa 1 do Công ty Cổ phần phong điện Ia Pếch – Đắk Đoa 1 đầu tư vào. Sau khi được triển khai đầu năm 2021, hiện nay, cánh đồng được bao phủ bởi nhiều tua bin gió với cánh quạt luôn quay đều giữa bầu trời xanh. Một trong những điểm đến mới lạ của Gia Lai - cánh đồng điện gió, đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ bởi nét đẹp đơn sơ nhưng cũng đầy sự thơ mộng.

Với phông nền là những turbine "khổng lồ", các bức ảnh được chụp tại đây chẳng khác gì khung cảnh đâu đó thuộc vùng ngoại ô Châu Âu.

Theo kinh nghiệm của những "tín đồ xê dịch" đi trước thì con đường dẫn đến cánh đồng quạt gió hơi bị "xịn xò". Những hàng cỏ đuôi chồn rợp hai bên đường, phía xa xa là những trụ quạt gió to khổng lồ sừng sững giữa trời. Gam màu cam - trắng pastel chủ đạo của những trụ quạt gió nổi bần bật giữa nền trời xanh tạo nên một khung hình rất nghệ thuật mà vẫn đậm chất Tây Nguyên.

Cánh đồng điện gió sừng sững trên đồi chè như đưa du khách "lạc trôi", ngỡ đang ở đất nước Hà Lan - Ảnh 3.

Cánh đồng điện gió Gia Lai đã điểm tô thêm vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng của miền đất này. (Ảnh: Crystal Bay Life)

Khi những trụ turbine kết hợp cùng gam màu trắng tinh và ánh nắng chiếu nhuộm vàng bầu trời sẽ đưa du khách ngỡ như lạc trôi vào xứ sở ở châu Âu. Từ cánh đồng quạt gió nhìn xa xa là núi đồi điệp trùng hùng vĩ, tất cả tạo nên không gian mê hoặc trong truyện cổ tích.

Cánh đồng điện gió Gia Lai không chỉ là một điểm đến hấp dẫn cho những tín đồ yêu thiên nhiên, mà còn là một biểu tượng của sự bền bỉ và cố gắng của con người trong việc tận dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả và bền vững.

Không chỉ mang đến nguồn năng lượng sạch, cánh đồng điện gió sừng sững trên đồi chè, cà phê mênh mông ở Gia Lai đưa du khách lạc trôi ngỡ như đang ở đất nước Hà Lan với những cối xay gió trong tiểu thuyết Don Quixote của nhà văn Cervantes.

Đi du lịch Gia Lai mùa nào đẹp nhất?: Ngắm bình minh và hoàng hôn thơ mộng ở cánh đồng điện gió Đắk Đoa

Cánh đồng điện gió sừng sững trên đồi chè như đưa du khách "lạc trôi", ngỡ đang ở đất nước Hà Lan - Ảnh 4.

Đến đây, du khách sẽ được ngắm nhìn mặt trời dần cao lên giữa cánh đồng ngút ngàn và cảm nhận ánh nắng dần dần tắt lụi đi sau những ngọn cỏ đuôi chồn kết thúc một ngày dài, mang lại một cảm xúc rất khác lạ. (Ảnh: Crystal Bay Life)

Với không gian mới lạ như này, không quá khó hiểu khi cánh đồng điện gió Đắk Đoa, Gia Lai nhanh chóng gây bão trong cộng đồng mạng. Các "tín đồ xê dịch" nên check-in vào buổi sáng sớm hoặc chiều, tiết trời sẽ dễ chịu hơn cho việc thoải mái tạo dáng.

Lướt qua nhiều bức ảnh sống ảo trên Instagram, du khách dễ dàng bắt gặp rất nhiều tấm chụp từ dưới lên "siêu đẹp". Góc máy này đảm bảo tiêu chí chỉ thấy mỗi model và cánh quạt gió khổng lồ làm nhân vật trung tâm, kết hợp với phông nền trời xanh ảo diệu.

Cánh đồng điện gió sừng sững trên đồi chè như đưa du khách "lạc trôi", ngỡ đang ở đất nước Hà Lan - Ảnh 5.

Có dịp đi ngang qua đây, du khách chỉ cần mang theo máy ảnh và một "tay bấm máy" có tâm thì sẽ sở hữu trong tay những chiếc ảnh đẹp "siêu Tây" giữa núi rừng Tây Nguyên. (Ảnh: MiA)

Khi đến cánh đồng điện gió Đắk Đoa, du khách sẽ được đắm chìm vào không gian thơ mộng, đặc biệt là khi hoàng hôn buông xuống. Ngắm nhìn mặt trời dần cao lên từ cánh đồng ngút ngàn và cảm nhận ánh nắng dần tắt đi sau những ngọn cỏ đuôi chồn sẽ mang lại một cảm xúc rất đặc biệt. Đây chắc chắn sẽ là trải nghiệm đáng nhớ mà các "tín đồ xê dịch" nên thử một lần trong đời.

Sáng sớm và chiều tà là thời điểm thích hợp nhất để đến đây chụp ảnh, đặc biệt vào những buổi chiều chiều mát mẻ, cánh đồng quạt gió là địa điểm du lịch Gia Lai để tụ họp vui chơi, picnic của các bạn trẻ.

Khi bước chân vào cánh đồng, du khách sẽ cảm nhận được sự tĩnh lặng và thanh bình vô tận. Tiếng gió thổi qua nhè nhẹ, lướt qua những cánh quạt, tạo nên giai điệu êm đềm và dịu dàng. Bầu không khí trong lành cùng hương thơm của đồng xanh ngọt ngào làm say đắm lòng người, khiến bất cứ ai cũng muốn lắng nghe và hòa mình vào những âm điệu ấy.

Cánh đồng điện gió sừng sững trên đồi chè như đưa du khách "lạc trôi", ngỡ đang ở đất nước Hà Lan - Ảnh 6.

Những cánh quạt xoay vòng, nhịp nhàng như những điệu nhảy của đồng quê đã tạo nên không gian thanh bình và ấm áp, giúp chạm vào tâm hồn chân thật của quê hương. (Ảnh: Crystal Bay Life)

Đôi lúc, một vài cánh quạt gió chậm rãi xoay vòng, như những động tác nhảy múa đơn giản, nhưng lại mang trong mình vẻ đẹp mê hoặc khó quên. Ánh nắng vàng rực rỡ lấp lánh trên những cánh quạt, tạo nên một khung cảnh thơ mộng và bình yên.

Tiết trời chớm đông, từng vạt hoa cỏ bung nở giữa nắng gió mênh mang càng tô thêm vẻ đẹp cho thiên nhiên, thu hút, gọi mời bao tâm hồn đam mê "xê dịch". Cánh đồng quạt gió chầm chậm quay trong nắng chiều hoàng hôn mở ra không gian gió trời lồng để rồi muộn phiền thường ngày cứ thế mà bay đi.

Hoàng hôn đã hòa vào màu đất, màu của gốc thông già, màu của đất đỏ để cùng nhau quấn quanh, quấn quanh núi đồi. Giữa không gian bạt ngàn, thênh thang, trong không trung tự do mây ngàn, cánh đồng điện gió Gia Lai sẽ thôi miên, xoa dịu tâm hồn cho những ai sau mỗi lần đặt chân đến mảnh đất này

TheoDanviet

Hòa lưới thành công tổ máy 1 công trình thủy điện Ialy mở rộng

 Vào lúc 4h38 ngày 26/11/2024, tổ máy 1 (công suất 180MW) của công trình Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng đã hoà điện thành công vào lưới điện quốc gia chỉ sau gần 3 năm triển khai dự án Nhà máy Thuỷ điện Ialy mở rộng. Hiện tổ máy 2 đã hoàn thành 99% khối lượng công việc lắp đặt thiết bị, phấn đấu hòa lưới trước ngày 21/12 để chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024).

ảnh tin evn
Tổ máy 1 công trình Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng đã hòa điện thành công vào lưới điện quốc gia.

Công trình Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng có công suất thiết kế 360MW, gồm 2 tổ máy do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Ban Quản lý dự án Điện 2 (EVNPMB2) là đơn vị được EVN giao đại diện chủ đầu tư để triển khai thực hiện dự án. Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1 tư vấn lập thiết kế các giai đoạn. Tư vấn giám sát phần xây dựng do EVNPMB2 tự giám sát. Công ty Thủy điện Ialy và Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN tư vấn lắp đặt thiết bị.

Công trình khi đi vào hoạt động sẽ tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, đặc biệt là trong các giờ cao điểm; góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn…), qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống; công trình cũng góp phần giảm chi phí nhiên liệu hàng năm, giảm phát thải CO2 và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch...

TheoDaidoanket

Thứ Ba, tháng 11 26, 2024

Các cường quốc xây dựng mô hình điện hạt nhân như thế nào?

 

Điện hạt nhân là công nghệ năng lượng đã có từ lâu, và được nhiều quốc gia phát triển sử dụng, nhằm giải quyết về vấn đề năng lượng đặc biệt cấp thiết.

Các cường quốc xây dựng mô hình điện hạt nhân như thế nào?

Ngày 25/11, theo thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

Việc này nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và phát triển bền vững đất nước.

Điện hạt nhân là công nghệ năng lượng đã có từ lâu, và được nhiều quốc gia phát triển sử dụng, nhằm giải quyết về vấn đề năng lượng đặc biệt cấp thiết.

Dẫu vậy, năng lượng hạt nhân còn tồn tại một số nhược điểm, và cần sự lưu tâm đặc biệt tới việc nâng cao an toàn trong khai thác, sử dụng và hợp tác quốc tế.

Ưu điểm và nhược điểm của điện hạt nhân

Các cường quốc xây dựng mô hình điện hạt nhân như thế nào? - 1

Mô hình cơ bản của một nhà máy điện hạt nhân (Ảnh: Aydemperakende).

Về cơ bản, năng lượng hạt nhân là "đòn bẩy" được tạo ra bởi các lò phản ứng hạt nhân, thông qua việc giải phóng năng lượng của chúng để tạo ra nhiệt. Sau đó, lượng nhiệt này được sử dụng trong các tua bin hơi nước để tạo ra điện trong các nhà máy điện.

So với than, khí đốt và các dạng nhà máy phát điện khác, điện hạt nhân cung cấp lượng khí thải nhà kính thấp nhất.

Theo Viện Năng lượng Hạt nhân (NEI), các hạt nhân nguyên tử tạo ra nhiều năng lượng không khí sạch hơn bất kỳ nguồn năng lượng nào, và chịu trách nhiệm sản xuất 62% tổng lượng điện không phát thải tại Mỹ.

Ưu điểm khác của điện hạt nhân là một khi đã đi vào hoạt động, điện do lò phản ứng nhà máy điện hạt nhân tạo ra rẻ hơn nhiều so với than, khí đốt hoặc bất kỳ nhà máy nhiên liệu hóa thạch nào khác.

Trong đó, hầu như toàn bộ chi phí đều là chi phí trả trước (chi phí xây dựng), và việc bảo trì nhà máy cũng không tốn quá nhiều công sức.

Yếu tố này kết hợp với vòng đời tương đối cao của các nhà máy điện hạt nhân (khoảng 40-60 năm), tạo ra thuận lợi cho các quốc gia trong việc đưa mô hình điện hạt nhân vào triển khai.

Các cường quốc xây dựng mô hình điện hạt nhân như thế nào? - 2

Thường xuất hiện với hình ảnh các ống xả đang phun khói lên bầu trời, nhưng công nghệ điện hạt nhân được xem là khá thân thiện với môi trường (Ảnh: Getty).

Không giống như các nguồn năng lượng tái tạo khác, tiêu biểu như gió và mặt trời, vốn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, năng lượng hạt nhân không có những hạn chế như vậy. Trái lại, mô hình này không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khí hậu, và vẫn cho ra sản lượng năng lượng ổn định ngay cả trong thời điểm xảy ra thiên tai.

Nhược điểm lớn nhất của điện hạt nhân là chi phí xây dựng ban đầu rất lớn, và có thể tốn 5-10 năm.

Bên cạnh đó là nguy cơ xảy ra tai nạn. Chernobyl (Liên bang Xô Viết), Three Mile Island (Mỹ) hay Fukushima Daiichi (Nhật) là những thảm họa hạt nhân mà không một quốc gia nào muốn gặp phải.

Tuy nhiên, tai nạn vẫn xảy ra. Trong tất cả các sự cố hạt nhân lớn kể trên, lỗi của con người hoặc thảm họa thiên nhiên đã dẫn đến sự sụp đổ của các nhà máy điện.

Chất thải phóng xạ và tác động đến môi trường là một trong những điểm khác cần lưu tâm khi nói về điện hạt nhân.

Chất thải phóng xạ tạo ra bởi quá trình sản xuất điện dù có số lượng nhỏ, nhưng được xem là nguy hiểm. Bởi lẽ đó, chất thải phải được lưu trữ an toàn để không gây ô nhiễm môi trường.

Các nước phát triển ứng dụng điện hạt nhân ra sao?

Các cường quốc xây dựng mô hình điện hạt nhân như thế nào? - 3

Nhà máy điện hạt nhân đã được xây dựng tại 31 quốc gia trên toàn thế giới. Trong đó, 2/3 các lò phản ứng hạt nhân được xây dựng tại Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.

Dẫu vậy, Mỹ mới là quốc gia sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới, khi chiếm khoảng 30% sản lượng điện hạt nhân toàn cầu, theo số liệu từ World-nuclear.org.

Các lò phản ứng hạt nhân của nước này sản xuất được 772 TWh vào năm 2022, chiếm 18% tổng sản lượng điện.

Hầu như toàn bộ công suất phát điện hạt nhân của Mỹ đều đến từ các lò phản ứng được xây dựng từ năm 1967 đến năm 1990, và không có công trình xây dựng mới nào được khởi công kể từ năm 1977.

Nguyên nhân là bởi nguồn sản xuất khí đốt được coi là hấp dẫn hơn về mặt kinh tế và những lo ngại về an toàn gia tăng sau vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island năm 1979.

Mặc dù gần như đã ngừng xây mới trong hơn 30 năm, nhưng sự phụ thuộc của Mỹ vào năng lượng hạt nhân vẫn tăng lên từng năm.

Cụ thể, vào năm 1980, các nhà máy điện hạt nhân tại Mỹ sản xuất 251 TWh điện, chiếm 11% sản lượng điện của cả nước. Đến năm 2019, sản lượng đó đã tăng lên 809 TWh, chiếm hơn 30% sản lượng điện được tạo ra từ năng lượng hạt nhân trên toàn thế giới.

Trung Quốc, nước đứng thứ 2 về điện hạt nhân lại có cách tiếp cận khác, khi động lực phát triển năng lượng hạt nhân ngày càng tăng do ô nhiễm không khí từ các nhà máy nhiệt điện than.

Các cường quốc xây dựng mô hình điện hạt nhân như thế nào? - 4

Sản lượng điện hạt nhân theo quốc gia năm 2023 (Nguồn: Hiệp hội hạt nhân thế giới, IAEA PRIS).

Trung Quốc đặt tiêu chí "vươn ra toàn cầu" bằng cách xuất khẩu công nghệ hạt nhân, nhờ lợi thế lớn từ chuỗi cung ứng hạt nhân và chu trình khép kín.

Theo World-nuclear.org, Trung Quốc đã tự chủ phần lớn trong việc thiết kế và xây dựng lò phản ứng, nhưng vẫn tận dụng tối đa công nghệ phương Tây, kết hợp cải tiến quy trình.

Hiện tại, có 30 lò phản ứng đang trong quá trình xây dựng tại Trung Quốc, và nước này được cho là sẽ vượt Mỹ về sản lượng điện hạt nhân trong tương lai gần.

Pháp, nước xếp thứ 3 về sản lượng điện hạt nhân, lại có lợi thế khi là nước xuất khẩu điện ròng lớn nhất thế giới do chi phí sản xuất điện rất thấp và thu được hơn 3 tỷ euro mỗi năm từ việc này.

Hiện, Pháp sản xuất khoảng 70% điện năng từ năng lượng hạt nhân nhờ chính sách lâu dài dựa trên an ninh năng lượng, đồng thời rất tích cực trong việc phát triển công nghệ hạt nhân.

Lò phản ứng và đặc biệt là các sản phẩm hay dịch vụ nhiên liệu là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Pháp.

Vào tháng 2/2022, Pháp công bố kế hoạch xây dựng 6 lò phản ứng mới và đang xem xét xây dựng thêm 8 lò phản ứng nữa.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho biết xu thế của thế giới đang quay lại điện hạt nhân để chống biến đổi khí hậu, cân bằng phát thải CO2.

"Xu hướng hiện nay của nhiều nước là điện hạt nhân cùng điện tái tạo. Trong đó, điện hạt nhân là nền tảng tốt để phát triển điện tái tạo vì hệ thống điện cần có nguồn điện ổn định để đảm bảo hệ thống vận hành tin cậy", vị chuyên gia phân tích.

TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết nhiều quốc gia như Nga đã bắt đầu chuyển từ điện hạt nhân quy mô lớn sang làm điện hạt nhân quy mô, công suất nhỏ có giá thành thấp hơn.

Điều kiện thuận lợi của năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô-đun nhỏ là chi phí thấp, thời gian xây dựng ngắn, phù hợp với điều kiện của đa số các quốc gia, và sớm đáp ứng nhu cầu về cung cấp điện.

TheoDantri